Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 29 tháng 7 năm 2018 | 21:9

Xuất khẩu gạo bắt đầu gặp khó do Trung Quốc tăng thuế

6 tháng đầu năm nay, XK gạo diễn ra rất thuận lợi. Nhưng việc XK gạo đang bắt đầu xuất hiện những khó khăn không nhỏ do thiếu nhu cầu từ thị trường và Trung Quốc đã điều chỉnh thuế NK gạo lên từ 40 - 50%.

xk-gao.jpg

XK gạo trong 6 tháng qua diễn ra thuận lợi nhờ nhu cầu NK tăng cao ở nhiều thị trường quan trọng, nhất là các thị trường truyền thống của gạo Việt Nam như Indonesia, Philippines, Malaysia… Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, Indonesia đã NK từ Việt Nam 685.908 tấn gạo (tăng 4.397,76% so cùng kỳ năm ngoái), kim ngạch 322 triệu USD (tăng 5.914,67%); Philippines NK 384.146 tấn gạo (tăng 43,54%), kim ngạch 183,462 triệu USD (tăng 76,8%); Malaysia NK 304.178 tấn gạo (tăng 86,13%), kim ngạch 138,221 triệu USD (tăng 112,7%), Iraq NK 150.000 tấn gạo (tăng 120,51%), kim ngạch 85,56 triệu USD (tăng 153,54%)…

Tuy nhiên, từ tháng 7 này, XK gạo đã bắt đầu có những dấu hiệu khó khăn. Trước hết là bởi nhu cầu NK đã giảm đáng kể trên thị trường gạo toàn cầu trong bối cảnh nguồn cung lại đang vào thời điểm tăng lên ở nhiều nước XK quan trọng. Thông tin từ các nguồn tin quốc tế cho hay vào thời điểm này, một số nước NK quan trọng như Bangladesh, Sri Lanka đang không tham gia vào thị trường gạo, các nước châu Phi chỉ giao dịch những hợp đồng nhỏ, nhu cầu yếu từ các nước châu Á khác và khu vực Trung Đông… Trong khi đó, nguồn cung gạo ở Việt Nam đang tăng lên do thu hoạch vụ hè thu ở ĐBSCL, Thái Lan cũng đang vào vụ thu hoạch với tín hiệu được mùa.

Những yếu tố trên cộng với đồng USD tăng đã gây sức ép làm giảm khá mạnh giá gạo XK, không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước khác. Gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống chỉ còn 375 USD/tấn, là mức giá thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện ở mức trên dưới 390 USD/tấn. Giá gạo XK loại 5% tấm của Việt Nam hiện cũng chỉ còn khoảng 390 USD/tấn. Giá gạo XK giảm mạnh khiến cho giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng đã giảm khá nhiều. Giá lúa khô hạt dài hiện chỉ còn 6.100 - 6.200 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với hồi cuối tháng 5. 

6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam khi đã NK 891.688 tấn gạo, kim ngạch 474,835 triệu USD (chiếm 26% lượng gạo XK của Việt Nam).

Vừa qua, Trung Quốc đã điều chỉnh thuế NK gạo từ các nước Đông Nam Á. Theo đó, từ ngày 1/7, thuế NK với tất cả các loại gạo ở mức 40 - 50% (riêng tấm có thuế NK là 5%). Việc điều chỉnh thuế như trên của Trung Quốc đang gây thêm khó khăn cho XK gạo Việt Nam, nhất là với mặt hàng gạo nếp. Theo ước tính của các doanh nhân ngành lương thực, nếp chiếm tới 50% lượng gạo XK của Việt Nam sang Trung Quốc. Năm 2017, Trung Quốc chiếm tới khoảng 90% lượng gạo nếp XK của Việt Nam.

Theo Th.S Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), trong vụ đông xuân 2017/2018, các tỉnh ĐBSCL đã gieo trồng 157.798ha lúa nếp (giảm 4,52% so vụ đông xuân 2016/2017). Với năng suất bình quân 7 tấn/ha, thì sản lượng lúa nếp đạt khoảng 1,1 triệu tấn, tương ứng với khoảng gần 700.000 tấn gạo nếp.

