Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 8 năm 2017 | 10:38

Việt Nam sẽ XK nông sản sang Mông Cổ, Nhật Bản hỗ trợ vận hành hồ chứa

Việt Nam có cơ hội xuất khẩu nhiều loại nông sản sang Mông Cổ, Nhật Bản cam kết hỗ trợ vận hành hồ chứa và quản lý lũ, thủy điện Hòa Bình tiếp tục xả lũ, nhãn lồng Hưng Yên đón chỉ dẫn địa lý,... là những tin tức nổi bật của ngành nông nghiệp trong tuần.

Việt Nam sẽ xuất khẩu nông, thủy sản sang Mông Cổ

Một trong những nội dung quan trọng giữa Việt Nam và Mông Cổ tại Kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Mông Cổ tổ chức tại U-lan-ba-to, Mông Cổ từ ngày 7 - 10/8 là 2 bên sẽ thúc đẩy, tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng nông, thủy sản, chăn nuôi qua lại lẫn nhau.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Sergelen Purev ký kết hợp tác.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong UBLCP Việt Nam –Mông Cổ làm trưởng đoàn. Đoàn đại biểu Mông Cổ do Bộ trưởng Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Sergelen Purev, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong UBLCP làm Trưởng đoàn.

Trong thời gian tới, hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ, đưa ra những biện pháp cụ thể, có tính khả thi để thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương, đồng thời khuyến khích sự hợp tác phát triển của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tăng cường xuất khẩu sang thị trường của nhau những mặt hàng có thế mạnh và bổ trợ cho nhau.

Mông Cổ mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm thịt chế biến, đông lạnh (thịt dê, cừu, ngựa), nguyên phụ liệu dệt may (da, lông, len), sản phẩm da, khoáng sản, bột thịt xương, quả đông lạnh (hắc mai biển, việt quất).

Việt Nam tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu sang Mông Cổ các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến như: gạo, chè, cà phê, bánh kẹo, quả tươi (thanh long, nhãn, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, chanh leo, dừa, chuối…), quả chế biến, nước trái cây đóng hộp, thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm, thuốc thú y, vắc-xin, mật ong, thủy sản, các loại đồ uống, hàng tiêu dùng, hàng dệt may, máy móc, thiết bị dân dụng.

Thuỷ điện Hoà Bình lại mở cửa xả đáy

Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, những ngày qua do mưa lũ thượng nguồn đổ về, nên mực nước hồ Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình) đã vượt mức cho phép thời kỳ lũ chính vụ. Hồ thủy điện Hòa Bình đã được lệnh xả đáy vào 12h trưa ngày 11/8. Đến 7h sáng ngày 11/8, mực nước tại hồ là 113,53 m, cao hơn mức cho phép là 12,53 m. Nước trên sông Hồng tại Hà Nội là 3,22 m (dưới báo động 1 là 6,28 m).

Để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do xả lũ gây ra, Ban chỉ đạo đề nghị các tỉnh, thành phố hạ du thuỷ điện Hoà Bình thông báo đến người dân, tổ chức hoạt động trên sông, cơ sở nuôi trồng thuỷ sản biết thông tin; đồng thời rà soát các phương án chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là đê điều.

Trước đó, để đảm bảo an toàn các hồ chứa, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống thiên tai đề nghị Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước trên địa bàn, nhất là các đập xung yếu, các hồ đã đầy hoặc gần đầy nước, các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý.

Chủ động việc xả nước đón lũ theo đúng quy trình; không tích nước đối với các hồ có nguy cơ mất ổn định để đảm bảo an toàn cho đập và khu vực hạ du; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh lũ cho người dân khu vực bị ảnh hưởng do xả lũ hồ chứa để chủ động ứng phó, nhất là các hộ dân nuôi thủy sản trên sông.

Nhật Bản hỗ trợ vận hành hồ chứa và quản lý lũ hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng (bên phải) và đại diện JICA ký kết hợp tác.

Ngày 10/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ký kết thực hiện dự án: “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện” do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Tổng vốn của dự án là trên 18,2 triệu USD (tương đương trên 414 tỷ đồng); trong đó vốn ODA không hoàn lại của Nhật Bản là 1,8 tỷ Yên Nhật (tương đương trên 16,65 triệu USD). Thời gian thực hiện 36 tháng kể từ khi thỏa thuận viện trợ (G/A) được ký kết (từ năm 2017 đến năm 2020). 
Dự án sẽ giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do mưa, lũ, góp phần đảm bảo phát triển kinh tế xã hội bền vững thông qua việc thiết lập khung vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp, xây dựng hệ thống dự báo, cảnh báo đến các khu vực dễ bị tổn thương trên lưu vực sông Hương, tỉnh Thừa Thiên Huế, góp phần phát triển toàn diện hệ thống thông tin phòng chống thiên tai. Từ đó sẽ xây dựng mô hình thí điểm về vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả nhằm nghiên cứu nhân rộng đến các lưu vực sông khác. 
Mục tiêu cụ thể của dự án là thiết lập hệ thống vận hành và quản lý đối với 3 đập lớn đang hoạt động kết hợp với việc phòng chống thiên tai tại lưu vực trên sông Hương. Đồng thời thiết lập mạng lưới thông tin phòng chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương từ đó giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt. Ngoài ra, hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý. 

