Sau nhiều nỗ lực, huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã có 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM nâng cao, trong đó có 2 tiêu chí nổi bật: thu nhập và giáo dục, đẩy nhanh tốc độ đưa địa phương sớm được công nhận là quận vào năm 2025.
Giáo dục, thu nhập xếp hàng đầu
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Linh, phụ trách lớp mẫu giáo lớn (5 - 6 tuổi) Trường Mầm non B xã Liên Ninh, cho biết, cô được giao phụ trách bậc học này nhiều năm nay. Đây là cấp học được xem là nền tảng trong việc xây dựng nhân cách con người, do vậy, phải dạy cho các con tính tự lập, tự phục vụ cá nhân từ sớm . Khó khăn, vất vả nhất là đầu năm học, khi các cháu mới từ lớp nhỡ chuyển lên, chưa quen bạn, quen cô. Vì vậy, các con ít nhiều bị xáo trộn, bỡ ngỡ, có bạn không chịu vào lớp, bố mẹ phải bế và ngồi bên cạnh mới nín.
Gặp những trường hợp như vậy, các cô phải nhẹ nhàng, thân thiện để các con quen dần. Sau đó, cho các con biết, lên lớp lớn, có rất nhiều đồ chơi, có bảng chữ cái để tập tô, tập viết. Đến giờ ăn, cô dạy cho các con xếp bàn ghế, lau bát đũa, xới cơm, vì vậy, các con luôn cảm thấy vui vẻ, đầm ấm như ở trong gia đình mình. Chưa kể, được động viên, các con còn ăn nhanh, trong tâm thế vui tươi, không phải dỗ dành như những ngày đầu vào lớp học mới.
Việc đi vệ sinh, ăn ngủ, học hành đúng giờ cũng phải nhắc nhở như ở lớp bé. Vì vậy, cô giáo đã phải “huấn luyện” một số bạn nhanh nhẹn, nổi trội, để có thể cùng cô, nhắc nhở cả lớp giữ trật tự trong giờ ăn, như một “bảo mẫu” thực thụ. Cứ như vậy, mỗi ngày các con đến trường là một niềm vui lớn, dần dần, các bé cảm nhận được cô giáo như người mẹ thứ 2 ở trường.
“Để các con mạnh dạn, tự tin, cô giáo phải cho các con phát biểu nhiều, để nhanh chóng hoà đồng với các bạn. Do vậy, chỉ trong 1 tháng, các bé đã tự làm quen với nhau, cùng với con là các mẹ cũng làm quen với nhau. Sau đó, cô giáo lập nhóm Zalo giao lưu với phụ huynh trong việc dạy chữ, dạy nhân cách cho các con hàng ngày; đặc biệt là trong dịp nghỉ dịch Covid – 19, vì vậy, các con gần như nắm được các kiến thức cơ bản”, cô Linh cho biết thêm.
Bà Trần Mai Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non B xã Liên Ninh, cho biết: Sau nhiều nỗ lực và những đóng góp không ngừng nghỉ của cán bộ và toàn thể giáo viên, Trường Mầm non B xã Liên Ninh đã được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiểm định chất lượng đạt mức độ 3; nâng chuẩn Quốc gia từ mức độ I lên mức độ II vào tháng 12/2019. Được biết, 100% số xã của Thanh Trì đều có 3 cấp trường: mầm non, tiểu học, trung học; 56/68 trường đạt chuẩn Quốc gia cấp độ 1 (đạt 82,4%); trong đó có 02 xã Liên Ninh, Thanh Liệt có trường đạt chuẩn cấp độ 2. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để xã Liên Ninh đạt NTM nâng cao.
Đi đôi với giáo dục, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Số hộ có nhà kiên cố và kết nối internet ngày càng tăng, nhiều hộ có ô tô. Hộ nghèo giảm chỉ còn 0,35%. Các xã đều đạt chuẩn quốc gia về y tế; người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85,3%. 100% thôn có nhà văn hoá, các xã có 1 - 2 chợ hạng 3, siêu thị mini hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn theo quy định.
Đến hết năm 2020, huyện có 100% số xã đạt tiêu chí thu nhập, ước thu nhập bình quân năm 2020 đạt 62 triệu đồng/người, tăng 48 triệu đồng/người so năm 2008; tăng 24 % so với mục tiêu của Chương trình (đến 2020 đạt 50 triệu đồng/người).
Vững bước tiến lên quận nội thành
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyết Anh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì, cho biết: “Huyện tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thành ủy về XDNTM nâng cao, gắn với thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường.
Mô hình trồng rau thuỷ canh ở Yên Mỹ.
Toàn huyện có 14/15 xã cơ bản hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM nâng cao. Năm 2020, đã có 10 dự án xây dựng, cải tạo, nâng cấp đường giao thông; 100% số xã có hệ thống giao thông thuận lợi, đáp ứng chuẩn NTM nâng cao. Nhân dân hiến đất làm đường làng, ngõ xóm với tổng diện tích 11.380m2, đóng góp 207.482 ngày công lao động. Cơ bản 100% số xã đạt tiêu chí theo chuẩn nâng cao”.
Ngoài ra, cũng theo bà Tuyết Anh, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo vệ sinh ATTP được quan tâm; 100% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Ngành Giáo dục được tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của UBND thành phố.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, ông Chu Phú Mỹ, cho biết: “Thanh Trì cần phát huy tiềm năng, lợi thế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng XDNTM nâng cao, gắn với đầu tư, xây dựng thành quận vào năm 2025. Phấn đấu đến hết năm 2025, huyện có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng NTM nâng cao gắn với đầu tư, xây dựng huyện Thanh Trì thành quận. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao; xây dựng mô hình liên kết chuỗi, gắn với phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn để nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người dân. Đồng thời, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp.
Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 90%; phấn đấu hết năm 2025, toàn huyện có 10/15 xã có trường học (mầm non hoặc tiểu học) đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2".
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.