Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 5 năm 2020 | 16:23

Vườn đô thị: Vai trò mới, cách tiếp cận mới

Vườn đô thị đang ngày càng khẳng định sức sống mãnh liệt trong các đô thị trên thế giới. Ở Việt Nam cũng vậy, vườn đô thị xuất hiện ngày càng nhiều trên sân thượng, ban công...

Chỉ cần một mặt bằng vừa phải, từ 20 - 50m2, là có một vườn rau hấp dẫn, với nhiều chủng loại. Đồng thời, đây cũng là nơi cung cấp rau sạch, phục vụ bữa ăn hằng ngày an toàn và là nơi thư giãn, sau một ngày lao động mệt mỏi.   

 

t9.jpg
Không cần đi đâu xa vẫn có rau sạch vào mỗi bữa cơm, ngôi nhà luôn mát mẻ quanh năm nhờ vườn rau trên mái.
 

Từ xưa đến nay, cuộc sống của con người không thể tách rời thiên nhiên. Khi xã hội phát triển, đô thị phát triển, con người đã nghĩ đến việc đưa thiên nhiên về gần mình hơn, như trồng cây xanh, xây dựng công viên, vườn cây cho đô thị và căn hộ, ngôi nhà. Vườn đô thị ngày nay không chỉ là tạo cảnh quan đẹp mà còn nhiều giá trị mới.

Vai trò mới

Ngày nay, vườn đô thị không còn chỉ mang ý nghĩa làm đẹp mà còn đóng nhiều vai trò hơn, nhất là khi quá trình đô thị hoá diễn ra nhanh và mạnh mẽ.

Trong quá trình đô thị hoá, vai trò của vườn đô thị được khẳng định với những nội dung mới, ý nghĩa mới, như: Bảo vệ môi trường, quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, cải thiện cảnh quan không gian sống của mỗi gia đình. Tạo ra thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn gia đình, vừa giảm chi phí, vừa góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, tạo công ăn việc làm và đem lại thu nhập cho người làm vườn. Đem lại niềm vui sau một ngày lao động, học tập căng thẳng thông qua hoạt động chăm sóc vườn; vừa tăng cường sức khỏe, loại bỏ stress, vừa tăng sự gắn kết của các thành viên trong gia đình. Giáo dục và nuôi dưỡng tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ môi trường cho mọi người, nhất là con trẻ. Gắn kết cộng đồng, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và sự chung tay tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh tại khu dân cư của những người cùng sống trong khu cụm dân.

Việc đưa không gian xanh về đô thị là để bảo vệ môi trường sống vì cây xanh có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất và độ ẩm không khí thông qua việc hạn chế bốc hơi nước, kiểm soát gió và lưu thông gió. Cây xanh có tác dụng bảo vệ môi trường: hút khí CO2 và cung cấp O2, ngăn giữ các chất khí bụi độc hại.

Cây xanh còn có tác dụng hạn chế tiếng ồn, nhất là ở khu vực nội thành. Cây xanh không chỉ là yếu tố trang trí, tăng giá trị thẩm mỹ cho công trình kiến trúc, đô thị, từng không gian sống mà còn giảm nhiệt độ căn hộ 2-4 độ C trong ngày hè nóng nực.

Đại đa số người dân đô thị tham gia làm vườn đều cho biết, họ cảm thấy thú vị và yên tâm khi tự tay trồng, chăm sóc và thu hoạch rau sạch phục vụ bữa ăn của gia đình.

