Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 17 tháng 9 năm 2020 | 15:8

XDNTM ở Định Hóa, tiến bước vững chắc

Là huyện thuộc diện khó khăn nhất  tỉnh Thái Nguyên nhưng Định Hóa vẫn đang bước những bước vững chắc trên con đường xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nhưng quyết không chạy theo “bệnh thành tích”.

t26.jpg
Người dân xã Quy Kỳ chăm sóc đồi quế.

 

Tiến vững chắc

Năm 2011, Định Hóa bắt đầu triển khai nhiệm vụ XDNTM; khi ấy, toàn huyện chỉ đạt 2,5 tiêu chí/xã. Đến nay (sau sáp nhập một số xã), Định Hóa có 8 xã được UBND tỉnh Thái Nguyên công nhận đạt chuẩn NTM; các xã còn lại đều đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Hết năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã về đích, nâng tổng số xã được công nhận lên con số 10 và các xã còn lại đều đạt từ 11 tiêu chí trở lên.

Việc xây dựng xóm, xã NTM kiểu mẫu cũng được Định Hóa xây dựng kế hoạch sát với thực tế; với xóm NTM kiểu mẫu, bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, nguồn vốn do tổ chức KOICA (Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc) tài trợ, huyện còn trích nguồn vốn từ ngân sách địa phương hỗ trợ với mức 600 triệu đồng/xóm trong vòng 2 năm để tập trung phát triển sản xuất. Với xã Bảo Cường (đơn vị xây dựng xã NTM kiểu mẫu), Định Hóa tiếp tục tập trung huy động, lồng ghép các nguồn lực để đẩy mạnh thực hiện; các xã còn lại, huyện yêu cầu mỗi năm, mỗi xã phải hoàn thành 1- 2 tiêu chí.

Không mắc “bệnh thành tích”

Ông Mạc Văn Vỹ, Chủ tịch UBND xã Bảo Cường, chia sẻ: Bảo Cường được tỉnh, huyện giao nhiệm vụ xây dựng xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 – 2020. Thực hiện nhiệm vụ này, chúng tôi đã tuyên truyền vận động nhân dân chủ động tổ chức thực hiện các tiêu chí, không thụ động trông chờ, ỉ lại vào cấp trên.

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Bảo Cường đã tiến hành duy tu, sửa chữa, làm mới một số tuyến đường giao thông, hệ thống thủy lợi; đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia trại, tổ hợp tác; công tác chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng - vật nuôi được nhân dân hưởng ứng tích cực, nhờ đó năng suất, chất lượng nông sản không ngừng được tăng lên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện. Công tác giảm nghèo, chính sách đền ơn đáp nghĩa được thực hiện tốt, giáo dục đào tạo tiếp tục phát triển; phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa gắn với XDNTM được nhân dân hưởng ứng tích cực... 

 

t27.JPG
Công nhân Công ty TNHH Vũ Hoa phân loại nguyên liệu từ cây quế.

 

Hết năm 2019, chiếu theo Quyết định 1164/QĐ – UBND ngày 15/5/2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2017 - 2020, Bảo Cường đã đạt 16/19 tiêu chí; đánh giá theo quyết định này, xã có thể hoàn thành nhiệm vụ đúng kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, theo Quyết định 2292/QĐ-UBND ngày 03/8/2018 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc điều chỉnh Bộ tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoan 2017 – 2020; theo Quyết định này, để đạt xã NTM kiểu mẫu, xã phải không có hộ nghèo, phải có 02 HTX kiểu mẫu... Việc này, với Bảo Cường rất khó hoàn thành vì hiện nay số hộ nghèo của xã là 44 hộ. Về tiêu chí Tổ chức sản xuất, mỗi xã phải có 02 HTX kiểu mẫu, tức HTX phải có doanh thu trên 3 tỷ/năm, ở Bảo Cường khó hoàn thành (trước đây có 03 HTX, hiện nay chỉ còn 01 HTX nhen nhóm hoạt động, còn lại đều chết yểu)...

“Tới đây, Bảo Cường sẽ có văn bản báo cáo với huyện, với tỉnh xin lui lại việc về đích NTM kiểu mẫu, chúng tôi sẽ không chạy theo bệnh thành tích”, ông Vỹ nói.

