Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam được nhận định có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. |
Ngày 15/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Đề cập đến công tác điều hành xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên thế giới những tháng đầu năm 2020, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, thời điểm đó diễn biến xuất khẩu gạo phức tạp do các quốc gia đang trong thời kỳ chống dịch căng thẳng, khó khăn. Rất nhiều nước đang tăng mua, tăng tích trữ lương thực.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, bên cạnh đó là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gây nguy cơ và tâm lý thiếu lương thực. Đặc biệt giá gạo liên tục tăng nhanh khi hai tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tới 31,7 % so với cùng kỳ; có nguy cơ đến đầu vụ hè thu sẽ bị thiếu hụt nguồn cung lương thực.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 để đảm bảo các nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong dự trữ lương thực.
Tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở rà soát trữ lượng gạo tồn trữ ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như trên địa bàn cả nước, đồng thời, xem xét các hợp đồng gạo mà Việt Nam đã ký với nước ngoài, các bộ, ngành đã chủ động báo cáo và Thủ tướng đồng ý cho phép tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo cũng như hợp đồng gạo đã giao.
Nhấn mạnh sự điều hành linh hoạt của Thủ tướng và Chính phủ khi chỉ đạo quản lý xuất khẩu gạo chặt chẽ và thông qua hạn ngạch xuất khẩu gạo tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: Ngay sau đó, đánh giá có điều kiện để phát triển xuất khẩu gạo, nhất là khi giá gạo thế giới đang tiếp tục ở mức cao và tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam trong khi có đủ cơ sở để yên tâm về vụ gạo hè thu sắp tới cũng như lượng gạo tồn trữ, Thủ tướng đã thống nhất (trong cuộc họp với 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành) tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5.
Mặc dù có một số ý kiến cho rằng điều hành chưa thực sự thông suốt nhưng kết quả của 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt cơ bản tốt; xuất khẩu 3,06 triệu tấn gạo, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch đạt 1,48 tỷ đô la Mỹ, tăng 25,44 %.
Kinh tế đất nước sẽ sớm phục hồi sau đại dịch
“Sau 2 ngày thảo luận tại Hội trường về KT-XH, ngân sách nhà nước và quyết toán NSNN đã thành công, thu được nhiều ý kiến quý báu.
Với sự đồng thuận cao của các đại biểu Quốc hội, chúng ta tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cùng với sự ủng hộ, ý thức chấp hành, chia sẻ của mọi tầng lớp nhân dân, tinh thần nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế nước ta sớm phục hồi sau đại dịch COVID-19, hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận đã được Ban Thư ký tổng hợp và phản ánh đầy đủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và giải trình, hoàn thiện các Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng. |
Đề xuất miễn, giảm, gia hạn nộp 200 nghìn tỷ tiền thuế, phí, lệ phí
Giải trình làm rõ một số nội dung được các đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, cân đối ngân sách nhà nước là vấn đề lớn nhất trong đảm bảo an ninh an toàn tài chính quốc gia, phản ánh chất lượng nền kinh tế cũng như cân đối kinh tế vĩ mô, là yếu tố quan trọng đánh giá tín nhiệm quốc gia.
Theo Bộ trưởng, từ đầu năm đến nay, do tác động của tình hình thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 đã tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2020. Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án điều hành; đề xuất các giải pháp về tài khóa để ứng phó với tác động của dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và an toàn xã hội.
Cụ thể, về ngân sách, đã đề xuất miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp các loại thuế, phí, lệ phí khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có thực hiện gia hạn 5 tháng tiền thuế và tiền thuê đất cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh.
Miễn thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vật tư và thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19; vật tư, nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp da giày, dệt may, chế biến nông, lâm, sản, thủy sản, cơ khí, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô.
Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân cho bản thân người nộp thuế và người phụ thuộc. Trình Quốc hội xem xét giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay áp dụng đến hết năm2020. Trình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Phối hợp với các bộ, ngành rà soát cắt giảm nhiều loại phí, lệ phí cho doanh nghiệp và người dân.
Triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí
Về chi ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, bên cạnh việc phải đảm bảo dự toán chi đầu tư phát triển năm 2020 (bao gồm cả kế hoạch năm 2019 chuyển sang); ngân sách nhà nước còn phải bố trí nguồn tăng chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 và thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Đồng thời, chủ động tăng cường dự trữ quốc gia, hỗ trợ kịp thời người dân ở những khu vực khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo không ai bị đói.
Mặc dù đến nay, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch COVID-19, song diễn biến thế giới còn rất phức tạp. Với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có độ mở cao, tác động của đại dịch này tới nền kinh tế là rất nghiêm trọng và có thể kéo dài. Trên cơ sở kịch bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đã đưa ra các kịch bản tác động đến cân đối ngân sách nhà nước.
Kết quả thu ngân sách 5 tháng đầu năm mới đạt 38,2% dự toán, giảm 9,2% so cùng kỳ và là mức thấp nhất từ năm 2014 đến nay. Dự báo thu ngân sách năm 2020 sẽ không đạt dự toán Quốc hội quyết định. Theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, trường hợp thu ngân sách không đạt dự toán, các cấp ngân sách (cả Trung ương và địa phương) đều phải rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ.
Trên cơ sở thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi, sắp xếp, cắt giảm các nhiệm vụ chi, quản lý chặt chẽ sử dụng dự phòng ngân sách; các địa phương sử dụng các nguồn lực hợp pháp, bao gồm cả nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang, để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, Bộ Tài chính dự kiến trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 4,5%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 4,73% GDP, tương ứng tăng 75 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 55,5% GDP. Trường hợp tăng trưởng GDP khoảng 3,6%, bội chi nganh sách nhà nước khoảng 5,02% GDP, tương ứng tăng 90 nghìn tỷ đồng so với dự toán đầu năm; nợ công khoảng 56,4% GDP.
Tuy nhiên, với cả 2 kịch bản này, dự kiến bội chi ngân sách nhà nước bình quân 5 năm vẫn nhỏ hơn 3,9% GDP, nợ công khoảng 55% GDP. Trước tình hình sản xuất - kinh doanh, cân đối thu - chi ngân sách còn khó khăn, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ, công tác điều hành NSNN từ nay đến cuối năm cần chú ý một số điểm sau:
Một là, triển khai có hiệu quả các giải pháp tài khóa hỗ trợ sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo nhịp sống sinh hoạt bình thường của người dân, trong khi vẫn phải tiếp tục cảnh giác cao với dịch bệnh.
Hai là, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; rà soát để cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020, đặc biệt là các khoản chi mua sắm chưa thực sự cần thiết.
Ba là, đẩy nhanh giải ngân, phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2020 (bao gồm cả năm 2019 chuyển sang) khoảng 700 nghìn tỷ đồng (bằng 2,2 lần số vốn thực giải ngân năm 2019). Đồng thời tranh thủ, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài,để hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bốn là, các địa phương chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ, nguồn tăng thu ngân sách năm 2019 chuyển sang năm 2020 và nguồn lực tại chỗ để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự trên địa bàn và các nhiệm vụ chi cấp thiết phát sinh theo chế độ và hỗ trợ trong trường hợp bị hụt thu. Rà soát, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thật cần thiết để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương.
Với doanh nghiệp xuất khẩu thì thời điểm áp dụng 0 giờ không còn xa lạ
Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội: Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) về quản lý nhà nước trong xuất khẩu gạo thời gian qua, từ góc độ Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, việc xuất khẩu gạo thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, theo đó, ngoài bộ hồ sơ hải quan theo quy định, người khai hải quan phải nộp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.
Theo quy định của Luật Hải quan, Điều 29 quy định: “Khai hải quan được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ trường hợp người khai hải quan được khai trên tờ khai hải quan giấy theo quy định của Chính phủ” và Điều 25: “Tờ khai hải quan có giá trị làm thủ tục hải quan trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đăng ký”. Điều 26, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP, quy định: “Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký, xử lý tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần”.
