Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 12 tháng 5 năm 2018 | 14:9

Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc: Nỗi lo tiểu ngạch

Trung Quốc đang tiếp tục là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam với đà tăng trưởng rất mạnh. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đang bộc lộ những bất cập lớn.

Theo VASEP, trong quý I năm nay, xuất khẩu (XK) cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã đạt 101,1 triệu USD, tăng tới 45% so với cùng kỳ 2017 và chiếm 23% tổng giá trị XK cá tra của Việt Nam. Với giá trị XK như trên, Trung Quốc - Hồng Kông đang tiếp tục là thị trường lớn nhất của cá tra Việt Nam. Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, với đà tăng trưởng quá mạnh như hiện nay, Trung Quốc có thể chiếm tới 30% giá trị XK cá tra của Việt Nam.

Dự báo trong cả năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng. Trước hết, nhu cầu nhập khẩu (NK) cá tra của thị trường này vẫn rất lớn. Thị trường Trung Quốc lại có nhiều phân khúc đối với cá tra, từ cao cấp tới bình dân, do đó các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể XK nhiều loại sản phẩm cá tra sang đây.

Tuy nhiên, việc tăng trưởng nóng về XK cá tra sang Trung Quốc lại đang gây ra nhiều mối lo ngại. Mối lo ngại lớn nhất đến từ hoạt động XK tiểu ngạch. Hiện tại, cá tra đang được XK sang Trung Quốc bằng cả đường biển và đường bộ. 

b2.jpg
Thu hoạch cá tra. (Ảnh: Internet)

 

Với 2 nước có chung đường biên giới, việc XK qua đường bộ là chuyện bình thường. Điều đáng nói là khi XK qua đường bộ, một lượng lớn cá tra đang được xuất qua đường tiểu ngạch, làm giảm đáng kể giá trị XK cá tra sang Trung Quốc. Theo VASEP, giá của mỗi kg cá tra XK chính ngạch sang Trung Quốc đang cao hơn khoảng trên 1 USD so với giá cá tra XK tiểu ngạch. Trong khi đó, lượng cá tra XK tiểu ngạch lại chiếm tới 47% lượng cá tra XK sang Trung Quốc. Lượng XK cao, tới gần 50%, nhưng giá lại thấp hơn 1 USD/kg, nên giá trị XK cá tra tiểu ngạch chỉ chiếm khoảng 23% giá trị XK cá tra sang Trung Quốc. Như vậy, nếu phần lớn lượng cá tra đang đi tiểu ngạch được chuyển sang chính ngạch, chắc chắn giá trị XK cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông sẽ lớn hơn nhiều so với con số 101,1 triệu USD trong 3 tháng đầu năm.

Đáng lo ngại hơn là XK tiểu ngạch có nguy cơ làm giảm chất lượng, uy tín cá tra Việt Nam tại thị trường Trung Quốc, nhất là khi có sự tham gia của nhiều thương nhân nước này ngay tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thông tin từ một số doanh nhân ngành cá tra cho hay, nhiều thương nhân Trung Quốc đang có mặt ở ĐBSCL để mua cá tra. Họ không ra mặt trực tiếp mà thuê các DN, cơ sở Việt Nam đứng ra thu mua. Sau khi mua cá tra nguyên liệu, họ thuê luôn nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL gia công, sơ chế theo yêu cầu của họ (như xẻ bướm, cắt khúc…) rồi đóng container XK sang Trung Quốc dưới danh nghĩa của chính DN có nhà máy được thuê làm gia công.

Điều đáng nói là với những thương nhân Trung Quốc chuyên thu mua và XK cá tra về nước họ qua đường tiểu ngạch, thì không mấy quan tâm tới chất lượng. Ngay từ khâu mua cá tra nguyên liệu, nhiều thương nhân đã sẵn sàng mua cả cá không đảm bảo chất lượng XK. Họ lại càng không bận tâm tới tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam về cá tra XK. Do đó, cá tra XK qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc đang làm ảnh hưởng tới uy tín của cá tra Việt Nam tại thị trường này, khi mà Trung Quốc đã không còn là thị trường dễ tính. Cuối năm ngoái, trên một trang báo điện tử chuyên ngành thủy sản của Trung Quốc, đã có bài viết đặt vấn đề lo ngại về chất lượng cá tra NK từ Việt Nam, về hiện tượng nhiều thương nhân Trung Quốc liên quan tới việc NK cá tra qua đường tiểu ngạch vào nước này.

