Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2019 | 14:18

Xây dựng một Việt Nam hùng cường: Cần động lực tăng trưởng mới

Đa số các đại biểu đều cho rằng, để xây dựng một Việt Nam hùng cường, chúng ta cần động lực tăng trưởng mới ở mọi lĩnh vực.

tr3.jpg
Phát triển sản xuất rau an toàn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Vĩnh Phúc.

Trong hai ngày 30 - 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.

Đa số các đại biểu đều cho rằng, để xây dựng một Việt Nam hùng cường, chúng ta cần động lực tăng trưởng mới ở mọi lĩnh vực.

Tăng trưởng nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”

Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Thường trực Uỷ ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội nêu vấn đề, Việt Nam vẫn là quốc gia thu nhập trung bình thấp, vẫn chưa “hoá rồng, hoá hổ”.

Ông phân tích, nhìn lại cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người Việt Nam là 100 USD thì thế giới ở mức 4.000 USD. Năm 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới là 10.700 USD.

Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam là 2.590 USD, thế giới đã hơn 11.000 USD. 

“Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân Việt Nam khoảng 7%/năm, ở mức cao trong khu vực, thế giới nhưng xét về số tuyệt đối GDP thế giới ngày càng cách xa nước ta”, ông Hàm nói và giải thích, Việt Nam “đi được nhiều bước, có lúc tăng trưởng cao thuộc top đầu khu vực, nhưng là bước ngắn nên vẫn tụt hậu so với nhiều nước, họ dù đi chậm lại bước dài hơn”. 

Ông Hàm cho rằng, Việt Nam cần có đột phá để thay đổi, và nếu không khắc phục những bất cập này thì đất nước có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ba mũi nhọn để thoát khỏi nguy cơ tụt hậu, theo ông Hàm là, nâng cao trình độ lao động, phát triển khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo. Muốn làm được, cần đổi mới mạnh mẽ giáo dục, gắn với nhu cầu thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo đại biểu, ba vấn đề trên không mới, song nó đã được minh chứng ở nhiều quốc gia, quan trọng là triển khai thực hiện. Tụt hậu về kinh tế, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là do chúng ta chưa đột phá thành công các vấn đề cốt lõi của tăng trưởng theo chiều sâu và là căn nguyên dẫn đến chúng ta tăng trưởng nhanh nhưng chưa hóa rồng, hóa hổ…

Tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp

Đại biểu Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng: Trở ngại lớn nhất của nông dân không phải vốn, kỹ thuật canh tác mà là thông tin thị trường. Họ chỉ nhận được thông tin qua các kênh không chính thống, qua đại lý thu mua, thương lái... Khi giá cả thị trường chưa tới được với nông dân thì bi kịch giải cứu nông sản chưa thể chấm dứt.

Rào cản thứ 2 là tập trung ruộng đất, cần phân biệt rõ tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất. Tích tụ ruộng đất gắn hẳn với chuyển nhượng quyền sở hữu đất, người nông dân sẽ mất quyền sở hữu, sử dụng. Quản lý nhà nước hiện nay là cấm tích tụ ruộng đất để đầu cơ, kinh doanh.

Thứ 3 là rào cản về tư duy kinh tế nhỏ lẻ. Ông Công đề xuất chuyển từ tư duy kinh tế tỉnh sang kinh tế vùng. Hiện, mỗi tỉnh làm một kiểu, dàn hàng ngang ra làm. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách căn cơ hơn phát triển kinh tế vùng, nhằm chuyển dần từ tư duy phát triển nông nghiệp thuần tuý là trồng lúa, chạy theo số lượng sang chất lượng, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ.

Để chất lượng tăng trưởng được cải thiện tốt, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, cần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp có vai trò quan trọng. Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực,  ngành nông nghiệp đã đạt kết quả đáng ghi nhận, song chuyển dịch cơ cấu có kết quả chưa rõ nét. Ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay là sản xuất tập trung, chất lượng cao, tăng cường liên kết, gắn bó lợi ích trong các chủ thể. 

 

tr8d.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bên lề phiên thảo luận.