Nhìn lại XK gạo sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm là 891.688 tấn, mà nếp chiếm tới 1 nửa thì sẽ vào khoảng trên 440.000 tấn. Như vậy, còn một lượng nếp không nhỏ cần tiếp tục được XK (đấy là chưa tính sản lượng gạo nếp từ vụ hè thu 2018), mà chủ yếu vẫn trông chờ vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, do chính sách thuế mới của Trung Quốc, việc XK gạo nếp sang nước này kể từ đầu tháng 7 đến nay đang gặp phải khó khăn không nhỏ. Các DN chuyên XK gạo nếp sang Trung Quốc đang gần như không bán được hàng.

Ông Nguyễn Văn Đôn, GĐ Cty TNHH Việt Hưng, cho biết, nếu không muốn phải chịu mức thuế NK mới, DN có thể mua hạn ngạch NK vào Trung Quốc (vì hạn ngạch thuế quan không bị điều chỉnh bởi chính sách thuế NK mới). Tuy nhiên, khi mua hạn ngạch NK, chi phí cho mỗi tấn gạo nếp XK sang Trung Quốc sẽ tăng khoảng 120 USD. Do đó, các nhà NK Trung Quốc (vốn vẫn còn một lượng gạo nếp tồn kho) đang mua khá ít hoặc chỉ mua với giá thấp.

Điều đó đã khiến cho giá gạo nếp XK của Việt Nam giảm rất mạnh, từ mức 530 - 540 USD/tấn hồi đầu năm nay xuống chỉ còn dưới 400 USD/tấn. Với mức giá này, các DN XK gạo nếp Việt Nam đang bị thua lỗ. Nhưng đáng lo ngại hơn là việc XK gạo nếp đang gần như bị ngưng trệ kể từ khi Trung Quốc đánh thuế NK gạo nếp lên tới 50%. Điều này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ lúa nếp của nông dân vụ hè thu 2018.

Cá ngừ nhập khẩu vào Australia sẽ bị kiểm soát chặt hơn

Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 20/7/2018 Bộ Nông nghiệp Australia vừa đưa ra thông báo về việc giới thiệu chương trình kiểm soát biên giới về kiểm tra và phân tích đối với việc xử lý carbon monoxide (CO) trong cá ngừ. Chương trình kiểm soát mới này dự kiến sẽ được triển khai vào tháng 11 năm nay.

 

ca-ngư.jpg

Theo đó, kể từ ngày bắt đầu triển khai, Bộ Nông nghiệp Australia sẽ đưa cá ngừ nhập khẩu vào kiểm tra và phân tích theo chương trình kiểm soát thực phẩm nhập khẩu (IFIS) với mức tỷ lệ giám sát là 5% để đánh giá sự tuân thủ các điều kiện.

Ví dụ, khi sản phẩm không có tài liệu hay nhãn mác nào chứng minh được các sản phẩm đã được xử lý trực tiếp hay gián tiếp với CO, sản phẩm sẽ được xét nghiệm Carbon monoxide. Kết quả cho phép là < 200 µg/kg. Nếu không đạt được kết quả trên thì sản phẩm sẽ được coi là không đáp ứng điều kiện.

Nếu sản phẩm được dán nhãn là đã được xử lý bằng khói đã lọc, không mùi hoặc không vị, sản phẩm sẽ xét nghiệm N/A. Sản phẩm cần phải được xác định rõ ràng rằng đã được hun khói. Nếu không, sản phẩm sẽ được coi là không đáp ứng điều kiện.

Do đó, Bộ Công thương thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ Việt Nam cần nắm bắt được các thông tin cụ thể về quy định này của Australia để có chiến lược và kế hoạch sản xuất phù hợp, đáp ứng được các điều kiện của thị trường Australia.

Sầu riêng siêu rẻ ăn trả hột: Lo chất lượng cây giống

Thời gian qua tại các tỉnh như: Lâm Đồng, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long,… xuất hiện một số điểm bán sầu riêng siêu rẻ so với giá thị trường, chỉ từ 15.000 – 19.000 đồng/kg với điều kiện khách ăn tại chỗ và trả lại hạt. Những điểm bán này thu hút rất đông khách hàng từ khắp nơi đổ về.

