Kim ngạch xuất khẩu trái cây 7 tháng đầu năm 2017 tiếp tục đạt được con số ấn tượng, trong khi đó Mỹ tiếp tục tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam, doanh nghiệp ngành điều đang gặp khó trong vấn đề khai báo hải quan...
Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam
Số lượng tôm đã xuất sang Mỹ trong trong khoảng thời gian 1 năm kể từ tháng 2/2013 sẽ phải chịu mức thuế chống bán phá giá 1,42% thay vì 1,16% như trước đó. Đây là phán quyết vừa được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra sau khi áp dụng cách tính mới.
Xuất khẩu tôm sang Mỹ gặp khó vì thuế chống bán phá giá. Ảnh: omard.gov.vn
Để đưa ra mức thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Bộ Thương mại Mỹ chọn một nước thứ 3 có quy mô nền kinh tế tương đồng với Việt Nam làm cơ sở tính toán. Trong những năm trước, Bangladesh được chọn làm quốc gia tham chiếu. Nhưng năm nay, do có sự khiếu nại của một số nhà chế biến và chủ tàu đánh bắt tôm ở Mỹ, nên Bộ Thương mại Mỹ đã thay thế Bangladesh bằng Ấn Độ.
Trên cơ sở thay đổi này, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định nâng mức thuế chống bán phá giá đối đối với tôm Việt Nam từ 1,16% lên mức 1,42%. Mức thuế cao hơn này được áp dụng cho các lô hàng tôm đã được nhập vào Mỹ trong khoảng thời gian 12 tháng, kể từ tháng 2/2013.
Theo kế hoạch, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đợt rà soát hành chính tiếp theo thuế chống bán phá giá với tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào năm 2018. Rất có thể, Bangladesh sẽ tiếp tục không được chọn làm quốc gia tham chiếu trong đợt rà soát tới.
Kim ngạch xuất khẩu trái cây cán mốc 2 tỷ USD
Xuất khẩu trái cây tăng trưởng ấn tượng.
Trái cây Việt đang trên đà phát triển tốt với kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD trong 7 tháng năm 2017, được các thị trường khó tính trên thế giới ưa chuộng.
Với sản lượng hơn 10.000 tấn trái cây Việt xuất khẩu trên toàn thế giới trong 7 tháng năm 2017 thì thị trường Trung Quốc chiếm tới 74%. Tuy nhiên, hiện xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu vẫn qua đường tiểu ngạch, thiếu ổn định, không được gắn thương hiệu trong khâu tiêu thụ đối với đa số mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam. không ít sản phẩm trái cây Việt phải mang tên của quốc gia khác để lưu thông trên thị trường thế giới.
Trước yêu cầu cần một thương hiệu vững chắc cho trái cây Việt Nam, các cơ quan chức năng đưa ra nhiều phương án xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại cho sản phẩm trái cây Việt trên thị trường quốc tế.
Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã phối hợp với Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức các đoàn giao thương tại các hội chợ lớn, hội chợ chuyên ngành thực phẩm tại các nước Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan,… nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm chế biến của Việt Nam với khách hàng tiêu dùng quốc tế. Triển khai chương trình "Vietnam food branding", xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm thực phẩm Việt Nam nói chung, trong đó có mặt hàng trái cây.
Ngoài ra, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học – Công nghệ nâng cao chuỗi giá trị, đa dạng hóa sản phẩm trái cây, tăng cường chế biến sâu để đa dạng hóa thị trường, đã thực hiện ký kết các hiệp định thương mại tự do FTAs để mở cửa thị trường rau quả của Việt Nam. Tại thị trường Australia là xoài, vải; Mỹ có vú sữa, thanh long,…
Doanh nghiệp ngành điều gặp khó trong khai báo hải quan
Doanh nghiệp điều đang kiến nghị về thủ tục khai báo hải quan.
Mới đây, Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đã có văn bản đề nghị các bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT cho phép DN ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hoặc chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi DN.
Cụ thể, tại Văn bản 115/2017/CV-HHĐ ngày 25/7 gửi tới các bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và PTNT, đồng kính gửi Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và chi cục hải quan các tỉnh/thành phố, VINACAS nêu rõ: Theo thông tin từ DN hội viên của VINACAS, từ cuối tháng 7 đến nay, hàng trăm container điều thô nhập khẩu và điều nhân xuất khẩu về tới cảng TP.Hồ Chí Minh buộc phải lưu công, lưu bãi chờ thông quan.
