Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 27 tháng 7 năm 2020 | 15:15

XDNTM nâng cao: Vân Tảo nỗ lực tổ chức lại sản xuất

Xã Vân Tảo (Thường Tín - Hà Nội) đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) năm 2018, với số điểm 96,55/100. Song, chưa bằng lòng với kết quả đạt được, người dân đang quyết tâm nâng cao các tiêu chí đã đạt được.

Một trong những điều quan trọng mà bà con Vân Tảo lựa chọn là nỗ lực sản xuất để nâng cao thu nhập, làm giàu cho gia đình và quê hương.

 

tr28.JPG
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Hưng.
 

Lợn sạch giá 135.000 đồng/kg

Anh Lê Văn Hưng (thôn Nội thôn, xã Vân Tảo) cho biết, anh có đàn lợn thịt 700 con, và 60 lợn nái, được nuôi bằng men sinh học hữu cơ từ năm 2017 đến nay. Men vi sinh do Công ty TNHH Tư vấn và thương mại Hiền Linh (Hà Nội) cung cấp. Đây là nguồn thức ăn theo công nghệ Nhật Bản, do giáo sư  Nguyễn Hiền, nguyên cán bộ ngành nông nghiệp nghiên cứu, sản xuất.

Đó là loại men không sử dụng kháng sinh, không chất tạo màu, không mùi, vị, không chất chống ôxy hoá. Do đã có men sinh học hữu cơ khống chế ôxy hoá, có thể bảo quản trong 3- 4 tháng mà thức ăn không hư hỏng. Sau khi tìm hiểu kỹ, anh Hưng đã quyết định chọn dòng thức ăn này. Theo đó, mỗi tháng gia đình mua 200kg men, giá 100.000 đồng/kg. Sau đó trộn thêm cám ngô, khô đậu tương, cám mỳ, bột cá và khoảng 4% khoáng chất làm thức ăn cho đàn lợn. 

Hiện, bình quân mỗi tháng anh Hưng xuất khoảng 70 con lợn, chủ yếu khách đến mua tại chuồng với giá 135.000 đồng/kg lợn hơi. Tuy giá lợn hơi cao “ngất ngưởng”, nhưng để lấy lại được vốn của đàn lợn hữu cơ như ngày nay, anh Hưng dự kiến phải 1 năm sau nữa. Nguyên nhân là do khi gia đình bắt đầu khởi nghiệp (năm 2016) đến nay, chăn nuôi lợn chưa bao giờ “bình yên”.    

“Năm đầu tiên gặp  phải “bão giá”, giá lợn hơi xuống thấp chưa từng thấy trong vòng nửa thế kỷ qua, khiến người dân chán nản bỏ chuồng rất nhiều. Tiếp theo là dịch lở mồm, long móng, và gần đây nhất là dịch tả lợn châu Phi. Để có đàn lợn như hiện tại, gia đình đã phải “cắm” 6 sổ đỏ để vay vốn, hiện, đã thu về được 3 sổ.

 Tuy nhiên, cái được rất lớn là, nếu như trước đây, bà con còn dè dặt, do chưa biết nhiều đến lợn hữu cơ, thì nay cả xã Vân Tảo đã được ăn thịt lợn sạch, đây cũng là niềm vui rất lớn của chúng tôi, nhất là khi Vân Tảo đang nỗ lực XDNTM nâng cao”, anh Hưng cho biết thêm

Đào Vân Tảo sánh cùng Nhật Tân

Ông Bùi Đình Cờ (thôn Đông Thai) cho biết, đào Vân Tảo có từ rất sớm, khoảng vài chục năm trước, do người dân đem về trồng chơi. Có năm đã qua Tết rất lâu, nhưng hoa đào vẫn tươi thắm trên cây, dần dần nhiều gia đình trong xã cũng trồng theo.

 

tr29.JPG
Cán bộ xã Vân Tảo (không đội mũ) thăm vườn đào hộ ông Cờ.

 

Song, từ năm 2003 đến nay, bà con Vân Tảo mới thực sự quan tâm đến cây đào. Bởi đất Vân Tảo cũng giống đất Nhật Tân, vì cùng nằm trên dải đất phù sa sông Hồng. Dần dần, qua giao lưu học hỏi, người dân Vân Tảo đã học được cách trồng đào của người Nhật Tân, đến nay, khách chơi đào khó có thể phân biệt được màu sắc, kiểu dáng của 2 vùng đào này.   

Ông Cờ có 2 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2) trồng trên 100 cây đào, cả đào thế và đào cành. Vào thời điểm nắng nóng như thế này, người trồng đào khá bận rộn.  Vừa phải dùng rơm rạ che phủ gốc cho cây để giữ ẩm, vừa phải thức đêm để tưới nước. Đồng thời, phải chăm sóc uốn, tỉa thường xuyên để tạo dáng cho đào. Vất vả nhất là thời điểm tuốt lá đào để tập trung nuôi hoa (khoảng 40 – 50 ngày), trước Tết Nguyên đán, bà con phải làm việc cật lực mới kịp.  Gia đình nào có khoảng 6 - 7 sào đào phải thuê nhân công, 200.000 đồng/người/ngày.   

Hiện, đang vào vụ bón phân, cắt tỉa dăm (cành) đào, để có nhiều cành, nhiều nụ vào dịp Tết Nguyên đán, công việc này phải làm 2 – 3 lần/năm, tuỳ theo ruộng tốt hay xấu.

“Ngoài những vất vả, bận rộn khi chăm sóc, người trồng đào còn hồi hộp chờ đào nở vào cuối năm, vì có cây 5-6 năm liền không nở đúng Tết, thường nở trước hoặc sau Tết. Ví như, dịp Tết Nguyên đán 2020, chỉ thu được khoảng 50%, do nở trước Tết nhiều; năm 2019 cao hơn, đạt 80 – 90%. Năm 2020, hộ cao nhất trong thôn doanh thu 600 – 700 triệu đồng, trừ chi phí, thu lãi 350 triệu đồng; hộ ít nhất lãi 50 triệu đồng”, ông  Cờ cho biết thêm.

Định hướng của địa phương

Được biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí XDNTM, Vân Tảo đang tiếp tục hoàn thiện các cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho cư dân nông thôn. Nhất là các công trình cung cấp nước sạch hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, và tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh.     

Tổ chức duy tu, bảo trì các công trình, đảm bảo nâng cao hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng. Phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để nâng cao thu nhập cho người dân.

 Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch UBND xã Vân Tảo, cho biết: “Xã đang triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá chủ lực theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện Thường Tín. Đảm bảo thu nhập bình quân đầu người hàng năm đạt và vượt mức quy định (theo vùng). Phấn đấu giảm tối đa hộ nghèo, trừ những trường hợp thuộc diện bảo trợ xã hội theo quy định”.

Ngoài ra, ông Hoàn cho biết thêm, Vân Tảo đang tiếp tục đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên. Đặc biệt là nâng cao chất lượng môi trường nông thôn.

 

 

 

Dương An Như
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top