Theo các cơ sở kinh doanh này, hạt sầu riêng sau khi thu gom lại được dùng để ươm cây giống.

 

sau-rieng.jpg

Ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lý giải hiện tượng trên là do thời gian gần đây trái sầu riêng sốt giá nên cây giống sầu riêng cũng sốt theo. Những năm gần đây cây hồ tiêu rớt giá nên khắp các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên bà con có nhu cầu chuyển đổi cây trồng rất lớn và sầu riêng là một trong những loại cây được chọn do thị trường rất hút, giá bán cao.

"Để có cây giống sầu riêng cần có hạt ươm cây, sau 2 năm người ta sẽ ghép mắt giống sầu riêng hạt lép, Ri6,… vào. Chất lượng của quả sầu riêng sau này do mắt ghép quyết định, còn gốc cây sầu riêng chỉ là nền. Yêu cầu của cây gốc chủ yếu là khỏe mạnh, kháng sâu bệnh, không ảnh hưởng đến chất lượng trái. Do vậy, nguyên tắc chọn hạt giống để ươm phải từ quả của cây đang trong giai đoạn "thuần thục", sinh trưởng tốt, khỏe mạnh" – ông Thiệt nói.

Dự báo xuất khẩu tôm đạt 4 tỷ USD trong năm 2018

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASPE) cho biết, xuất khẩu (XK) tôm Việt Nam quý II/2018 đạt hơn 893 triệu USD, giảm 4,9% do biến động giá tôm trong nước và thế giới. Tuy nhiên, nhờ đà tăng trưởng 20% trong quý I nên XK tôm Việt Nam 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng nhẹ 5,1% đạt 1,6 tỷ USD. Với nhu cầu nhập khẩu (NK) bắt đầu tăng trong nửa cuối năm nay, giá tôm trong nước và thế giới ổn định trở lại VASEP dự báo XK tôm Việt Nam năm nay đạt khoảng 4 tỷ USD.

Có thể nói EU là thị trường NK nổi bật nhất của tôm Việt Nam trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm nay. XK tôm Việt Nam sang EU trong tất cả các tháng của nửa đầu năm nay đều tăng trưởng dương. 6 tháng đầu năm nay, XK tôm Việt Nam sang EU đạt 405,6 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái. XK sang 3 thị trường NK chính trong khối (Hà Lan, Anh, Đức) đều tăng trưởng 2 con số lần lượt 74%, 23% và 53%.

XK tôm Việt Nam sang EU trong nửa đầu năm nay duy trì được đà tăng trưởng cao nhờ ưu đãi về thuế, Ấn Độ (đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam trên thị trường này) gặp khó trong hoạt động XK tôm sang EU và những cơ hội "hứa hẹn" cho hoạt động XK của Việt Nam từ Hiệp định Thương mại Tự do EVFTA chuẩn bị có hiệu lực.

XK tôm sang Mỹ nửa đầu năm nay giảm 7,5% đạt 255,7 triệu USD. Trước đó, năm 2017 trong khi XK tôm sang các thị trường đều tăng tốt, thì XK sang Mỹ lại giảm 7% so với năm 2016. Thuế chống bán phá giá tăng cao được cho là một trong những nguyên nhân khiến XK tôm sang thị trường này giảm.

Việt Nam nhập khẩu hơn 1 triệu USD thịt lợn trong tháng 6/2018

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong tháng 6/2018, Việt Nam đã nhập khẩu thịt lợn đã qua giết mổ đạt 678 tấn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5/2018, giá nhập khẩu trung bình đạt 1.524 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng 5/2018.

