Cộng đồng doanh nghiệp (DN) muốn xuất khẩu nông sản chính ngạch sang Trung Quốc nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì chưa được cấp phép, buộc phải bán qua con đường tiểu ngạch.
Nhiều ý kiến khác cũng cho hay khoảng 60% hàng hóa nông sản Việt Nam (VN) đi qua con đường tiểu ngạch nên gặp nhiều rủi ro từ nhập khẩu cho đến thanh toán và chính sách bán hàng.
"Không muốn bán tiểu ngạch"
Đến nay chỉ có 8 loại trái cây, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít và chôm chôm của VN được xuất khẩu chính ngạch sang TQ.
Ông Đỗ Ngọc Chất, Giám đốc Công ty TNHH Việt Á Agrifood (TP.HCM) cho biết, với một thị trường sát vách nước ta như TQ mà VN chỉ đàm phán được 8 loại nông sản xuất chính ngạch sang nước này là quá ít.
Chính vì vậy, khi DN muốn xuất những loại nông sản có nhiều thế mạnh của VN như bơ, sầu riêng, dừa, khoai lang… qua con đường chính ngạch đều không thể được.
“Chúng tôi không muốn bán trái cây sang TQ kiểu thương lái theo con đường tiểu ngạch nhiều may rủi. Chúng tôi muốn đường đường chính chính xuất khẩu trái cây, nông sản chất lượng, giá trị cao, có thương hiệu, hợp đồng, thanh toán đảm bảo nhưng lại không được xuất chính ngạch” - ông Chất than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T Nguyễn Đình Tùng cho hay hiện công ty đang xuất khẩu chính ngạch thanh long, nhãn, vải, chôm chôm sang TQ. Trong khi những mặt hàng trái cây khác như bưởi vẫn chưa xuất khẩu được chính ngạch nên buộc phải bán qua con đường tiểu ngạch dù không muốn.
Ông Vĩ Tích Thành, Tham tán kinh tế thương mại Tổng lãnh sự quán TQ tại TP.HCM, cũng cho rằng các DN nhỏ và siêu nhỏ thường áp dụng con đường tiểu ngạch. Các thương lái TQ khi đi thu mua cũng thường áp dụng hình thức này. Trong khi mua bán tiểu ngạch quan trọng nhưng lại không bền vững, yếu tố rủi ro rất cao. Mặt khác, hiện TQ rất chú trọng yếu tố truy xuất nguồn gốc nông sản.
Ông Đỗ Ngọc Chất phân tích: Lâu nay nông sản VN quen cách buôn bán tiểu ngạch với thương lái TQ, hàng nào cũng có thể bán, không quan trọng mẫu mã, chất lượng ra sao. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng ỷ y, không đàm phán xuất khẩu chính ngạch. Đến khi TQ siết chặt biên mậu, truy xuất nguồn gốc thì muốn xuất khẩu chính ngạch, nhiều loại nông sản gặp khó vì chưa được cấp phép.
Tập trung tháo gỡ rào cản
Theo Thương hội Xuất nhập khẩu hoa quả TQ-ASEAN, sản lượng nhập khẩu hoa quả của TQ mỗi năm là hơn 4 triệu tấn, tương đương khoảng 100 tỉ nhân dân tệ. Con đường nhập khẩu hoa quả chính ngạch là 80% sản lượng và chỉ có khoảng 20% là nhập qua đường biên mậu (tiểu ngạch).
Trong khi đó Thái Lan đang làm rất tốt việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các loại nông sản, nhất là trái cây sang TQ mà VN cần học hỏi. Theo đó, mỗi năm Thái Lan đàm phán thành công một loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang TQ. Tính đến nay đã có tới 40 loại trái cây Thái Lan xuất vào thị trường rộng lớn này, tức gấp năm lần VN.
“Campuchia dù đi sau VN nhưng cũng đã kịp đàm phán thành công sáu loại trái cây xuất khẩu qua con đường chính ngạch với TQ. Hiện nay nhiều loại trái cây VN như bưởi, vú sữa… có vùng nguyên liệu lớn, trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, làm tốt kiểm dịch và xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Nhật… Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh đàm phán xúc tiến với các cơ quan chức năng của TQ để họ cấp phép chính ngạch thêm nhiều loại trái cây nữa cho nước ta” - ông Chất góp ý.
Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay đang tập trung tháo gỡ rào cản về kiểm dịch thực vật, mở thêm cửa thị trường cho trái cây tươi VN. Riêng thị trường TQ, VN hiện đang đàm phán để mở cửa chính ngạch các loại trái chanh, dừa, măng cụt, mận, bưởi, chanh dây, mãng cầu ta...
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Giám đốc Văn phòng SPS thuộc Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, cũng thừa nhận nhiều nông sản của nước ta chưa thể xuất khẩu chính ngạch vì liên quan đến các vấn đề như đàm phán của chính phủ hai nước về thủ tục, kiểm dịch… “Tới đây, các mặt hàng như bưởi da xanh, khoai lang sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang TQ” - ông Hòa thông tin.
Nguồn cung thịt lợn không thiếu trong dịp cuối năm
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và PTNT), với sức sản xuất như hiện nay thì nguồn cung thịt lợn cho dịp cao điểm cuối năm là không thiếu. Bên cạnh đó, giá thịt lợn sẽ ổn định trong khoảng từ 51.000-53.000 đồng/kg, người chăn nuôi vẫn có lãi.
Theo ông Dương, trong quý 3 năm 2018, sản lượng thịt lợn tăng hơn 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến, trong quý 4 sẽ còn tăng hơn nữa bởi từ tháng 4/2018, khi giá lợn hồi phục thì người chăn nuôi bắt đầu quan tâm đến chăn nuôi lợn. Cụ thể, người chăn nuôi đã tập trung nuôi dưỡng tốt để cho lợn mẹ đẻ nhiều; đồng thời vỗ béo lợn con để 3-4 tháng sau đạt trọng lượng xuất chuồng. Như vậy, đến thời điểm tháng 7,8/2018 thì nguồn cung đã tăng và tiếp tục tăng cho đến cuối năm.
Trước mắt, giá lợn giữ ở mức khoảng 50.000 đồng/kg cho đến Tết và dự kiến sau đó có thể giảm xuống khoảng 45.000-48.000 đồng/kg rồi đến thời điểm nào đó sẽ xuống khoảng 40.000 đồng/kg.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hiện giá gia cầm đang có xu hướng giảm. So với tháng trước, giá gà thịt lông màu mua tại trại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm 1.000-2.000 đồng/kg xuống còn 31.000-33.000 đồng/kg. Giá gà thịt tại hai khu vực này giảm 2.000 đồng/kg xuống 20.000-22.000 đồng/kg. Giá trứng gà tại trại giảm 450-500 đồng/quả xuống còn 1.450-1.650 đồng/quả.
Giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi tháng 9 năm 2018 ước đạt 38 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 9 tháng qua ước đạt 405 triệu USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Dự báo, giá lợn hơi sẽ tăng nhẹ trong những tháng cuối năm do nhu cầu tăng. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào Việt Nam, đặc biệt tăng cường tuần tra, phát hiện và xử lý các trường hợp đưa lợn và thịt lợn không rõ nguồn gốc vào Việt Nam.
Lo heo bệnh từ Trung Quốc chạy vào Việt Nam
Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) vừa có công văn gửi Ban chỉ đạo 389 các bộ Công Thương, Công an, Nông nghiệp và PTNT, Tổng cục Quản lý thị trường... triển khai Công điện 1194/CĐ-Ttg về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Công văn của Ban chỉ đạo 389 quốc gia nêu rõ, trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhất là tại địa bàn khu vực biên giới cửa khẩu các tỉnh phía Bắc. Từ đầu tháng 8 đến tháng 9-2018, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại sáu tỉnh với tổng số 38.000 con lợn phải tiêu hủy.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài có thể xâm nhiễm vào Việt Nam. Ban chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị Ban chỉ đạo 389 các bộ, ngành chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động theo dõi, nắm chắc tình hình; nghiêm cấm các hành vi, hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu đường bộ, đường sắt… nhất là tại địa bàn khu vực biên giới các tỉnh phía Bắc và xử lý nghiêm vi phạm.
