Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2019 | 13:58

1.000 thương hiệu Quốc gia: Hành trình nhiều thách thức

Với mục tiêu đến năm 2030, tăng 20%/năm về giá trị, hơn 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, Việt Nam hướng đến mục tiêu đất nước có uy tín về hàng hoá, dịch vụ chất lượng cao.

Tuy nhiên, để làm được điều này, hành trình đến đích không đơn giản.

 

ca-tra.jpg
Cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho cá tra.

 

Viettel gia nhập 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới

Ngày 22/01/2019, tại Davos (Thụy Sĩ), trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Thế giới, Brand Finance, hãng tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách 500 thương hiệu có giá trị nhất thế giới, trong đó lần đầu tiên Viettel - thương hiệu Việt Nam tham gia danh sách này, đạt thứ hạng 478 với mức định giá 4,316 tỷ USD. Giá trị thương hiệu của Viettel tăng 35,8%, tức hơn 1 tỷ USD so với năm 2018.

Giá trị của Viettel được đánh giá cao do sự hiện diện và đóng góp của thương hiệu này ở 10 thị trường nước ngoài. 

“Mỗi năm Brand Finance thực hiện đánh giá khoảng 5.000 thương hiệu toàn cầu với 40 lĩnh vực khác nhau trên nhiều tiêu chí như doanh thu, chỉ số sức mạnh thương hiệu… Việc nằm trong 500 thương hiệu có giá trị nhất chứng minh Viettel là thương hiệu vững mạnh”, ông David Haigh, CEO của Brand Finance, cho biết.

Viettel cũng là thương hiệu đứng số 1 về giá trị tại Việt Nam. Năm 2018 cũng là năm thành công đối với Viettel trong lĩnh vực viễn thông nước ngoài với doanh thu dịch vụ tăng trưởng 20%, thuê bao di động tăng trưởng gần 70% và dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD.

Có thương hiệu, cà phê Việt được khẳng định

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm nay đều trên 3 tỷ USD. Những năm qua, dù kinh tế thế giới có nhiều thời điểm gặp khó khăn dẫn đến sức mua sụt giảm, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng rất đáng khích lệ, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng xuất khẩu nông sản của cả nước.

Các sản phẩm cà phê Việt đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ),…

Kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được quan tâm. Nhờ vậy, từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn 400 - 500 USD so với giá tham chiếu tại Sở Giao dịch Hàng hóa Luân Đôn (Anh), Việt Nam đã dần thu hẹp khoảng cách và tới nay, giá bán cà phê Robusta của Việt Nam đã phù hợp với giá thị trường thế giới.

Đến nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn. Cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước mà còn được đón nhận ở nhiều thị trường trong khu vực, bước đầu xây dựng được thương hiệu cà phê Việt.

 

cafe.jpg

Tuy nhiên, mặc dù ngành hàng cà phê có bước phát triển nhanh trong một số năm gần đây cả về diện tích và sản lượng, song lợi thế trên thị trường thế giới phần lớn vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài có thương hiệu và tiềm lực tài chính mạnh.

Để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, đồng thời nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt, song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm thì công tác xây dựng thương hiệu phải được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình.

Xây dựng thương hiệu: Đâu là rào cản?

Việc xây dựng một thương hiệu trong môi trường kinh doanh hiện nay là không dễ dàng. Để phát triển hiệu quả các chiến lược thương hiệu, cần phải hiểu biết về những áp lực và rào cản này.