 

t10.jpg
Vườn rau đủ loại xanh tốt trên sân thượng 50m2 của gia đình  chị Thanh Quý ở TP Sơn La

 

Thêm nữa, an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm đang là vấn đề rất được quan tâm hiện nay tại các đô thị, đặc biệt là những người có thu nhập thấp tại các đô thị của các nước đang phát triển như nước ta. Quy mô dân số đô thị không ngừng gia tăng trong quá trình đô thị hóa, quá trình này cũng đồng thời đẩy các hộ dân nghèo ven đô vào tình thế mất tư liệu sản xuất chính và vấn đề gia tăng các hộ khó khăn, hộ thu nhập thấp ở khu vực đô thị càng ngày càng khó kiểm soát. Bản thân nguồn cung lương thực thực phẩm chất lượng cao với giá đắt đỏ chỉ hướng đến các hộ thu nhập cao, vì vậy, nguy cơ thiếu hụt nguồn lương thực cơ bản đáp ứng cho các hộ khó khăn ngày càng trở nên hiện hữu. Vì vậy phát triển nông nghiệp đô thị nói chung, vườn đô thị nói riêng là hướng đi được nhiều người quan tâm.

Cách tiếp cận mới

Ở nước ta, vườn đô thị đã hiện diện song còn manh mún, chưa có định hướng rõ ràng, phần lớn là sự sáng tạo của người dân. Mặc dù phạm vi chưa rộng, mức độ phát triển chưa cao, chưa toàn diện nhưng hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường của vườn đô thị đã được chứng minh ở nhiều thành phố, đô thị trên thế giới cũng như nước ta.

Vườn đứng đang là xu hướng trong đô thị hiện đại vì không tốn diện tích, chỉ cần có một khoảng tường trống ở góc sân, giếng trời, ban công, cầu thang... là có thể tạo sự sống cho bức tường xanh. Thay vì những chiếc chậu đất, bồn cây tốn nhiều diện tích thì vườn đứng tiết kiệm được diện tích và không gian trở nên rộng hơn.

Vườn trên sân thượng là lựa chọn của hầu hết các gia đình có điều kiện xây nhà riêng. Tại đây, họ có thể làm vườn treo, vườn chậu, vườn giàn, vườn đứng.

Vườn trên cao là lựa chọn của các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản. Đó là những khu vườn trên nóc các toà nhà cao tầng. Ở đó không chỉ có hoa, cây cảnh mà còn có khu cho cư dân căn hộ thuê để trồng rau.

Vườn tường, hiểu đơn giản là làm vườn trên tường, đây là một hệ thống gồm các Module được sử dụng để trồng cây theo chiều dọc thắng đứng, hoặc là các loại hoa, cây lá và rau quả sạch hay trồng cây giá thể.... Mô hình vườn tường hay còn gọi là vườn đứng đang được nhiều người rất yêu thích hiện nay. Không chỉ mang đến lợi ích thiết thực cho đời sống gần gũi thiên nhiên, xanh - sạch - đẹp mà còn là điểm nhấn độc đáo trong kiến trúc của không giản sống. Theo đó, có vườn đứng thủy canh (trồng cây trong nước - thủy canh), vườn treo tường (có thể trồng bằng phương pháp thủy canh, có thể trồng trong các dụng cụ chứa đất rồi cố định nó lên tường)…

Vườn ban công. Sống trong một căn hộ chung cư hay nhà phố chật hẹp nhưng chỉ cần một chút khéo léo trong cách sắp đặt cây xanh và hoa là đủ để ban công nhà bạn mang đến không khí trong lành, an vui và không kém rực rỡ. Bạn có thể trồng bất kỳ loại cây gì mà mình thích, có thể là rau, quả, có thể là hoa để không gian ban công đẹp như một khu vườn mini đẹp đẽ diệu kỳ. Có thể làm giàn thẳng đứng, có thể trồng trong chậu, cũng có thể là trồng thủy canh.

Bón phân trùn quế, chìa khóa phát triển nền nông nghiệp hữu cơ

Sau một thời gian dài lạm dụng phân hoá học, thuốc BVTV, đất đai bị thoái hóa, chai cứng, thiếu dinh dưỡng, nhưng sản phẩm lại chứa nhiều hoá chất. Vì vậy, gần một thập niên trở lại đây, người dân bắt đầu sử dụng trùn quế để cải tạo đất, được coi là chìa khóa của nền nông nghiệp hữu cơ. Loại trùn này chưa có hệ tiêu hóa hoàn chỉnh, phải dựa vào cộng sinh với hệ sinh vật trong cơ thể, để tiêu hóa các chất thải hữu cơ hoai mục. 