Trong đó, nhập khẩu thịt bò đã qua giết mổ đạt 1,72 nghìn tấn, trị giá 11,08 triệu USD, giảm 14,4% về lượng và giảm 8,1% về trị giá so với tháng 5/2018, giá nhập khẩu trung bình đạt 6.450 USD/tấn, tăng 7,4% so với tháng 5/2018. Nhập khẩu thịt trâu đã qua giết mổ đạt 2,4 nghìn tấn, trị giá 5,21 triệu USD, giảm 18,4% về lượng và giảm 18,9% về trị giá so với tháng 5/2018, giá nhập khẩu trung bình đạt 2.171 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 5/2018.

Nhập khẩu thịt gà đã qua giết mổ đạt 17,45 nghìn tấn, trị giá 15,39 triệu USD, giảm 8% về lượng và giảm 10,6% về trị giá so với tháng 5/2018, giá nhập khẩu trung bình đạt 882 USD/tấn, tăng 0,4% so với tháng 5/2018.

Dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, Bộ Công thương cho biết, tháng 6/2018, Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đạt 26,87 nghìn tấn, trị giá 38,68 triệu USD, giảm 9,5% về lượng và giảm 9,2% về trị giá so với tháng 5/2018.

Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 35 thị trường trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ cung cấp 30% tổng lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu của Việt Nam, với sản lượng đạt 8,07 nghìn tấn, trị giá 10,35 triệu USD, giảm 25,8% về lượng và giảm 20,7% về trị giá so với tháng 5/2018.

Đứng thứ hai là Hàn Quốc, chiếm 10,9% tổng lượng thịt và sản phẩm thịt nhập khẩu, với sản lượng đạt 2,92 nghìn tấn, trị giá 2,47 triệu USD, tăng 0,5% về lượng nhưng giảm 4,6% về trị giá so với tháng 5/2018.

Xuất khẩu cá ngừ tăng tốc trở lại

Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), sau 3 tháng tăng trưởng chậm, XK cá ngừ của Việt Nam đã tăng tốc trở lại. XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và cá ngừ chế biến đều tăng so với cùng kỳ.

Số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam cho thấy, XK cá ngừ trong tháng 6/2018 đạt gần 57 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng giá trị XK cá ngừ trong 6 tháng đầu năm lên gần 303 triệu USD, tăng 12% so với nửa đầu năm 2017.

Trong đó, XK cá ngừ tươi, sống, đông lạnh và khô mã HS03 đạt 159 triệu USD, chiếm 52,5% tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, còn lại là các sản phẩm chế biến.

So với nửa đầu năm 2017, năm nay XK cá ngừ tươi sống, đông lạnh và khô của Việt Nam tăng 5,7%, trong đó đáng chú ý XK thăn/philê cá ngừ đông lạnh tiếp tục tăng hơn 10%. Tương tự, XK cá ngừ chế biến đóng hộp của Việt Nam cũng tăng hơn 19% so với cùng kỳ, sự tăng trưởng này là nhờ XK cá ngừ đóng hộp tăng hơn 67%.

Top 8 thị trường NK cá ngừ chính của Việt Nam vẫn không có sự thay đổi so với đầu năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng XK sang một số thị trường chính đã khả quan hơn.

VASEP dự báo, trong bối cảnh cạnh tranh tại thị trường Mỹ ngày càng gay gắt, nhu cầu tiêu thụ lại giảm, XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới sẽ không khả quan. Trong khi đó, XK sang các thị trường chính thay thế như Israel sẽ tiếp tục tăng. XK sang EU dự kiến sẽ thuận lợi hơn do việc đàm phán FTA giữa Việt Nam và EU đang gần đến hồi kết.

Hội chợ sản phẩm đặc sản nông nghiệp

Ngày 24/7, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND tỉnh Bình Định tổ chức họp báo “Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Trung du miền núi phía Bắc - Thái Nguyên 2018 và Hội chợ sản phẩm nông lâm thủy sản vùng Duyên hải Nam Trung Bộ năm 2018”.

Hội chợ sản phẩm nông lâm thủy sản vùng Duyên hải Nam Trung Bộ năm 2018 sẽ diễn ra tại Bình Định từ ngày 1/8 đến 6/8/2018.