Để đạt được điều này, cần phải xem xét các nhân tố khác nhau dẫn đến việc tạo dựng thương hiệu trở nên khó khăn. Nhân tố thứ nhất là áp lực cạnh tranh về giá có ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ xây dựng thương hiệu. Nhân tố thứ hai là sự phát triển nhanh chóng của các đối thủ cạnh tranh dẫn đến giảm sự lựa chọn định vị thị trường và khiến việc thực hiện trở nên kém hiệu quả hơn. Nhân tố thứ ba và thứ tư là sự phân tán của truyền thông, thị trường, sự phong phú và đa dạng của nhiều thương hiệu và sản phẩm…

Xây dựng thương hiệu là vấn đề rất quan trọng đối với tất cả doanh nghiệp trên toàn cầu chứ không chỉ các công ty Việt Nam. Thương hiệu vừa là tín hiệu, dấu hiệu, để người tiêu dùng nhận biết về doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ… vừa là công cụ để phòng chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đặc biệt trong giai đoạn công nghệ phát triển như hiện nay có thể bị nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo các báo cáo nghiên cứu khảo sát, hành vi người tiêu dùng trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã trở nên khác biệt hoàn toàn so với truyền thống. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia ký kết nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới nên việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng khốc liệt, nhất là các phi vụ thâu tóm, mua bán sáp nhập (M&A) diễn ra rầm rộ và phổ biến hơn trước đây.

Trước tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu để đủ sức giữ vững thị trường và tăng trưởng bền vững. Với hạt nhân là sự phát triển của công nghệ hiện đại, khi cuộc sống con người gắn liền với internet và mạng xã hội, tiến trình công nghệ 4.0 tạo ra những khái niệm mới như xã hội số hóa, cư dân số hóa và điều tất yếu đòi hỏi doanh nghiệp phải làm là chuyển đổi số hóa thương hiệu.

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia, cho rằng hành trình số hóa thúc đẩy thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, hướng đến những giải pháp kết nối người tiêu dùng với thương hiệu một cách hiệu quả hơn.

Vấn đề bức thiết

Tại Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam lần thứ 12 năm 2019 với chủ đề “Chiến lược Thương hiệu Quốc gia Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho rằng: “Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ doanh nghiệp mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm sang thị trường nước ngoài. Vì vậy, việc Việt Nam triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia phù hợp với xu thế phát triển mới là hết sức cần thiết”. 

Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hữu Nghĩa cũng nhấn mạnh: “Thương hiệu quốc gia không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm này, để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, thì việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia đúng mức và đúng cách là biện pháp bổ trợ đáng kể”. 

Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Theo ông Nghĩa, càng có nhiều nguồn lực khác nhau chung sức tham gia sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể; sự chung tay của mọi thành phần xã hội trong và ngoài nước cùng với sự điều phối chiến lược của Đảng và Nhà nước sẽ giúp rút ngắn khoảng cách, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2030 có 1.000 sản phẩm có thương hiệu quốc gia

Để đạt mục tiêu 1.000 sản phẩm có Thương hiệu Quốc gia vào năm 2030, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 1320/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam từ năm 2020-2030. Mục tiêu của Chương trình nhằm xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ với chất lượng cao, tăng niềm tự hào và sức hấp dẫn của đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển ngoại thương và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chương trình tập trung xây dựng và phát triển Thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực, nổi trội của Thương hiệu sản phẩm với mục tiêu thực hiện có hiệu quả Chương trình trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ; kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước; góp phần tăng giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20%/năm theo thống kê, đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; trên 1.000 sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.

Đồng thời, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Chương trình. Đơn vị chủ trì thực hiện đề án là các bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các đề án thuộc Chương trình.

 

Trong bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố ,“Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43 nhờ đóng góp của Chương trình Thương hiệu quốc gia (Vietnam Value) và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.

 

 

Vân Nhi
Ý kiến bạn đọc
  • Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Bảo hiểm nông nghiệp, “lá chắn” tài chính cho nông dân

    Trong phiên giải trình mới đây tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, liên quan tới bảo hiểm nông nghiệp (BHNN), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau bão Yagi (bão số 3), bộ đã thiết kế lại dự thảo để trình Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 58 về BHNN. Chưa bao giờ chúng tôi thấy BHNN cần thiết như sau bão Yagi.

  • Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Hà Nội thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững

    Kế hoạch này nhằm triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các Đề án: Phát triển công nghiệp sản xuất giống; công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ ngành chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

Top