Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 12 tháng 10 năm 2018 | 16:17

Yêu cầu Malaysia làm rõ tiêu chuẩn về dư lượng thuốc BVTV ớt NK

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp chế biến Malaysia (MOA) đã thông báo tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam với lý do dư lượng thuốc trừ sâu tối đa (MRL) vượt quá ngưỡng cho phép của nước này.

Trước thông tin này, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, ông Phạm Quốc Anh cho biết có hai vấn đề cần lưu ý đằng sau việc Malaysia ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam.

1.jpg

Bà Nguyễn Thị Thập, nông dân xã Duy Châu, bên vườn ớt chưa thu hoạch. (Ảnh: V. Quyên)


Đó là không phải tất cả các đơn vị xuất khẩu ớt của Việt Nam đều vi phạm tiêu chuẩn MRL của Malaysia và quyết định tạm dừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam rất có thể liên quan đến chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trẻ do Chính phủ Malaysia bảo trợ.

Ông Phạm Quốc Anh cho biết mới đây, MOA rất quan tâm đến các hộ nông dân trồng ớt của Malaysia, đặc biệt là các nông dân trẻ tham gia chương trình bảo trợ của chính phủ, đồng thời bày tỏ mong muốn các nông dân Malaysia có thể cạnh tranh được với các nông dân trồng ớt nước ngoài.

Với lý do này, MOA đã quyết định cử đoàn công tác đến Việt Nam và Thái Lan, hai nước xuất khẩu ớt số lượng lớn vào Malaysia, để tìm hiểu thực địa.

Song song với việc trên, MOA cũng đã tiến hành một loạt hoạt động thanh kiểm tra đối với các sản phẩm ớt nhập khẩu được bán trên thị trường Malaysia.

Kết quả cho thấy không có hành động bán phá giá, song rõ ràng giá bán ớt nhập khẩu thấp đã gây áp lực lên các sản phẩm trong nước.

Ví dụ như ớt được trồng tại bang Johor được bán với giá 8 ringgit/kg (khoảng 45.000 VND), ớt dầu đỏ giá 6,5 ringgit/kg, trong khi giá ớt nhập từ Việt Nam chỉ ở mức 3,9 ringgit/kg.

Các cuộc thanh kiểm tra cũng nhằm xác định xem các sản phẩm ớt nhập khẩu có vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn của Malaysia hay không. Thông báo tạm ngừng nhập khẩu ớt từ Việt Nam được đưa ra sau các cuộc thanh kiểm tra nói trên.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hân, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu ớt sang Malaysia cho biết quyết định trên khiến hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam bị đình trệ.

Lệnh cấm không chỉ ảnh hưởng đến người trồng ớt Việt Nam mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng Malaysia vì họ không được phép tiếp cận với các sản phẩm ớt nhập khẩu giá rẻ của Việt Nam trong bối cảnh thị trường Malaysia nhập khẩu đến 80% để đáp ứng nhu cầu về ớt trong nước.

Trước tình hình trên, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia đã có công văn gửi Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản Việt Nam, theo đó đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản chính thức yêu cầu phía Malaysia làm rõ tiêu chuẩn về tiêu chuẩn dư lượng thuốc trừ sâu cho phép để làm cơ sở cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam tham khảo.

Bên cạnh đó, hai bên cần thảo luận để đi đến công nhận lẫn nhau về vấn đề kiểm định chất lượng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn của Malaysia được tiếp tục cấp phép xuất khẩu sản phẩm vào nước này.

Bên cạnh đó, Chính phủ Malaysia cần có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp xuất khẩu ớt của Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng Malaysia.

Các doanh nghiệp Việt Nam rất cần những thông tin công khai của phía Malaysia về tiêu chuẩn nhập khẩu ớt, nhất là các tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu cho phép, để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện hoạt động xuất khẩu sản phẩm của mình vào thị trường này.

Thanh long Bình Thuận sẽ tăng giá mạnh trong những ngày tới?

