Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 23 tháng 7 năm 2017 | 2:16

XDNTM ở Sơn Dương: Phát huy hiệu quả các nguồn lực

Nhờ phát huy hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới (XDNTM), đến nay, diện mạo nông thôn ở huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã có nhiều khởi sắc. Chất lượng cuộc sống được cải thiện, thu nhập bình quân của người dân không ngừng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm…

Vùng chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX chè Vĩnh Tân (Tân Trào - Sơn Dương).

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Quang Chúc, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, cho biết: Trong quá trình triển khai XDNTM, huyện Sơn Dương đã đạt được một số thành tựu: Nhận thức và tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân được nâng lên. Thay vì tâm lý trông chờ, ỷ lại, đến nay, người dân đã xác định rõ vai trò chủ thể của mình trong XDNTM. Hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa và các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường được xây dựng và nâng cấp.

Giai đoạn 2011 - 2015, tổng nguồn lực XDNTM trên địa bàn huyện Sơn Dương đạt 1.285.994 triệu đồng, trong đó vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án là 829.647 triệu đồng, chiếm 64,5%; vốn nhân dân đóng góp 323.189 triệu đồng, chiếm 25,13%, còn lại là nguồn vốn khác như: vốn ngân sách nhà nước, vốn vay tín dụng, vốn huy động từ doanh nghiệp,...

Qua tổng hợp, đánh giá việc thực hiện XDNTM tại 32 xã trên địa bàn huyện thấy, hết năm 2016, có 2 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (Tân Trào, Ninh Lai); 22 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí; 8 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Tại Tân Trào, xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM (năm 2014), bộ mặt nông thôn tại đây đã thực sự thay đổi. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, người dân Tân Trào đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Ông Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã Tân Trào, cho biết: Để hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình XDNTM, công tác tuyên truyền, vận động phải được đặt lên hàng đầu, bởi khi người dân hiểu và hưởng ứng thì khó khăn nào cũng vượt qua. Đồng thời, phải thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của người dân, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ chính quyền đến người dân.

Không chỉ Tân Trào, diện mạo nông thôn của nhiều địa phương trong huyện Sơn Dương đều có sự thay đổi đáng kể. Huyện đã xây dựng mới 364 phòng học, 66 gian nhà công vụ, 136 công trình nước sạch cho các trường học, 186 công trình nhà vệ sinh. Đến nay, đã có 26 trường đạt chuẩn quốc gia. Ngoài ra, cơ sở vật chất văn hóa cũng được quan tâm: Toàn huyện hiện có 24/32 xã có nhà văn hóa xã.

Ông Chúc cho biết, năm 2017, theo kế hoạch, hai xã Đại Phú và Hồng Lạc đăng ký về đích NTM. Để đạt được mục tiêu này, Đại Phú phải duy trì, giữ vững 12 tiêu chí đã đạt; cần hoàn thành 7 tiêu chí còn lại (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường và an toàn thực phẩm). Còn Hồng Lạc duy trì, giữ vững 12 tiêu chí đã đạt, thực hiện cắm mốc quy hoạch để củng cố hoàn thiện tiêu chí quy hoạch và hoàn thành 7 tiêu chí còn lại.

Thực tế thấy, thời gian đầu triển khai XDNTM, một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa sâu về chủ trương, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, vẫn còn hoài nghi về hiệu quả và lợi ích chương trình mang lại, việc chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ XDNTM ở một số xã chưa hiệu quả, còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm, sản xuất nông nghiệp manh mún, đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn khó khăn, thu nhập bình quân thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao là những khó khăn, trở ngại của Sơn Dương trong quá trình thực hiện chương trình. “Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung phát triển kinh tế. Tại các vùng sản xuất tập trung, phải đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, tiềm năng năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân”, ông Chúc nhấn mạnh.

Đức Sơn

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top