Thái Bình (Yên Sơn) là xã đầu tiên ở Tuyên Quang đạt NTM kiểu mẫu. Từ thực tế triển khai, xã đã đúc kết ra nhiều bài học kinh nghiệm.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, sau khi hoàn thành NTM kiểu mẫu, Thái Bình phải tiếp tục suy nghĩ xem sẽ tiếp tục làm gì để giữ vững và nâng tầm các tiêu chí?
Ông tặng cho lãnh đạo và Nhân dân xã Thái Bình ba chữ “Rồi sao nữa” với ý nghĩa sâu xa.
Năm bài học kinh nghiệm
Với cách làm năng động, sáng tạo, Thái Bình là xã đầu tiên ở Tuyên Quang đạt NTM kiểu mẫu. Giờ đây, diện mạo nông thôn đổi mới toàn diện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp. Hiện, xã không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đạt 55,64 triệu đồng/người/năm.
Trao đổi với phóng viên về bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM kiểu mẫu, ông Nguyễn Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND xã Thái Bình, cho biết, quá trình triển khai xây dựng NTM, xã rút ra năm bài học.
Một, cần chú trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục từ đội ngũ cán bộ đảng viên đến nhân dân trên địa bàn xã. Qua đó, các tổ chức, cá nhân nhận thức rõ và thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình với chủ thể trong quá trình thực hiện chính là từng người dân.
Hai, xây dựng NTM kiểu mẫu là chương trình đòi hỏi tính đồng bộ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt của các cấp, các ngành và nhân dân. Cần có nhiều giải pháp và nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo.
Ba, Ban chỉ đạo, Ban quản lý Chương trình xây dựng NTM xã, Ban Phát triển thôn phải thực sự bám sát cơ sở, xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, phân công rõ trách nhiệm cho từng bộ phận, từng thành viên, tập trung lãnh đạo chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
Bốn, thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư trong quá trình thực hiện nội dung các tiêu chí; khuyến khích và vận động nhân dân chủ động trong khả năng nguồn lực gia đình, bản thân tự có để góp sức lực, ngày công và kinh phí trong quá trình thực hiện.
Năm, phát huy và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân, thực hiện phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, làm tốt công tác kiểm tra giám sát nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những tư tưởng lệch lạc, tạo niềm tin cho nhân dân trong quá trình xây dựng NTM tại địa phương. Thường xuyên khuyến khích động viên khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng NTM. Thời gian tới, xã tiếp tục duy trì, nâng cao các tiêu chí, đặc biệt tập trung vào phát triển kinh tế, văn hóa, môi trường, hướng tới xây dựng NTM thông minh.
Về kinh nghiệm chỉ đạo xã Thái Bình xây dựng NTM, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Cũng như các nhiệm vụ khác, phải có quyết tâm chính trị rất cao, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc.
Hai là, khi triển khai phải có đề án, có kế hoạch chi tiết, rõ ràng. Ngay khi khởi động thực hiện, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường và Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đã bàn bạc kỹ lưỡng kế hoạch đưa Thái Bình đạt chuẩn NTM kiểu mẫu sớm nhất trong các xã của tỉnh.
Sở đã phối hợp với cơ quan của Bộ Nông nghiệp và PTNT khảo sát, đánh giá, xây dựng đề án cụ thể đến từng hộ gia đình. Hộ này đang thiếu cái gì, cần cái gì, phải làm cái gì, làm như thế nào, để không còn là hộ nghèo. Nói chung là, phải có kế hoạch rất cụ thể đến từng hộ gia đình, đến từng tiêu chí cụ thể.
Ba là, sự đồng tình, ủng hộ của các tổ chức của Trung ương, của tỉnh, các doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.
Rồi sao nữa…?
Phát biểu tại buổi Lễ công nhận xã Thái Bình đạt NTM kiểu mẫu, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xây dựng NTM phát triển theo tư duy đổi mới, trước hết phải giải phóng khỏi những nếp nghĩ với nền nông nghiệp sản xuất đã trở thành quán tính, thói quen lạc hậu, để xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại. Mỗi xã NTM phải biết phát huy, nâng tầm các sản phẩm sẵn có, thế mạnh của địa phương, tập trung đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu gắn với những địa danh, huyền tích nổi tiếng để biến nó trở thành sản phẩm đặc trưng của mình. Trên cơ sở đó khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn có tính liên kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh, trong thời gian tới, xã tiếp tục tập trung duy trì NTM kiểu mẫu, nhất là phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, bền vững, củng cố nâng cao chất lượng của hợp tác xã…, giữ vững các tiêu chí đã đạt được, tiếp tục hình thành các khu dân cư kiểu mẫu, văn minh, sạch đẹp; tăng cường xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng thương hiệu quảng bá các sản phẩm nông nghiệp như: nhãn lồng, mật ong, gà lai chọi… trên các kênh thông tin, truyền thông.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã tặng xã Thái Bình ba chữ “Rồi sao nữa”, điều này có nghĩa là, Thái Bình hoàn thành NTM kiểu mẫu rồi thì sẽ phải tiếp tục làm gì để giữ vững và nâng tầm các tiêu chí? Xã có thế mạnh về cây nhãn, mật ong, bưởi. Vì vậy, cần phải có cách làm mới, sáng tạo trong xây dựng thương hiệu để biến các sản phẩm này trở thành thế mạnh của địa phương, có sức vươn ra thị trường bên ngoài. Thái Bình cần phải “đi xa” hơn nữa xây dựng vùng quê không chỉ no ấm mà còn văn minh, hạnh phúc.
Chia sẻ với phóng viên về thông điệp mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan tặng xã Thái Bình, Giám đốc Nguyễn Văn Việt cho rằng, bây giờ phải nghiên cứu xem hình hài của NTM thông minh là như thế nào, rồi xem điểm xuất phát của mình đang ở mức độ nào, sau đó mới xây dựng đề án, làm gì trước, làm gì sau, làm như thế nào để đạt được NTM thông minh?
“Rồi sao nữa”, hàm ý của xây dựng NTM là có điểm khởi đầu không có điểm kết thúc, chẳng qua là Bộ trưởng khái quát lại cho nó gọn hơn, dễ hiểu hơn, luôn luôn phải đặt ra câu hỏi, rồi sao nữa? Có thể khi hoàn thành NTM kiểu mẫu, nhiều người sẽ bằng lòng, người ta sẽ dừng lại. Ông muốn “Rồi sao nữa” chính là đi đến NTM thông minh hay cái gì đó chứ không dừng lại.
“Cái này áp dụng cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Với câu hỏi đấy, luôn luôn phải đặt ra chương trình, đề án để nâng cao giá trị các sản phẩm. Bộ trưởng nói rất rõ, tới đây ngành Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản mang tính định hướng các sản phẩm OCOP từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao, đấy chính là “Rồi sao nữa”?. Và sáng tạo để làm như thế nào mà tăng giá trị mà không có sự so sánh. Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói “Rồi sao nữa” với ý nghĩa phải luôn đặt cho chủ thể yêu cầu không được bằng lòng với những cái gì mình đã đạt được, mà phải cao, cao hơn nữa...”, ông Việt nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.