Trước tình hình đó, VASEP đã có công văn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tăng cường kiểm tra các cơ sở gia công, sơ chế cá tra để đảm bảo chất lượng cá tra XK. Đồng thời, nghiên cứu chiến lược phát triển dài hạn thị trường Trung Quốc và có các chương trình tiếp thị, truyền thông quảng bá sản phẩm cá tra sang thị trường này.

Xuất khẩu thủy sản 2018 với mục tiêu 10 tỷ USD

XK thủy sản năm 2018 đang hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD. Mục tiêu này có trở thành hiện thực?

Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 4, XK thủy sản đã đạt kim ngạch 2,089 tỷ USD. Như vậy, sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản là mặt hàng thứ 2 của ngành nông nghiệp đã đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm nay.

So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị XK thủy sản từ đầu năm đến giữa tháng 4 tăng 15,93%. Như vậy mức tăng trưởng này đang thấp hơn so với mức tăng trưởng XK thủy sản năm 2017 là 18%. Trong khi đó, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 29/3, VASEP đã đề ra mục tiêu kim ngạch XK thủy sản năm nay là 10 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2017. Vậy mục tiêu này có thể thực hiện được hay không?

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, năm nay có nhiều thuận lợi về mặt thị trường cho XK thủy sản. Trước hết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục mạnh, đặc biệt tại các thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở một số thị trường đầy tiềm năng khác như Trung Đông và Nga, sẽ thuận lợi hơn nhờ giá dầu tăng. Kinh tế Mexico và các nước Bắc Mỹ khác cũng được thúc đẩy nhờ xóa bỏ hiệp ước NAFTA. Đây là những cơ sở quan trọng để ngành thủy sản đưa ra dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng tại các thị trường chủ lực.

b3.jpg
XK cá ngừ tăng mạnh ở nhiều thị trường. (Ảnh: Internet)

 

Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với một số nước, khu vực, cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy XK thủy sản trong năm nay. Theo VASEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đang kỳ vọng được phê chuẩn vào tháng 6 tới, sẽ là cơ hội và động lực để các DN Việt Nam đẩy mạnh XK thủy sản vào thị trường quan trọng này, nhất là mặt hàng tôm nhờ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.

Hiện tại, EU chủ yếu NK tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu của Việt Nam mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) sang EU sẽ từ mức 12,5% về 0%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) từ 20% giảm còn 0%.

Việc các DN XK tôm Ấn Độ đang chuyển mạnh từ EU sang Mỹ do bị EU kiểm tra với tần suất 50% về kháng sinh, cũng là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh XK tôm sang EU, nhất là trong bối cảnh một đối thủ quan trọng là Thái Lan bị hạn chế nguồn cung do ngừng NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Nếu vấn đề thẻ vàng của EU về khai thác IUU được khắc phục và cả thiện, hải sản Việt Nam cũng đầy cơ hội đẩy mạnh XK sang EU trong năm nay.

Một FTA vốn đã có tác động tốt tới XK thủy sản Việt Nam trong năm ngoái là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), sẽ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng trong năm nay, với tôm là mặt hàng được hưởng nhiều lợi thế nhất. Nhờ VKFTA, tại thị trường Hàn Quốc, tôm NK từ Việt Nam đang được hưởng mức thuế thấp nhất là 10% (ngang với thuế của tôm Thái Lan).

