Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 16 tháng 8 năm 2019 | 10:20

XDNTM khu vực miền núi phía Bắc: Bài học kinh nghiệm

Với địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số (DTTS) còn nhiều khó khăn, việc cán đích nông thôn mới (NTM) là cả sự nỗ lực, cố gắng lớn của chính quyền địa phương và nhân dân.

Mặc dù vô cùng khó khăn nhưng trong hành trình XDNTM ở khu vực này cũng để lại nhiều bài học về cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đó là những kinh nghiệm quý giúp cho Chương trình XDNTM khu vực này tiến nhanh hơn thời gian tới.

Minh Đài thành công từ “cái khó nhất”

Câu chuyện cán đích NTM của xã miền núi, nơi có trên 90% đồng bào DTTS sinh sống như Minh Đài (Tân Sơn - Phú Thọ) là một trong những bài học đáng để học tập.

Về Minh Đài, chúng tôi gặp ông Đinh Hòa Bình, người có uy tín trong đồng bào DTTS khu Vinh Quang. Ông Bình tự hào khoe: “Việc tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức, đồng lòng XDNTM là khó nhất, nhưng Minh Đài đã làm được. Minh chứng cho sự chung sức XDNTM của đồng bào các dân tộc nơi đây là sự đoàn kết, nhất trí một lòng, “khi tư tưởng đã thông thì việc gì cũng thuận”.

Nhiều gia đình hiến hàng nghìn mét vuông đất để xây dựng hạ tầng, nhất là mở rộng đường giao thông. Ông Nguyễn Nhật Thành, khu Vinh Quang, cho biết: “Trước đây, nơi này như “ốc đảo”. Không có cầu, đường đất nhỏ lầy lội về mùa mưa. Để đưa học sinh đến trường, chúng tôi phải cõng trên lưng đi bộ hàng mấy giờ đồng hồ. Nhận thấy thành quả của NTM mang lại nên gia đình hiến trên 2.000m2 đất sản xuất để làm đường, xây cầu”.

 

tr13.jpg
Chính quyền và người dân xã Minh Đài tự hào đi trên con đường NTM.

Có được sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, để cán đích NTM, tổng huy động nguồn lực thực hiện Chương trình trên địa bàn xã Minh Đài là 207,656 tỷ đồng, ngoài vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp, vốn lồng ghép, vốn ngân sách tỉnh, huyện, xã thì vốn cộng đồng dân cư và huy động khác cũng đạt 21,315 tỷ đồng. Người dân Minh Đài đã hiến gần 100.000m2 đất để làm đường; hiến ngày công lao động và vật liệu thi công gần 3 tỷ đồng…

Chủ tịch UBND xã Minh Đài Dương Văn Khái chia sẻ: Thành công của Minh Đài là có được sự đồng thuận, ủng hộ hết mình của người dân. Bên cạnh nguồn ngân sách mà Nhà nước hỗ trợ, xã luôn chú trọng huy động mọi nguồn lực xã hội, nội lực tại chỗ, phát huy sức dân để chăm lo cuộc sống của dân, khắc phục tâm lý trông chờ vào ngân sách của Nhà nước. Để có được điều đó, mọi vấn đề trong XDNTM như chủ trương, cách thức triển khai cho đến việc huy động đóng góp của dân được bàn bạc công khai trong cộng đồng dân cư để nhân dân hiến kế, đề xuất cách thực hiện.

Đồng thời, trong sử dụng nguồn lực, ưu tiên cho mục tiêu phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của nhân dân. Các hộ dân tích cực đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chủ động đưa các giống cây, con có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ như chè Bát Tiên, chè Shan Tuyết, bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bò lai Sind, gà nhiều cựa,… vào sản xuất nên năm 2011, thu nhập bình quân đạt 9,1triệu đồng/người thì năm 2018  tăng lên, đạt 32,9 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ từ 30,27% (năm 2011) giảm còn 7,73%, hộ cận nghèo 3,9% (năm 2018).

XD thôn, bản NTM: Sáng tạo trong thực hiện

Phó chánh văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối Chương trình MTQG về XDNTM tỉnh Điện Biên Nguyễn Thanh Bình cho biết: Giai đoạn 2019 - 2020, tỉnh tổ chức thực hiện xây dựng thôn, bản NTM tại các thôn, bản ở các xã biên giới thuộc “Đề án XDNTM 29 xã biên giới tỉnh Điện Biên”.

Hiện, 7 bản của huyện Mường Chà đăng ký xây dựng đạt chuẩn NTM tại 3 xã biên giới là Mường Mươn (2 bản); Na Sang (3 bản) và Ma Thì Hồ (2 bản).

