Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 7 tháng 11 năm 2017 | 3:1

“Trong xã hội chúng ta đang tồn tại nhiều thứ giả quá”

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) bức xúc: Trong xã hội chúng ta hiện nay, đang tồn tại nhiều thứ giả quá, bằng cấp giả, thuốc chữa bệnh giả, thức ăn, nước uống giả, rồi hàng Việt giả, gây bất an cho xã hội”.

Đó là ý kiến của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP. Hà Nội) sáng nay (7/11), khi tranh luận trên nghị trường Quốc hội về công tác thi hành án năm 2017.

Theo bà Khánh, tại diễn đàn Quốc hội, khi bàn, thảo luận về tình hình công tác tư pháp, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo của Chính phủ. Các cơ quan tư pháp và Ủy ban Tư pháp đã kiểm tra về tình hình công tác tư pháp năm qua. Hầu hết cử tri và đại biểu đều hoan nghênh, ghi nhận những đánh giá cao trong công tác phòng, chống tham nhũng và nhiều vụ đại án, trọng án đã được các cơ quan tư pháp đưa ra ánh sáng. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả những người đứng đầu bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật với mức án cao nhất kể cả chung thân và tử hình. Điều đó đã thể hiện tính kiên quyết chống giặc nội xâm, việc làm chưa từng có suốt mấy chục năm qua, người mà đã và đang làm nghèo đất nước, phá hoại niềm tin của cán bộ, nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Ai cũng thấy những nỗ lực, cố gắng của anh chị em làm tư pháp.

Bên cạnh đó, các vị Quốc hội đến với kỳ họp còn mang theo nhiều băn khoăn, trăn trở của cư tri để gửi gắm cơ quan tư pháp. “Tôi cũng là một người nguyên là cán bộ của một ngành tư pháp, được tham gia Quốc hội. Tôi nghĩ rằng, tại diễn đàn này, chúng ta nên lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội không phải ngành tư pháp để xem lại ngành mình, bản thân mình và chủ động thông tin cho cử tri và dư luận rõ ràng thì có lẽ không cần đến diễn đàn này, chúng ta nói được. Chúng ta thông tin trước đi, trên diễn đàn và các cơ quan truyền thông rõ ràng thì không có ý kiến trái chiều trong Quốc hội chúng ta về một vài vụ việc như chúng ta đã thấy” bà Khánh đề nghị.

Đại biểu Khánh bức xúc: “Nếu chúng ta có ý kiến mang tính phản bác và tạo nên sự hiểu là cán bộ tư pháp chỉ muốn nghe những lời nói hay và cũng không muốn nghe lời nói thật thì tôi cho là không phù hợp lắm.

Đặc biệt, trong xã hội chúng ta hiện nay, đang tồn tại nhiều thứ giả quá, bằng cấp giả, thuốc chữa bệnh giả, thức ăn, nước uống giả, rồi hàng Việt giả, gây bất an cho xã hội. Các cơ quan tư pháp cần phải tôn trọng sự thật, lắng nghe ý kiến cử tri và đại biểu Quốc hội để chúng ta góp phần làm rõ thật giả để lấy lại niềm tin trong xã hội.

Tôi nhận thấy so với các báo cáo của Chính phủ, các cơ quan tư pháp đã trình bày tại Quốc hội trong nhiều kỳ họp trước đây thì chưa bao giờ những Báo cáo của Chính phủ và các cơ quan tư pháp nói về tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm nhiều như bây giờ. Nói như thế không có nghĩa là các cơ quan tư pháp chúng ta chỉ đưa ra những hiện tượng quá nhiều như thế. Tôi so sánh những báo cáo trước đây khi nói về vấn đề tình hình thi hành pháp luật thì thường thường chỉ có 4-5 lĩnh vực, vấn đề về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hay tội phạm về kinh tế hay các vấn đề về ma túy, bây giờ các đồng chí đọc trong Báo cáo của Chính phủ tôi đếm đến 20 lĩnh vực vi phạm pháp luật và tội phạm đã diễn ra.

Trong sự quản lý nhà nước của chúng ta hiện nay có 22 bộ, ngành quản lý thì đến 20 lĩnh vực vi phạm pháp luật về tất cả mọi mặt. Điều này làm cho chúng tôi rất suy nghĩ là những người làm công tác xây dựng pháp luật từ nhiều năm nay có thể nói cả đời chúng tôi cùng với các đồng chí tham gia xây dựng pháp luật chúng tôi thấy rất đau lòng. Phải chăng trong lãnh đạo, chỉ đạo của chúng ta nhiều năm qua mới thiên về vấn đề phát triển kinh tế nên pháp luật về kinh tế chúng ta đã cố gắng tạo điều kiện tối đa để phát triển kinh tế nhưng chúng ta chưa quan tâm đến xây dựng thể chế cho đồng bộ, phù hợp với vấn đề chúng ta quản lý nhà nước bằng pháp luật.

Trong báo cáo của đoàn giám sát, chúng ta cũng đã có nhận định rất chính xác là nhiều chủ trương về kinh tế - xã hội rất đổi mới nhưng chúng ta chưa tiếp thu được, chưa thể chế hóa được mà chỉ mới thiên về phát triển kinh tế nên những vấn đề về hành chính, những vấn đề về quản lý nhà nước là chúng ta còn bỏ ngỏ. Tôi thấy trong diễn đàn Quốc hội về kinh tế - xã hội vừa qua chưa bao giờ nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký nhiều như vậy. Trên tất cả các lĩnh vực đều nói những nỗi niềm bất an của nhân dân, cử tri.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tập trung hơn nữa công tác xây dựng thể chế và sớm hoàn thiện pháp luật về quản lý nhà nước”.

D.T

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top