Trong khi các nguồn cung quan trọng khác đang phải chịu thuế cao hơn như Ấn Độ 12,5%, Trung Quốc và Ecuador cùng 20%… Bạch tuộc tươi sống/đông lạnh cũng đang đầy cơ hội đẩy mạnh XK sang Hàn Quốc, khi mà theo VKFTA, mức thuế NK bạc tuộc tươi sống/đông lạnh từ Việt Nam chỉ là 0%, trong khi từ Trung Quốc là 20% (Trung Quốc đang là nguồn cung lớn nhất về bạch tuộc tươi sống/đông lạnh cho Hàn Quốc).

Một điểm tựa quan trọng cho việc tăng giá trị XK thủy sản trong năm nay là các sản phẩm GTGT. Bài học thành công của XK tôm thẻ chân trắng cho thấy rõ điều này. Trong 5 năm qua, XK tôm thẻ chân trắng luôn tăng trưởng ở 2 con số. Năm 2017, giá trị XK tôm thẻ chân trắng đạt 2,5 tỷ USD, gấp 3 lần so với tôm sú. Trong đó, các mặt hàng GTGT từ tôm thẻ chân trắng chiếm tới 50% giá trị XK tôm thẻ chân trắng nói chung. Ngoài tôm chân trắng, nhiều mặt hàng GTGT từ các thủy sản khác như sarimi, cá ngừ đóng hộp, cua thịt đóng hộp… cũng đang được đẩy mạnh XK.

Chính vì vậy, nhằm đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2018 cũng như gia tăng mạnh giá trị XK thủy sản trong những năm tới, VASEP cho rằng cần định hướng theo mục tiêu sản xuất, XK các mặt hàng thủy sản GTGT.

Theo đó, VASEP đề xuất và kiến nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT lấy mục tiêu GTGT làm định hướng cho các chỉ đạo, các chương trình ở phạm vi cấp quốc gia, đặc biệt là các chương trình kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, tôn vinh sản phẩm, xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá; rà soát, bổ sung chương trình tái cơ cấu ngành hoặc xây dựng riêng chương trình “Gia tăng giá trị nông, thủy sản Việt Nam” đến năm 2025.

Bên cạnh đó, một số thách thức quan trọng khác đối với sản xuất, XK thủy sản, cũng cần được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết như tôm bị lây nhiễm kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm; tháo gỡ khó khăn về XK cá tra sang Mỹ bởi thuế CBPG quá cao và chương trình thanh tra cá da trơn; gỡ thẻ vàng về khai thác IUU của EU và thực hiện quy định về IUU của Mỹ…

Tôm Việt lại đối mặt với cảnh báo kháng sinh cấm

Cơ quan chức năng Hàn Quốc vừa liên tục có những cảnh báo về việc phát hiện kháng sinh cấm trong tôm NK từ Việt Nam. Điều này cho thấy việc sử dụng kháng sinh cấm vẫn là một mối lo lớn của ngành tôm Việt Nam.

Theo Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD), Bộ An toàn thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) đã gửi 2 công thư tới NAFIQAD, thông báo về việc phát hiện liên tiếp Nitrofurans trong các lô hàng tôm NK từ Việt Nam.

Các cơ sở Việt Nam XK tôm sang Hàn Quốc có lô hàng tôm MFDS cảnh báo về Nitrofurans, gồm: Trung tâm Kinh doanh và Dịch vụ ATP – DL 142; Xí nghiệp đông lạnh F32; Cty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước – DL 32; Nhà máy HAVICO 2; Cty CP Hải Việt – DL 362; Xí nghiệp Chế biến Thủy sản XK Nam Long; Cty CP Chế biến và XNK CADOVIMEX – DL 85.

