Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 27 tháng 10 năm 2023 | 21:3

80% thông báo SPS liên quan đến thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam

Ngày 27/10, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT) kết hợp với Sở NN-PTNT Đồng Tháp tổ chức hội nghị phổ biến các quy định và cam kết về SPS trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh – Bắc Ailen (UKVFTA).

Đồng Tháp là địa phương nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo, cây ăn trái ở ĐBSCL. Ngành Nông nghiệp Đồng Tháp có bước phát triển khá nhanh đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng Tháp quyết tâm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp với phương châm “Hợp tác, liên kết, thị trường” và chọn ra 5 ngành hàng chủ lực để tập trung nguồn lực phát triển gồm lúa gạo, xoài, sen, cá tra và hoa kiểng. Theo đó, ngành Nông nghiệp Đồng Tháp chủ động phối hợp với các đơn vị và địa phương triển khai tổ chức sản xuất, thay đổi tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, không chia tách sản xuất nông nghiệp thành khu vực riêng lẻ, độc lập.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN-PTNT), cho biết, trước đây, nông dân sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung cho sản lượng càng cao càng tốt, nhưng kể từ năm 2007 - khi Việt Nam gia nhập WTO, Bộ NN-PTNT đã và đang chú trọng vào chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh động thực vật và xem đây là vấn đề đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, việc xuất và nhập khẩu nông sản vào một quốc gia nào đó phải đòi hỏi nông sản luôn đảm bảo sạch dịch bệnh nhằm tránh lây lan mầm bệnh từ nước này sang nước khác.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị.

Theo ông Nam,  nhiều năm gần đây, Việt Nam nhận được khoảng 1.000 thông báo từ các thành viên WTO đưa ra nhiều thông báo thay đổi biện pháp SPS để gia tăng phòng dịch bệnh lây lan trong việc xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông sản. Trong đó, 80% thông báo liên quan đến thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Đặc biệt khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào các thị trường trên thế giới, khi bị cảnh báo chứa dư lượng thuốc BVTV bị trả về sẽ ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp đó và bị thiệt hại nặng nề về chi phí phải mang đi tiêu hủy và sâu xa hơn làm ảnh hưởng thương hiệu nông sản của chung của Việt Nam.

Sáu tháng đầu năm 2023, EU cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về xuất khẩu nông sản, đa số bị vướng về mặt dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trong nông sản vượt mức cho phép.

Riêng  6 tháng đầu năm 2023, EU cảnh báo Việt Nam có 31 vi phạm về xuất khẩu nông sản, đa số bị vướng về mặt dư lượng thuốc BVTV còn tồn dư trong nông sản vượt mức cho phép, nếu so với năm 2022 thì giảm 24%.

 “Mục tiêu của biện pháp SPS là bảo vệ sức khỏe con người và bảo vệ sức khoẻ động - thực vật của mỗi quốc gia thành viên, tránh tạo ra các rào cản không cần thiết trong thương mại giữa các quốc gia thành viên”, ông Nam khẳng định.

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top