Sau 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cách làm bài bản, sáng tạo, Hà Tĩnh đã đạt được kết quả toàn diện, vững chắc. Những sáng tạo trong XDNTM của Hà Tĩnh đã được Ban chỉ đạo Chương trình MTQG XDNTM Trung ương ghi nhận, khuyến khích nhân rộng trên toàn quốc.
Mô hình sản xuất kinh doanh được khẳng định phá vỡ tư duy “manh mún, nhỏ lẻ” nhiều đời nay của người nông dân Hà Tĩnh.
Từ những mô hình tiền tỷ…
Về Hà Tĩnh hôm nay, NTM đã hiện hữu, đâu đâu cũng thấy người dân hăng say thi đua sản xuất. Có người bao năm chật vật mưu sinh bằng đủ nghề rồi lại tìm ra “tiềm năng” trên chính mảnh đất quê hương mình. Những mô hình do người dân thực sự làm chủ ngày càng nhiều.
Năm 2004, anh Ngô Xuân Linh (xã Sơn Mai, huyện Hương Sơn) nhận gần 11ha đồi hoang để đầu tư sản xuất. Đến nay, trang trại của anh mở rộng lên 20ha, với gần 10 ngàn gốc cam các loại, trong đó có 7ha cho thu hoạch và tiếp tục năm sau sẽ có thêm 5ha cho quả. Giờ đây, trang trại của anh là mô hình trồng cam chất lượng cao điển hình tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh với đặc sản cam Bù nổi tiếng.
Từ vùng đất cát hoang hóa bạc màu ven biển thuộc các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Nghi Xuân…, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh đã ứng dụng tiến bộ kỹ thuật của các nước tiên tiến vào sản xuất, từ đó tạo thành vùng sản xuất rau, củ, quả chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với gần 100ha đất cát bạc màu tại xã Thạch Văn, 3 năm nay, bình quân mỗi ngày dự án cung ứng khoảng 5 tấn rau, củ, quả các loại ra thị trường. Thời điểm chính vụ (tháng 9 đến tháng 2 dương lịch năm sau), có khoảng 20 - 25 loại sản phẩm chính được thu hoạch; trái vụ (tháng 3 - 8) có 15 - 20 sản phẩm. Hiện nay, hai nhóm sản phẩm đang được phát triển tại Thạch Văn là rau an toàn (bí hồ lô, mướp đắng, mướp ngọt, dưa chuột, cà chua, bí xanh, ớt, cà rốt, măng tây...) và nhóm cây ăn quả (ổi, dưa hấu, dưa lê, thanh long, xoài, táo, mít...).
Ngoài ra, còn có nhiều mô hình về trồng rau, củ, quả trên cát hoang hóa ven biển ở xã Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên); trồng rau, củ quả trên các bãi bồi ven sông tại xã Đức La (Đức Thọ)…; chăn nuôi theo hướng liên kết 300 con lợn nái, 500 con lợn thịt, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động, lợi nhuận hàng tỷ đồng của anh Nguyễn Văn Xoan ở xã Ân Phú (Vũ Quang); chăn nuôi lợn quy mô 4.700 con/lứa của ông Trần Nghệ Tịnh ở xã Cẩm Thăng (Cẩm Xuyên), trung bình mỗi năm xuất chuồng 3 lứa lợn thương phẩm gần 18 nghìn con; chăn nuôi lợn nái quy mô 300 con của bà Nguyễn Thị Thu Hương (xã Sơn Diệm), của ông Lê Xuân Bính (xã Sơn Long, huyện Hương Sơn); chăn nuôi lợn nái của HTX chăn nuôi và dịch vụ tổng hợp Thu Hằng tại xã Kỳ Phong, (Kỳ Anh); chăn nuôi bò sữa ở xã Đức Dũng (Đức Thọ),...
Đến cách làm sáng tạo
Du khách tham gia vào chuỗi thử nghiệm mô hình du lịch làng xã.
Cùng với việc thực hiện 19 tiêu chí XDNTM theo Bộ tiêu chí Quốc gia, Hà Tĩnh còn sáng tạo thêm tiêu chí thứ 20: Xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Tiêu chí này đã tạo nên nhiều dấu ấn trên vùng đất được mệnh danh “chảo lửa, túi mưa” này. Sau gần 3 năm xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, trên địa bàn Hà Tĩnh có trên 1.000 khu dân cư NTM kiểu mẫu được triển khai xây dựng, tạo diện mạo mới về môi trường nông thôn xanh - sạch - đẹp, gắn với phát triển kinh tế vườn hộ.
