Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 27 tháng 7 năm 2017 | 4:14

Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN

Sau 22 năm là thành viên trong cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất mới và phát huy vai trò trong ASEAN, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của các nước trong khu vực.

ASEAN - Chặng đường 50 năm

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, ASEAN đã liên tục phát triển từ xuất phát điểm là một Hiệp hội gồm năm thành viên được thành lập vào ngày 8/8/1967 trên cơ sở một Tuyên bố chính trị (Tuyên bố Bangkok). Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập ngày 31/12/2015, mở ra giai đoạn phát triển mới cho ASEAN – Cộng đồng ASEAN.

Sự hình thành Cộng đồng không chỉ có ý nghĩa đối với chính phủ các nước ASEAN mà còn mang lại cho người dân các nước ASEAN nhiều lợi ích thiết thực.

ASEAN đánh dấu chặng đường 50 năm với những thành công vượt qua ngoài mong đợi, trở thành một cộng đồng chung với 640 triệu dân, tổng GDP 2,48 nghìn tỷ USD. Một thị trường chung và cơ sở sản xuất thống nhất ngày càng tự do hóa về thương mại, đầu tư, dịch vụ, nguồn vốn và kết nối với các nền kinh tế phát triển trong và ngoài khu vực.

Lực lượng lao động dồi dào được công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề và có điều kiện di chuyển tự do hơn và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực.

50 năm qua, ASEAN đã ghi dấu nhiều cột mốc quan trọng của sự hợp tác và cùng phát triển:

- Năm 1994: ASEAN bắt đầu mở rộng quan hệ đối ngoại, thúc đẩy đối thoại về an ninh thông qua việc lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)

- Năm 1995: Đánh dấu dấu mốc quan trọng khi Việt Nam gia nhập ASEAN

- Năm 1999: ASEAN hoàn tất mục tiêu trở thành một tổ chức khu vực với đầy đủ 10 quốc gia Đông Nam Á.

- Năm 2003: ASEAN xác định mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN gồm ba trụ cột.

- Năm 2007: Hiến chương ASEAN ra đời, tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ thể chế hợp tác ASEAN

- Ngày 31/12/2015: Cộng đồng ASEAN chính thức thành lập, khởi đầu của một giai đoạn liên kết mới sâu rộng hơn của ASEAN.

Người dân được quan tâm hơn về điều kiện cuộc sống, được đảm bảo tốt hơn trước các nguy cơ về dịch bệnh lây lan và nâng cao khả năng thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.

Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ. Văn hóa dân tộc truyền thống của mỗi nước được bảo tồn và phát huy cùng với việc Cộng đồng các quốc gia ASEAN chia sẻ bản sắc và giá trị chung.

ASEAN đã chuyển mình từ một tổ chức liên kết lỏng lẻo chỉ bao gồm 6 nước để trở thành một ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, một Cộng đồng gắn kết chặt chẽ, có thể chế và có Hiến chương ASEAN. Đó là bước chuyển cả về tổ chức và tính chất.

Quan hệ đối ngoại của ASEAN đã có những bước phát triển hoàn toàn khác so với trước đây bởi vì có sự tham gia và gắn kết ngày càng nhiều, ngày càng chặt chẽ của các nước, đặc biệt là các nước lớn.

Và ASEAN đang phát huy vai trò dẫn dắt, xây dựng cấu trúc hợp tác trong khu vực và có đóng góp quan trọng đối với việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.

Việt Nam tích cực đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN

Nước ta gia nhập ASEAN vào ngày 28/7/1995. Việt Nam đã chứng kiến một giai đoạn phát triển quan trọng, sôi động và toàn diện nhất của ASEAN từ trước đến nay.

ASEAN luôn là một trụ cột – ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã một lần nữa khẳng định chủ trương và phương châm “Chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước ASEAN xây dựng Cộng đồng vững mạnh”.

Thành công của ASEAN có sự đóng góp đáng kể của Việt Nam, thể hiện trong hầu hết các hoạt động hợp tác ASEAN, nhất là góp phần quan trọng vào việc sớm triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Các bộ, ngành hữu quan của Việt Nam đều đã xây dựng đề án, chương trình và kế hoạch triển khai thực hiện Tầm nhìn và Kế hoạch tổng thể của 3 trụ cột Cộng đồng.

Đáng chú ý, Việt Nam đã chủ động đưa ra nhiều đề xuất mới và phát huy vai trò trong ASEAN, nhận được sự hoan nghênh và ủng hộ của các nước, trong đó có việc thông qua Tuyên bố Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; hoàn tất Danh mục các hoạt động ưu tiên thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2016-2018; chủ trì đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản; chủ tọa Nhóm Đầu tư đại diện cho ASEAN trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP); chủ trì và đồng chủ trì nhiều hoạt động như Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN lần thứ 12, Cuộc họp Quan chức Cao cấp và Nhóm làm việc chung về Tuyên bố DOC, Hội nghị Cảnh sát giao thông ASEAN… Trên cơ sở tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào, Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Lào đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2016.

