Những đảng viên tăng cường đã và đang trở thành cầu nối “ý Đảng, lòng Dân” ở cơ sở. Sự có mặt của họ như “làn gió mới” thổi tới luồng sinh khí cho các buổi sinh hoạt chi bộ và các phong trào ở bản làng. Từ giải pháp tăng cường về sinh hoạt chi bộ cùng với những mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất đã mở ra một con đường sáng giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo.
Người Mông ở huyện Tương Dương đã biết trồng chanh leo, nuôi gà hàng hóa để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Đó là đánh giá của ông Lữ Văn May, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Tương Dương, trong câu chuyện với chúng tôi khi đề cập đến vai trò và hiệu quả của việc tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ ở cơ sở.
Từ những tấm gương sáng…
Tại nhà sàn của ông Vi Văn Long, Bí thư bản Tân Hương, một ấm nước chè xanh đã được pha đặc quánh còn nóng hổi. Buổi sinh hoạt chi bộ chỉ có 13 đảng viên nhưng rất sôi nổi. Người già có ý kiến, người trẻ cũng phát biểu chính kiến của mình để bàn về việc tham gia kỹ thuật, ngày công tiến hành xây dựng hố rác cho các hộ gia đình sau khi có sự hỗ trợ xi măng từ huyện.
Đảng viên tăng cường về sinh hoạt tại bản Tân Hương là thiếu tá Hồ Xuân Tuyến, nguyên là sĩ quan Biên phòng được cử về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang, từ năm 2012 không ngần ngại chia sẻ: Ở đây, sinh hoạt chi bộ là như vậy. Mọi vấn đề từ an ninh, chính trị, trật tự, văn hóa, kinh tế, môi trường cho đến phát triển đảng viên… đều được quán triệt. Tân Hương có 58 hộ với 254 nhân khẩu. Chi bộ thời điểm bản mới tách lập có 7 người nhưng do trình độ hạn chế nên việc tuyên truyền, phổ biến nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, sự khắc nghiệt của thời tiết, thổ nhưỡng cùng với sản xuất vẫn theo lối truyền thống dẫn đến năng suất thấp; nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại khiến cho cuộc sống của dân bản bao năm vẫn quẩn quanh với đói nghèo. Bây giờ thì khác lắm rồi.
Bí thư Vi Văn Long nhớ lại: Trước đây, chi bộ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động nhưng từ khi đồng chí Tuyến tăng cường về đây đã hỗ trợ chúng tôi nhiều lắm, từ cách thức điều hành, triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng đến việc ra nghị quyết, chuyên đề hàng tháng, đưa chi bộ đi vào sinh hoạt nề nếp, tạo sự đoàn kết và nhất là, sức chiến đấu của chi bộ Tân Hương đã tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng trong năm nay, chi bộ đã xây dựng được nhiều nghị quyết chuyên đề về củng cố an ninh trật tự, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và giữ gìn vệ sinh môi trường cho thôn bản.
Trưởng bản Tân Hương Kha Thị Khay cho biết: Cái được rõ nét nhất là về kinh tế. Mô hình đảng viên đi trước làm mẫu trong kinh tế trồng rừng, nuôi trâu, bò do đồng chí Tuyến khởi xướng đã lan tỏa, tạo động lực cho dân bản noi theo. Khỏi nói hết, suốt thời gian dài, đồng chí Tuyến từ xã vào bản như một con thoi cùng với Bí thư chi bộ và trưởng bản vận động bà con thực hiện những nội dung mà chuyên đề của chi bộ đã vạch ra. Song song với phát triển kinh tế, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” được khơi dậy mạnh mẽ. Mới đây nhất là câu chuyện bàn về việc phải làm thế nào để đạt được tiêu chí về môi trường, phấn đấu Tân Hương về đích nông thôn mới cuối năm 2017. Sau khi có nghị quyết cụ thể, Đoàn Thanh niên trong bản đã xung phong đứng ra hỗ trợ kỹ thuật và ngày công để xây dựng hố rác liên gia. Hội Phụ nữ trong bản tham gia vào vệ sinh môi trường sạch sẽ vào chiều thứ 6 hằng tuần. Cũng từ các phong trào trong bản, đồng chí Tuyến và Bí thư chi bộ đã đến từng nhà trực tiếp gặp gỡ những nhân tố tiêu biểu trên địa bàn nắm để bắt tư tưởng, tình cảm. Khi xác định những nhân tố tích cực và chí hướng của các quần chúng này, đồng chí Tuyến giao cho từng đồng chí trong chi ủy và các đoàn thể hướng dẫn, giúp đỡ. Đồng thời tạo môi trường thông qua các phong trào thể dục, các buổi giao lưu; tổ chức vệ sinh môi trường xanh- sạch- đẹp để bồi dưỡng cho các quần chúng ưu tú. Từ năm 2016 đến nay, chi bộ đã dẫn dắt, bồi dưỡng và kết nạp được 3 đảng viên.