Hội chợ triển lãm mỗi xã, phường một sản phẩm và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khu vực Trung du miền núi phía Bắc - Thái Nguyên 2018 sẽ diễn ra từ ngày 31/8 đến 6/9/2018 tại tỉnh Thái Nguyên.

Hội chợ sẽ giới thiệu sản phẩm của các xã, phường và các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tôn vinh những sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản Việt Nam chất lượng cao, có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

EU tăng cường kiểm tra 7 nông phẩm NK từ Việt Nam

Theo Thương vụ Việt Nam tại EU, Bỉ và Luxembourg, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành quy định mới (Commission Implementing Regulation 2018/941) về tăng cường mức độ kiểm tra chính thức đối với 98 loại nông phẩm của 27 nước nhập khẩu vào EU làm thực phẩm hoặc TĂCN.

Việt Nam có 7 loại nông phẩm bị EC đưa vào Danh mục kiểm tra tăng cường gồm lá rau mùi, lá rau húng quế, lá bạc hà, rau mùi tây, đậu bắp, hạt tiêu và trái thanh long. Theo đó, cả 7 sản phẩm này đều bị kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu. Trong đó, tần suất kiểm tra với trái thanh long là 10%, các sản phẩm còn lại đều có tần suất kiểm tra là 50%.

Ngoài quy định về tăng cường kiểm tra tại các cảng đến, EC còn yêu cầu mỗi lô hàng XK sang EU phải có Giấy chứng nhận của các Phòng xét nghiệm được ủy quyền tại nước XK. Các lô hàng bị tái kiểm tại cảng đến sẽ bị tiêu hủy nếu có dư lượng các chất độc hại (thuốc trừ sâu, chất diệt khuẩn, chất diệt nấm mốc) vượt ngưỡng cho phép.

Sản xuất, kinh doanh phân bón kém chất lượng ngày càng tinh vi

Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng có phần tinh vi.

Theo số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hàng năm ngành trồng trọt Việt Nam có nhu cầu sử dụng hơn 11 triệu tấn phân bón và hơn 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa sản xuất được hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật hoặc thuốc bảo vệ thực vật kỹ thuật, nên nguồn này phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.

Theo số liệu từ Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, trong 4 tháng đầu năm nay, các địa phương và lực lượng chức năng trên cả nước chỉ mới rà soát, thanh tra, kiểm tra được khoảng 1.400 vụ, tiến hành xử lý 306 vụ vi phạm trong lĩnh vực phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Đây chỉ là con số khá thấp so với thực tế.

Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chánh Văn phòng Thường trực ban chỉ đạo 389 thành phố Cần Thơ cho biết, khó khăn là khi lấy mẫu và có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng chưa có thẩm quyền giữ mẫu. Thời gian kiểm nghiệm mẫu thì kéo dài, kết quả trả mẫu chậm.

"Khi có kết quả lấy mẫu thì lượng hàng hoá đã đưa ra tiêu thụ ngoài thị trường... Hoặc lấy mẫu phân bón lần thứ nhất không đạt. Doanh nghiệp khiếu nại yêu cầu thử mẫu lại lần hai thì đạt, nên chúng tôi không xử lý được", ông Nguyễn Văn Sanh cho biết.

 

 

Thanh Tâm (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Thủ tướng: Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đầu tư cho con người và hạ tầng chiến lược

    Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, Thủ tướng đánh giá tỉnh có 5 điểm hơn trong thời gian qua, chỉ rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, trong đó tỉnh phải hết sức chú trọng 2 nhiệm vụ gồm đầu tư, phát triển yếu tố con người, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nhiệm vụ xây dựng hạ tầng chiến lược.

  • Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng: 'Ai có gì góp nấy' để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo

    Thủ tướng kêu gọi cả nước cùng chung tay, mọi người dân, doanh nghiệp "ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít", để xây dựng, sửa chữa 170.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, vì mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước trong năm 2025.

  • Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Thúc đẩy kinh tế biển bằng các giải pháp liên ngành, liên vùng mang tính đột phá

    Sáng 12/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược), chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất của Ủy ban kết hợp trực tuyến tại điểm cầu của 28 địa phương có biển.

Top