Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2019 | 13:58

XDNTM 10 năm: Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khi triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) cách đây 10 năm, nhiều ý kiến còn hoài nghi về sự thành công của chương trình.

tr9b.jpg
Miền quê trù phú, an lành Châu Nội, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Ảnh: Trà Giang

Tuy nhiên, đến nay, diện mạo nông thôn ở hầu hết các vùng quê đều khởi sắc rõ rệt, đời sống vật chất, tinh thần của người dân  được nâng cao…

Trên 50% tổng số xã đạt chuẩn NTM

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến hết tháng 6/2019, cả nước có 4.458 xã (chiếm 50,1% tổng số xã) đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,26 tiêu chí/xã; có 76/664 (chiếm 11,45%) đơn vị cấp huyện thuộc 34 tỉnh, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí...

XDNTM đã về đích trước 1,5 năm so với mục tiêu năm 2020 (có 50% số xã đạt chuẩn NTM, bình quân 15 tiêu chí/xã). Đặc biệt, các tỉnh Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương, TP. Đà Nẵng có 100% xã và huyện đạt chuẩn NTM.

Tại phiên họp để chuẩn bị tổng kết nhiều nghị quyết của Trung ương, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia khẳng định, cuối năm 2019, sẽ có trên 50% tổng số xã đạt chuẩn NTM, hoàn thành trước 1 năm so với yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XII.

Phó thủ tướng liệt kê ra nhiều điểm mới trong XDNTM cần tổng kết kỹ: xuất hiện mô hình NTM kiểu mẫu; XDNTM cấp thôn, bản; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trở thành động lực của XDNTM; cơ chế tạo nguồn lực đã giúp các xã giảm mạnh nợ đọng xây dựng cơ bản nhưng vẫn giữ được sự phát triển của chương trình. Bên cạnh đó, chương trình cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ mới cần nghiên cứu, bổ sung xây dựng chính sách trong bảo vệ môi trường - xử lý rác thải và chất thải, cấp nước sạch, gắn XDNTM với đô thị hoá, phát triển du lịch nông thôn gắn với XDNTM...

“Chính phủ chủ động tổng kết 10 năm triển khai Chương trình XDNTM và tổng kết sớm việc thực hiện từ 2016-2020 để cả nước đạt kết quả cao hơn nữa trong năm 2020. Quan trọng hơn là xây dựng khung khổ chính sách cho XDNTM sau năm 2020 và chắt lọc nội dung đưa vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các cấp”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay.

Sau 10 năm thực hiện XDNTM, diện mạo nông thôn ở hầu hết các vùng quê đều khởi sắc rõ rệt, nhận thức về NTM được tăng cường, đời sống vật chất của hộ gia đình nông thôn thay đổi rõ rệt, từ các trang thiết bị gia đình đến điều kiện nhà ở. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần từ 2010 - 2018. Kết quả giảm nghèo đạt nhiều thành tựu ấn tượng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, nhất là vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn giảm nhanh, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Đặc biệt là nhận thức về xây dựng NTM của nhiều cấp chính quyền và người dân đã thay đổi.

Nam Định sẽ là tỉnh NTM đầu tiên

Ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận Mỹ Lộc đạt chuẩn NTM năm 2018. Đây là đơn vị hành chính cấp huyện thứ 9/10 của tỉnh Nam Định về đích XDNTM (Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thuỷ, Vụ Bản, Ý Yên và TP. Nam Định).

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong chia sẻ, các địa phương trong tỉnh đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế; không chạy theo phong trào, thành tích. XDNTM một cách thực chất, hiệu quả với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ,” chủ thể XDNTM là nhân dân, lấy nhân dân làm gốc, lấy thôn, xóm, gia đình là hạt nhân của phong trào toàn dân XDNTM.

 

tr9a.jpg

Xã Hải Lộc (Hải Hậu, Nam Định) xây dựng, duy trì tuyến đường hoa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường. Ảnh: Minh Thu.

 

Nam Định không trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn từ Trung ương phân bổ mà phát huy nội lực, sức mạnh trong dân.