Phó bí thư là bộ đội biên phòng chỉ đạo người dân xây hố chứa rác tại gia.
Cũng ở Tương Dương, rời bản Tân Hương, chúng tôi vượt rừng vào xã biên giới Tam Hợp. Những năm trước, Tam Hợp nổi tiếng là xã nhiều không nhất, nào là không điện, không đường, không chợ, kể cả sóng điện thoại cũng không vào được. Nơi đó gần 500 hộ với 3.301 nhân khẩu của đồng bào Thái, Poongj, Mông vẫn sinh sống. Bản xa nhất của Tam Hợp là Huồi Sơn, nơi cụm dân cư người Mông sống trên núi cao Pu Xai Lai Leng. Chi bộ Huồi Sơn mỗi năm chỉ họp vài ba lần, việc sản xuất, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các tệ nạn xã hội bủa vây, kẻ xấu tìm cách xúi giục nhân dân làm những điều không tốt, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên biên giới. Vậy nhưng chỉ sau một thời gian, đảng viên được Đảng ủy xã tăng cường về đây phối hợp với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Tam Hợp sinh hoạt “cùng ăn, cùng ở, cùng bàn, cùng làm” với dân tạo nên khối đoàn kết vận động đưa bà con di dời xuống núi xây dựng cuộc sống mới.
Để có được “cú hích” này, bắt đầu từ việc đưa đảng viên tăng cường về sinh hoạt cơ sở. Người xung phong lao vào phụ trách địa bàn khó khăn nhất hồi đó là đảng viên Nguyễn Công Minh. Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông - Lâm, Minh xin về công tác ở Tương Dương và được phân công về phụ trách nông nghiệp địa bàn xã Tam Hợp. Không quản ngại khó khăn, chàng trai trẻ miền biển Nghi Lộc đã thích nghi nhanh chóng với núi rừng, Minh đi từng nhà vận động “cầm tay chỉ việc” cho bà con cách gieo mạ lúa, cách cấy lúa nước, nuôi gà thả vườn, nuôi trâu, bò sinh sản. Cứ như thế, công việc liền tay. Minh tâm sự: Sự nỗ lực của bản thân cũng được đền đáp bằng sự đổi thay tại chính miền quê mới Tam Hợp. Những mô hình được vạch rõ từ những chuyên đề, nghị quyết của chi bộ đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Lúc này Minh đã cảm thấy những kiến thức đã học không hề uổng phí. Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Vi Văn Toàn nhận xét: Cán bộ trẻ tuổi, năng động như Minh là điều mà địa phương vùng sâu, vùng xa đang thiếu, đang cần. Hết thời gian “nằm vùng”, Minh được Đảng ủy xã đề xuất với cấp trên và quy hoạch bầu làm Chủ tịch UBND xã Tam Hợp”.
Đồng chí Lữ Văn May, Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ Tương Dương Nghệ An trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn.
Ông Vừ Chìa Lồng, Bí thư bản Huồi Sơn (xã Tam Hợp) nhận xét, cơ sở chính trị đã được củng cố, hủ tục người chết để cả tuần, chôn cất không cần hòm vỏ giờ đã được loại bỏ, điện, trường, trạm đã đến bản rồi, con đường nay mai cũng hoàn thành, bà con đã xuống núi biết trồng lúa nước, biết chuyển đổi trồng nghệ, chanh leo, kinh tế ngày càng phát triển, tệ nạn xã hội dần được bài trừ, nhiều hộ đã mua được ti vi, sắm được xe máy, người dân tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nay mai bản làng sẽ giàu đẹp thôi”.
Cần duy trì mô hình bền vững…
Bí thư Đảng ủy xã Tam Quang Lô Văn Lý khẳng định: Nhờ đổi mới phương pháp, cách làm và các giải pháp quyết liệt từ Huyện ủy đến từng Đảng bộ cơ sở và chi bộ, công tác phát triển đảng viên trong thời gian gần đây ở Tam Quang đã có sự chuyển biến tích cực. Tính đến hết quý III/2017, Đảng bộ đã xét, kết nạp được 8 đảng viên mới, và xét được 7 hồ sơ tiếp tục đề nghị Huyện ủy chuẩn y kết nạp 7 quần chúng vào Đảng. Dự kiến đến tháng 11/2017, Đảng bộ sẽ đạt chỉ tiêu phát triển Đảng do Huyện ủy giao là 16 đảng viên.
Hiện chúng tôi đang chỉ đạo các chi bộ lập danh sách các đoàn viên, quần chúng ưu tú báo cáo Đảng ủy để tổ chức Lớp bồi dưỡng kết nạp đảng nhằm tạo nguồn phát triển Đảng năm 2018 và những năm tiếp theo.