Sau gần 3 năm được tỉnh chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Nam Trà (xã Hương Trà, huyện Hương Khê) có sự chuyển đổi rõ rệt. 100% số hộ đã sắp xếp, chỉnh trang lại nhà cửa, trồng mới hàng rào xanh, di dời các công trình chuồng trại chăn nuôi và thực hiện tốt việc xử lý môi trường. Ngoài việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, đến nay, toàn thôn đã nhân rộng được hơn 50 hộ dân, hiệu quả kinh tế vườn tăng lên nhiều lần so với phương thức canh tác truyền thống. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, hàng rào xanh phủ bóng râm mát, nhà cửa khang trang, sạch sẽ. Khu dân cư NTM kiểu mẫu trở thành địa chỉ tham quan học tập cho nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh. Cùng với thôn Nam Trà, đến nay đã có nhiều địa phương xây dựng thành công khu dân cư NTM kiểu mẫu như: Thôn Thành Tiến - xã Xuân Thành, thôn 7 - xã Xuân Phổ (Nghi Xuân); thôn Tân An - xã Cẩm Bình, thôn Yên Mỹ - xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); thôn Châu Trinh, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ)...
Với quan điểm chỉ đạo nâng cao thu nhập từ kinh tế vườn, từ xây dựng mô hình vườn mẫu thí điểm ban đầu, đến nay, Hà Tĩnh đã có trên 2.000 vườn mẫu được xây dựng, cho thu nhập trung bình 50 - 120 triệu đồng/vườn/năm. Xây dựng vườn mẫu đã làm thay đổi được tập quán của người dân từ sản xuất truyền thống tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, kết nối thị trường; khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng đất vườn và tận dụng được lao động nhàn rỗi. Đặc biệt, phong trào xây dựng vườn mẫu đã từng bước chuyển biến sâu sắc nhận thức, ý thức của người dân trong việc chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Nhiều vườn mẫu trở thành điển hình được nhân rộng như: Mô hình vườn mẫu hộ ông Dương Kim Hoàng, thôn Hà Thanh, xã Tượng Sơn (Thạch Hà); hộ ông Nguyễn Văn Trung, thôn Tân An, xã Cẩm Bình; hộ ông Đinh Viết Huỳnh, thôn Bình Thọ, xã Cẩm Yên (Cẩm Xuyên); hộ ông Trần Ngọc Lương, thôn Quang Thành, xã Đức Lĩnh, (Vũ Quang); hộ bà Phan Thị Nhiên, thôn Nam Trà, xã Hương Trà (Hương Khê)...
Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thôn 4 (Cổ Đạm - Nghi Xuân).
Mô hình du lịch NTM chiêm ngưỡng - trải nghiệm là một trong những cách làm hay của Hà Tĩnh nhằm hướng tới khai thác và bảo tồn nền văn hóa nông nghiệp, khai thác tiềm năng, thế mạnh của làng quê Hà Tĩnh, đa dạng hóa, phát triển ngành du lịch và nâng cao thu nhập cho người dân. Tham gia vào tour/tuyến du lịch, du khách tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Chương trình XDNTM, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu; chiêm ngưỡng – trải nghiệm các làng quê kiểu mẫu, trang trại, mô hình sản xuất, đặc biệt là trải nghiệm cuộc sống thực tế sản xuất nông nghiệp của người nông dân xưa và nay.
Sau khi triển khai thử nghiệm tour/ tuyến du lịch tại huyện Nghi Xuân, hiện nay, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh đang xây dựng các tour/tuyến du lịch làng xã NTM ở các huyện Thạch Hà, Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê, Cẩm Xuyên, trong đó, một số tour/tuyến kết nối các huyện với nhau như Đức Thọ - Nghi Xuân; Cẩm Xuyên - Thạch Hà; Hương Khê - Can Lộc. Mục tiêu của Hà Tĩnh khi xây dựng mô hình du lịch làng xã là để xây dựng điểm đến tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương với nhau, đồng thời, nâng tầm xã NTM để làm cơ sở phát triển giá trị văn hóa, du lịch, kinh tế theo hướng bền vững.
Qua 6 năm XDNTM, đời sống vật chất tinh thần của người dân Hà Tĩnh đã có sự thay đổi rõ nét, xóa được đói, giảm được nghèo; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ chỗ 37-38% (tiêu chí cũ), nay chỉ còn 11,4% theo tiêu chí mới. Qua XDNTM, người dân đã thay đổi cơ bản tư duy, biết tổ chức sản xuất, biết kinh doanh và biết tự giải phóng mình, đi lên bằng sức lao động, bằng tài nguyên của chính từng làng, từng xã, từng địa phương. Số lượng mô hình tốt, cách làm hay nhanh chóng tăng lên, tạo nên dấu ấn, bước đột phá lớn, với 11.965 mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả trên các lĩnh vực, có doanh thu trên 100 triệu đồng/mô hình/năm.
Ngô Thắng
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.