 

Về thị trường xuất khẩu nông sản, tuy thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng, nhưng dư địa xuất khẩu nông sản Việt Nam có biểu hiện thu hẹp dần. Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có gạo có giá trị thấp, có nguy cơ mất thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn và thị trường Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực, còn phụ thuộc vào thị trường tiểu ngạch. Ngành có nhiều thế mạnh là thủy sản có nhiều bất lợi do châu Âu chưa gỡ “thẻ vàng”… 

Những hiện tượng này, dù đã có nhiều cố gắng khắc phục, nhưng hiệu quả chưa cao, vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới. Cụ thể là, cần có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu và đang đổ xô trồng cam, xoài… dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”; tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp; có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam… 

Ngoài ra, sản xuất hàng hóa quy mô lớn không thể thực hiện nếu không có hệ thống giao thông, thủy lợi có khả năng kết nối, đáp ứng yêu cầu. Để tạo động lực phát triển mới cho nông nghiệp, việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng là đặc biệt cần thiết, là công cụ làm căn cứ cho nhiều hoạt động như: Tổ chức tín dụng xác định vay vốn; doanh nghiệp và nông dân đầu tư theo thị trường…

Kinh tế tư nhân là động lực

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, nếu nhìn đến năm 2020, mục tiêu tăng trưởng 6,8% của Việt Nam là rất gian nan khi thương mại giảm thấp, suy thoái kinh tế toàn cầu. Nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc 2 nguồn chính là đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung cũng là một trong những nguy cơ xấu ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn.

Do đó, ông Lộc đề nghị, cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Như So (Bắc Ninh) khẳng định, kinh tế tư nhân là động lực đóng góp cho nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân phát triển dưới dạng tiềm năng, chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. Do đó, cần có sự đột phá về cơ chế chính sách, cần tập trung phát triển nguồn nhân lực thông qua đổi mới các mảng, hoàn thiện giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hoàn thiện cơ chế thị trường, xây dựng quảng bá thương hiệu, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, giúp kinh tế tư nhân nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

“Xoay trục lại” để phát triển bền vững

Đối với vấn đề phát triển bền vững, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) đề nghị, áp dụng những bài học của thế giới vào Việt Nam. Theo đó, có 3 trụ cột là nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản.

Nâng cao văn hóa gồm 2 vế: phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới. Bảo vệ môi trường thì gồm có bảo vệ môi trường thiên nhiên, không khí, đất nước, rừng, biển, mặt đất, lòng đất và bảo vệ môi trường xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng; bảo tồn di sản gồm có di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa.

“Để phát triển bền vững, song song với  tạo ra tài sản vật chất, chúng ta phải định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành và các vùng miền vào 3 trụ cột này, chứ còn nếu chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào là GDP tăng lên. Cuối cùng, chúng ta đánh mất chủ quyền, chúng ta lệ thuộc về kinh tế và sẽ không thể tự chủ về nhiều mặt khác nữa”, đại biểu nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “Chúng tôi đề nghị, xoay trục lại, xuyên suốt trong định hướng phát triển của chúng ta là 3 trụ cột: Văn hóa, môi trường, di sản. Đó chính là con người. Nếu không, chúng ta sẽ có những con người sống ở đâu cũng được, qua Mỹ làm mấy nghìn USD/tháng cũng được, không cần làm cho Việt Nam. Như thế sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền của đất nước, bản sắc của dân tộc”.

 

 

 

Dương Thanh
Ý kiến bạn đọc
  • Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Nâng cao nhận thức, con đường nâng tầm cho chè Việt

    Việt Nam được biết đến là một trong những quốc gia sản xuất chè lớn nhất thế giới, với những vùng chè trứ danh và hương vị đặc trưng. Tuy nhiên, phát triển chè hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng và giá trị mang lại chưa cao.

  • Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Thanh Hóa thu ngân sách đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ

    Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh tỉnh Thanh Hóa năm 2024, tại phiên họp thường kỳ tháng 11/2024, thu ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa dự kiến đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ.

  • Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Du lịch sinh thái ở Cà Mau: Tiềm năng và vận hội

    Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.

Top