Xuất khẩu thủy sản đang tăng trưởng rất nhanh và năm nay được dự báo sẽ là năm “bội thu” đạt kim ngạch cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, để giữ được mức tăng trưởng bền vững, vẫn cần không ít nỗ lực.
XK thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Tăng trưởng thiếu bền vững
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu (XK) thủy sản của Việt Nam trong tháng 11-2017 tăng trưởng 11%, ước đạt 733 triệu USD. Tính đến hết tháng 11-2017, tổng giá trị XK thủy sản của cả nước ước đạt hơn 7,6 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái – mức kim ngạch XK cao nhất từ trước đến nay.
Riêng trong năm 2017, VASEP cho rằng, kim ngạch XK thủy sản vẫn sẽ tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể, tính chung 11 tháng, XK tôm vẫn ước đạt gần 3,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo XK tôm cả năm 2017 sẽ đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2016. XK cá tra trong 11 tháng qua đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ cán đích với gần 1,8 tỷ USD. XK cá ngừ tính đến hết tháng 11 đạt 541 triệu USD, tăng 19% và dự báo sẽ đạt gần 600 triệu USD trong cả năm 2017, tăng 18%. XK mực, bạch tuộc đã đạt 565 triệu USD, tăng 48%, dự báo sẽ cán đích với trên 600 triệu USD, tăng 37% so với năm 2016. Như vậy, tính chung, dự báo XK thủy sản cả năm 2017 sẽ “cán đích” với khoảng 8,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2016 – mức kim ngạch cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, cũng theo VASEP, những tháng cuối năm, kim ngạch XK một số mặt hàng chủ lực trong nhóm thủy sản đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Đơn cử, XK tôm sau khi tăng 25% trong tháng 10 với 421 triệu USD, đã giảm xuống còn 340 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, XK mực bạch tuộc và các mặt hàng hải sản khác hoặc tăng trưởng ít hơn so với tháng trước hoặc có xu hướng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. XK cá biển sau khi tăng 22% trong tháng 10 đã tăng chậm lại với 13% trong tháng 11, XK mực, bạch tuộc đã giảm 7,6% sau khi tăng 44% trong tháng 10.
Về thị trường, XK thủy sản sang các thị trường chủ lực đang có xu hướng tăng chậm lại hoặc giảm nhẹ. Cụ thể, sau khi tăng mạnh gần 38% trong tháng 10, XK thủy sản sang EU đã chỉ tăng 28% trong tháng 11. Nguyên nhân do ảnh hưởng của việc EU phạt thẻ vàng cảnh báo đối với hải sản khai thác của Việt Nam vì những nguy cơ bất hợp pháp (IUU). Dự báo, trong thời gian tới, XK sang EU sẽ tiếp tục giảm bởi những hệ lụy từ IUU.
XK thủy sản sang Mỹ và Nhật Bản giảm lần lượt là 1,3% và 6,4% trong tháng 10. Trong khi XK sang các thị trường khác như Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc cũng tăng trưởng thấp hơn so với tháng trước.
Đồng ý kiến với VASEP, Bộ Công thương cho rằng, kim ngạch XK nhóm hàng thủy sản trong 11 tháng qua là mức tăng cao so với cùng kỳ và cũng là mức tăng trưởng cao của ngành thủy sản. Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đang gặp phải một số khó khăn như xu hướng bảo hộ tại Hoa Kỳ thông qua rào cản kỹ thuật thương mại và biện pháp phòng vệ thương mại, hay hiện tượng truyền thông bôi nhọ tại EU, gây bất lợi cho XK. Bên cạnh đó, XK sang Trung Quốc - thị trường tiềm năng tuy tăng trưởng mạnh nhưng chưa ổn định do tỷ phần lớn được xuất qua kênh tiểu ngạch. Giá nguyên liệu cá tra và tôm trong nước tăng làm giá thành sản xuất cao, kém cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Điểm chốt vẫn là giữ chất lượng ổn định
Những khó khăn với ngành thủy sản là điều khó có thể tránh khỏi. Do đó, để tăng trưởng XK thủy sản một cách bền vững, Bộ Công thương đã và đang tích cực lựa chọn các mặt hàng có thế mạnh để xúc tiến XK vào các thị trường theo từng giai đoạn cụ thể, nhằm đa dạng hóa thị trường, mở rộng các thị trường XK mới. Đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Trong đó, thủy sản chính là một trong số các mặt hàng cần thúc đẩy XK sang các thị trường như Liên minh Kinh tế Á-Âu, EU, ASEAN… Bên cạnh đó, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về ưu đãi FTA, hướng dẫn tận dụng và cách tận dụng ưu đãi FTA, nhất là về quy tắc xuất xứ và làm thế nào để đáp ứng quy tắc xuất xứ; tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O). Rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; Áp dụng khai báo C/O điện tử; mở rộng việc thí điểm cấp C/O qua mạng Internet...
Song song với nỗ lực của các cơ quan chức năng, Bộ Công thương cũng cảnh báo, rào cản lớn nhất của thủy sản hiện nay là chất lượng không ổn định, thường bị phàn nàn về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là điểm mấu chốt mà DN phải tìm cách giải quyết để XK thủy sản bền vững hơn trong thời gian tới.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP cũng cho rằng, chất lượng không ổn định là một trong những điểm yếu lớn nhất của thủy sản XK. Để vượt qua khó khăn, các DN XK thủy sản ngoài chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ; tiếp thị, quảng bá sản phẩm, cần nỗ lực khẳng định chất lượng và độ an toàn của sản phẩm bởi đây là yếu tố các bạn hàng chú trọng hiện nay.
Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Thủy sản. Với cách tiếp cận mới phù hợp với cải cách hành chính nhằm giảm bớt thủ tục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh, Luật Thủy sản được kỳ vọng sẽ giúp tăng trưởng XK ngành nghề này bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo Hà Anh/Nhân Dân
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.