 

t11.JPG
Nuôi trùn quế trong chậu xử lý rác thải.

 

Cách thức ăn của trùn quế là phun dịch ra phía trước, trên đường di chuyển, và hút dịch trở lại, tiêu hóa và thải phân ra ngoài bằng đầu kia.  Trong dịch trùn và phân trùn thải ra có chứa nhiều vi sinh vật có lợi, rất thích hợp với sự hấp thụ của cây trồng, đồng thời, tiếp tục phân hủy chất thải hữu cơ trong đất. Cải tạo đất và xử lý cả những chất độc hại có trong đất, giúp đất tơi xốp, màu mỡ và sạch hơn.     

Anh Nguyễn Tiến Đạt, chủ một trang trại nuôi trùn quế, xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cho biết, đây là vùng nuôi bò sữa lớn. Trước đây, phân bò được chất đống, phải mất thêm chi phí để đổ bỏ ra đồng; phân bò rải khắp nơi trong các ngõ xóm, bốc mùi xú uế, gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Song, từ ngày có trang trại trùn quế,  lượng phân  hàng ngày được gom lại, làm thức ăn nuôi trùn quế. Đây là mô hình cộng sinh có hiệu quả kinh tế cao; sản lượng phân trùn đạt khoảng 100 tấn trong 3 tháng. Một phần được các trang trại trồng rau hữu cơ, cây ăn trái lớn thu mua, một phần không nhỏ, được chuyển về thành phố, phục vụ nhu cầu trồng rau trên sân thượng đang nở rộ ở các thành phố, khu đô thị.

Đặc biệt, nhờ tính năng phân hủy rác hữu cơ thành phân, trùn quế còn được nuôi bằng chậu nhựa, thùng xốp ở quy mô gia đình. Nhất là những hộ trồng rau trên sân thượng, vừa xử lý rác thải hữu cơ để không xả thải ra môi trường gây ô nhiễm, vừa có nguồn phân bón cho cây trồng, không mất tiền mua.

Ngoài ra, đặc tính của trùn quế là ưa ẩm, ăn rác thải hữu cơ, không thích ánh nắng, ánh sáng trực tiếp. Bởi vậy, chỉ cần một chỗ mát, để đặt chậu nuôi trùn quế, loại chậu nhựa thông minh, có rất nhiều trên thị trường, để phục vụ vườn rau trên sân thượng. Sau đó, mua trùn sinh khối (trùn và phân trùn cùng thức ăn) thả vào chậu, sâu từ 10cm trở lên là được.

Hàng ngày, thả rau hữu cơ, bao gồm, gốc, lá rau, vỏ hoa quả, bã chè,… vào ½ chậu, làm thức ăn cho trùn, đồng thời, tưới ẩm cho trùn. Lưu ý, trùn chỉ ăn các rác hữu cơ hoai mục, nên thức ăn thả vào cần thời gian hoai mục nhất định trùn mới ăn được, thường là sau 5-7 ngày.

 

Những khu vườn ở nội đô

 

Anh Trần Đình Khâm, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Eco Việt Nam (chuyên cung cấp các giải pháp trồng rau bằng phương pháp hữu cơ tại nhà phố, ban công, ở số 478, phố Hoàng Hoa Thám, quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết, anh có 50m2 sân thượng, làm vườn rau sạch 2 năm nay. Chủ yếu trồng các loại rau, như: rau muống, mồng tơi, rau dền, cải bó xôi. Mùa đông có su hào, bắp cải, súp lơ, xà lách; ngoài ra còn có lạc tiên, mướp leo giàn, mùa nào thức ấy.  

