Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024 | 14:49

Hà Nội bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn

Phối hợp với các địa phương tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng vùng nông nghiệp sản xuất an toàn, quy mô lớn, đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn, ngành Nông nghiệp Hà Nội tao ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm từ sản xuất đến bàn ăn.

An toàn ngay từ sản xuất

Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để sản phẩm của HTX xây dựng thương hiệu, cạnh tranh được với thị trường, HTX đã đầu tư trồng rau, dưa lưới theo hướng công nghệ cao.

Nhiều mô hình sản xuất an toàn được Hà Nội nhân rộng (ảnh Hương Giang)

“Từ năm 2017, hợp tác xã chuyên sản xuất rau thủy canh, áp dụng mô hình công nghệ Israel, cho hiệu quả kinh tế cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Từ đầu năm 2023, hợp tác xã chuyển đổi hoàn toàn từ trồng rau sạch sang trồng cây dưa lưới, cho doanh thu khoảng 150-160 triệu đồng/vụ", Giám đốc Nguyễn Mạnh Hồng nói.

Với hơn 250ha diện tích đất nông nghiệp, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (Gia Lâm) đã bắt tay cùng người nông dân phát triển vùng canh tác, liên kết với doanh nghiệp phân phối, bán lẻ tạo ra thị trường tiêu thụ ổn định cho rau an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hằng, ở xã Văn Đức huyện Gia Lâm cho biết gia đình bà có 2 sào trồng rau cải bắp, xà lách, súp lơ. Những năm qua, được Hợp tác Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức hướng dẫn quy trình sản xuất theo hướng an toàn và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch nên rất yên tâm.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức cho biết, tận dụng lợi thế đất bãi ven sông Hồng để phát triển mô hình canh tác rau an toàn, hợp tác xã đặc biệt chú trọng đến chất lượng. Do đó, hợp tác xã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm tổ chức nhiều lớp tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho thành viên.

Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện toàn thành phố có hơn 5.000ha rau an toàn; trong đó có 43 mô hình rau áp dụng Hệ thống bảo đảm chất lượng nội bộ (PGS), với tổng diện tích 1.700ha. Duy trì hơn 1.300ha rau, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP; 181ha nuôi trồng thủy sản, 88 cơ sở chăn nuôi áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP; gần 50ha trồng trọt theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ và 285 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thành phố tiếp tục duy trì, phát triển 159 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn. “Nhìn chung việc sản xuất theo hướng an toàn, không chỉ giúp người dân tiêu thụ với giá cao hơn 10-15% so với sản phẩm theo hướng truyền thống, mà còn giúp các ngành chức năng trong vấn đề quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, có thể truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật”, bà Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết thêm.

Bảo đảm an toàn đến bàn ăn

Theo ông Từ Đức Mạnh, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín, hiện nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh rau, lúa, thủy sản, cây ăn quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Thường xuyên kiểm tra nguồn gốc thực phẩm 

Điển hình là vùng lúa hàng hóa tập trung tại xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên; vùng sản xuất rau an toàn tại xã Hà Hồi, Tân Minh, Thư Phú; vùng cây ăn quả tại xã Chương Dương, Tự Nhiên; vùng nuôi trồng thủy sản tại xã Nghiêm Xuyên, Dũng Tiến…

Việc hình thành các vùng rau an toàn tập trung theo quy mô lớn sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đưa tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, việc hình thành vùng rau an toàn tập trung cũng giúp cho nhà quản lý kiểm soát được quy trình rau an toàn từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.

Để tiếp tục mở rộng và nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, bảo đảm chất lượng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Hưng Thỉnh cho biết, các sở, ngành cần tham mưu cho thành phố có chính sách hỗ trợ về kỹ thuật, vốn vay cho các hộ sản xuất an toàn để mở rộng quy mô sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để doanh nghiệp và người sản xuất ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền để thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, vấn đề bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm đang được cả xã hội đặc biệt quan tâm, bởi thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người, giảm uy tín hàng hoá, chất lượng thực phẩm của Việt Nam, gây tổn thất lớn về kinh tế. Do đó, ngành Nông nghiệp tiếp tục quản lý chặt chẽ công tác chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Đồng thời, biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn. Công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top