Đó là bởi vướng mắc các quy định mới về khai báo hải quan, căn cứ Công văn số 4828/TCHG-GSQLngày 27/6/2017 và Công văn số 4824/TCHQ-GSQL ngày 20/7/2017 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện Quyết định số 15/2017/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, theo các công văn nêu trên, thay vì trước đây DN được phép làm thủ tục khai báo hải quan và kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu nơi hàng đến (một cửa) thông qua Chi cục Hải quan tại TP.Hồ Chí Minh với thời gian và thủ tục thông quan nhanh chóng thì nay DN bắt buộc phải khai báo hải quan tại chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất (Bình Phước, Đồng Nai….).
Theo VINACAS, quy định mới này đã phát sinh thêm một cửa thứ hai vì việc kiểm dịch thực vật vẫn bắt buộc phải thực hiện tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Cơ quan Kiểm dịch Thực vật vùng II không thể lấy mẫu kiểm dịch ngay khi hàng mới về tới cảng TP.Hồ Chí Minh mà phải đợi hàng hóa đã được kiểm tra xong bởi chi cục hải quan của tỉnh/thành phố, nơi DN đặt cơ sở sản xuất, mới tiến hành lấy mẫu kiểm dịch.
“Như vậy, một lô hàng sẽ phải được vận chuyển từ TP.Hồ Chí Minh đi các tỉnh/thành phố có liên quan (để thông quan) và có thể từ các tỉnh/thành phố kéo về TP.Hồ Chí Minh (để kiểm dịch), sau đó quay ngược lại các tỉnh/thành phố (để nhập kho và đưa vào sản xuất), gây lãng phí thời gian và chi phí liên quan cho DN và xã hội (như gia tăng chi phí lưu công, bãi; gia tăng thời gian vận chuyển hàng hóa từ cảng về kho của DN; trì hoãn thời gian xếp dỡ và tiến độ sản xuất, giao hàng cho khách…)”, văn bản của VINACAS nêu rõ.
Căn cứ điều kiện thực tế của ngành điều với lượng hàng hóa xuất - nhập khẩu lớn và vòng quay trong sản xuất, chế biến nhanh, VINACAS đề nghị các cơ quan liên quan cho phép DN ngành điều được linh hoạt lựa chọn khai báo hải quan tại Chi cục Hải quan TP.Hồ Chí Minh hoặc chi cục hải quan của tỉnh/thành phố nơi DN đặt cơ sở sản xuất, tùy theo điều kiện thực tế của mỗi DN.
Phú Yên: Hơn 400ha rừng bị chuyển đổi trái phép
Diện tích đất rừng Công ty New City tự ý chuyển đổi khi chưa được cấp phép.
Theo Kết luận thanh tra số 1083/KL-TCLN_KL của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) do Phó tổng cục trưởng Nguyễn Quốc Trị ký, tỉnh Phú Yên đã có nhiều sai phạm trong việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sang mục đích khác.
Cụ thể, về chấp hành quy định trong lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng và sự phù hợp của dự án với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, có 39/41 dự án với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng 423,96ha rừng không phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020, trái quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006.
Về chấp hành quy định trồng rừng thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác, có 28 dự án chưa chấp hành nghĩa vụ trồng rừng thay thế với tổng diện tích là 171,18ha nhưng vẫn thực hiện thu hồi đất, cho thuê đất, giao đất và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trái với quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006; Khoản 5, Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BNNPTNT ngày 29/7/2015 và Khoản 1, Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 24/01/2014.
Về chấp hành các quy định của pháp luật về đánh giá tác động môi trường do chuyển mục đích sử dụng rừng, có 21/37 dự án không có hồ sơ đánh giá tác động môi trường, nhưng có 17 dự án đã thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 206,45ha là trái quy định tại Điều 29, Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006.
Về chấp hành quy định của pháp luật đất đai về chuyển mục đích sử dụng rừng sang thực hiện dự án, dự án hầm đường bộ Đèo Cả và dự án Nhà máy lọc dầu Vũng Rô, chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để thực hiện dự án, nhưng tỉnh Phú Yên vẫn cho phép nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng sang thực hiện dự án là chưa chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 178/TTg-KTN ngày 28/01/2013.
Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp New City Việt Nam chưa có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, nhưng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là trái quy định tại Khoản 1, Điều 58, Luật Đất đai năm 2013.
Về ban hành cơ chế đặc thù thực hiện các dự án, việc Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành các văn bản cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với một số dự án là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Anh Thơ
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết, chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Tô Lâm tới Malaysia lần này có ý nghĩa quan trọng khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biển và một số lĩnh vực hợp tác về điện, kinh tế số…
Biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, gây nhiều thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp. Tại tỉnh Quảng Bình, nông dân đã triển khai nhiều mô hình chuyển đổi trên đất gò đồi, đất kém hiệu quả để thích ứng, giảm nhẹ tác động của các loại hình thiên tai đối với sản xuất nông nghiệp, mang hiệu quả kinh tế cao.