Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 9 tháng 2 năm 2016 | 1:38

XDNTM thành công nhờ sức dân

Từ vùng nông thôn nghèo khó của tỉnh Bạc Liêu, những năm trở lại đây, huyện Phước Long có bước phát triển kỳ diệu. Đó chính là kết quả của quá trình XDNTM mà chính quyền và nhân dân nơi đây cùng đồng tâm hiệp lực thực hiện. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Phan Thành Đông, Chủ tịch UBND huyện Phước Long.

Sau 4 năm triển khai XDNTM, nhiều vùng nông thôn Phước Long đã thay da đổi thịt. Xin ông cho biết một số kết quả huyện đạt được trong chương trình này?

Làm đường bê tông nông thôn ở Phước Long.

Phước Long từng là huyện nghèo nhất nhì tỉnh Bạc Liêu, có những năm thu ngân sách chưa đầy 10 tỷ đồng. Chính vì vậy, khi được Trung ương chọn là một trong 5 huyện trên cả nước làm điểm chỉ đạo XDNTM giai đoạn 2010-2015, chúng tôi rất lo lắng. Lo vì không biết bắt đầu từ đâu khi xuất phát điểm phát triển kinh tế - xã hội của huyện quá thấp, nguồn lực trong dân hạn chế.

Khi mới bắt đầu triển khai chương trình, huyện mới cơ bản đạt 4 tiêu chí về văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; các tiêu chí khác đạt từ 50% trở xuống. Nhưng chúng tôi luôn xác định một phương châm xuyên suốt, đó là, phát huy sức mạnh nội lực của địa phương bằng truyền thống cách mạng, bằng tinh thần đoàn kết của người dân, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện chương trình, huyện đã xây dựng được 183 cây cầu bê-tông cốt thép; hoàn thành 529,1km đường nhựa và bê-tông cốt thép; xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống đập ngăn mặn, giữ ngọt trên tuyến kênh xáng Phụng Hiệp bảo vệ tốt sản xuất lúa và rau màu cho 5 xã, thị trấn vùng ngọt ổn định của huyện. Xây dựng bờ kè, kiên cố hóa kênh mương được 14km; 18 trạm bơm điện, gắn với ô đê bao thủy lợi khép kín vùng ngọt ổn định và 11 cống đập phục vụ nước nuôi trồng thủy sản vùng chuyển đổi. Nạo vét 73km kênh thủy lợi, sên vét 28 km kênh thủy nông nội đồng. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 36/46 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia; nâng cấp 7/7 nhà văn hóa, khu thể thao xã; nâng cấp, mở rộng chợ nhà lồng, khu nhà ở thương mại chợ trung tâm huyện và 4 chợ xã; xây dựng 20 trạm cấp nước tập trung, 7 nghĩa trang nhân dân và 2 bãi rác tập trung.

Có được kết quả này, vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng. Trong tổng kinh phí đã thực hiện là 5.665 tỷ 777 triệu đồng, thì vốn nhân dân đầu tư (hiến đất, đầu tư vào sản xuất, đóng góp ngày công lao động, xây dựng hàng rào, chỉnh trang nhà cửa…) đạt 2.484 tỷ 735 triệu đồng. Đến nay, Phước Long đã có 6/7 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 85,71%.

Theo ông, đâu là bí quyết giúp Phước Long gặt hái được nhiều thành công trong Chương trình XDNTM?

Tôi nghĩ đó chính là nhờ sức dân. Bởi với một địa phương có xuất phát điểm như Phước Long, nếu không tìm được sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi sẽ không thể hoàn thiện được những công trình hạ tầng, không thể triển khai hiệu quả các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Ở Phước Long không khó để tìm ra những con đường liên ấp, liên xã được xây dựng bằng mồ hôi, công sức của từng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện. Ví như con đường Nguyễn Thị Mười (người dân quen gọi là đường Má Mười), nối hai xã Vĩnh Thanh và Hưng Phú. Để có con đường đó, cả ngàn cán bộ và nhân dân đã ra quân và chỉ sau hơn một tháng thi công, con đường hoàn thành với chiều dài hơn 10km, rộng 3,5m, tổng kinh phí chỉ hơn 13 tỷ đồng. Tính ra so với mời thầu thi công, huyện tiết kiệm được 17 tỷ đồng.

Trên cơ sở thắng lợi của năm 2015, bước sang năm 2016, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long đặt ra những mục tiêu cụ thể gì, thưa ông?

Trên cơ sở kết quả đạt được, chúng tôi sẽ tập trung củng cố, nâng chất các tiêu chí xã NTM đã đạt được lên mức cao hơn - xã NTM kiểu mẫu và xây dựng Phước Long trở thành huyện kiểu mẫu về NTM.

Thực hiện tốt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất, khai thác có hiệu quả tiềm năng lao động, đất đai; nhân rộng mô hình sản xuất cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa nguyên liệu chất lượng cao. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm hàng hoá có lợi thế, như: cá sấu, tôm càng xanh, rau cần nước... Nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp bền vững, nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Mục tiêu cao nhất là nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho nhân dân trên địa bàn, giữ vững thành quả XDNTM.

Xin chân thành cảm ơn ông! Chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phước Long gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong năm Bính Thân -2016.

Đào Thái (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Sáng mãi trang sử vàng tháng Tư

    Theo vòng quay của thời gian, lại một tháng Tư nữa lại về! Tháng Tư về, nhiều khoảnh khắc thiên nhiên tươi đẹp đọng lại trong mỗi người khi mùa Xuân sắp qua đi, nhường chỗ cho mùa Hè tràn ngập ánh vàng lấp lánh của nắng, sắc trắng mong manh của hoa loa kèn có mặt ở mọi nẻo đường, nhiều góc phố Thủ đô yêu dấu.

  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Top