Toàn bộ các lô hàng bị MFDS cảnh báo về Nitrofurans đều là tôm thẻ chân trắng. Những lô hàng này bị phát hiện trong quãng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay. Việc Hàn Quốc phát hiện nhiều lô hàng tôn thẻ chân trắng Việt Nam có Nitrofurans đã diễn ra từ mấy năm qua. Năm 2016, cơ quan chức năng Hàn Quốc đã phát hiện nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng NK từ Việt Nam có Nitrofurans. Từ 2017, phía Hàn Quốc đã áp dụng chế độ kiểm tra Nitrofurans với từng lô hàng tôm thẻ chân trắng NK từ Việt Nam. Vậy mà vừa qua, vẫn tiếp tục có nhiều lô hàng tôm thẻ chân trắng của Việt Nam XK sang Hàn Quốc bị cơ quan chức năng nước này phát hiện có Nitrofurans.

b4.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

 

Do liên tục phát hiện các lô hàng tôm NK từ Việt Nam có Nitrofurans, phía Hàn Quốc đã thông báo vào tháng 6 tới sẽ cử đoàn công tác sang đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh của Việt Nam trong chế biến, XK tôm sang Hàn Quốc.

Trước tình hình đó, NAFIQAD đã có công văn gửi các cơ sở chế biến XK tôm sang Hàn Quốc, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ/Nam Bộ, Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP). Theo đó, NAFIQAD yêu cầu các cơ sở có lô hàng tôm bị Hàn Quốc cảnh báo về Nitrofurans, phải khẩn trương điều tra nguyên nhân, thực hiện hành động khắc phục phù hợp và lập báo cáo giải trình về NAFIQAD.

Các cơ sở khác cũng phải khẩn trương tổ chức rà soát chương trình quản lý chất lượng để nhận diện và kiểm soát đầy đủ, hiệu quả mối nguy hóa chất, kháng sinh, đặc biệt là mối nguy Nitrofurans đối với sản phẩm nuôi. Trường hợp DN phát hiện vi phạm trong việc sử dụng hóa chất, kháng sinh tại hộ nuôi, mẫu thẩm tra có kết quả vi phạm, cần thông báo ngay tới cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản và cơ quan thú y tại địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định. Chủ động xem xét tăng tần suất lấy mẫu thẩm tra hóa chất, kháng sinh cấm (nhất là Nitrofurans) đối với các lô hàng trước khi XK (nhất là lô hàng XK sang Hàn Quốc) để giảm thiểu rủi ro.

NAFIQAD yêu cầu các Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Trung Bộ/Nam Bộ, lưu ý kiểm tra, đánh giá các nội dung có liên quan, đặc biệt là biện pháp kiểm soát hóa chất, kháng sinh (bao gồm Nitrofurans) của DN trong quá trình kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP tại các cơ sở.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, trong ngành hàng tôm, lây nhiễm kháng sinh và tạp chất vẫn đang là 2 vấn đề phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm và có hiệu quả, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, XK tôm Việt Nam. Để giữ uy tín cho sản phẩm tôm và niềm tin của khách hàng, các DN chế biến tôm XK đang phải gia tăng hơn rất nhiều các hoạt động kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng theo chuỗi, tại nguồn và thành phẩm, khiến cho chi phí sản xuất tăng cao, giá thành sản phẩm tăng và bị hạn chế về nguồn nguyên liệu đủ độ tin cậy.

Không chỉ thị trường Hàn Quốc, từ đầu năm đến nay, đã có nhiều lô tôm Việt Nam bị cảnh báo về ATTP ở những thị trường khác. Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, trong tháng 1, có 4 lô tôm Việt Nam XK sang Úc bị Bộ Nông nghiệp nước này cảnh báo vì phát hiện vi khuẩn hiếu khí. Trong tháng 2, có thêm 2 lô tôm Việt Nam cũng bị cảnh báo vi khuẩn hiếu khí bởi Bộ Nông nghiệp Úc.

Ngành điều đồng loạt kiến nghị hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp

Tuy là mặt hàng xuất khẩu “tỷ đô”, nhưng nông dân và doanh nghiệp (DN) ngành điều vẫn “tự bơi là chính” - Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi thẳng thắn nhận xét trước hội nghị quốc gia vừa diễn ra tại thủ phủ của ngành điều cả nước.

