Cho rằng bố mẹ mình có công nuôi giấu cán bộ thời kháng chiến chống Pháp nhưng các cấp có thẩm quyền “quên” công lao của gia đình, suốt 20 năm qua, bà Đỗ Thị Vít ở xã Đại Thịnh (Mê Linh - Hà Nội) đã gửi đơn lên nhiều cơ quan chức năng để đòi quyền lợi.
Bà Vít kể về hành trình 20 năm đi đòi quyền lợi cho bố mẹ.
Phản ánh tới báo chí, bà Đỗ Thị Vít (SN 1953) cho biết, trước khi giặc Pháp tràn về tới xã, địa phương đã tổ chức các đội du kích theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1948, bố đẻ của bà là ông Đỗ Đình Mưu (1919 - 1994), mẹ đẻ là Nguyễn Thị Sợi (1921 - 2010) đã hưởng ứng tham gia cùng bộ đội địa phương đánh giặc, làm giao liên phục vụ kháng chiến.
Đầu năm 1950, được cán bộ giác ngộ, ông Mưu, bà Sợi đã đào 2 hầm bí mật nuôi giấu cán bộ. Hàng ngày bố mẹ bà còn chạy gửi công văn, các loại giấy tờ đến các địa phương khác từ năm 1950 đến ngày 20/7/1954.
Đến năm 1960, ông Mưu tiếp tục tham gia vào ban quản trị hợp tác xã (làm chủ kho), đội trưởng sản xuất, cho tới năm 1967 ông về nghỉ hưu.
Theo bà Vít, Đảng ủy, UBND xã đã nhiều lần xác nhận sự cống hiến của ông Mưu, bà Sợi và đề nghị tặng huân chương cho gia đình nhưng đến nay gia đình bà vẫn chưa được công nhận.
Xác nhận của chính quyền xã Đại Thịnh qua các nhiệm kỳ.
Trong hồ sơ mà bà Vít cung cấp, có nhiều giấy tờ như: tờ khai quá trình công tác kháng chiến chống Pháp của bà Sợi (ngày 5/10/1998); Biên bản của Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Thịnh xét khen thưởng chống Pháp 1945 - 1954 (ngày 14/8/1999); tờ khai quá trình công tác kháng chiến của ông Mưu (ngày 2/1/2007); Đảng ủy, UBND xã Đại Thịnh đều nhất trí đề nghị Hội đồng thi đua khen thưởng cấp trên xét duyệt khen thưởng cho bà Sợi, ông Mưu Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
Đặc biệt, trong biên bản của Hội đồng thi đua khen thưởng xã Đại Thịnh năm 2010 có 9 cơ quan, đoàn thể đều thống nhất đề nghị các cấp xem xét khen thưởng cho gia đình ông Mưu có công nuôi giấu cán bộ trong kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1950 - 1954, tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
Nhiều người trước đây trực tiếp ở, làm việc tại nhà ông Mưu, bà Sợi như: ông Nguyễn Văn Bồi, trước đây là Chủ tịch cụm kháng chiến Bãi Sậy; ông Nguyễn Văn Nhữ, Trưởng ban Tuyên giáo huyện; ông Lê Tần, Bí thư Huyện ủy; ông Lê Văn Lâu, Văn phòng Huyện ủy…đều xác nhận có hoạt động và được ông Mưu, bà Sợi nuôi giấu tại gia đình.
Tuy nhiên, ngày 07/4/2015, UBND huyện Mê Linh lại có văn bản trả lời đơn của bà Vít rằng, gia đình ông Mưu chưa đủ điều kiện để được khen thưởng thành tích kháng chiến theo quy định vì: “Quá trình kiểm tra, rà soát trong quyển lịch sử Đảng bộ của xã Đại Thịnh từ năm 1945 đến nay không có nội dung ghi nhận đóng góp của gia đình ông Mưu”. Gia đình ông Mưu không cung cấp được giấy tờ để làm rõ xác nhận của ông Nguyễn Thế Huấn về thời gian gia đình ông Mưu nuôi giấu cán bộ cách mạng không khớp nhau.
Về vấn đề này, bà Vít bức xúc: “Nhiều nhiệm kỳ Đảng ủy, UBND xã, các khối đoàn thể xã Đại Thịnh đều xác nhận gia đình tôi có công nuôi giấu cán bộ. Chính những người được bố mẹ tôi nuôi giấu cũng xác nhận nhưng không hiểu tại sao cuối năm 2014, chính quyền xã lại nói trong quyển lịch sử Đảng bộ xã từ năm 1945 đến nay không có ghi nhận đóng góp của gia đình tôi?”.
Về sự mâu thuẫn mà bà Vít thắc mắc, theo ông Bùi Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đại Thịnh, các khóa lãnh đạo trước đây xác nhận, kiến nghị tặng huân chương cho gia đình ông Mưu, bà Sợi không phải là sai nhưng có thể là chỗ quen biết, nể nhau nên xác nhận.
Ông Lương Văn Giang, chuyên viên Ban Thi đua khen thưởng TP.Hà Nội, thắc mắc, nhiều lãnh đạo xã ở những nhiệm kỳ trước xác nhận gia đình ông Mưu có nuôi giấu cán bộ nhưng tại sao trong quyển lịch sử Đảng bộ xã lại không có tên gia đình ông Mưu. Phải chăng trong khi xem xét, xét duyệt xã còn thiếu sót, bỏ quên?
Theo bà Vít, hiện trong quyển lịch sử Đảng bộ và sổ vàng ghi công của huyện Mê Linh vẫn có tên gia đình bà nhưng huyện này lại giấu, để làm khó cho gia đình (?!).
Tại sao 20 năm qua bà Vít vẫn không quản ngại đi đòi quyền lợi cho bố mẹ? Tại sao cán bộ nhiều nhiệm kỳ Đảng ủy, UBND xã Đại Thịnh trước đây đều xác nhận gia đình ông Mưu, bà Sợi có nuôi giấu cán bộ? Thậm chí cả Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo huyện, những người trực tiếp được nuôi giấu cũng xác nhận nhưng gia đình ông Mưu lại không có tên trong lịch sử Đảng bộ xã? Phải chăng trong sự việc này có điều gì khuất tất?
Để tránh bỏ sót đối với người có công, đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ vụ việc trên.
Hoàng Đình
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.