Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 4 tháng 3 năm 2016 | 2:41

“Luồng gió mới” của nông nghiệp Mê Linh

Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, bộ mặt nông thôn của huyện Mê Linh (Hà Nội) đang thay da đổi thịt từng ngày, hạ tầng giao thông được đầu tư khang trang, hình thành nhiều mô hình nông nghiệp có giá trị cao...

Nghề trồng rau an toàn trên địa bàn huyện Mê Linh cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (XDNTM), xã Văn Khê (Mê Linh) gặp khá nhiều khó khăn do chất lượng các tiêu chí đạt được chưa cao. Cơ sở vật chất như nhà văn hóa, chợ còn hạn chế; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất… Nhưng đó là câu chuyện của vài năm trước. Bây giờ có điều kiện trở lại, bộ mặt nông thôn ở Văn Khê đã đổi thay. Những con đường mịt mù ngày nào đã được kiên cố hóa phẳng lì, chạy thẳng vào các thôn xóm. Xóm Tơi, trước đây được ví như một “ốc đảo”, nhờ sự quan tâm đầu tư khá toàn diện của nhà nước nên đời sống của người dân đã được cải thiện đáng kể. Có được kết quả này, theo lãnh đạo xã Văn Khê, là nhờ sự đồng thuận của người dân nên công tác vận động toàn dân chung tay XDNTM thêm phần thuận lợi.

So với các địa phương khác, XDNTM ở Văn Khê làm đâu chắc đó, đi đôi với củng cố hạ tầng kỹ thuật nông thôn, địa phương tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Với diện tích đất bãi khoảng hơn 400ha, Văn Khê tập trung phát triển hoa, cây ăn quả, rau màu. Cánh đồng trồng hoa trên vùng đất bãi này chẳng khác gì “con gà đẻ trứng vàng”. Khoảng 40ha hoa của nhân dân tự trồng, cho thu nhập 14-15 triệu đồng/sào. Ở thôn Khê Ngoại, người dân trồng cây dược liệu như bạc hà, húng để chiết xuất dược liệu, diện tích khoảng 20ha. Dự án chuối tiêu hồng cũng được Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đầu tư 20ha đã cho thu nhập 11 triệu đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Ngoài ra, còn một số diện tích trồng ớt, rau xanh cho thu nhập khá. Để hướng nông dân vào sản xuất chuyên canh, hàng hóa trên quy mô lớn, Sở Nông nghiệp và PTNT còn triển khai dự án trồng hoa hồng diện tích 30ha với các loại hoa chất lượng cao. So với cây trồng khác, giá trị thu nhập từ hoa cao gấp 3-4 lần; hiệu quả sử dụng đất gấp 2-3 lần so với trước.

Được biết, điểm nổi bật nhất trong XDNTM của Mê Linh là quan tâm đến phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, sau dồn điền đổi thửa, huyện đã chuyển đổi hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh lúa, rau, hoa chất lượng cao. Phó chủ tịch UBND huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến cho biết: “Về trồng lúa, huyện chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu giống Khang dân 18, Q5 sang trồng giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt. Thực hiện hỗ trợ giống gần 50% diện tích ở mỗi vụ cho nông dân đã cho kết quả tích cực, góp phần thay đổi hẳn năng suất và chất lượng gạo, năng suất lúa tăng từ 52tạ/ha lên 62 tạ/ha nên nông dân rất phấn khởi. Ngoài ra, huyện cũng quy hoạch vùng trồng rau an toàn với diện tích trên 70ha, hiện đã có 20ha ở xã Tráng Việt đang cho giá trị cao, nâng tổng diện tích trồng rau an toàn ở 7 xã được Sở Nông nghiệp và PTNT cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn lên gần 500ha.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng, Mê Linh đẩy mạnh đưa các mô hình trồng hoa ở vùng đất bãi ven sông Hồng. Hiện, tổng diện tích trồng hoa của huyện gần 1.300ha, chủ yếu là hoa hồng, cúc, loa kèn, hoa ly…, giá trị kinh tế đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Ông Chiến cho biết thêm, trước đây,  hoa chủ yếu trồng tại các xã Mê Linh, Tiền Phong, tuy nhiên do quá trình đô thị hoá, phần diện tích đất nông nghiệp của các xã  dần bị thu hẹp nên trong những năm qua, huyện vận động, khuyến khích nhân dân chuyển hoa hồng ra trồng ở khu vực đất bãi sông Hồng thay thế ngô, đậu tương, khoai lang giá trị kinh tế thấp. Việc đưa các mô hình vào sản xuất góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và thay đổi tập quán canh tác của người dân. Đến nay, diện tích trồng hoa hồng chất lượng cao được mở rộng trên 120ha tại vùng bãi Văn Khê, Tráng Việt. Ngoài hoa hồng, Mê Linh đang mở rộng diện tích hoa ly có giá trị kinh tế cao với diện tích 10,8ha.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, đi đôi với chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, có nhiều mô hình sản xuất có năng suất cao và chất lượng tốt như: lúa, khoai tây, rau, hoa hồng và các mô hình chăn nuôi, Mê Linh tích cực tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trong phát triển sản xuất nông nghiệp nên thu nhập của người dân huyện Mê Linh ngày càng được cải thiện. Hiện, thu nhập bình quân đạt trên 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,12%. Hết năm 2015, toàn huyện có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới.                                

P.V

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Thanh niên với phát triển đất nước thời kỳ mới

    Những người từ 15 đến 30 tuổi được gọi là thanh niên. Đây là lứa tuổi đang trưởng thành, đang vào đời, bắt đầu hành trình lập thân lập nghiệp.

  • Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Diện mạo mới từ chính sách phù hợp

    Trong hơn 40 năm qua, kể từ khi thực hiện Khoán 100 (Chỉ thị số 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cải tiến công tác khoán, mở rộng “khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động” trong hợp tác xã nông nghiệp), rồi Khoán 10 (Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

  • Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Giải pháp tiếp đà tăng tốc

    Năm 2023 để lại nhiều dấu ấn trong cả sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông sản, nhất là đối với hai mặt hàng lúa gạo và rau quả.

Top