Ngoài yếu tố bất thuận của thời tiết (hạn hán và biến đổi khí hậu làm phát sinh dịch bệnh), cây điều già cỗi với khả năng kháng sâu bệnh yếu, năng suất thấp và chất lượng suy giảm cũng khiến sản lượng điều toàn tỉnh chỉ đáp ứng 25% nhu cầu sản xuất, còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Sau điển hình Bình Phước, các địa phương có nhiều DN chế biến điều xuất khẩu cũng lâm vào cảnh tương tự. “Thiếu nguyên liệu nghiêm trọng nên ngành điều không chủ động được sản xuất”, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) nhấn mạnh.

Theo thống kê của Vinacas, 30% diện tích vườn điều hiện nay đều đã già cỗi; 80% diện tích cây điều không rõ nguồn gốc, năng suất thấp, tuổi đời cũng đã lên tới 15-20 năm. Tỉ lệ nhân thu hồi của cây điều Việt Nam trước đây đạt 29-32%, nhưng nay chỉ còn 25-26%.

b5.jpg
Sản xuất hạt điều tại Công ty chế biến xuất nhập khẩu nông sản Đồng Nai.

 

Các vườn điều hiện thường phân bố rải rác ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và những nơi mà điều kiện sống còn thiếu thốn. Do đó, chuyện tái canh cây điều, hay trồng mới những vườn điều đúng chuẩn là không hề đơn giản với rất nhiều nông dân nói chung. Tuy nhiên, giới DN tin rằng, nếu có chính sách khuyến khích đủ hấp dẫn thì khoản đầu tư ấy chỉ là “chuyện nhỏ”.

Vị chủ tịch Vinacas ước tính: “Mỗi ha tái canh chỉ cần 2 triệu đồng, tái canh cả nghìn ha tốn có 2 tỷ đồng, trong khi vốn của DN là cả nghìn tỷ đồng. Nhưng phải có cơ chế nào đó để khuyến khích DN đầu tư cho nông dân, thay vì cứ để họ đi mua nguyên liệu chỗ khác về chế biến như hiện nay”.

Chung quan điểm phải cổ vũ nông dân canh tác, nhà quản lý ngành nông nghiệp Bình Phước cũng tin rằng chính sách cần tăng cường xem xét, hỗ trợ nông dân trồng mới và thâm canh, tái canh vườn điều.

GĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn thì kêu gọi sự quan tâm của các bộ ngành và giới khoa học cho đầu tư nghiên cứu cây giống và quy trình trồng trọt để cây điều Việt Nam có thể thích ứng với thời tiết bất thuận.

Cùng ủng hộ các đề xuất phải hỗ trợ người trồng điều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Thị Thúy Yến còn tâm tư: “Tìm cách tăng năng suất tăng là tốt, nhưng năng suất tăng rồi nông dân có bán được giá không?”, hoặc “Chúng tôi chưa nhận được thông tin nào về hàng rào kỹ thuật đối với hạt điều Việt Nam chế biến và xuất khẩu. Phải biết những điều này thì chúng tôi mới có khuyến nghị kỹ thuật phù hợp cho nông dân”.

Ghi nhận ý kiến của DN và các địa phương về đầu tư-tái cơ cấu ngành điều, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đồng tình: “Việt Nam đảm nhận cả khâu canh tác-chế biến-xuất khẩu và phải chịu xử lý nhiều tổn thương về môi trường, nhưng mới chỉ giành được 40% trong chuỗi giá trị của ngành điều”. Vì vậy cần phải có nguồn lực đầu tư quy mô hơn, trong đó, nghiên cứu bố trí vốn ODA sẽ là một trong những ưu tiên cấp bách.

Riêng chuyện đầu tư cho nghiên cứu sâu các mấu chốt của ngành điều như mô hình liên kết, chuẩn hóa quy trình canh tác, nâng cấp giống, vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng sẽ được “xã hội hóa”, tức kết hợp cả vốn Nhà nước lẫn vận động DN cùng tham gia. “Quá trình công nghiệp hóa phải có quỹ đầu tư trở lại cho khu vực nông nghiệp. Đây không phải vì mục tiêu an sinh xã hội, mà là đầu tư cho nguồn thu tiềm năng trong tương lai của nền kinh tế”, Bộ trưởng nhấn mạnh thêm.