 

2.jpg

Thu hoạch thanh long. (Ảnh: IT)

 

Ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận cho biết, sau thời gian ngắn giá thanh long trên địa bàn Bình Thuận giảm mạnh, thì bắt đầu từ ngày 9/10 đã tăng trở lại. Theo đó, hiện thanh long ruột trắng loại 1 được các vựa thu mua khoảng 8.000 đồng/kg và loại 2 là 6.000 đồng/kg

Theo ông Tấn, sở dĩ giá thanh long tăng trở lại là do thu hoạch hàng mùa đợt cuối đã kết thúc nên sản lượng ít lại. Hiện nay sản lượng thu hoạch chủ yếu là lứa thanh long chong đèn sớm.

Liên lạc với một vựa thu mua thanh long ở ở thôn Bình An, xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) cũng xác nhận, hiện các vựa đã mở cửa thu mua thanh long, với giá 8.000 đồng/kg.

Theo chủ vựa này, giá thanh long tăng ngoài nguyên nhân được chúng tôi đề cập, thì bên Trung Quốc hiện cũng đã kết thúc đợt thu hoạch thanh long hàng mùa trùng với thanh long Bình Thuận, nên bắt đầu khan hiếm hàng, và khả năng giá tăng mạnh trong những ngày tới. 
Giá lợn hơi liên tục lập “đỉnh” mới, Bộ trưởng kêu gọi giảm giá

Trong những ngày qua, giá lợn hơi trên thị trường có một số biểu hiện bất thường. Nếu như trước đây, giá tại khu vực phía Nam luôn ở mức thấp nhất, giá tại miền Bắc cao nhất, thì thời gian gần đây giá tại các tỉnh phía Nam vượt qua mức giá lợn hơi tại thị trường miền Bắc.Ngày 11/10, giá lợn hơi các tỉnh phía Nam cao nhất cả nước. Trong đó, những địa phương như Trà Vinh, Tiền Giang giá tăng mạnh nhất lên đến 55.000 - 56.000đ/kg. Một vài tỉnh khác như Vĩnh Long tăng khoảng 1.000đ/kg với mức giá 54.000đ/kg. Tại Bình Dương, Bến Tre, Vĩnh Long, Long An, Đồng Nai, Cần Thơ, TPHCM... mức giá lợn hơi dao động trong mức 53.000 - 54.000đ/kg... Giá lợn hơi tại thị trường Miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục dao động trong khoảng 52.000 - 54.000đ/kg; các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị giá lợn hơi khoảng 52.000 - 53.000đ/kg; Lâm Đồng: 52.000 đồng/kg… Tại miền Bắc, mặc dù đã giảm giá, nhưng mức giá đang phổ biến ở mức 50.000 - 54.000đ/kg, giá cao nhất vẫn ở 54.000đ/kg...
Nhìn rõ được sự tăng giá bất hợp lý này, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã triệu tập cuộc họp khẩn, đề nghị các tập đoàn, công ty chăn nuôi lớn trong tháng 10 này giảm giá lợn xuống dưới 50.000 đồng/kg. Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương cho rằng, giá thành chăn nuôi lợn hơi hiện nay khoảng 35.000đ-36.000đ/kg. Như vậy, với giá bán ra từ 50.000-56.000đ/kg, các DN chăn nuôi đang lãi từ 15.000-20.000đ/kg. Duy trì giá lợn hơi ở khung giá 45.000đ/kg là hợp lý để đảm bảo chăn nuôi bền vững, không thể “thả nổi” cho thị trường, bởi nếu giá tăng quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thị trường và tác động đến người tiêu dùng. 

7.jpg
Ảnh minh họa.

 

Nguồn cung khan hiếm, giá lúa gạo ở ĐBSCL có xu hướng tăngLũ về sớm và lên cao khiến năng suất lúa giảm do ngập lụt, kèm theo thông tin Philippines chuẩn bị tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo đang khiến giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng như giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong những ngày gần đây.

Theo ông Võ Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Phát triển vùng nguyên liệu thuộc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), hiện ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch xong vụ lúa Hè Thu và chuẩn bị bước sang vụ Thu Đông.

Tuy nhiên, lũ lớn trên các sông đã ảnh hưởng đến nhiều diện tích gieo trồng lúa vụ này, khiến năng suất, chất lượng lúa bị giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, những thông tin dự báo thị trường sẽ sôi động hơn trong 3 tháng cuối năm, nhất là việc Philippines chuẩn bị tổ chức đấu thầu nhập khẩu gạo, đã khiến giá lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long rục rịch tăng giá trong thời gian gần đây.