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Hoàng Văn Thắng mong muốn dự án này không chỉ cung cấp cơ sở trang thiết bị phục vụ công tác dự báo, cảnh báo lũ trên lưu vực sông Hương mà còn mở đầu cho một hướng tiếp cận mới cả về công nghệ lẫn phương pháp phòng chống lũ. Kết quả thành công của dự án sẽ được phổ biến, nhân rộng trên phạm vi cả nước. 
Ông Fujita Yasuo, Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí đầy đủ ngân sách theo như viện trợ để dự án được thuận lợi, đúng tiến độ; tiếp tục hoàn thành việc xin cấp phép cho một số hoạt động của dự án từ một số bộ ngành liên quan… 

Nhãn Hưng Yên đón chứng nhận địa lý

Nhãn lồng Hưng Yên được cấp chứng nhận địa lý.

Một tin vui đến với những người trồng nhãn ở Hưng Yên là, trong Lễ hội nhãn lồng Hưng Yên lần thứ nhất, Phó cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Phan Ngân Sơn đã trao bằng chứng nhận chỉ dẫn địa lý tập thể cho sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được sản xuất tại 4 địa phương: TP Hưng Yên, các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động cho Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên. Theo nhận biết của chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn lồng Hưng Yên có đặc điểm hình thái quả nhãn tròn, vỏ quả màu nâu sẫm, đường kính quả từ 25,61-29,36 mm, chiều cao quả từ 23,98-27,61 mm, trọng lượng quả từ 9,35 đến 13,28 g/quả. Hàm lượng vitamin C từ 45,12 đến 59,32 mg/100g, axit hữu cơ tổng số từ 0,04-0,17 %, đường tổng số 13,89 đến 17,37%, hàm lượng chất rắn hòa tan từ 17,63 đến 20,88 độ Brix, hàm lượng nước từ 18,38-22,09. Hương vị nhãn lồng Hưng Yên rất đặc trưng, mùi thơm tinh khiết và dịu mát, cùi quả dày, ráo nước, màu trắng trong, giòn, vị ngọt đậm.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhãn lồng Hưng Yên có được danh tiếng và đặc thù là nhờ khu vực địa lý rất thích hợp với quá trình sinh trưởng của cây nhãn lồng và kinh nghiệm tích lũy được của người dân. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý sẽ là công cụ để khẳng định vị trí chất lượng của nhãn Hưng Yên mà không địa phương nào có được. Đây cũng là căn cứ pháp lý quan trọng và lâu dài, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm của cây nhãn, xây dựng vùng sản xuất nhãn có thương hiệu, khẳng định tính nhất quán của sản phẩm nổi tiếng đã qua nhiều thế hệ.

Tỉnh Hưng Yên hiện có trên 3.300ha nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch là 2.800ha, tập trung nhiều tại các huyện Tiên Lữ, Kim Động, TP.Hưng Yên với giống nhãn chín sớm và chính vụ; diện tích nhãn chín muộn chủ yếu tập trung ở huyện Khoái Châu. Sản lượng nhãn hàng năm đạt khoảng 40.000 tấn và cho giá trị thực tế khoảng gần 1.000 tỷ đồng.

Đến nay, Hưng Yên có 155ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó, có 2 vùng sản xuất nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Mỹ là xã Hồng Nam (TP.Hưng Yên) và xã Hàm Tử  (huyện Khoái Châu). Nhãn lồng Hưng Yên cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý với 4 khu vực: Thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Tiên Lữ, huyện Kim Động. Đây là điều kiện thuận lợi để nhãn lồng Hưng Yên khẳng định và bảo vệ thương hiệu trên thị trường.

Khánh Nguyên

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • "Không làm thay, không đùn đẩy trách nhiệm sắp xếp công ty nông, lâm nghiệp"

    Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra rằng, công tác sắp xếp đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn. Trong đó tiến độ sắp xếp, đổi mới còn chậm, còn vướng mắc.

  • Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Mua bán sầu riêng chưa đủ tuổi: Lợi bất cập hại

    Thay vì mua sầu riêng đủ tuổi như mọi năm thì nay một số thương lái còn đến tận vườn mua sầu riêng non, lợi chưa thấy nhưng hại đã hiện hữu.

  • Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi xanh để phát triển bền vững

    Chăn nuôi hiện đóng góp tới 26,7% GDP của toàn ngành Nông nghiệp, song cũng tạo ra hơn 60 triệu tấn chất thải rắn mỗi năm, gây áp lực lớn cho môi trường. Việc xây dựng chuỗi "chăn nuôi xanh" không chỉ giúp giảm phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra tăng trưởng bền vững hơn cho doanh nghiệp ngành chăn nuôi.

Top