Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 23 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 8 năm 2022 | 9:21

Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao

Tổng số đầu lợn ở nước ta trong những năm gần đây đạt 27 - 29 triệu con, trong đó tổng đàn lợn nái khoảng 4 triệu con (chiếm 14,6% tổng đàn). Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về số đầu nái so với tổng đàn thì chiếm tỷ lệ khá cao.

Để chủ động con giống chất lượng tốt phục vụ phát triển chăn nuôi heo theo hướng an toàn dịch bệnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả,Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường biện pháp sinh học tại 2 tỉnh Sóc Trăng, Đồng Nai , bước đầu đạt được một số kết quả đáng kích lệ.

Thực trạng 

Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, tổng số đầu lợn ở nước ta trong những năm gần đây đạt 27 - 29 triệu con, trong đó tổng đàn lợn nái khoảng 4 triệu con (chiếm 14,6% tổng đàn). Tuy nhiên, nếu nhìn nhận về số đầu nái so với tổng đàn thì chiếm tỷ lệ khá cao. Ví dụ tại Thái Lan, quy mô đầu lợn năm 2013 là 35,1 triệu con, nái 1,01 triệu con, chiếm trên 2,88% tổng đàn. 

Hiện nay, chăn nuôi ở quy mô trang trại và quy mô nông hộ chủ yếu sử dụng lợn nái ngoại sinh sản giống ngoại và con lai có năng suất cao, chủ yếu là giống lai giữa Landrace và Yorkshire.

Tuy nhiên, mỗi trại có một cách quản lý và chăm sóc khác nhau nên năng suất của đàn lợn nái cũng rất khác nhau. Ở quy mô trang trại, năng suất sinh sản của lợn nái giống Landrace, Yorkshire và con lai giữa 2 giống này ở vùng Đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tương ứng là 21,20; 22,41; 21,68 và 20,22 lợn con cai sữa/nái/năm.

Trong số các nhân tố ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của đàn nái cơ bản, khẩu phần ăn và phương thức nuôi lợn nái sinh sản đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng đến năng suất ở một lứa đẻ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất các lứa sau.

Để đạt được yêu cầu như tăng số lợn con cai sữa/nái/năm ( 23 lợn con cai sữa), tăng tỷ lệ nuôi sống từ sơ sinh đến cai sữa (93%) và tăng chất lượng đàn lợn con cai sữa, việc chăm sóc nuôi dưỡng và quản lý đàn lợn nái sinh sản cần được coi trọng.

2811_anh_vong_xoay_copy.jpg
Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao đang áp dụng tại Đồng Nai, Sóc Trăng được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giống lợn ở địa phương.

 

Biện pháp an toàn sinh học - yếu tố then chốt 

Để chăn nuôi lợn đạt hiệu quả, người chăn nuôi phải biết áp dụng các quy trình kỹ thuật trong sản xuất, trong đó bao gồm các khâu như chọn giống, chuẩn bị chuồng trại, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, vệ sinh thú y, môi trường và phương pháp hạch toán kinh tế.

Trong đó, các biện pháp an toàn sinh học được coi là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của mô hình chăn nuôi, đặc biệt khi dịch bệnh nói chung và dịch tả lợn châu Phi nói riêng vẫn diễn biến phức tạp.

Theo số liệu từ Cục Chăn nuôi, đàn lợn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 13,5% tổng đàn lợn của cả nước. Mặc dù người dân đã đầu tư cho chăn nuôi khá nhiều nhưng kiến thức của người chăn nuôi về an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh còn rất nhiều hạn chế.

Cùng với đó, nhiều hộ chăn nuôi chưa quan tâm đến chất lượng con giống nên thường mua con giống không rõ nguồn gốc có năng suất và chất lượng thấp. Những điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi không cao, không đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Nâng cao chất lượng giống lợn

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi heo Bình Thắng  là cơ sở giống lợn quốc gia có đàn giống nguồn gốc từ các nước có nền chăn nuôi phát triển hàng đầu thế giới như Đan Mạch, Mỹ, Pháp...

Qua quá trình nuôi thích nghi kết hợp nghiên cứu chọn tạo, Trung tâm đã sản xuất được những dòng lợn năng suất cao đáp ứng được nhu cầu con giống của cả nước. Đa số những dòng lợn của Trung tâm đều được công nhận là tiến bộ kĩ thuật và có ý nghĩa lớn trong phát triển khoa học của nước nhà.

Trong đó, đàn giống bố mẹ có khả năng sinh sản cao, số con sơ sinh đạt >13con/lứa. Trọng lượng lợn sơ sinh dao động 1,4-1,7kg/con. Số lợn con cai sữa/nái/năm đạt từ 24 con trở lên. Trọng lượng lợn con cai sữa tại thời điểm 26 ngày nuôi bình quân 6,7-7,5kg/con. Chỉ số lứa đẻ của lợn nái đạt trên 2,2 lứa/nái/năm.

Thông tin từ Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Chăn nuôi heo Bình Thắng, năm 2022, trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản năng suất, chất lượng cao tăng cường các biện pháp an toàn sinh tại các tỉnh phía Nam”, Trung tâm xây dựng 2 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tại 2 tỉnh Đồng Nai và Sóc Trăng trên 6 hộ chăn nuôi.

Qua đó, chuyển giao 120 lợn nái hậu bị bố mẹ có khả năng sinh sản cao, chất lượng tốt cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kĩ thuật chăn nuôi lợn và các hoạt động thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao kiến thức của người dân về lĩnh vực chăn nuôi đồng thời tiếp cận được nguồn giống tốt, tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nhân rộng mô hình.

Việc xây dựng 2 mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tại Đồng Nai và Sóc Trăng không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giống lợn ở địa phương mà còn giúp người dân áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, từ khâu xây dựng chuồng trại đảm bảo cách ly tốt, nâng cao nhận thức người dân trong việc kiểm soát chất lượng con giống cũng như vệ sinh chuồng nuôi. Việc chăm sóc đàn lợn đúng kỹ thuật để đàn lợn khoẻ mạnh, giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cải thiện thu nhập, phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.

 

 

Lại Hùng
Ý kiến bạn đọc
Top