KTNT - Những ngày này, nông dân ấp Vĩnh Lợi 1, xã Châu Phong (thị xã Tân Châu, An Giang) mất ăn mất ngủ vì lúa sắp đến ngày thu hoạch nhưng lại chín không đều do trổ không đồng loạt, gây thiệt hại lớn. Bà con cho rằng giống lúa mua của một công ty ở huyện Châu Phú không đạt chất lượng nên mới xảy ra thực trạng này. Hiện, UBND xã đã và đang liên lạc với công ty để cùng bà con giải quyết.
Lúa trổ bông không đều, ảnh hưởng lớn đến năng suất nhưng công ty bán giống né bồi thường.
Theo trình báo của bà con nông dân, đầu vụ hè thu năm 2017, 21 hộ trên địa bàn ấp Vĩnh Lợi 1 mua giống lúa AGPPS 114 của 2 cửa hàng vật tư nông nghiệp Thanh Vũ (ấp Vĩnh Lợi 1) và Xuân Thảo (ấp Vĩnh Lợi 2). Trên bao bì ghi giống lúa OM 6976 114 cấp giống xác nhận của Công ty TNHH MTV Giống cây trồng Trương Nhứt (Công ty Trương Nhứt), địa chỉ ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú.
Sau thời gian canh tác, chăm sóc, bà con chưng hửng vì trong ruộng lúa sạ cùng một ngày lại có 3 giai đoạn trổ, 1 phần cong trái me, 1 phần trổ nửa bông, 1 phần đang tròn mình chuẩn bị trổ. Chị Trần Thị Ngọc bất lực đứng nhìn 19 công lúa của mình rơi vào tình trạng này cho biết: “Từ lúc sạ cho tới 53 ngày đã bắt đầu trổ, trong khi ruộng kế bên chưa trổ thì ruộng nhà tôi đã trổ hết, nhưng không đồng loạt”.
Hiện, UBND xã Châu Phong đã rà soát và báo cáo về UBND thị xã, Phòng Kinh tế, các ngành chuyên môn để xác định nguyên nhân. Trước tình hình đó, UBND thị xã Tân Châu cũng chỉ đạo quyết liệt các ngành có liên quan vào cuộc để giúp đỡ người dân tháo gỡ khó khăn. Đại diện Phòng Kinh tế, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) thị xã cùng với UBND xã Châu Phong xuống tận ruộng lúa, gặp nông dân xác minh mức độ thiệt hại trên cơ sở đó tìm hướng giải quyết, hỗ trợ.
Ông Huỳnh Văn Chúc, Phó trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Tân Châu cho biết: “Hiện, chúng tôi đã xác minh 45% lúa trổ trước, còn lại 55% trổ sau, khoảng cách giữa 2 đợt trổ là 15 ngày. Với tình hình này, người nông dân sẽ chịu nhiều thiệt hại, vừa tốn thêm tiền phân bón, thuốc trừ sâu vừa thất thoát, ảnh hưởng đến năng suất”.
Được sự chỉ đạo của UBND thị xã cùng với sự hỗ trợ của các ngành chuyên môn, UBND xã Châu Phong chủ động liên lạc với đơn vị bán lúa giống là Công ty Trương Nhứt, đồng thời đứng ra tổ chức cuộc đối thoại giữa 21 hộ nông dân có diện tích bị thiệt hại với đại diện công ty. Tại cuộc họp, bà con đã trình bày tình hình khó khăn và nguyện vọng của mình, đồng thời đề nghị công ty bồi thường với mức 1.243.000 đồng/công. Tuy nhiên, đại diện Công ty Trương Nhứt cho rằng mức giá đó quá cao, bởi diện tích thiệt hại gần 30ha, nếu bồi thường với giá nông dân đưa ra thì công ty không thể đáp ứng được. Công ty chỉ đồng ý bồi thường 50% số tiền bà con mua giống lúa và mong bà con chia sẻ với công ty vì đây là chuyện không ai mong muốn.
Trả lời báo chí, ông Lê Công Tú, đại diện ủy quyền của Giám đốc Công ty Trương Nhứt cho biết, sẽ báo cáo lại tình hình và mong muốn của nông dân cho ban lãnh đạo công ty. Tuy nhiên, ông cũng không thừa nhận việc này là lỗi của công ty mà có thể do “đại lý bán lúa giống kém chất lượng”. Vị đại diện này cũng hứa sẽ trả lời chính thức bằng văn bản về mức giá bồi thường vào ngày 25/7/2017. Tuy nhiên, đến nay, bà con vẫn chưa nhận được văn bản như lời hứa.
Ông Nguyễn Trung Giang, Phó chủ tịch UBND xã Châu Phong cho rằng, mức giá bà con đưa ra là phù hợp, ông Giang cũng nhấn mạnh: “Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận thì UBND xã sẽ báo cáo các ngành chức năng để xin ý kiến xử lý đối với trường hợp sản xuất giống không đúng chất lượng”.
Thiết nghĩ, đây cũng là bài học đắt giá cho bà con nông dân trong việc lựa chọn giống lúa tự phát không theo hướng dẫn, khuyến cáo của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương. Hy vọng rằng Công ty Trương Nhứt sẽ chia sẻ phần nào khó khăn với bà con để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, đầu tư cho mùa vụ mới.
Khương Duy
Bạn đọc khiếu nại, phản ánh, xin liên hệ: Báo Kinh tế nông thôn, 57 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội. Đường dây nóng: 0913516232. E-mail: [email protected] |
Đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúa sang đào ao, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Những năm gần đây, hoạt động nhập lậu gia súc qua biên giới tại địa bàn tỉnh Long An thường hay xảy ra. Tuy nhiên, số lượng gia súc nhập lậu thường nhỏ lẻ, vài con và không thường xuyên. Dù vậy, nhập lậu động vật vẫn tiềm ẩn những nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và cả con người.
Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.