Căn cứ các quy định trên, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong giao dịch với các đối tác nước ngoài ở nhiều múi giờ khác nhau trên thế giới, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan xây dựng Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan (gọi tắt là VNACCS/VCIS) cho phép người khai hải quan được đăng ký tờ khai hải quan 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.
“Đây là nỗ lực của cả hệ thống tổ chức, được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, thể hiện nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.
Các chính sách quản lý được nạp vào hệ thống VNACCS/VCIS trước thời điểm 0g00 sẽ được hệ thống tự động áp dụng từ 0g00 ngày tiếp theo (ví dụ biểu thuế xuất; tiêu chí quản lý rủi ro; danh sách DN cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu...). Đối với doanh nghiệp xuất khẩu thì thời điểm áp dụng 0 giờ không còn là điều xa lạ.
Cơ quan Hải quan thực hiện theo quy định của pháp luật, cũng như hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước. Cụ thể, việc ngày 11.4, cơ quan hải quan cho xuất khẩu gạo thuộc hạn ngạch 400 nghìn tấn thực hiện theo quyết định của Bộ Công Thương.
“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã cố gắng cải cách hải quan và theo thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng đã tăng cường kiểm tra, thanh tra nội bộ, xử lý sai phạm nếu xảy ra”, Bộ trưởng nêu rõ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Hà Nội. |
Đây chính là thời điểm rất tốt để Việt Nam hóa rồng
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khẳng định, những gì làm được thời gian qua chính là chúng ta đã biến nguy thành cơ như quyết tâm của Thủ tướng.
Uy tín, thương hiệu của Việt Nam đã chinh phục được cộng đồng quốc tế. Việt Nam đang được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Theo đại biểu, chúng ta không có tham vọng thay thế Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới, nhưng đây cũng chính là thời điểm rất tốt để chúng ta tái cấu trúc kinh tế, giúp Việt Nam hóa rồng.
Để biến những cơ hội trên thành hiện thực, bên cạnh các giải pháp của Chính phủ, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: Phải có các giải pháp đặc biệt nhằm biến các nhà đầu tư nước ngoài thành trụ cột cho các ngành sản xuất trong nước.
Thủ tướng đã có tổ công tác nhằm chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư là mục tiêu thu hút để nắm bắt yêu cầu, đánh giá các điều kiện đáp ứng. Chính phủ cần lựa chọn hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có đủ tiềm lực để tiếp nhận, sở hữu toàn bộ hoặc một phần công đoạn sản xuất, biến các nhà đầu tư nước ngoài thành một phần của các tập đoàn trong nước.
Ví dụ, nếu chúng ta có cơ chế phù hợp để giành toàn bộ thị phần ngành công nghiệp đường sắt và những chính sách phù hợp, chúng ta có thể thu hút các tập đoàn nước ngoài và bắt tay các doanh nghiệp trong nước hình thành nền công nghiệp đường sắt trong nước.
Theo đại biểu, cách làm này chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc chúng ta đi vay tiền các nhà thầu nước ngoài xây dựng từng dự án đường sắt, nhập từng đoàn tàu riêng lẻ. Nhiều ngành công nghiệp khác các nước rất muốn chuyển giao công nghệ cho chúng ta mà chúng ta đang rất cần.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần tăng cường tiềm lực về nguồn vốn cho các doanh nghiệp trong nước từ nguồn vốn vay quốc tế. Một số ngày trước, Quốc hội thảo luận về việc chuyển đổi một số dự án từ đầu tư công theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công vì ngân hàng không đủ vốn để tài trợ cho doanh nghiệp. Trong khi tiền vốn trên thị trường quốc tế đang sẵn có và lãi suất rất thấp. “Chúng ta cần có cơ chế cho ngân hàng thương mại đi vay vốn quốc tế về để cho các doanh nghiệp trong nước vay lại theo hình thức tự vay, tự trả”, đại biểu nói.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.