Trong bối cảnh ASEAN thời gian gần đây chịu nhiều tác động ảnh hưởng đến đoàn kết, uy tín và vị thế ở khu vực, Việt Nam đã nỗ lực củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò của ASEAN trong các vấn đề khu vực, trong xử lý những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như những vấn đề nảy sinh trong quan hệ với các đối tác; đồng thời thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các cơ chế, diễn đàn khu vực quan trọng do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Mở rộng (ADMM+)…

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chủ động trao đổi và phối hợp với các nước nhằm tạo dựng đồng thuận trong ASEAN và giữa ASEAN và đối tác về vai trò của ASEAN và lợi ích chung của tất cả các nước nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy đưa vấn đề Biển Đông vào văn kiện các hội nghị, diễn đàn ASEAN với những nội dung tích cực; nhấn mạnh thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ quy tắc COC.

Đặc biệt, cuối năm 2015, với nỗ lực của các nước thành viên, ASEAN đã chính thức hình thành Cộng đồng. Đây thực sự là dấu ấn mang tính chất lịch sử trong quá trình phát triển của ASEAN. Và Việt Nam đã ghi những dấu ấn, có những đóng góp quan trọng.

Trước hết, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào quá trình xây dựng và triển khai những quyết sách quan trọng định hướng cho hợp tác trong ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với bên ngoài.

Việt Nam đã có đóng góp tích cực trong việc hình thành Cộng đồng ASEAN thông qua những nỗ lực triển khai trên thực tế cũng như thông qua những đóng góp cho việc xây dựng những bước đi của ASEAN trong 10 năm tới (tầm nhìn 2020).

Thứ hai, Việt Nam đã tích cực đóng góp trong việc duy trì sự đoàn kết nội khối, đề cao sự tự cường khu vực và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Tại các hội nghị, diễn đàn, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình trong vấn đề này.

Thứ ba, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh ở khu vực, trong đó có bảo đảm hoà bình, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Đây cũng là một đóng góp nổi bật của Việt Nam và được các nước đánh giá cao.

Kể từ khi hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 đến nay, ASEAN đi vào triển khai các kế hoạch Cộng đồng ASEAN 2025, quá trình này cũng đã ghi những dấu ấn của Việt Nam với những đóng góp tích cực.

Cựu đại sứ New Zealand Haike Manning, một trong những thành viên đối tác lớn của ASEAN, cho rằng, Việt Nam là một thành viên quan trọng của ASEAN: “Việt Nam là một thành viên rất quan trọng của ASEAN, tạo ra một khu vực ASEAN năng động và thịnh vượng. ASEAN đang thu hút sự quan tâm của các nước lớn và chúng tôi coi trọng quan hệ với ASEAN. New Zealand vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, thể hiện cam kết của chúng tôi đối với sự thịnh vượng của các quốc gia trong khu vực”.

Ít ai có thể hình dung được một Việt Nam đã từng trăn trở với suy nghĩ “hòa nhập” hay sẽ bị “hòa tan” hơn 20 năm trước đây lại có thể đóng vai trò chủ động, tích cực trong ASEAN như hiện nay. So với một số nước trong khu vực, trình độ phát triển của Việt Nam vẫn ở mức độ khiêm tốn, nhưng Việt Nam đã thực sự có những đóng góp lớn vào quá trình phát triển của ASEAN. Sự đóng góp của Việt Nam trong ASEAN thể hiện qua việc vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực càng ngày càng tăng lên.

Lý giải về việc Việt Nam đang ngày càng có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn của ASEAN cũng như là giữa ASEAN với các đối tác, ông Hoàng Anh Tuấn, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia, cho rằng: “Rõ ràng vị thế của Việt Nam trong thời gian qua đã tăng lên rõ rệt. Chúng ta nâng được sức mạnh nội lực của mình ở mọi mặt. Ảnh hưởng của Việt Nam ở khu vực cũng tăng lên. Các nước cũng nhìn thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam trong tương lai. Ngoài tự thân vận động, các nước cũng nhìn Việt Nam trong một tổng thể ASEAN. Trong thời gian qua chúng ta gắn kết chặt chẽ với ASEAN, xây dựng được sự thống nhất đồng thuận đoàn kết trong ASEAN, phát huy sức mạnh của ASEAN thì làm cho vai trò của chúng ta được nhân lên”.

22 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã có được nhiều bài học quý giá để đón đầu những cơ hội mới và mạnh mẽ đối phó với những thách thức trong tương lai.

Vân Nhi (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top