Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 15 tháng 1 năm 2016 | 1:22

XDNTM ở huyện Tây Hòa: Huy động nội lực từ phong trào thi đua

Từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới (XDNTM) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Tây Hòa (Phú Yên) đã phát động phong trào: “Chung sức, chung lòng XDNTM”; thực hiện cam kết thi đua giữa các xã, thôn và trong cộng đồng dân cư; vận động cán bộ, nhân dân thực hiện tốt các nội dung và mục tiêu của chương trình.

Từ những phong trào thi đua yêu nước…

Một góc vùng  quê tươi đẹp ở xã Hòa Bình 1.

Tây Hòa là huyện thuần nông với 49.202ha đất nông nghiệp, chiếm 81% diện tích toàn huyện. Dân số gần 119.000 người, tập trung ở thị trấn và 10 xã, trong đó có 4 xã miền núi, với 7 dân tộc thiểu số.

Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nên đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng với truyền thống thi đua yêu nước, bà con sẵn sàng chung tay, góp sức XDNTM. Qua phong trào thi đua, các ban ngành, đoàn thể của huyện, UBND các xã đều tích cực tham gia và có những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện với cuộc vận động: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội Nông dân phát động phong trào: “Nông dân tham gia XDNTM”; Hội Phụ nữ có phong trào: “Phụ nữ với đoạn đường xanh - sạch - đẹp”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Hội Cựu chiến binh cấp cơ sở đều đăng ký tham gia ít nhất 1 tiêu chí NTM. Đoàn Thanh niên có phong trào “Thắp sáng đường quê”, “Điện sinh hoạt cho nhân dân”... Theo đó, các tổ chức cơ sở Đoàn đã huy động nhiều nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa phương hỗ trợ, lắp đặt trên 1.500 bóng điện dọc các tuyến đường chính của 8/8 thôn ở xã Hòa Phong.

Từ các phong trào thi đua yêu nước, Tây Hòa đã bê-tông hóa được 346,664km đường liên xã, liên thôn, xóm; kiên cố hóa 45,1km kênh mương, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho sản xuất và nhu cầu dân sinh. Đã có 3 xã đạt chuẩn NTM là Hòa Tân Tây, Hòa Phong và Hòa Bình 1.

...Đến nguồn lực đóng góp của dân

Trước khi triển khai thực hiện, Tây Hòa xác định rõ, XDNTM là một chương trình mục tiêu quốc gia, không phải là một dự án đầu tư, do vậy, nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ mang tính hỗ trợ, cần khơi dậy nội lực trong nhân dân. Nhờ quán triệt quan điểm này và qua quá trình vận động, sau 5 năm (2010-2015), Tây Hòa đã huy động được từ nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để XDNTM hơn 114,57 tỷ đồng. Trong tổng nguồn lực, phần đóng góp của nhân dân cho xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) gần 91,5 tỷ đồng, bao gồm nhân công, vật liệu trên 30,32 tỷ đồng; tiền mặt 60,723 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân hiến trên 15.417m2 đất, tương đương 1,41 tỷ đồng. Các HTX huy động làm kênh mương được 4,5 tỷ đồng. Các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp làm đường GTNT gần 682,4 triệu đồng; Nhân dân đóng góp đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn (công trình công cộng, nhà văn hóa thôn, chợ...) 379 triệu đồng. Huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện 791,4 triệu đồng cho mô hình “Thắp sáng đường quê”. Nhân dân đối ứng thực hiện phát triển sản xuất trên 15,7 tỷ đồng.

Việc huy động bê-tông hóa GTNT ở Tây Hòa đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong đóng góp tiền, hiến đất và vận động các mạnh thường quân đóng góp như các ông: Nguyễn Đức Đồng, Đàm Tâm Mẫn (xã Hòa Phú), Đoàn Văn Thanh (xã Hòa Đồng), Ngô Văn Nhặt (xã Hòa Mỹ Tây), Võ Văn Thạnh (xã Hòa Thịnh)... Huyện Tây Hòa đã được UBND tỉnh đánh giá cao và Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc về thành tích thực hiện đề án bê -tông hóa GTNT (trong 3 năm bê-tông được 346,664km); ông Ngô Văn Nhặt (xã Hòa Mỹ Tây) được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Giao thông vận tải tặng Bằng khen cho UBND xã Hòa Đồng, UBND xã Hòa Mỹ Tây....

Nói về bài học kinh nghiệm từ huy động các nguồn lực trong dân để XDNTM, nhất là làm đường GTNT,  ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; phát huy dân chủ: dân biết, dân bàn, dân lựa chọn, dân tự nguyện đóng góp và trực tiếp giám sát... Thực hiện phương châm: Ai hưởng lợi nhiều đóng góp nhiều... Đặc biệt, trong làm đường GTNT, chú ý gắn lợi ích cá nhân trước mới đến lợi ích tập thể.

Ông Thọ còn đề xuất, đề án bê-tông hóa GTNT giai đoạn 2013-2015 nên kéo dài đến 2018, tạo điều kiện cho các xã bê -tông hóa các tuyến đường liên thôn, liên xóm đạt chuẩn theo quy định.

Trúc Hiền

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top