Chủng loại gạo trắng thông dụng có xu hướng tăng giá nhiều nhất, do diện tích gieo trồng lúa IR50404 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay là không nhiều.

Loại lúa này lại không thích hợp với điều kiện thời tiết sản xuất trong vụ Hè Thu nên năng suất, sản lượng khá thấp. Trong khi đó, nhu cầu thị trường lại đang yêu cầu nhiều loại gạo này. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tìm mua mà không có hàng.

Bà Trần Thu Ba, Doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài (tỉnh Tiền Giang) cũng cho biết hầu hết các loại gạo có đặc tính khô, cứng và nở nhiều như IR50404 trong vài tuần gần đây có xu hướng tăng giá so với trước đó ít nhất từ 100-200 đồng/kg.

Đặc biệt, gạo thu hoạch trong vụ Đông Xuân vẫn được thị trường chào đón và lùng mua nhiều nhất. Nhóm gạo thơm như OM5451, Đài thơm 8 được trồng nhiều trong vụ Thu Đông này lại ít tăng giá hơn do nhu cầu thấp.

Đáng chú ý, không chỉ nhóm gạo trắng thông dụng tăng giá, mà gạo nếp cũng đang khan hiếm hàng.

Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thực phẩm Long An, trong vòng 10 ngày trở lại đây, giá lúa nếp tươi tại ruộng hiện có giá 5.500 đồng/kg, tăng 500-700 đồng/kg so với trước đó. Ngay tại vựa nếp Thạnh Hóaá (tỉnh Long An), nguồn cung gạo nếp cũng không còn nhiều.

Lý giải nguyên nhân khan hiếm gạo nếp, một doanh nghiệp chuyên chế biến, xuất khẩu nếp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho biết từ giữa năm 2017 đến nay, giá cả gạo nếp lên xuống thất thường do phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nên diện tích trồng nếp ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng thu hẹp lại, sản lượng nếp không nhiều như hai năm trước đó.

Mặt khác, mặc dù năm nay xuất khẩu nếp sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, do tồn kho nếp của nước này vẫn còn nhiều và ảnh hưởng từ chính sách tăng thuế nhập khẩu lúa gạo.

Tuy nhiên, thị trường lại xuất hiện một số thương nhân người Thái sang Việt Nam thu mua gạo nếp, sau đó xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới Lào và đưa về Thái Lan tiêu thụ. Điều này đã giúp tiêu thụ đáng kể lượng tồn kho nếp trong năm nay.
3.jpg
Ảnh minh họa.

Tiêu đen tiếp tục "nóng"

Theo các công ty kinh doanh địa phương, giá tiêu đen tăng là do nhu cầu giao ngay của nhà xuất khẩu nhằm đáp ứng đủ các hợp đồng đã ký với khách hàng truyền thống.

Hôm qua, giá tiêu đen xô tại các thị trường phía Nam đồng loạt tăng thêm 1.000 đồng/kg, đưa giá tiêu đen tại Bà Rịa – Vũng Tàu lên mức 56.000 đồng/kg, Bình Phước 55.000 đồng/kg và các thị trường còn lại dao động trong khoảng 52.000 – 54.000 đồng/kg.

Theo các công ty kinh doanh địa phương, giá tiêu đen tăng là do nhu cầu giao ngay của nhà xuất khẩu nhằm đáp ứng đủ các hợp đồng đã ký với khách hàng truyền thống. Tuy nhiên, sức tăng đã làm cho thị trường nóng lên có lẽ do nguồn hàng mua từ nước ngoài chưa về kịp như dự kiến chứ không do nhu cầu gia tăng của khách.

Trái lại, nhu cầu tiêu trắng lại không tăng tương xứng. Theo Châu Huế, chủ xưởng chế biến ở Đồng Nai cho biết, giá tiêu trắng chào bán giao tại xưởng vẫn dao động ở 77.000 – 78.000 đồng/kg, mức giá ổn định kể từ đầu tháng 10, trong khi giá tiêu đen đã tăng tới 2.000 – 3.000 đồng/kg.  

 

4.jpg
Tiêu đen tăng giá.

