Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 18 tháng 5 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 8 năm 2015 | 8:49

30 triệu đồng để chuyển một xe gỗ lậu

Từ thông tin của anh T., chúng tôi đã tìm cách liên lạc với người buôn gỗ tên D. ở thị trấn Bảo Lạc và được trùm buôn gỗ này chia sẻ cách “làm luật” với cơ quan chức năng.

>> Cao Bằng, rừng già kêu cứu! Xuyên đêm săn gỗ lậu;  Không xử lý vì… “tế nhị”;

>>  “Vào hang bắt cọp”

Gỗ bán theo cân

Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi đã có cuộc gặp với đầu nậu tên T. C. D. (SN 1983), trước đây làm cán bộ trong ngành viễn thông của huyện Bảo Lạc, giờ đã chuyển sang công tác tại cơ quan khác cũng trên địa bàn huyện.

Vẫn trong vai những người tìm mua gỗ, chúng tôi hỏi về gỗ ở vùng này, D. cho biết, nhiều người ở thị trấn Bảo Lạc đã lấy gỗ chỗ anh, nếu chuyển ra khỏi địa phương với số lượng ít thì toàn đi chui, không làm luật, khi thì chuyển bằng xe máy, khi bằng xe bán tải.

Một gốc gù hương chúng tôi được "cò" giới thiệu.

D. kể tiếp, ở thị trấn Bảo Lạc có ông chủ khách sạn Đ.T. đã lấy của D. một tấn bừu gỗ kháo để đóng một bộ bàn ghế và ốp tường trong phòng khách của khách sạn, ngoài ra ông này còn lấy gỗ về ốp toàn bộ văn phòng làm việc của doanh nghiệp do ông làm chủ.

Như muốn tạo lòng tin với chúng tôi, D. dẫn về ngôi nhà 3 gian cũ kỹ, rồi giới thiệu đây là nhà của anh, bên trong là bộ bàn ghế bằng bừu kháo, anh cho biết có người đã trả giá 160 triệu đồng nhưng anh không bán. Sau khi cho chúng tôi xem bộ bàn ghế, D. dẫn chúng tôi sang quán phở T.T., đây là quán phở do gia đình anh quản lý. Tại đây, D. trưng bày một bừu gỗ kháo, thông đỏ, một khúc gỗ ngọc am. Theo D. thì đây chỉ là hàng trưng bày, để khi khách vào ăn, nghỉ nếu muốn mua thì bán. Nhờ chiêu này, D. đã có nhiều phi vụ làm ăn trót lọt.

Chưa hết, xem xong mẫu gỗ ở nhà, D. đề nghị chúng tôi theo vào xã, nơi anh đang thu gom gỗ đã đặt cọc và để ở nhà dân tại thôn Tua Tổng, xã Xuân Trường. Di chuyển khoảng 20km từ thị trấn vào Xuân Trường giữa trưa nắng, D. dẫn chúng tôi vào hai hộ dân tại Tua Tổng, dưới sàn nhà là hàng tấn gỗ mà D. tiết lộ đó là bừu nghiến, thông đỏ, kháo. Nếu muốn mua thêm chỉ cần đặt tiền vài ngày là có hàng chục tấn.

Cung đường gỗ lậu

Chúng tôi chê những loại gỗ này đắt quá, muốn mua gỗ nghiến cho rẻ thì D. bảo: Gỗ nghiến lấy bao nhiêu cũng được, nhưng phải báo trước để tôi đi xem, vì loại gỗ này phải vào Bảo Lâm, hoặc sang Hà Giang mới có. Ở đây gỗ ngọc am còn khoảng 10 tấn, gần đây người ta rất hay mua bừu kháo, dạ hương, gù hương… để đóng bàn ghế nên tôi hay buôn bán loại này.

“Năm 2014, tôi đã chuyển hai chuyến về thành phố Cao Bằng cho con của một lãnh đạo ở tỉnh, còn vận chuyển sang Thông Nông và sang biên giới Trung Quốc thì nhiều lắm”, D. nói.

“Làm thế nào để đưa gỗ ra khỏi huyện, tỉnh mà không bị cơ quan chức năng thu giữ, xử lý?”, tôi hỏi, D. nhanh nhảu đáp: “Nếu buôn qua biên giới thì chủ yếu qua các cửa khẩu nhỏ, khi chở gỗ đến đây chỉ cần gọi ông đồn trưởng đồn biên phòng ra xem gỗ và mặc cả về giá, hai bên thống nhất là cho qua thôi, trung bình mỗi chuyến phải mất cho ông ấy 4 triệu đồng”.

“Hai chuyến năm ngoái tôi vận chuyển về thành phố, làm luật mỗi chuyến hết 30 triệu đồng. Khi mình đưa tiền xong, nếu chuyển gỗ cho họ chỉ cần báo biển số xe và giờ chạy là xong”, D. nói.

Nếu không muốn chuyển gỗ về tỉnh thì còn một đường đi khác nữa là từ Bảo Lạc ra Nguyên Bình, đến đoạn nhà nghỉ Phia Boóc rẽ phải qua đèo rồi sang thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn và về xuôi. Hoặc qua Bảo Lâm rồi sang Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, ở đây có nhiều tuyến đường có thể làm đường đi của gỗ”, D. cho biết.

Rõ ràng việc quản lý khai thác gỗ ở đây còn nhiều vấn đề phải bàn nhưng ông Hoàng Phượng Vỹ, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cao Bằng lại khẳng định: Trên địa bàn không có điểm nóng về chặt phá rừng trái phép­, chỉ có một số người dân có nhu cầu chặt gỗ làm nhà, những cây mới hiện không có, chỉ những cây bị người dân chặt cách đây hàng chục năm?!.

Đây chưa phải là câu trả lời thỏa đáng bởi từng ngày từng giờ, “máu rừng” vẫn chảy. Thiết nghĩ, chính quyền sở tại cần vào cuộc quyết liệt để giải quyết dứt điểm tình trạng này, giữ lại màu xanh cho những cánh rừng.

Nhóm PV

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top