Kiến nghị vay vốn tạm trữ cho cà phê
Giá cà phê Robusta hiện tại thấp nhất trong 5 năm gần đây, đặc biệt giá cà phê Arabica thấp nhất trong 12 năm qua, thấp hơn giá thành sản xuất của người nông dân, ảnh hưởng lớn đến thu nhập và đầu tư cho vụ cà phê mới. Hàng tồn kho chuyển qua vụ mới trong doanh nghiệp, nhà cung ứng và trong dân thấp nhất trong những năm gần đây.
Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu thống nhất hạn chế bán xa (bán trước 3 – 6 tháng) và không ký giá trừ lùi trên 30 USD (loại Robusta 5% đen bể, hàng bao). Hội nghị Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam (CLB G20) kiến nghị Hiệp hội có văn bản đề nghị với Chính phủ và các Bộ ban ngành liên quan: Tạo điều kiện để doanh nghiệp, người nông dân được vay vốn tạm trữ cà phê và bán khi giá thích hợp bù đắp giá thành và có lãi. Đề nghị Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam làm việc với Hiệp hội Cà phê các nước sản xuất như Brazil, Indonesia, Colombia,…. thống nhất các biện pháp phối hợp để giữ giá và tăng giá cho người nông dân trồng cà phê.
Hiện niên vụ cà phê 2017 – 2018 đã kết thúc. Theo số liệu tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê niên vụ này đạt 1,78 triệu tấn với kim ngạch hơn 3,3 tỷ USD. Dự kiến, niên vụ cà phê 2018 – 2019 mùa vụ thu hoạch trễ khoảng 1 tháng, thu hoạch rộ vào giữa tháng 11 và tháng 12/2018, sản lượng dự kiến tương đương niên vụ 2017 – 2018.
Nông dân Khánh Hòa có nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tỏi
Liên tục bị rớt giá cộng với việc thương lái không hỏi mua, hàng trăm tấn tỏi của nông dân các xã Vạn Hưng (huyện Vạn Ninh); Ninh Phước, Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa), tỉnh Khánh Hòa đang lâm vào tình trạng hư hỏng. Nếu tiếp tục không tiêu thụ được trong thời gian tới thì nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tỏi hoàn toàn có thể xảy ra.
Diện tích trồng tỏi của Khánh Hòa năm 2018 lên đến gần 600ha, với nguồn giống vốn từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) do lâu nay nghề trồng tỏi mang lại thu nhập khá cho người dân. Năm nay, nông dân xã Vạn Hưng phấn khởi vì thu hoạch được mùa tỏi, năng suất đạt 10 tấn/ha, tăng 4-5 tấn/ha so với năm ngoái. Đầu mùa, giá tỏi tươi được thương lái thu mua với mức 25.000 đồng/kg, nhưng rất ít người bán bởi họ cho rằng giá đầu vụ thấp và hy vọng khi hết mùa thu hoạch giá tỏi có thể tăng cao trở lại.
Theo kinh nghiệm của người dân trồng tỏi, nếu khoảng 2 tháng nữa không xuất bán được thì toàn bộ số tỏi này sẽ bị nứt mộng, hư hỏng hoàn toàn.
Trước mắt, một nhóm thiện nguyện đã phối hợp với Công ty trách nhiệm hữu hạn Bao tiêu nông sản Khánh Hòa và Hợp tác xã sản xuất tỏi Vạn Hưng tổ chức chương trình "Giải cứu tỏi giúp dân Vạn Ninh." Bên cạnh đó, siêu thị Coopmart Nha Trang cũng thu mua giúp người dân. Tuy nhiên, hiện số lượng tỏi còn tồn đọng là rất lớn.
Người dân trồng tỏi cùng chính quyền các xã Vạn Hưng (Vạn Ninh) hay Ninh Vân, Ninh Phước (Ninh Hòa) đang trông chờ và sớm mong cây tỏi có thương hiệu bởi theo họ chỉ cần có thương hiệu như tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi) thì sản phẩm dễ tiêu thụ do tỏi Khánh Hòa lâu nay có chất lượng, thơm ngon...