Không ngừng nâng cao giá trị kinh tế rừng

Cây quế đã được người dân huyện Định Hóa đưa vào trồng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước theo dự án định canh, định cư, với diện tích trồng được khoảng 200ha. Đến nay, quế đang sinh trưởng, phát triển tốt; sản phẩm thu hoạch đạt chất lượng tương đương với cây quế được trồng tại tỉnh Yên Bái.

Trên cơ sở này, Đại hội Đảng bộ huyện Định Hóa nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra nghị quyết: Xác định đẩy mạnh phát triển cây quế và chế biến các sản phẩm từ quế với mục tiêu đưa cây quế trở thành cây lâm nghiệp chủ lực của địa phương. Phấn đấu mỗi năm toàn huyện thực hiện trồng trên 500ha quế; đến năm 2030, phấn đấu trồng được 10.000ha quế.

Ông Lý Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Định Hóa là huyện miền núi, diện tích rừng sản xuất có khoảng 22.000ha và trên 9.000ha rừng phòng hộ nên kinh tế rừng có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh việc trồng các loại cây như keo, bạch đàn, nhiệm kỳ vừa qua (2015 – 2020), huyện đã đẩy mạnh việc chuyển đổi sang trồng quế nhằm nâng cao giá trị kinh tế rừng của địa phương. Sau 5 năm triển khai, huyện đã trồng được trên 2.250ha quế, nhiều diện tích quế đã bắt đầu cho thu hoạch bằng việc tỉa cành, đốn lá.

 

t27a.JPG
Đường giao thông nông thôn ở xã Phú Tiến - Định Hóa 

 

Bà Nguyễn Thị Tươi (xóm Nà Tấc, xã Lam Vỹ) bộc bạch: Trước đây, đồi rừng của gia đình chỉ trồng cây keo lai, khi được chính quyền và các cơ quan chức năng vận động trồng quế, chúng tôi  trồng thử 2ha. Đầu năm 2018, chúng tôi tiến hành tỉa thưa được khoảng 20 tấn thân, cành, lá quế, bán với giá 1.500 đồng/kg, thu trên 30 triệu đồng. Thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng thêm 2ha quế nữa.

Là đơn vị tiên phong trong việc phối hợp với chính quyền và nhân dân địa phương đưa cây quế phát triển nhanh ở Định Hóa, ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Vũ Hoa (thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hóa) chia sẻ: Năm 1998, theo chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc, tôi triển khai trồng mỡ, với diện tích hơn 10ha. Trồng được 6 năm, tôi nhận thấy cây mỡ hiệu quả kinh tế không cao. Với niềm đam mê trồng rừng, tôi đã tìm hiểu nhiều cây trồng sao cho phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây mỡ. Khi ấy, tại địa phương, một số hộ có những cây quế đang sinh trưởng tốt, tôi quyết định tìm hiểu sâu về cây quế. Tôi vào tận Nam Trà My (Quảng Nam), sang Yên Bái để học hỏi kinh nghiệm kỹ thuật trồng; tìm hiểu từ công tác thu hoạch đến tiêu thụ sản phẩm; cuối cùng tôi nhận thấy quế là cây trồng phù hợp với Định Hóa và sẽ cho hiệu quả kinh tế cao nên quyết định phát triển cây quế.

“Từ năm 2015, UBND huyện, cùng nhân dân địa phương đã đồng hành đẩy mạnh trồng quế theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020, Công ty hỗ trợ một phần giống, phân bón,  kỹ thuật trồng, chăm sóc quế cho bà con. Hiện nay, chúng tôi đang đảm bảo tốt việc thu mua toàn bộ các sản phẩm quế của người dân tới kỳ thu hoạch và tiếp tục đồng hành cùng UBND huyện, nhân dân mở rộng diện tích trồng quế”, ông Vũ nhấn mạnh.

Với sự chắc chắn kể cả trong phát triển kinh tế cũng như trong XDNTM của chính quyền và nhân dân Định Hóa, tin rằng, sự phát triển “nóng” cây trồng sẽ không có chỗ xuất hiện ở nơi đây. Thay vào đó là sự phát triển theo hướng bền vững luôn được thực hiện, Định Hóa hôm nay càng tăng thêm ý nghĩa của địa phương an toàn, xứng danh địa chỉ An toàn khu (ATK).

 

 

 

Đình Hợi
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top