Các loại rau đều được trồng trên tháp rau, 1m2/tháp rau. Tháp cao 115cm, đường kính 55cm, có 6 tầng và 54 hố trồng rau. Cách trồng cũng rất đơn giản, chỉ cần gieo hạt vào các hốc tháp, đất sạch mua ở bãi sông Hồng, sau đó, cải tạo bằng trùn (giun) quế. Công ty đã kết hợp với một trang trại nuôi trùn quế ở Vĩnh Phúc để cung cấp cho những khu vườn trên sân thượng, như của gia đình anh.

Nguồn thức ăn cho trùn là rác thải hữu cơ từ nhà bếp như: gốc, lá rau, vỏ hoa quả, bã trà, bã cà phê…, sau đó thả vào lõi tháp để làm thức ăn cho trùn. Trùn quế ăn thức ăn này, thải phân ra đất, như một một nhà máy sản xuất phân nhỏ, cung cấp trực tiếp cho cây trồng. Thường, một đời rau kéo dài từ 1 - 1,5 tháng, sau khi nhổ ăn, lại trồng gối vụ ngay. Tuỳ từng loại rau, có khi rau muống 20 ngày đã hái ăn được, nhất là mồng tơi, diếp cá, cắt xong vài ngày lại có ăn. Các loại rau mùa hè, hết mùa mới phải thay cây; chỉ gieo hạt, tưới nước, bắt sâu, không cần bón phân, thay đất, hay làm cỏ. Hiện, vườn rau hữu cơ của anh Khâm đủ cung cấp cho 4 gia đình trong công ty ăn quanh năm.       

Cũng mô hình vườn như anh Khâm, chị Lê Thị Hằng (ngõ 79, đường Văn Cao, quận Ba Đình), cho biết, gia đình có  70m2 nhà ở, nhưng chỉ có 20m2 sân thượng, có khoảng trống và ánh nắng mặt trời. Do vậy, chỉ lắp đặt được 5 tháp rau, ngoài ra, chị còn tận dụng hành lang, lối đi trên tầng thượng làm thêm 30 chậu rau thông minh nữa, mùa nào rau ấy. Chủ yếu là su hào, cải bắp, các loại rau cải, đậu đỗ… vào mùa đông; mùa hè có rau muống, mồng tơi, rau ngót, bí xanh, bí đỏ…

 

t12.JPG

Những tháp rau trên sân thượng của gia đình chị Hằng.

 

Nguồn phân bón, làm tơi xốp đất cho rau, chủ yếu do trùn quế đảm nhận, không phải làm cỏ, bỏ phân; thức ăn cho trùn lấy từ nhà bếp, rất phong phú, dư thừa. Gia đình chị có 4 người, nên rau dùng không hết, nhất là vào mùa đông, còn có để đem cho bạn bè và người thân. Việc chăm sóc rau do 2 vợ chồng, 2 con trai và bác giúp việc cùng đảm nhận, ai rảnh rỗi lúc nào thì lên vườn lúc ấy. Đây là nơi hấp dẫn nhất của gia đình vì sau một ngày làm việc, học tập, đây là nghỉ ngơi của cả gia đình, nhất là cháu trai thứ 2 của chị, rất thích tưới rau.   

Chị Hằng cho biết, chị là người “bám” vườn nhiều nhất, vì chị rất yêu vườn rau. Mặc dù cả 2 vợ chồng đều làm ở ngân hàng, rất bận rộn, không có nhiều thời gian nhàn rỗi, vì vậy, sáng ra, chị tranh thủ lên thăm vườn, tập thể dục, chăm sóc rau  khoảng 50 – 60 phút. Chiều về, lại lên vườn ngay, và ở trên vườn, đến giờ ăn tối mới xuống, nên chị thuộc lòng từng chậu cây, hốc rau trên tháp.