Trước mắt, với sự hỗ trợ từ Bộ Nông nghiệp và PTNT, “thủ phủ” hạt điều của cả nước là Bình Phước sẽ tổ chức lễ hội “Quả điều vàng” hằng năm, qua đó gắn kết các sản phẩm vật chất chế biến từ hạt điều với các sản phẩm văn hóa tinh thần của ngành du lịch.

Rơm Phú Yên đắt như 'tôm tươi'

Những ngày qua, tại một số vùng nông thôn, miền núi tỉnh Phú Yên người dân đổ xô ra đồng hỏi mua rơm khô về trữ làm thức ăn cho bò. Rơm khô khan hiếm, xuất tiền tươi, thậm chí năn nỉ mới mua được rơm.

Cánh đồng xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân) thu hoạch rộ lúa vụ đông xuân, nhiều người từ các nơi đến hỏi mua rơm. Bà Nguyễn Thị Danh, ở xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) cho biết: Đầu vụ, tôi lên xã Xuân Sơn Bắc mua một sào rơm giá 500.000 đồng, tiền xe chở về đến nhà 100.000 đồng. Đến khi lúa thu hoạch rộ, tôi tiếp tục mua 2 sào với giá 600.000 đồng chở về để cho bò ăn.

b6.jpg
Vận chuyển rơm về làm thức ăn cho gia súc.

 

Trước đây, nuôi bò chăn thả, hàng ngày bò đi ăn cỏ ngoài đồng người nuôi chỉ trữ rơm cho ăn phụ vào buổi trưa, tối. Còn nay từ nông thôn đến miền núi bò nuôi nhốt quanh năm suốt tháng nên người nuôi phải trữ rơm rất nhiều mới đủ nuôi bò. Nhiều người làm ruộng nhưng không đủ rơm cho bò đành cất công đi mua rơm.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đàn trâu bò toàn tỉnh hiện có gần 183.000 con. Hiện nay nắng hạn đang diễn ra rất gay gắt, nguồn thức ăn gia súc cạn kiệt nên gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Phú Yên, cho biết: Sở khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững gắn với an toàn dịch bệnh. Khuyến khích các huyện, thị chuyển đổi từ cấy lúa cây trồng cạn trên các cánh đồng không đủ nguồn nước tưới sang trồng cỏ nuôi bò vỗ béo để mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Giá lợn hơi tăng mạnh vượt ngưỡng 45.000 đồng/kg

Giá lợn hơi hôm nay vẫn duy trì đà tăng, lợn siêu đẹp đã chạm ngưỡng 46.000 đồng/kg tại một số tỉnh thuộc hai miền Bắc - Nam.

Tại miền Bắc giá tăng 1.000 - 3.000 đồng. Tại Hưng Yên giá lợn hơi tăng 1.000 đồng/kg lên 45.000 đồng đối với lợn đẹp. Đặc biệt, giá lợn hơi hôm nay tại Sơn La lên tới 46.000 đồng đối với lợn siêu nạc.

Các khu vực còn lại, giá không có nhiều biến động, Hà Nội dao động trong khoảng 42.000 - 42.500 đồng/kg; Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc 42.000 đồng/kg; Hà Nam, Hải Dương 43.000 đồng/kg; Ninh Bình đạt 44.000 đồng/kg.

Với đà tăng như hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi hy vọng giá có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa. Nhìn chung, giá lợn hơi hôm nay tại miền Bắc được thu mua trong mức 36.000 - 46.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, Tây Nguyên giá tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Nghệ An ghi nhận ngày tăng thứ hai liên tiếp, tăng thêm 1.000 đồng/kg lên 43.000 đồng. Các địa phương Quảng Bình, Quảng Trị, Lâm Đồng cũng tăng 1.000 - 1.500 đồng/kg.