Mới đây, Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản Vùng 3 - Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã cấp chứng nhận VietGAP cho một số hộ dân trồng tỏi ở thị xã Ninh Hòa và xã Vạn Hưng, nhưng bước đầu vẫn khó khăn trong tiếp cận thị trường.
Thanh long rớt giá, không ai hỏi mua
Thời điểm hiện nay, tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc - vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có hàng trăm tấn thanh long đã đến thời kỳ chín rộ, thương lái trả giá cũng chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, còn hầu như các vườn thanh long ruột trắng hầu như không ai hỏi mua.
Theo nhiều thương lái, giá thanh long xuống thấp là do thương lái Trung Quốc ngưng mua hàng thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng chưa năm nào thanh long ruột đỏ lại rớt giá xuống thấp như năm nay.
Theo chính quyền địa phương 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc, hiện thanh long trên địa bàn 2 xã ứ đọng chưa bán được tại các vườn lên đến hàng trăm tấn.
Với giá bán rẻ như cho, cộng với việc thương lái chê thanh long ruột trắng, nguy cơ người dân phải đổ bỏ thanh long là rất cao.
Nhiều người trồng thanh long trên địa bàn 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng cũng rất mong muốn, nhà nước, các cơ quan chức năng liên quan sớm giúp người dân tìm đầu ra cho thanh long, có giá cả ổn định, không phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, từ đó giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm những mẻ cá cơm "khủng"
Trong những ngày qua, ngư dân ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi, liên tiếp trúng đậm những mẻ cá cơm “khủng” khi đánh bắt gần bờ khiến họ rất phấn khởi vì có thêm khoản thu nhập đáng kể.
Theo người dân, chỉ sau một đêm đánh bắt ở khu vực biển cách bờ chừng 5 hải lý, nhiều tàu đã khai thác được hơn 5 tấn cá cơm, thu về gần 80 triệu đồng/tàu.
Giá cá cơm hiện nay đang dao động ở mức từ 12.000-15.000 đồng/kg, tuy không được cao bằng thời điểm khác nhưng ai nấy đều tỏ ra rất hài lòng. Sau khi bán xong cá, họ lại tất tả chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm tranh thủ vươn khơi tiếp tục vụ khai thác mới.
Ngư dân vận chuyển cá cơm ở dưới tàu lên bờ./.
Các lò hấp tại cảng phải thuê thêm nhân công, hoạt động hết công suất bởi lượng cá cập về nhiều. Những mẻ cá được trải ra trên lưới, phơi dưới nắng trời ánh lên màu trắng nõn nà nơi mép bụng càng khiến ngư dân thêm phấn khích.
“Lộc biển” đã cho những con người “ăn sóng nói gió” cuộc sống thêm phần đủ đầy hơn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính: “Thời gian, trí tuệ, quyết định kịp thời, đúng lúc là yếu tố quyết định thành công. Vừa qua Tổng Bí thư nêu lãng phí thời gian, mà thời gian là tiền bạc, sao cứ để loay hoay mãi. Phân cấp mạnh ra, quy định trong luật cho rõ cái gì được làm và không được làm để người ta sáng tạo”
Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi với địa lý, thiên nhiên án ngữ vùng cực Nam của Tổ Quốc. Nơi đây tồn tại 3 hệ sinh thái ngập nước ngọt, lợ, mặn riêng biệt, tạo nên một môi trường phát triển kinh tế thuận lợi. Đối với du lịch, môi trường tự nhiên của tỉnh này đang là tiềm năng, vận hội mới cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Mỗi năm, huyện Yên Thế (Bắc Giang) bán ra thị trường trên 10 triệu con gia cầm thương phẩm, giá trị sản xuất năm 2024 ước đạt trên 1.600 tỷ đồng. Tuy chăn nuôi đã trở thành một nghề quan trọng trong kinh tế địa phương nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã được đưa ra.