Nếu như ông Khâm trồng rau hoàn toàn trong tháp rau, công việc chăm sóc đã có trùn quế, không phải bón phân, làm cỏ, và chỉ cần đầu tư một lần, thì chị Hằng, ngoài 5 tháp rau, vẫn còn 30 chậu rau, kê trên các giá sắt, để dễ thoát nước và lấy ánh sáng. Vì vậy, sau 1 vụ lại phải trộn lại phân, khi rau lớn, cần dinh dưỡng, bổ sung thêm phân trùn quế (loại sấy khô), Ngoài ra, chị còn ngâm đỗ tương, ủ rau xanh để tưới và bón cho rau. 

Là người may mắn có mảnh vườn  sân thượng rộng 120m2, chị Phạm Hà (Hải Phòng) trồng đủ các loại rau, củ, quả sạch phục vụ gia đình. Bí quyết chăm sóc “sức khoẻ” các loại rau trong vườn  của chị, bắt đầu từ khâu làm đất. Theo đó, chị thường xuyên bổ sung dưỡng chất  cho đất  bằng vỏ trứng gà. Cách làm rất đơn giản, vỏ trứng được rửa sạch, phơi nắng, đập nhỏ, sau đó rắc đều lên mặt đất để giúp cây có thêm canxi; ngoài ra, còn giúp  triệt sâu và ốc sên nhỏ. Thỉnh  thoảng, chị Hà còn trộn thêm ít ruột cá, bã hoa quả xay vào gốc rau đất để tăng thêm dinh dưỡng cho cây.

 

t12a.jpg
Khu vườn trở thành nơi thư giãn, giải trí cho chị Hà và gia đình sau những giờ làm việc căng thẳng. Ảnh Dân Trí.

 

Theo chị Hà, mùa đông không phải tưới cho cây nhiều, thỉnh thoảng nên rắc ít vôi bột. Khoảng  40 - 45 ngày, hoà phân lân tưới cho cây đã trưởng thành, hạn chế tưới cây non vì nó có thể sẽ bị chết. Mùa hè,  tưới vào buổi sáng sớm, nếu nắng nóng thì trưa khoảng 11h, phun nhẹ 1 lượt trên mặt đất, không nên tưới trên lá, buổi chiều mát, có thể tưới đẫm hơn.

Công thức làm đất cũng không có gì khó, chỉ cần trộn 3 phần đất thịt, với 4 phần đất vi sinh, 1 phần phân trùn quế, 1 phần xơ dừa, và 1 phần đạm lân tổng hợp, tất cả trộn lẫn với nhau. Sau đó, chia đều đất vào từng chậu,  rắc thêm vôi bột để triệt nấm mốc, sâu bệnh. Khoảng 3 - 4 ngày sau mới tiến hành ươm hạt, hoặc trồng mầm cây.

“Là người đam mê công việc trồng rau, làm vườn, do vậy, ngay sau khi  gia đình chuyển về khu đô thị mới, mình đã bàn với ông xã, thiết kế khu “vườn thượng uyển” rau củ quả trên cao như ngày nay. Chăm sóc cây rau, cũng như chăm 1 em bé, cần phải đầu tư khá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức. Đó cũng là một không gian vô cùng tuyệt vời sau ngày làm việc căng thẳng”, chị Hà cười tươi chia sẻ..

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

    Nhiều sản phẩm của nông dân miền Trung đạt chuẩn OCOP nhưng lại gặp khó trong tiêu thụ. Đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để thúc đẩy kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP?

  • Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Nông dân Sơn La thi đua phát triển kinh tế nông nghiệp

    Những năm gần đây, dựa vào tiềm năng đất đai, khí hậu,… nông dân các địa phương ở Sơn La đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng vùng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, xây dựng thương hiệu cho nông sản… Cùng nhau thi đua sản xuất để làm giàu cho gia đình và quê hương.

  • Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Thăng trầm cây mía xứ Thanh

    Có thời điểm diện tích mía của Thanh Hóa lên tới 32,1 nghìn ha và được xem là cây xóa đói giảm nghèo của nhiều địa phương trong tỉnh. Vì lý do khác nhau mà nhiều hộ dân đã phải chuyển sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Đâu là hướng đi cho cây mía xứ Thanh?

Top