Còn lại giá lợn hơi khá ổn định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam dao động trong khoảng 42.000 - 44.000 đồng/kg. Hiện, giá lợn hơi hôm nay tại khu vực giao dịch ở mức 36.000 - 44.000 đồng/kg.

b7.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn internet)

 

Tại miền Nam giá chạm ngưỡng 46.000 đồng. Long An là địa phương giá lợn siêu đẹp đã lên tới 46.000 đồng/kg. Ngoài ra, tại Bến Tre, Tiền Giang giá tăng 2.000 đồng/kg lên 45.000 đồng/kg; An Giang, Vĩnh Long cũng có mức tăng tương tự lên 40.000 - 44.000 đồng.

Mặc dù vậy, tại Hậu Giang giá lợn hơi lại giảm nhẹ 1.000 đồng xuống 41.000 đồng, nhưng đây vẫn là mức giá tốt.

Các khu vực còn lại không thay đổi so với ngày hôm qua, Đồng Nai, TP HCM dao động trong khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg. Tại Cần Thơ, giá cũng đạt mức 42.500 đồng/kg.

Ngành mía đường đặt mục tiêu 2 triệu tấn đường vào năm 2022

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa tổ chức Đại hội nhiệm kỳ VI (2018 - 2022). Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nhiệm kỳ V được bầu lại làm Chủ tịch nhiệm kỳ VI.

Tại Đại hội, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã ban hành Nghị quyết với một số mục tiêu như sau: Tổng diện tích trồng mía nguyên liệu là 300.000ha (hơn 280.000ha là vùng nguyên liệu tập trung); năng suất mía bình quân 68 - 70 tấn/ha (phấn đấu đến 2030 đạt 75 - 80 tấn/ha); chữ đường bình quân 11 - 12CCS (đến 2030 đạt 12 - 13CCS); sản lượng mía 21 triệu tấn (đến 2030 đạt 24 triệu tấn); năng suất đường trên một đơn vị diện tích đạt 7 tấn/ha (đến 2030 là 8,5 tấn/ha); sản lượng đường khoảng 2 triệu tấn (đến 2030 đạt 2,5 triệu tấn); điện sinh khối từ bã mía đạt khoảng 1,1 triệu (MWh/năm, 20 - 30% lên lưới điện quốc gia); cồn từ mật rỉ đạt khoảng 42.500 tấn cồn 100%/năm; 600.000 tấn phân hữu cơ/năm và 350.000 tấn phân vi sinh/năm (phân vi sinh hữu cơ từ bã bùn mía)…

Quảng Ngãi: Dưa hấu chất đống ven đường chờ giải cứu

Thương lái dừng thu mua, hàng ngàn tấn dưa hấu của nông dân huyện Bình Sơn (vùng trồng dưa lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi) lại tồn đọng cần giải cứu. Những đống dưa chất cao bên đường chưa có người mua là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thất bại của người nông dân khi "đánh cược" với thị trường.

Những ngày đầu tháng 5, khi những ruộng dưa ở huyện Bình Sơn thu hoạch rộ thì giá dưa giảm thê thảm rồi thương lái ngừng thu mua.

Dù có tin thương lái đến mua nhưng người trồng dưa cũng chẳng vui bởi giá dưa chỉ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Nếu may mắn bán hết được 4 tấn dưa, số tiền người dân thu được chỉ vừa đủ chi phí phân thuốc, chưa kể công chăm bón gần 3 tháng trời.

b8.jpg
Hàng nghìn tấn dưa hấu chờ được giải cứu.
 

Trong tuần qua, huyện Bình Sơn đã "tổng lực" thực hiện các chương trình giải cứu dưa hấu cho người nông dân. Nhờ đó, gần 500 tấn dưa đã được thu mua. Tuy nhiên, toàn huyện có gần 730ha đất trồng dưa nên vẫn còn gần 1.500 tấn dưa đến kỳ thu hoạch chưa có nơi tiêu thụ. Lượng dưa tồn đọng nhiều nhất tại các xã Bình Thanh Tây, Bình Thạnh, Bình Chương, Bình Hòa...