Bí thư Lý cũng nhận xét, sự thay đổi tích cực trong lề lối làm việc, giờ giấc hành chính của xã hiện nay là nhờ có đồng chí Tuyến về tăng cường hỗ trợ, tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền xã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, phân công cán bộ bám nằm cơ sở. Theo đó, mỗi ủy viên Ban Thường vụ phải chỉ đạo, bám 2 - 3 chi bộ bản, bản thân đồng chí Tuyến chọn ba bản khó nhất. Nhờ vậy đến nay, Tam Quang đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới và đang phấn đấu về đích trong năm 2017, Đảng bộ 6 năm liền đạt danh hiệu trong sạch - vững mạnh. Bản thân đồng chí Tuyến được tín nhiệm bầu giữ nhiều chức vụ ở địa phương như: Phó ban Tuyên giáo, Phó Ban xây dựng cơ sở ATLCSSCĐ, Trưởng ban Pháp chế HĐND xã….
Những bản làng ở huyện Tương Dương ngày một khởi sắc.
Một trong những “lực cản” trong xóa đói, giảm nghèo ở các xã vùng cao chính là tư duy trông chờ, ỷ lại của bà con dân tộc thiểu số. Bây giờ được tăng cường đảng viên là cán bộ công chức xã, khối cơ quan trường học về sinh hoạt tại các chi bộ cơ sở. Kết quả bước đầu đã củng cố lại được chi hội đoàn thể, xốc lại phong trào, tạo được niềm tin, góp phần tăng sức trẻ cho Đảng, đưa các nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống nhanh nhất ở các vùng sâu, vùng xa. Những đảng viên tăng cường đã và đang trở thành cầu nối “ý Đảng, lòng Dân” ở cơ sở. “Tuy nhiên, để họ có thể làm tròn, làm mạnh ở hai vai, ngoài sự nỗ lực, trách nhiệm của chính bản thân đảng viên tăng cường thì rất cần cấp trên có sự hỗ trợ, quan tâm, tạo sự động viên để họ có thể hoàn thành và phát huy được vai trò của một đảng viên tăng cường về cơ sở”, Bí thư Đảng ủy xã Tam Hợp Vi Văn Toàn tâm sự.
Việc đưa đảng viên về tăng cường sinh hoạt ở cơ sở không chỉ tại các chi bộ thôn bản có nguy cơ tái trắng, mà còn tại các chi bộ được xác định là yếu kém để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở. Tại xã Xá Lượng, trước đây có 13 chi bộ, trong đó có chi bộ Na Bè là chi bộ yếu kém, có đảng viên sa vào ma túy, buôn bán trẻ em bị phạt tù. Đơn vị này mấy năm liền luôn xảy ra tình trạng mất đoàn kết nội bộ, trưởng bản vi phạm đạo đức lối sống, nhập nhằng trong thu chi công quỹ đã bị xử lý. Trước thực tế đó, Đảng ủy xã Xá Lượng đã tăng cường 3 đảng viên làm việc tại xã về sinh hoạt. Đến nay, nhờ sự giúp đỡ, hướng dẫn của đảng viên tăng cường, Chi bộ Na Bè đã được kiện toàn, lãnh đạo người dân trồng lúa, hoa màu khá phát triển, phong trào ở Chi bộ Na Bè đã khởi sắc.
Nhận diện được căn nguyên yếu kém hoạt động của các chi bộ cơ sở, những vấn đề tồn tại đúng như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ: Nội dung sinh hoạt Đảng nhiều nơi còn đơn điệu, hình thức, hiệu quả chưa cao, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi còn mất sức chiến đấu…, Ban Thường vụ Huyện ủy Tương Dương đã “ráo riết” triển khai giải pháp đưa đảng viên tăng cường về sinh hoạt các chi bộ cơ sở, trong đó tập trung cả giải pháp chỉ đạo các đồng chí UVTV, UVBCH từ huyện đến cơ sở trực tiếp tham dự sinh hoạt tại đơn vị phụ trách mỗi tháng ít nhất một chi bộ.
Trong buổi làm việc với chúng tôi về hiệu quả của giải pháp tăng cường đảng viên về sinh hoạt tại chi bộ ở cơ sở của Đề án 01, ông Phạm Trọng Hoàng, Bí thư Huyện Ủy Tương Dương nhận định: Dù vẫn còn rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế- xã hội, dân trí nhưng bước đầu mô hình này không những đã nâng cao được chất lượng sinh hoạt cho chi bộ cơ sở mà cùng với những mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất khác đã mở ra một con đường sáng giúp người dân miền núi xóa dần được đói, giảm được nghèo.
Sau một năm triển khai Đề án 01, Tương Dương không còn thôn bản “trắng chi bộ”, không còn chi bộ ghép. Tại ba bản có nguy cơ tái “trắng” chi bộ (gồm bản Xóong Con, xã Tam Thái; bản Thằm Thẩm và bản Huồi Măn xã Nhôn Mai) đã có nhiều chuyển biến tích cực, năm 2016 cả 3 chi bộ đã kết nạp được 4 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên tại chỗ lên 4 đồng chí/chi bộ; năm 2017 tiếp tục tạo nguồn, đang cử quần chúng ưu tú đi bồi dưỡng kết nạp Đảng được 2-3 người/chi bộ.
Đình Lam - Anh Tuấn
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.