KTNT - Những năm qua, tỉnh Hòa Bình triển khai khá hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
Lễ giao nhận ong giống và tập huấn kỹ thuật nuôi ong do Trung tâm Khuyến nông Hòa Bình tổ chức.
Thưa ông, ông có thể khái lược một số kết quả sau gần 6 năm thực hiện chương trình XDNTM trên địa bàn?
Sau 6 năm triển khai XDNTM, khu vực nông thôn Hòa Bình đã có nhiều thay đổi tích cực: Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, khang trang, hiện đại, nổi bật là giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa… Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng lên rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Phát triển sản xuất dựa trên cơ sở lợi thế so sánh của từng vùng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán. Phát triển cây có múi ở các huyện Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi; nuôi trồng thủy sản trên vùng hồ Hòa Bình, trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi bò lai, chuyển đổi cây trồng cạn trên đất trồng lúa kém hiệu quả; đến nay giá trị sản phẩm thu được trên một đơn vị diện tích canh tác đạt trên 114 triệu đồng/ha (tăng 1,88 lần so với năm 2011).
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn hàng năm tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/người/năm; năm 2016 đạt bình quân 20,7 triệu/người (tăng 2,4 lần so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn mỗi năm giảm khoảng 4,79% (năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo nông thôn là 15%, giảm 22,7% so với năm 2011); đánh giá theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thì tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn năm 2016 là 24,52%.
Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực. XDNTM đã trở thành phong trào sôi động, rộng khắp. Từ phong trào “Hòa Bình chung tay xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã huy động nhân dân đóng góp được trên 1.719,6 tỷ đồng (trong đó huy động được 1.791.800 ngày công lao động; nhân dân hiến trên 200ha đất; đóng góp bằng tiền, vật liệu, máy móc, cải tạo nhà ở, vườn tạp… được quy đổi bằng tiền).
Tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 41/191 xã đạt chuẩn NTM (tương đương 21,47%); trong đó giai đoạn 2011- 2015 có 31/191 xã đạt chuẩn, tương đương 16,23% (vượt chỉ tiêu của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra là 15%); số chỉ tiêu đạt chuẩn bình quân từ 4,4 tiêu chí/xã năm 2011 tăng lên 12,1 tiêu chí/xã năm 2016 (tăng bình quân 7,7 tiêu chí/xã); không còn xã dưới 6 tiêu chí (năm 2011 có 53 xã dưới 5 tiêu chí).
Trong triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, Hòa Bình gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Hòa Bình là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, mật độ dân số cao; điều kiện kinh tế, thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn còn thấp, nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cơ sở hạ tầng ở nông thôn còn yếu kém, chưa đảm bảo nhu cầu phát triển, đặc biệt là giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, hệ thống trường học các cấp...
Việc xây dựng quy hoạch, định hướng phát triển sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi ở cơ sở còn lúng túng; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chậm; một số chính sách mới được triển khai chưa phát huy tác dụng do mới thực hiện. Quy hoạch phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn đang trong giai đoạn đầu thực hiện nên chưa đem lại kết quả thực tế. Đội ngũ cán bộ chỉ đạo, tham mưu từ tỉnh đến cơ sở còn hạn chế về chuyên môn và kinh nghiệm.
Xuất phát điểm của các xã so với 19 tiêu chí NTM còn thấp (năm 2011, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân trong tỉnh là 4,4 tiêu chí/xã; chưa có xã nào đạt trên 10 tiêu chí; 153 xã đạt dưới 5 tiêu chí).
Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về XDNTM chưa đầy đủ, chưa nắm vững được nội dung các tiêu chí, bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo ở một số địa phương chưa đủ mạnh, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Đề án XDNTM của một số địa phương còn nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng, ít chú trọng đến lĩnh vực phát triển sản xuất.
Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho chương trình thấp so với nhu cầu XDNTM ở các xã trong tỉnh; nguồn ngân sách của tỉnh còn hạn chế bởi thu, chi ngân sách địa phương (tỉnh) hàng năm chủ yếu nhờ sự điều tiết, hỗ trợ của Trung ương.
Ông có thể chia sẻ một số giải pháp để Hòa Bình giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được?
Việc các xã đạt các tiêu chí NTM là yếu tố quan trọng để hoàn thành 19/19 tiêu chí, tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Mục tiêu, yêu cầu của XDNTM là phát triển bền vững, là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Do đó, để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, danh hiệu “xã đạt chuẩn NTM” đối với những xã đã được công nhận, đời sống của nhân dân ngày càng đi vào thực chất, ngay từ đầu năm 2016, tỉnh đã phát động phong trào “Hòa Bình chung tay XDNTM”, đoàn kết, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, khang trang hơn. Trong đó chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục quan tâm chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM đã đạt, chú trọng đề cao hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong XDNTM; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với XDNTM; phong trào nhà sạch, vườn đẹp, môi trường trong lành, ngõ xóm văn minh và hưởng ứng phong trào thi đua Hòa Bình chung sức XDNTM.
Tập trung chỉ đạo, hỗ trợ tạo điều kiện khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả để nâng cao thu nhập của người dân. Tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, cơ cấu cây trồng - vật nuôi có lợi thế, có thị trường và hiệu quả cao, đẩy mạnh cơ giới hoá các khâu sản xuất, chế biến, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển kinh tế hợp tác và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh phát triển kinh tế, cần chăm lo đến sự phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, quốc phòng, an ninh trên địa bàn xã.
Tiếp tục chủ động tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ, lồng ghép từ các chương trình triển khai thực hiện trên địa bàn, huy động người dân cùng thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu đối với các xã đã đạt chuẩn NTM.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Hùng
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.