Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đi kiểm tra, yêu cầu các đơn vị lên kế hoạch để chủ động ứng phó với bão lũ. Được biết trong 2021, các đơn vị, địa phương đang xây dựng triển khai phương án ứng phó với thiên tai và đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 7 - 9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, kèm theo đó là các đợt mưa lớn xảy ra tập trung trong các tháng 10, tháng 11 và nửa đầu tháng 12 ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ, đặc biệt cơn bão số 5 (Conson) theo dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Thừa Thiên - Huế trong những ngày sắp đến.
Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra công tác đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2021
Vào sáng ngày 9/9, Đoàn công tác của tỉnh Thừa Thiên - Huế do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trước mùa mưa lũ năm 2021.
Qua kiểm tra, Bí Thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu yêu cầu, các nhà máy thủy điện phải có kế hoạch sẵn sàng ứng phó với bão lũ trong mọi tình huống. Trong đó, cần chuẩn bị đầy đủ thiết bị thông tin liên lạc, nguồn điện dự phòng; thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị cơ khí. Đồng thời, thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương, nhất là trong các tình huống thủy điện tiến hành điều tiết nguồn nước cũng như tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa trong mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Kiểm tra hồ Thọ Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu lưu ý đối với các hồ chứa đang triển khai sửa chữa, nâng cấp cần đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn, tuyệt đối không thi công sửa chữa công trình trong mùa mưa lũ. Xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp cho công trình đang thi công. Thành lập và kiện toàn ban chỉ huy PCLB công trình khi có tình huống xảy ra.
Thời gian tới, các đơn vị cần thường xuyên, định kỳ kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình hồ chứa thủy lợi, tổ chức trực ban tại công trình 24/24 giờ trong thời gian có mưa lũ, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các ẩn họa, hư hỏng gây sự cố ngay từ đầu giảm thiệt hại gây ra.
Các đơn vị chủ động ứng phó với thiên tai vừa đảm bảo phòng chống dịch
Ngày 10/9, Công ty Ðiện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã chủ động triển khai các phương án để hạn chế thiệt hại trong mùa mưa bão 2021 như: tăng cường công tác kiểm tra nguồn, lưới điện, các vị trí xung yếu và lập kế hoạch, phương án khắc phục, xử lý đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão…
Bên cạnh đó, công ty này cũng yêu cầu các đơn vị thi công khẩn trương thi công đẩy nhanh tiến độ các công trình cải tạo lưới điện, khắc phục kịp thời các tồn tại; phối hợp với các đơn vị chủ quản các hồ, đập và nhà máy thủy điện trên địa bàn quản lý tiến hành kiểm tra kỹ thuật lưới điện, phát quang chặt tỉa các cây trong và ngoài hành lang để đảm bảo cấp điện ổn định tuyến đường dây cấp điện cho các hồ, đập và nhà máy thủy điện trong mùa mưa bão.
Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế đã duyệt, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn PCTT&TKCN trong điều kiện dịch bệnh của đơn vị là “4 tại chỗ +5K+Vắc xin”, kiểm tra, rà soát và chuẩn bị vật tư thiết bị dự phòng phục vụ công tác ứng cứu và xử lý sự cố lưới điện ảnh hưởng do thiên tai.
“Chúng tôi thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai; cập nhật đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên về PCTT&TKCN lên trang Web PCTT của EVN; phối hợp với chính quyền địa phương, Trung tâm Công viên Cây xanh Huế… để thực hiện việc phát quang, chặt tỉa, giảm tán cây trong khu vực thành phố, nội thị ảnh hưởng đến lưới điện nhằm chủ động ứng phó đảm bảo an toàn, hiệu quả trong công tác vận hành”, ông Nguyễn Đại Phúc, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết.
Liên quan đến việc ứng phó với cơn bão số 5 (bão Conson), chiều ngày 9/9, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Công điện Số 02/CĐ-PCTT.
Theo đó, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương trong ứng phó với bão số 5, nhất là phương án sơ tán dân an toàn trong thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”; đảm bảo phòng, chống dịch tại các điểm sơ tán, khu cách ly. Tỉnh Thừa Thiên – Huế yêu cầu các địa phương chủ động thông báo cho các chủ tàu thuyền hướng di chuyển của bão số 5, tuyệt đối không cho tàu thuyền ra khơi; tổ chức bắn pháo hiệu kêu gọi tàu thuyền vào bờ an toàn. Công việc này được hoàn thành trước 14 giờ ngày 10/9.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.