Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 9 tháng 3 năm 2018 | 16:10

Việt Nam cần 200 triệu tấn phân bón hữu cơ để làm nông nghiệp sạch

Đây là con số được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đưa ra tại Hội nghị “Phát triển phân bón hữu cơ” do Bộ tổ chức vào sáng ngày 9/3, tại Hà Nội.

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất, kinh doanh và sử dụng là 713 sản phẩm, chiếm 5% so với tổng số sản phẩm phân bón (14.318 sản phẩm), còn lại 93,7% là các loại phân bón vô cơ và 1,3% là phân bón sinh học.  Như vậy, số lượng sản phẩm phân bón đang được sản xuất, kinh doanh, sử dụng trong nước thuộc loại phân bón vô cơ đã gấp hơn 19 lần số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ.

hn-phan-bon-huu-co.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo hội nghị. 

Ông Hoàng Trung chia sẻ, với con số hiện nay chỉ có 713 sản phẩm phân bón hữu cơ trên tổng số 180 DN được cấp giấy phép sản xuất, nếu tính hết công suất thiết kế cũng chỉ 2,5 triệu tấn, là con số nhỏ bé và khiêm tốn so với ngành phân bón trị giá hàng tỉ USD của Việt Nam. Trong khi đó, nói đến nông nghiệp hữu cơ thì một trong những nguyên liệu đầu vào phải là phân bón hữu cơ, và Việt Nam chúng ta có tiềm năng rất lớn để hình thành một nền sản xuất phân hữu cơ quy mô, đáp ứng đủ trong nước và hướng tới xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới phải tăng số lượng sản phẩm phân bón hữu cơ lên 10%, cụ thể là cố gắng tăng lượng phân hữu cơ lên 3 triệu tấn/năm thay vì chỉ gần 1 triệu tấn như hiện nay.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, phân bón hữu cơ có nhiều đặc tính tốt cho cây trồng và hệ sinh thái đất. Trong đó, phân bón hữu cơ giúp cải thiện tính chất vật lý của đất và tăng tỷ lệ cấu trúc của đất; chống rửa trôi xói mòn, tạo điều kiện cho vi sinh vật trong đất phát triển. Chất hữu cơ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì độ màu mỡ đất, tránh ô nhiễm trong khai thác nông nghiệp; nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón và bảo vệ môi trường lâu bền.

Ông Hoàng Trung cho hay, mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới nhằm sử dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ. Đồng thời qua đó xây dựng ngành phân bón với cơ cấu, phân bố hợp lý, phát huy hiệu quả các khu, cụm sản xuất tập trung đáp ứng về cơ bản nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp và hướng tới xuất khẩu đối với một số loại phân bón trên cơ sở đầu tư chiều sâu.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay: Việt Nam có thể phát triển nhanh được phân bón hữu cơ về sản xuất và tiêu thụ, bởi đây là phân bón truyền thống thường được sử dụng trong nông nghiệp. Chúng ta có 10 triệu hecta đất canh tác, có hơn 20 triệu hecta lượt đất canh tác, nếu bình quân mỗi hecta sử dụng 10 tấn phân hữu cơ, chúng ta cần trong tương lai hơn 200 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đến thời điểm này Việt Nam đã có 43.000ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều bà con ứng dụng bón phân hữu cơ trong sản xuất.

Về nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ, chúng ta có nhiều thuận lợi, riêng phế phụ phẩm trong nông nghiệp có khoảng 60-70 triệu tấn/năm, trong thủy sản khoảng 20 triệu tấn, bên cạnh đó chúng ta có phân bùn rất giá trị để sản xuất chế biến phân bón hữu cơ. Đây là những cơ sở hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất phân bón hữu cơ. “Kể cả yêu cầu trong nước và thế giới, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp sạch hữu cơ, chúng ta hoàn toàn có đủ nguyên liệu để sản xuất phân hữu cơ, đấy là những điều căn cốt để chúng ta phát triển ngành này", ông Nguyễn Xuân Cường nói.

Để phát triển phân bón hữu cơ, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/NĐ-CP về quản lý phân bón, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích phát triển phân bón hữu cơ, trong dự thảo Luật Trồng trọt cũng có một phần quan trọng đề cập đến phân bón hữu cơ. Do đó, việc tập trung phát triển sử dụng phân bón hữu cơ đang là một xu hướng tất yếu, đã đến lúc cần tập trung ở 3 khu vực: nhóm giải pháp của Chính phủ, hành động quyết liệt của doanh nghiệp, sự ủng hộ vào cuộc của người dân ở cả mảng tiêu dùng sản phẩm và ứng dụng đưa vào sản xuất; đẩy mạnh công tác truyền thông để định hướng phát triển.

 

Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top