Ông Lò Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Mường Mươn, cho biết: UBND huyện Mường Chà đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn xã triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với UBND xã rà soát thực trạng XDNTM; xây dựng kế hoạch triển khai trình UBND huyện để huyện đăng ý với UBND tỉnh. Theo kế hoạch, đến năm 2020,  Mường Mươn có 4 bản đạt chuẩn NTM, trong đó năm 2019 có 2 bản là Mường Mươn 1 và Mường Mươn 2.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Điện Biên Chu Văn Bách cho rằng: Mặc dù số tiêu chí bình quân tại các bản còn thấp nhưng huyện Điện Biên phấn đấu hết năm 2020 hoàn thành 23 thôn, bản đạt chuẩn NTM, trong năm 2019 sẽ hoàn thành 10 thôn, bản. Đây là tiền đề để nhân rộng NTM ra toàn xã.

Không chỉ Điện Biên, trong những năm qua, trên cơ sở nắm chắc điều kiện kinh tế - xã hội  và tự nhiên của địa bàn, lãnh đạo các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Giang,… cũng đã chỉ đạo triển khai xây dựng NTM ở cấp thôn, bản. Thực tế cho thấy, đây là cách tiếp cận phát huy hiệu quả tích cực.

Đề xuất từ thực tế

Tại cuộc họp tổng kết Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM khu vực miền núi phía Bắc giai đoạn 2010-2020, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết: Vướng mắc của Hòa Bình là hiện nay có hai xã tổ chức lại đơn vị hành chính thì có một xã đã đạt chuẩn NTM, còn một xã thì chưa nên chưa biết gọi là xã gì; thứ hai nữa là, về chuẩn quốc gia, ví dụ như tiêu chí về văn hóa - giáo dục thì chúng tôi cũng có hai xã tổ chức lại đơn vị hành chính, trong đó 1 xã chưa đạt chuẩn và 1 xã đạt chuẩn. Khi hợp nhất với nhau thì giải quyết như thế nào?

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình đề xuất Trung ương cần có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù đối với các tỉnh miền núi phía Bắc trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là XDNTM. Trong đó cần có cơ chế đủ mạnh để phát triển kinh tế rừng, để người dân có thể sống được bằng nghề rừng; cơ chế phát triển du lịch gắn với XDNTM và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Cần có một đến hai chính sách cơ bản là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phát triển.

Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến đề nghị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các viện, trường hỗ trợ các địa phương trong vùng khai thác tốt thế mạnh của khu vực về cây ăn quả, rau, cây dược liệu, cây đặc sản, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, lâm nghiệp… Đưa khu vực sớm trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nông nghiệp sạch và nông nghiệp hữu cơ. Hỗ trợ triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), phát triển du lịch cộng đồng gắn với XDNTM, xem đây là định hướng trọng tâm để phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn của các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời sớm hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn, trong đó, có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn, trong đó, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Thực tiễn cuộc sống vào chính sách

Từ thực tiễn của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1385/QĐ-TTg, ngày 21/10/2018 về “Đề án hỗ trợ thôn, bản, ấp của các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo XDNTM và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018 - 2020”, tập trung cho các xã đang đạt dưới 10 tiêu chí.

Theo đó, Đề án sẽ hỗ trợ cho khoảng 3.500 thôn, bản, ấp của 363 xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của 35 tỉnh, trong đó có 564 thôn, bản, ấp thuộc 52 xã dưới 5 tiêu chí. Mục tiêu của Đề án là góp phần hoàn thành mục tiêu phấn đấu cả nước không còn xã dưới 5 tiêu chí và trực tiếp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất, tinh thần cho người dân tại các thôn của các xã khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào năm 2020.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, Đề án xác định dành 1.400 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển trích từ tổng số 10% vốn dự phòng của Chương trình MTQG về XDNTM giai đoạn 2016-2020 cho các tỉnh có các xã đặc biệt khó khăn thuộc phạm vi hỗ trợ của Đề án.

Đề án cũng đặt ra yêu cầu các nội dung được đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Trung ương phải có sự tham gia đối ứng của cộng đồng bằng tài sản hoặc ngày công lao động trên nguyên tắc tự nguyện. Khuyến khích các địa phương áp dụng hình thức việc làm công để tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập khi tham gia ngày công lao động để thi công công trình.

 

Định hướng XDNTM giai đoạn 2021 - 2025 ở các tỉnh miền núi phía Bắc

Đối với cấp tỉnh: Có ít nhất 01 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ XDNTM.

Đối với cấp huyện: Mỗi tỉnh trong khu vực có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, trong đó, khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu.

Đối với cấp xã: Có ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trong số các xã đã đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia NTM giai đoạn 2021-2025.

Đối với cấp thôn: 80% số thôn/bản thuộc phạm vi Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM, 90% số thôn/bản thuộc các xã khác trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí thôn/bản NTM do các địa phương quy định.

Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo tính kết nối, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng thu nhập bình quân đầu người ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

 

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top