 

Nông dân Cà Mau trúng đậm tôm càng xanh trái vụ

Nhiều hộ nông dân ở huyện Thới Bình (Cà Mau), đang bước vào thu hoạch tôm càng xanh trái vụ với niềm vui trúng mùa, được giá.

Các hộ nuôi cho biết, nếu sản xuất theo cách làm truyền thống trước đây, khi đến vụ thu hoạch đồng loạt họ bị thương lái ép giá, nên nhiều hộ mạnh dạng đầu tư nuôi nghịch vụ. Hiện, do khan hiếm nguồn tôm càng xanh nguyên liệu nên giá tăng cao, nông dân lãi lớn sau mấy tháng thả nuôi.

Theo ông Trần Văn Giàu (ngụ  xã Tân Bằng), trước đây bà con thả con giống vào cuối tháng 12 năm trước, thu hoạch vào tháng 6 năm sau. Nhưng hiện nay họ bắt đầu sản xuất từ trung tuần tháng 3, đến đầu tháng 10 là thu hoạch.

Cách làm mới cho thu hoạch trễn hơn 3 tháng so với cách làm cũ và năng suất cao gấp đôi, trung bình đạt 400 kg/ha. Anh Lư Hải Đăng vừa thu hoạch gần 1,2 tấn tôm trên diện tích 3ha.

Tôm đạt từ 8 đến 10 con/kg, với giá bán 180.000 đ/kg (cao hơn 50.000 đ/kg so với chính vụ), sau khi trừ hết chi phí gia đình anh Đăng lãi gần 200 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm càng xanh trái vụ đang được nhiều hộ dân ở vùng ngọt hóa của Cà Mau, như: huyện Thới Bình; Trần Văn Thời và U Minh áp dụng.

Theo bà con, con tôm càng xanh khi thả nuôi thích ứng rất tốt với điều kiện tự nhiên, rủi ro dịch bệnh thấp, hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, tạo ra sản phẩm sạch và tăng thu nhập trên cùng một diện tích cho bà con trồng lúa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thới Bình, diện tích nuôi tôm càng xanh của địa phương hiện có hơn 16.500 ha.

Giá tôm càng xanh giống toàn đực mua ở An Giang hiện khoảng 500 đồng một con; riêng giống thường là 200 đồng và hiệu quả mang lại thấy rõ sau 6 tháng thả nuôi. Ngành nông nghiệp địa phương sẽ nhân rộng mô hình nuôi trái vụ trong thời gian tới.

 

5.jpg
Nông dân huyện Thới Bình (Cà Mau), trúng đậm tôm càng xanh trái vụ.

 

Giá xuất khẩu hạt điều giảm mạnh

Theo ước tính trong tháng 9/2018 giá xuất khẩu bình quân hạt điều giảm 16,4% so với tháng 9/2017, xuống mức 8.400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016.

Bộ Công thương cho biết, tháng 9/2018, giá hạt điều tại Bình Phước giảm so với tháng 8/2018, trong khi giá tại Đắk Lắk ổn định. Ngày 25/9/2018, tại các huyện Bù Gia Mập và Phước Long, tỉnh Bình Phước giá hạt điều khô ở mức 36.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với tháng 8/2018. Tại tỉnh Đắk Lắk, giá hạt điều khô ổn định ở mức 41.000 – 43.000 đồng/kg.

Cụ thể, lượng hạt điều xuất khẩu tháng 9/2018 đạt 30 nghìn tấn, trị giá 252 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 15,3% về trị giá so với tháng 8/2018, giảm 8,7% về lượng và giảm 23,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Lũy kế 9 tháng năm 2018, xuất khẩu hạt điều đạt 273 nghìn tấn, trị giá 2,5 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng, nhưng giảm 0,7% về trị giá so với 9 tháng năm 2017.

Giá xuất khẩu hạt điều trong tháng 9/2018 bình quân hạt điều giảm 1,5% so với tháng 8/2018 và giảm 16,4% so với tháng 9/2017, xuống mức 8.400 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2016. Lũy kế 9 tháng năm 2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều ở mức 9.292 USD/tấn, giảm 6,3% so với 9 tháng năm 2017.

 

6.jpg
Chế biến điều phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)./.

 

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
Top