Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 31 tháng 12 năm 2015 | 2:55

“Nếu cứ thiếu tiền xách cặp chạy ra Hà Nội xin là không được”

Trong 2 ngày (28-29/12), tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, xuyên suốt hội nghị là câu chuyện thiếu vốn đầu tư, nhất là hạ tầng, xuất khẩu nông sản sụt giảm về giá trị...

Xuất khẩu nông sản gặp khó

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, tăng trưởng GDP năm 2015 đạt mức cao nhất trong 8 năm qua. Tốc độ tăng trưởng GDP có xu hướng tăng nhanh, ước cả năm tăng trưởng GDP khoảng 6,68%.

Tuy nhiên, năm 2015, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu bị giảm giá. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát, trong điều kiện thị trường ngày càng khó khăn và cạnh tranh khốc liệt, các bộ, ngành địa phương đã nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ nông sản do nông dân làm ra. Các mặt hàng nông sản tăng về lượng xuất khẩu. Điều đó chứng tỏ ta giữ được thị trường. Năm 2014, xuất khẩu nông sản đạt 30,8 tỷ USD. Năm nay đạt 30,14 tỷ USD, giảm 2%. Năm 2015, xuất khẩu tăng về số lượng nhưng giá lại xuống.

“Điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu 2016 là, trong điều kiện thị trường khó khăn nhưng vẫn có mặt hàng có thị trường tốt. Năm ngoái 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực thì có 5 tốt, 5 xấu. Vụ đông xuân này nên tận dụng thị trường để sản xuất lúa gạo vì một số nước mất mùa. Trong đó, tập trung vào lúa gạo chất lượng cao. Thị trường điều cũng cần được cân đối lại vì chúng ta chi phối hơn một nửa thế giới mà lại nhập khẩu về chế biến. Tập trung chuyên canh hồ tiêu nhưng không mở rộng để tránh khủng hoảng. Mở rộng sản xuất trái cây và thị trường xuất khẩu trái cây…”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Còn theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng: Xuất khẩu giảm hơn 3 tỷ USD do giá dầu thô tụt. Nếu giá dầu không giảm mạnh thì chỉ tiêu xuất khẩu tăng trưởng đạt trên 10%. “Chúng ta đã xuất khẩu tăng một số hàng hóa để bù vào phần thiếu hụt của dầu thô. Đầu năm có nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng xuất khẩu gạo, nhưng cuối cùng kết quả đạt khá. Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo dài hạn với Đông Timor, góp phần bù giá dầu giảm”, ông Hoàng nói.

“Nếu cứ thiếu tiền xách cặp chạy ra Hà Nội xin là không được”

Trong suốt 2 ngày diễn ra Hội nghị, câu chuyện thiếu vốn đầu tư, nhất là cho xây dựng hạ tầng được các địa phương đề cập. Đã có 17 ý kiến phát biểu của lãnh đạo địa phương và 20 lượt trao đổi, giải đáp của các thành viên Chính phủ, với những ý kiến được Thủ tướng đánh giá là “tâm huyết, trách nhiệm”. Nhưng bên cạnh đó, nhiều người đứng đầu cũng tranh thủ xin Trung ương cơ chế, chính sách, thậm chí là “tiền tươi” nhằm giải quyết những tồn tại ở địa bàn mình quản lý.

Các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016:

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP giảm 1,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 53%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo  21%; số giường bệnh trên một vạn dân 24,5 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 76%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường  85%; tỷ lệ che phủ rừng 41%.

Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã dành phần lớn thời lượng phát biểu để nêu một loạt kiến nghị: Từ xem xét hỗ trợ cơ chế tạo vốn bằng bảo lãnh Chính phủ đến tạo điều kiện cho phát hành trái phiếu đô thị để phục vụ xây dựng các công trình giao thông...

Lãnh đạo Tiền Giang thì đi vào kiến nghị cụ thể là xin Trung ương giúp 250 tỷ đồng để đầu tư một bệnh viện quy mô 1.000 giường nhằm giúp đồng bào các tỉnh miền Tây không phải lên tận TP.Hồ Chí Minh chữa trị.

Người đứng đầu tỉnh Ninh Thuận cho hay, do vừa trải qua đợt hạn hán lịch sử nên vấn đề cấp bách là ưu tiên cho các công trình chống hạn. Dù đã được Trung ương đồng ý cho dùng vốn dự phòng xây dựng 4 hồ chứa nước nhưng tiền thật vẫn chưa về, khiến địa phương sốt ruột. Còn tỉnh Sơn La, do là địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn, đại diện tỉnh này đề nghị Chính phủ hỗ trợ địa phương trong việc kiên cố hóa các tuyến đường liên xã.