Tỉnh đã tập trung thực hiện thành công hàng loạt việc lớn, việc khó, có tính đột phá trong XDNTM như dồn điền đổi thửa; xã hội hóa nguồn lực XDNTM; xây dựng hệ sinh thái môi trường nông thôn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.

Nam Định đã cơ bản hoàn thành việc dồn điền đổi thửa trong 5 năm 2010-2015. Tổng các nguồn vốn huy động cho XDNTMi của tỉnh lên tới 21.000 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 27%, còn lại là các nguồn từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác.

Hiện, Nam Định đã hoàn thành nhiệm vụ XDNTM và về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra, phấn đấu trở thành tỉnh NTM vào năm 2020.

Năm 2018, trong lần về trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Trực Ninh và Giao Thuỷ đạt chuẩn “Huyện NTM”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng: “Nam Định là một trong những địa phương có thành tích cao nhất cả nước trong XDNTM, qua đó nâng cao đời sống người dân khu vực nông thôn”. Phó thủ tướng tin tưởng Nam Định sẽ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ XDNTM  và trở thành tỉnh NTM đầu tiên của cả nước.

Vẫn còn nhiều hạn chế

“Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể, doanh nghiệp, sự đồng thuận của người dân đã mang lại những đổi thay mang tính toàn diện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xóa tan hoài nghi về những mục tiêu đặt ra ban đầu của chương trình”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ tại Hội thảo Lý luận và thực tiễn trong XDNTM vừa tổ chức tại Nam Định.

 

tr9.jpg
Miền quê trù phú, an lành Châu Nội, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ - Hà Tĩnh). Ảnh: Trà Giang

 

Sau gần 10 năm triển khai, khoảng 84,78% số hộ nông dân hài lòng về  Chương trình MTQG về XDNTM.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam, kinh tế nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng, xuất khẩu nông nghiệp tăng mạnh. Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ nông thôn phát triển nhanh và đa dạng. Giai đoạn 2011-2018, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân ngành nông nghiệp đạt 2,95%/năm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: Đời sống của người dân nông thôn các vùng khó khăn chưa đảm bảo, sinh kế thiếu bền vững. Tỷ lệ tái nghèo còn cao, bình quân 5,1% số hộ thoát nghèo, thậm chí có nơi trên 50%, tập trung ở các vùng miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên.

Kết quả XDNTM chưa thực sự bền vững. Khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng giữa các vùng, miền còn khá lớn. Vai trò chủ thể của nông dân, sức mạnh chủ động của cộng đồng cơ sở chưa được đề cao.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống phai nhạt, tính gắn kết cộng đồng bị xói mòn; tệ nạn xã hội gia tăng, công tác đảm bảo an ninh trật tự còn nhiều hạn chế, xuất hiện nguy cơ xung đột xã hội. Tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn có xu hướng trầm trọng hơn, dễ dẫn tới xung đột về môi trường...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong vòng 10-15 năm tới, quá trình chuyển đổi của nông nghiệp, nông thôn phải tránh được nguy cơ tụt hậu. Mục tiêu trong tương lai phải đảm bảo vai trò chủ thể thực sự của người dân, đảm bảo nông dân có đủ năng lực và cơ hội tham gia, hưởng thụ thành quả phát triển của đất nước; cư dân nông thôn có thu nhập ổn định; ngành nông nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc tế;…

Cần lấy thay đổi tư duy, nếp sống, năng lực của người dân làm mục tiêu, cư dân nông thôn làm chủ thể, cộng đồng thôn, bản là đơn vị đánh giá. Chủ động phát huy tinh thần sáng tạo và nội lực của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường hy vọng: “Thời gian tới, nông thôn Việt Nam sẽ phát triển hài hòa, văn minh nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa cốt lõi, là những miền quê sáng, xanh, sạch, đẹp, thanh tao và đáng sống”.

 

Quyết định số 800/QĐ-TTg ký ngày 4/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 nêu rõ mục tiêu: Đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top