Dưa đã đến kỳ thu hoạch nên dù không có người mua vẫn phải hái chất ven đường chờ cơ hội. Trong một buổi sáng, anh Thật (xã Bình Thạnh, huyện Sơn Bình) cố gắng bán lẻ được gần 100 kg trong tổng số 6 tấn dưa của mình.

"Kiếm được đồng nào hay đồng đó chứ cả đống như thế này thì bán lẻ làm sao hết. Mong sao thương lái đến mua cho nhanh, giá thấp cũng được chỉ mong họ mua hết đừng lựa", anh Thật nói rồi giải thích, những lúc dưa xuống giá thì thương lái chỉ mua những trái dưa đẹp. Những trái có hình khối không đều sẽ bị thương lái bỏ lại.

Câu chuyện giải cứu dưa hấu cứ "đến hẹn lại lên", người trồng dưa hấu ở Quảng Ngãi như đánh cược công sức vào một "canh bạc" với thị trường. Thế nhưng, suốt nhiều năm liền, phần thắng không thuộc về người trồng dưa.

"Ai không biết là trồng dưa nhiều sẽ khó bán, nhưng vào mùa này đất của chúng tôi đâu trồng được cây gì khác ngoài cây dưa. Đầu vụ cứ hy vọng cuối vụ sẽ trúng nên trồng, giờ chỉ cần lấy lại vốn là may rồi", người nông dân với 6 tấn dưa hấu chờ giải cứu bên đường lý giải.

Phát động Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”

Bộ Nông nghiệp và PTNT vừa phối hợp với Trung ương Hội Chữ  thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 tổ chức Lễ phát động Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”.

Phát biểu tại buổi Lễ, bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá cao Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”, đây là hoạt động có ý nghĩa hết sức to lớn giúp ngư dân yên tâm bám biển góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và mong muốn chương trình sẽ có hiệu ứng lan tỏa đến mọi tầng lớp trong xã hội.

b-1.jpg
Các đại biểu dự lễ phát động cùng soạn tin nhắn với cú pháp: BD gửi 1407 ủng hộ Chương trình “Chung sức vì biển đảo quê hương”. (Ảnh: TTXVN)

 

Tại buổi Lễ phát động, bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ đã kêu gọi các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ, các mạnh thường quân, người dân đồng lòng cùng ngư dân thông qua các hình thức như nhắn tin qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, ủng hộ trực tiếp bằng hiện vật hoặc chuyển tiền qua Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để góp phần giúp ngư dân phát triển kinh tế, yên tâm vươn khơi bám biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Ngay tại Lễ phát động “Chung sức vì biển đảo quê hương”, Chi hội tán trợ Chữ thập đỏ tình người thuộc Hội Chữ thập đỏ Hà Nội đã ủng hộ 1 tỷ đồng và Công ty cổ phần thiết bị hằng hải (Mecom) đã ủng hộ 10 máy nhật ký khai thác thủy sản trị giá 80 triệu đồng. 

Với khẩu hiệu “Mỗi tin nhắn, một tấm lòng vì biển đảo quê hương” kêu gọi toàn thể CBCNV ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn chung tay ủng hộ thông qua hình thức nhắn tin theo cú pháp soạn “BD” gửi đến “1407”, mỗi tin nhắn gửi đi đã góp phần ủng hộ 20.000 đồng cho Chương trình.

Thời gian phát động của Chương trình thông qua hoạt động Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400 bằng hình thức tin nhắn là từ ngày 28/4 - 26/6/2018.

Sau khi kết thúc Chương trình phát động toàn bộ số tiền sẽ được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuyển vào Quỹ Chữ thập đỏ Việt Nam và phối hợp với Tổng cục Thủy sản tổ chức các hoạt động như: tổ chức tặng các tủ thuốc, ngư lưới cụ, máy thông tin liên lạc cho ngư dân và hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân giúp ngư dân yên tâm bám biển, góp phần vào hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tàu thuyền khi có thiên tai xảy ra./.

 

 

 

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top