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rất thông cảm với áp lực về đầu tư hạ tầng ở địa phương vì đây là lĩnh vực cần vốn lớn, lại là tiêu chí để đánh giá năng lực cạnh tranh hay cải thiện môi trường đầu tư của cả nước và mỗi tỉnh, thành. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý đầu tư không chỉ biết dựa vào nguồn ngân sách, trái phiếu mà phải biết huy động từ người dân, nguồn lực trong xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh đến việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo đó, không ngừng hoàn thiện thể chế để một mặt quản lý nhà nước được chặt chẽ, hiệu lực, hiệu quả hơn, mặt khác tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như tăng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực có hiệu quả hơn cho phát triển, đây cũng là đóng góp tích cực vào nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Về đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, phải hết sức chú ý xây dựng, tạo ra cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư từ xã hội, không thể chỉ trông chờ vào nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đột phá về nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nguồn nhân lực cao, đáp ứng cho nhu cầu phát triển.

Đặc biệt, Thủ tướng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương phải dồn sức thực hiện việc cải cách thể chế, không trông chờ nhiều vào nguồn vốn ngân sách Trung ương mà phải huy động các nguồn vốn từ xã hội hóa: “Tháng 3 tới, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch 5 năm, trong đó có đầu tư trung hạn, trái phiếu. Nhưng nhìn vào ngân sách thì không đủ mà chúng ta buộc phải đột phá những kết cấu hạ tầng và chúng ta chỉ nhìn vào ngân sách, trái phiếu thì không đủ. Cứ xách cặp ra Hà Nội mà xin dự án là không được”.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá bán giảm đã khiến kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm và thủy sản cả nước trong năm 2015 chỉ đạt 30,14 tỉ đô la Mỹ, giảm nhẹ 0,8% so với năm ngoái; giá trị xuất khẩu nhóm các mặt hàng chính, gồm gạo, cà phê, cao su, chè, tiêu, điều, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2015 ước đạt 13,95 tỉ đô la Mỹ, giảm 2,6% so với năm 2014.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước năm 2015 ước đạt 6,7 triệu tấn với trị giá xuất khẩu đạt 2,85 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,8% về khối lượng, nhưng giá trị lại giảm 2,9%. Khối lượng xuất khẩu tăng, nhưng kim ngạch thu về giảm, điều này cho thấy giá bán gạo trong năm 2015 giảm hơn so với năm ngoái 2014.

Tình trạng giá bán giảm cũng diễn ra đối với mặt hàng càphê và cao su khi khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2015 chỉ giảm 24,6%, nhưng kim ngạch giảm đến 28,1% so với năm 2014; cao su có khối lượng xuất khẩu tăng 6,1%, nhưng kim ngạch giảm đến 14,4% so với năm 2014. Đáng chú ý nhất là đối với mặt hàng thủy sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của mặt hàng này ước đạt 6,53 tỉ đô la Mỹ, giảm 16,5% so với năm 2014.

Tuy nhiên, trong năm 2015, cũng có một số mặt hàng vẫn duy trì được giá bán cao hơn so với năm 2014. Cụ thể, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, khối lượng xuất khẩu hạt điều năm 2015 ước đạt 328.000 tấn, trị giá đạt 2,4 tỉ đô la Mỹ, chỉ tăng 8,3% về khối lượng, nhưng tăng đến 20,2% về giá trị so với năm 2014. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 7.291 đô la Mỹ/tấn, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2014. Tương tự, khối lượng xuất khẩu tiêu năm 2015 ước đạt 135.000 tấn với giá trị đạt 1,26 tỉ đô la Mỹ, giảm 13% về khối lượng, nhưng tăng 5% về giá trị so với năm 2014. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2015 đạt 9.335 đô la Mỹ/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2014. Đặc biệt, xuất khẩu rau - hoa - quả năm 2015 đạt 2,2 tỷ USD, tăng 47% so với năm 2014.

Dương Thanh

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    HLV Nghệ An: Góp phần chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp

    Chủ tịch Hội Làm vườn (HLV) Việt Nam - GS.TS. Lê Quốc Doanh đánh giá cao những kết quả trong công tác xây dựng tổ chức Hội và phong trào phát triển kinh tế VAC, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới của HLV tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua.

  • Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Hội Làm vườn Việt Nam: Nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội VII và thi đua phát triển kinh tế VAC

    Năm 2024 là nước năm nước rút để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII, chuẩn bị cho Đại hội lần thứ VIII và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội Làm vườn Việt Nam vào đầu năm 2026. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, Hội Làm vườn Việt Nam sẽ tích cực triển khai kế hoạch, nội dung hoạt động năm 2024.

  • Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, hướng đi tất yếu

    Tại Hội thảo về nông nghiệp tuần hoàn, nằm trong khuôn khổ của Hội chợ Nông nghiệp, Xúc tiến thương mại khu vực ĐBSCL - Đồng Tháp năm 2024 (Mekong Agri Expo 2024), nhiều chuyên gia cho rằng, phát triển nông nghiệp tuần hoàn là hướng đi mới trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững, nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và giảm lượng chất thải ra môi trường.

Top