Mới đây, nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải một đoạn video hết sức xúc động về sự khó khăn, vất vả của cán bộ, chiến sĩ đang trực chốt kiểm soát dịch tại Thừa Thiên - Huế thì gặp phải mưa to, gió lớn.
Gian khó bao nhiêu quyết tâm chống dịch bấy nhiêu
Chiều 10/9, nhiều tài khoản mạng xã hội đăng tải một đoạn video dài gần 1 phút ghi lại hình ảnh các chiến sĩ công an, lực lượng tuyến đầu tại một chốt kiểm soát dịch bệnh “đội” mưa, gió để thực hiện nhiệm vụ.
Xuất hiện trong video ấy là hình ảnh 3 cán bộ, chiến sĩ đang cố gắng níu giữ, gia cố lại chốt kiểm soát dịch trước mưa to, gió lớn. Trong đó, 1 đồng chí dùng hết sức mình để níu cột, 2 đồng chí khác đang cố gắng buộc cố định lại những mảnh bạt để che mưa.
Qua xác minh, được biết, video trên ghi lại tại chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 số 4 ở xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Các đồng chí trong video này là Trung úy Nguyễn Văn Hưng (Công an huyện Phú Lộc), Hạ sĩ Nguyễn Nhật Tân (Chiến sĩ nghĩa vụ, Tiểu đoàn CSCĐ số 2) và Dân quân tự vệ xã Lộc Trì Nguyễn Đen.
Chia sẻ với PV, Hạ sĩ Nguyễn Nhật Tân cho hay, vào khoảng 13h30’ ngày 10/9, khi anh cùng các cán bộ, chiến sĩ khác đang tiến hành trực chốt kiểm soát tại xã Lộc Trì thì gặp mưa to, gió lớn. Các cán bộ, chiến sĩ trực chốt đã cố gắng hết sức để gia cố lại lều bạt, tuy nhiên, do mưa to, gió lớn và để đảm bảo an toàn nên các anh đã phải rút vào bên trong. Hiện tại, chốt kiểm soát dịch đã được chuyển vào nhà văn hóa xã Lộc Trì.
Hạ sĩ Nguyễn Nhật Tân chia sẻ thêm, phải trực chốt trong thời tiết mưa to, gió lớn là một trong những khó khăn mà anh và các cán bộ, chiến sĩ phải trải qua trong gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch tại huyện Phú Lộc. Tuy nhiên, những khó khăn, thử thách ấy không làm nản lòng của người chiến sĩ mà ngược lại đã giúp anh ngày càng trưởng thành hơn. Với sự quyết tâm cao nhất, Hạ sĩ Nguyễn Nhật Tân khẳng định, bản thân cùng các cán bộ, chiến sĩ khác sẽ vượt qua tất cả điều này để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên tin tưởng giao phó.
Công tác phòng chống bão lụt gặp nhiều khó khăn hơn so với các năm trước
Công tác phòng chống bão lụt thời điểm hiện nay được đánh giá là khó khăn hơn các năm trước, đặc biệt là tại các xã đang phải áp dụng biện pháp giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch Covid-19, tuy nhiên, chính quyền địa phương vẫn đang nỗ lực vượt qua những khó khăn ấy.
Tại xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc (địa phương ven biển và áp dụng biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ từ 06h00’ 09/9) đang có 09 chốt phong tỏa, kiểm soát dịch.
Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền Nguyễn Tam cho biết, các chốt phong tỏa, kiểm soát dịch bệnh tại địa phương được thiết lập tạm thời bằng các rạp sắt và có thể chống chịu được với mưa, gió nhẹ. Để ứng phó với bão số 5, địa phương đã sẵn sàng phương án di dời chốt vào các nhà dân kiên cố ở gần đó để vừa đảm bảo an toàn cho cán bộ, chiến sĩ vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch.
Cùng với đó, xã Vinh Hiền cũng đã đề ra phương án và quyết tâm trong chiều ngày 11/9 sẽ hoàn thành việc di dời 86 hộ dân ở khu vực có khả năng bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 5 đến nơi an toàn, ông Nguyễn Tam chia sẻ thêm.
Đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống cơn bão số 5 và phòng, chống dịch Covid-19 tại các xã trên địa bàn huyện Phú Lộc vào sáng ngày 11/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình biểu dương chính quyền các xã đã khắc phục khó khăn, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống bão lụt kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Bình chỉ đạo, để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân trong con bão số 5, các xã cần hỗ trợ người dân gia cố đảm bảo an toàn nhà ở, khẩn trương rà soát các hộ dân ở vùng trũng thấp, xung yếu, các đối tượng dễ bị tổn thương: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn trước khi bão vào, lưu ý công tác đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly (hoàn thành trước 17h ngày 11/9/2021).
Chuẩn bị nhu yếu phẩm cho người dân tại các vùng đang phong toả..., UBND huyện Phú Lộc làm việc với Sở Công Thương có phương án thu mua hải sản nuôi trồng cho bà con, nhằm vừa đảm bảo 2 mục tiêu phòng chống dịch và phòng chống bão lụt, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.
Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.
Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.