Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 4 năm 2022 | 9:43

Xây dựng vườn mẫu NTM ở Tuyên Quang: Tiền đề hình thành vùng du lịch nông thôn

Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch trải nghiệm. Mới đây, tỉnh này công nhận 32 vườn mẫu nông thôn mới (NTM), tạo tiền đề hình thành các điểm, vùng du lịch nông thôn, miền quê đáng sống.

Ý thức người dân thay đổi

Giờ đây, phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC không đơn thuần chỉ để tăng thu nhập mà đưa kinh tế vườn lên tầm cao mới. Quy hoạch bài bản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp, cảnh quan bắt mắt, tiến tới hình thành các điểm, vùng du lịch nông thôn là kết quả mà ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đạt được thông qua việc triển khai vườn mẫu NTM.

Là một trong 3 vườn mẫu NTM ở xã Phúc Ninh (huyện Yên Sơn) vừa được công nhận, ông Nguyễn Văn Vinh (thôn Khuôn Thống) tâm sự, gia đình có 1,5 ha bưởi xung quanh nhà 20 năm nay. Trước đây, trồng theo kiểu tự phát, vừa làm vừa học. Khi thực hiện vườn mẫu, gia đình đã ghép, cải tạo, bán bớt cây để đảm bảo về mật độ. Cùng với đó, chuyển sang sản xuất theo quy trình VietGAP, không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc trừ cỏ, thay vào đó là bón phân chuồng, phân phân hữu cơ, vừa bảo vệ sức khoẻ vừa nâng cao được chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, giá bán cao hơn, đặc biệt là quang cảnh vườn thông thoáng, bắt mắt.

 

1.jpg
Tham gia thực hiện vườn mẫu NTM gia đình ông Nguyễn Văn Vinh đã cải tạo, bán bớt cây để đảm bảo về mật độ theo yêu cầu.

 

Ông Vũ Ngọc Đình, ở thôn Lục Mùn (xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn) cho biết, với hơn 2ha bưởi các loại, năm 2019, tham gia thực hiện vườn mẫu NTM, gia đình đã chỉnh trang xây dựng nhiều hạng mục, công trình như: xây 600m tường rào, tường ao nuôi ba ba, cá, xây lại nhà tắm, nhà vệ sinh, chuồng lợn, hệ thống hầm biogas. Đặc biệt, bưởi được quy hoạch lại bài bản, chuyển sang trồng bưởi hữu cơ nên chất lượng được nâng lên, giá bán cao hơn, dễ bán. Bưởi mất mùa nhưng năm 2021 tổng thu nhập của gia đình vẫn đạt khoảng 400 triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, ở thôn Yên Quang (xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hoá), khi triển thực hiện  xây dựng vườn mẫu NTM, ngoài việc quy hoạch bài bản hơn, chất lượng sản phẩm cao hơn so với các hộ khác thì cảnh quan, khuôn viên vườn đẹp, bắt mắt hơn, cách nghĩ, cách làm trong sản xuất của người dân cũng thay đổi so với trước kia.

Phó chủ tịch HĐND xã Yên Nguyên  Bàn Văn Thái cho biết, khi thực hiện vườn mẫu, chất lượng sản phẩm tốt hơn, nhờ đó giá bán cao hơn, cách làm cũng khoa học hơn, trong khi chi phí, công lao động giảm. Cùng với đó, vườn cây xanh tốt, sạch, đẹp, trong xanh hơn, không gây hại môi trường.

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó chủ tịch UBND xã Phúc Ninh (Yên Sơn), cho hay, xã có 3 vườn mẫu NTM được công nhận. Trước khi xây dựng vườn mẫu, người dân đã có ý thức phát triển cây ăn quả theo hướng hàng hoá, nhưng sản xuất vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, quy hoạch chưa bài bản, năng suất, chất lượng chưa như mong muốn.

Khi tham gia, các hộ đã quy hoạch lại vườn, xây dựng tường rào, bê tông hoá đường đi lại, áp dụng tiến học kỹ thuật nên chất lượng sản phẩm, giá bán được nâng lên, tăng thu nhập cho chủ hộ, trước đây khoảng 100-200 triệu đồng, nay tăng lên 400-500 triệu đồng.

