Một trong những nguyên nhân xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong thời gian vừa qua, có nguyên nhân từ sự “hám lợi” của những người kinh doanh, đã bất chấp sự an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng. Để không còn xảy ra những vụ ngồ độc thực phẩm, đòi hỏi người kinh doanh phải đừng “hám lợi”.
Thực phẩm không rõ nguồn gốc “siêu rẻ” bán công khai
Đầu năm 2024 Báo Lao động đã thông tin, tại một cửa hàng kinh doanh hàng tạp hóa trên phố Doãn Kế Thiện, Hà Nội bán thịt ba chỉ bò Mỹ chỉ có giá 80.000 - 150.000 đồng/kg, trong khi giá trên thị trường đối với loại thịt này đang dao động từ 450.000 - 600.000 đồng/kg. Khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của những loại thịt này, thì người bán chỉ ậm ờ cho rằng, do hàng nhập với số lượng hàng lớn nên có giá rẻ.
Chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm nhập khẩu đông lạnh tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội, giới thiệu một thùng lõi vai bò nhập khẩu từ Mỹ nặng khoảng 20kg, có giá bán chỉ 255.000 đồng/thùng. Ảnh: Thu Giang
Hay tại một số cửa hàng bán đồ đông lạnh tại chợ Tân Xuân (Hà Nội), hàng loạt sản phẩm không nhãn mác được bày bán tràn lan với giá thành khác nhau. Đơn cử, một túi xúc xích tại khu vực này được bán với giá 35.000/gói 500gram, thấp hơn nhiều so với giá bán tại siêu thị (67.000/gói/500gram).Tương tự đối với các mặt hàng khác như cá viên chiên, pho mai viên… cũng có giá chênh lệch rất nhiều so với tại các hệ thống siêu thị.
Theo những người dân thường xuyên mua hàng tại khu vực chợ này, giá thành tại các hệ thống siêu thị thì giá thực phẩm tại các cửa hàng, khu chợ dân sinh thường rẻ hơn, nhưng người tiêu dùng ở đây vẫn mua do quen biết người bán, mặc dù các sản phẩm không thấy có đầy đủ thông tin, nhãn mác.
Còn Báo Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, xung quanh chợ đầu mối Hóc Môn (H.Hóc Môn) có một khu chợ hoạt động rất nhộn nhịp, buôn bán rất nhiều loại thịt, cá, hải sản không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh. Giá các mặt hàng thịt, cá, tôm, mực... ở đây có giá chỉ bằng 2/3 hoặc gần một nửa so với các loại thực phẩm được bán trong siêu thị hay các khu chợ truyền thống nên dù trông mất vệ sinh nhưng nhiều người vẫn mua.
Hay trước cổng Chợ đầu mối Bình Điền (Q8) cũng bày bán đủ loại thịt heo, bò, gà, tôm, cá, mực.. nhưng về nguồn gốc các loại thực phẩm đều được quảng cáo được nhập khẩu từ Mỹ, Đức, Canada, Brazil... Một số khác trả lời qua loa rằng thực phẩm của họ được nhập từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Tuy nhiên hầu hết chúng không có dấu kiểm dịch, không ghi nguồn gốc xuất xứ, hỏi về hóa đơn chứng từ, nhiều người không trả lời hoặc cau mày nhăn nhó "không mua thì đi chỗ khác".
Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), năm 2023, đơn vị đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Trong đó, lĩnh vực an toàn thực phẩm kiểm tra 8.306 vụ, xử lý 6.773 vụ. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vi phạm về sở hữu trí tuệ và thực phẩm không bảo đảm chất lượng.
Những vụ vi phạm bị các lực lượng chức năng xử lý chủ yếu là kinh doanh thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi chỉ có những loại thực phẩm này mới cho giá trị và lợi nhuận cao và đây cũng chính là lý do vì sao các đối tượng vận chuyển, kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm lại nhiều đến thế.
Kinh doanh “đừng bán rẻ lương tâm”
Hàng ngày trên vỉa hè của các thành phố lớn, các đô thị chúng ta không khó để tìm được những quán ăn nhanh, quán ăn đồ nước, chân gà rút xương, thức ăn đường phố…nhưng không ai có thể biết được rằng, nguồn gốc thực phẩm để chế biến những món ăn hấp dẫn đó từ đâu, chất lượng thế nào…
Thực phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác xuất hiện ngày càng nhiều tại các chợ, cửa hàng,…
Thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 5 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm; tuy giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm 2023 nhưng số người bị ngộ độc lại tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đã có 6 người tử vong. Tại văn bản gửi UBND các tỉnh/thành mới đây, Bộ Y tế yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đến cùng, đồng thời xử lý nghiêm sai phạm.
Theo Cơ quan chức năng cho biết, trong số 36 vụ ngộ độc thực phẩm chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm nay, có 11 vụ do vi sinh vật và độc tố vi sinh vật; 2 vụ do hóa chất; 6 vụ do độc tố tự nhiên và 17 vụ không xác định được nguyên nhân. Như vậy, không xác định được nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm lên tới hơn 50% số vụ.
Cao điểm du lịch hè đã đến thì nỗi lo mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm càng tăng lên. Nhất là với đồ ăn nhanh bày bán xung quanh các điểm du lịch, hoặc trên đường phố. Vấn đề là người bán hàng không thể biết mình đang kinh doanh thực phẩm có thể dẫn tới ngộ độc cho người sử dụng. Tuy nhiên, đáng lo ngại hơn khi nhiều người bán hàng ăn nhanh không bảo đảm vệ sinh trong chế biến, bảo quản, hoặc vì hám lợi mà mua những loại thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng giá rẻ về chế biến.
Thời gian qua, việc liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, có vụ tới hàng trăm người liên quan đến việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, đòi hỏi khẩn trương phải có giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, cũng khó quản lý và xử phạt những cơ sở, quán ăn tự phát, kinh doanh thức ăn đường phố do giá trị hàng hóa của những cơ sở này không lớn. Khi bị xử phạt, chủ kinh doanh thường lấy lý do khó khăn về kinh tế, còn tổ kiểm tra liên ngành lại có tâm lý nể nang, bỏ qua. Đây chính là lỗ hổng cần sớm được bịt kín.
Thực tế cho thấy, để ngăn chặn các vụ mất an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm thì trước hết người kinh doanh, người tiêu dùng phải tự nâng cao ý thức, nhất là người bán hàng không vì hám lợi mà đẩy hiểm nguy sang phía cộng đồng. Không vì đồng tiền mà kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nếu những người kinh doanh thực phẩm, chế biến và sản xuất không coi trọng lợi nhuận hơn sức khỏe và tính mạng của nhân dân, thì lúc đó việc xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm từ quán ăn đường phố, quán ăn nhanh…sẽ giảm đi rất nhiều.
Nguồn Báo Lao động, Báo Công an TP Hồ Chí Minh, Báo Hanoimoi