Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021 | 15:23

Yên Thế: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm chủ lực

Để xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, Yên Thế (Bắc Giang) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Bước đầu, huyện  đạt được kết quả đáng ghi nhận.

 

t16.jpg
Hết năm 2020, huyện Yên Thế có 12 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

 

Nâng chất lượng sản phẩm chủ lực

Những năm gần đây, huyện Yên Thế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm chủ lực nông nghiệp.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, năm 2020, tổng đàn gia cầm toàn huyện đạt 4,3 triệu con, trong đó đàn gà có 3,8 triệu con. Ngoài tiêu thụ gà nguyên con, huyện tập trung đẩy mạnh tiêu thụ thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm như: chả gà, xúc xích gà, giò gà. Kéo theo đó, thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng  thông qua việc ký kết hợp đồng với các siêu thị.

Dê cũng là sản phẩm chủ lực của Yên Thế với hơn 9.500 con. Huyện đã thành lập HTX, xây dựng được nhãn hiệu tập thể dê núi Hồng Kỳ. Giờ đây, thị trường tiêu thụ rộng mở hơn thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với các nhà hàng lớn ở nhiều tỉnh, thành phố.

Thời gian tới, Yên Thế xác định sẽ phát triển đàn gia súc lớn như: trâu, bò, ngựa theo hướng tập trung ở các xã vùng cao, ven sông.

Ở lĩnh vực trồng trọt, Yên Thế có sản phẩm chè, diện tích 535ha, sản lượng đạt 4.300 tấn. Để nâng cao chất lượng, các hộ đã trồng theo quy trình VietGAP, hướng tới sản xuất hữu cơ. Cùng với đó, đẩy mạnh việc liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ. Đến nay, 75% diện tích chè của huyện đã được liên kết tạo thành các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ngoài sản phẩm chè, Yên Thế đang tập trung sản xuất vải thiều (2.070ha), nhãn (450ha) theo quy trình an toàn; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa xây dựng nhãn hiệu chứng nhận nhãn chín muộn Yên Thế dùng cho sản phẩm quả nhãn chín muộn huyện Yên Thế.

Nâng cao giá trị từ sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Yên Thế đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện cụ thể. Căn cứ vào  thế mạnh của mình, huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn các sản phẩm lợi thế, thế mạnh để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện.

Sau hơn 2 năm triển khai, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng từ huyện tới cơ sở, sự tích cực chủ động của các chủ thể sản xuất, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Các sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng đa dạng về chủng loại; chất lượng sản phẩm, mẫu mã bao bì, tem nhãn có nhiều đổi mới, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường; một số sản phẩm sau khi đạt sao OCOP đã được sự quan tâm và ký kết hợp đồng tiêu thụ với các siêu thị, đại lý.

 

t16a.JPG

Về sản phẩm gà đồi, có thịt gà đóng túi hút chân không và giò gà đạt 4 sao, chả gà đạt  3 sao.

 

Đến nay, huyện có 15 sản phẩm nông nghiệp có nhãn hiệu được bảo hộ và quyết định chấp nhận đơn hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ khoa học và Công nghệ). Đến hết năm 2020, Yên Thế có 12 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, huyện đã xây dựng trang Web giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến người tiêu dùng trên cả nước.

Ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, đánh giá, sau gần 3 năm thực hiện, Chương trình OCOP bước đầu đã thay đổi được nhận thức của doanh nghiệp, HTX về mục đích, ý nghĩa khi tham gia chương trình. Từ việc nâng cao chất lượng, các sản phẩm đạt OCOP đã thuận lợi hơn trong tiêu thụ, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt thuận lợi trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập cho người tham gia.

Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Tú Uyên, kế toán HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế, cho biết, trong chế biến, HTX có 3 sản phẩm chính, gồm: thịt gà đóng túi hút chân không, giò gà, chả gà. Trong đó, thịt gà đóng túi hút chân không và giò đạt 4 sao, chả gà đạt 3 sao. Trước đây, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở các nhà hàng, sau khi có thương hiệu, đạt OCOP, sản phẩm đưa được vào các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Hiện, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho 5 đại lý, mỗi đại lý một tháng tiêu thụ 100 con gà, (mỗi con 1,7kg), 50kg giò, 20kg chả.

Theo ông Lương Văn Hiến, thời gian tới, huyện sẽ củng cố, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và doanh nghiệp. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Phát triển các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng theo hướng nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau, gắn với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp hoặc HTX). Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ các sản phẩm OCOP; cải tiến mẫu mã, bao bì nhãn mác sản phẩm theo hướng sáng tạo, ấn tượng, có bản sắc riêng làm tăng tính hấp dẫn của sản phẩm là những giải pháp mà chính quyền và người dân huyện Yên Thế đang nỗ lực triển khai, thực hiện.


 

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    “Không ai bị bỏ lại”, hiện thực hóa mục tiêu nhân văn

    Từ năm 2010, Liên Hợp quốc đã công nhận Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong hiện thực hóa các Mục tiêu Thiên niên kỷ, hoàn thành trước thời hạn gần 10 năm 3 mục tiêu (xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ) và có nhiều tiến bộ, đạt tiệm cận 5 mục tiêu còn lại.

  • “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    “Sâu nặng nghĩa tình”, điều còn mãi

    Trong 5 ngày, từ 7/9 đến 12/9, “quái” bão YAGI (bão số 3) với sức gió cấp 12 -13, giật cấp 14 -15 -16 đã đổ bộ vào Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,… và sau đó, hoàn lưu của nó gây mưa lớn liên tục trên toàn miền Bắc đã gây những tổn thất vô cùng to lớn về người và thiệt hại rất nặng nề về tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân.

  • Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Không thương hiệu, thiệt đơn thiệt kép

    Xuất khẩu nông sản của ta hiện trong TOP 10 -15 thế giới. Nông sản Việt có mặt tại khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch tăng mạnh trong 15 năm qua: năm 2009 mới chỉ gần 16,5 tỷ USD thì năm 2014, kim ngạch đạt 31 tỷ USD, năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, năm 2023 đạt trên 53 tỷ USD, đến hết tháng 7 năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt 34,27 tỷ USD, phấn đấu đạt 57 -58 tỷ USD cả năm.

Top