Đặc biệt, khi triển khai, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, thay đổi cách thức sản xuất, bố trí các khu vực chăn nuôi thông thoáng, khoa học hơn. Giờ đây, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, bài bản,  môi trường xanh, sạch, đẹp, từ đó chất lượng cuộc sống cũng được nâng lên.

 

2.jpg
Nhiều hạng mục công trình được gia đình ông Vũ Ngọc Đình xây dựng, cùng với đó, vườn bưởi được quy hoạch lại, chuyển sang trồng hữu cơ, do vậy, năm 2021, dù bưởi mất mùa nhưng tổng thu nhập đạt khoảng 400 triệu đồng.

 

Hình thành vùng du lịch nông thôn

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, cho biết, toàn tỉnh có 32 vườn mẫu NTM được công nhận.

Xác định mục tiêu nâng cao thu nhập kinh tế hộ theo Quyết định 269/QĐ-UBND của UBND tỉnh, với vườn mẫu từ trên 1.000m2 trở lên, thu nhập gấp 5 lần so với trồng lúa. Vườn mẫu được công nhận đã đạt và vượt so với tiêu chí đề ra. Khi xây dựng, người dân có ý thức rất tốt trong việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tạo cảnh quan môi trường xung quanh tại cộng đồng dân cư và cho chính hộ tham gia. Vườn mẫu là địa chỉ để các hộ, các địa phương xung quanh đến tham quan, học tập.

 

Các huyện, thành phố của Tuyên Quang đã quyết định, công bố 32 vườn mẫu NTM.

Trong đó, nhiều nhất là huyện Yên Sơn với 10 vườn; thành phố Tuyên Quang 5 vườn; Hàm Yên 5 vườn; Chiêm Hóa 4 vườn; Sơn Dương 3 vườn; Na Hang 3 vườn và huyện Lâm Bình có 2 vườn.

Các vườn mẫu NTM đáp ứng các tiêu chí về quy hoạch, thực hiện quy hoạch; có sản phẩm giá trị; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; môi trường cảnh quan và thu nhập.

 

Theo ông Nam, trong 5 tiêu chí thực hiện vườn mẫu, tiêu chí quy hoạch là khó nhất, khoảng 50% số vườn tham gia phải quy hoạch lại như: quy hoạch, chỉnh trang hàng rào, thiết kế lại hệ thống kỹ thuật tưới phân, tưới nước nhỏ giọt… Hay việc cải tạo lại một số cây trồng trong vườn cho sự đồng nhất về giống, phù hợp với cảnh quan môi trường xung quanh. Do vậy, sau khi hộ đăng ký tham gia, cơ quan chuyên môn của huyện sẽ giúp thiết kế lại vườn mẫu cho phù hợp với yêu cầu đề ra với từng cây trồng. Trên cơ sở đó, chủ hộ sẽ triển khai thực hiện.

Về bài học kinh nghiệm, theo ông Nam, các hộ tham gia phải được sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương; bản thân các hộ phải chủ động trong việc đầu tư kỹ thuật, tài chính để thử nghiệm vườn của mình đạt hiệu quả, không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, giai đoạn tới Tuyên Quang cần làm gì để nhân rộng vườn mẫu NTM, từ đó có thể hình thành các điểm, vùng du lịch nông thôn? Ông Nam cho biết, Nhà nước ngoài chính sách hỗ trợ cần làm tốt công tác quy hoạch đối với từng thôn, từng xã, từng huyện. Vận động nhân dân đủ điều kiện tham gia xây dựng vườn mẫu thành khu, vùng tập trung, từ đó có thể tham gia phát triển du lịch nông thôn.

Tới đây, ngành Nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ, động viên, khích thích các hộ xung quanh có đủ điều kiện xây dựng vườn mẫu đăng ký, tham gia vào phát triển vườn mẫu, tạo thành các vùng, các điểm du lịch nông thôn. Từ đó, khả năng phát triển kinh tế được nâng cao, cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp sẽ thu hút được nhiều du khách đến với các điểm du lịch này.

 


 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top