Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 1 tháng 9 năm 2024  
Thứ năm, ngày 22 tháng 8 năm 2024 | 10:23

Hà Nội cần cấp bách xử lý ô nhiễm môi trường từ các trại lợn

Chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư đã từng là một vấn đề nan giải tại Hà Nội, không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh cho cộng đồng.

Hàng loạt trang trại xả thải bức tử dòng sông Hát

Dòng sông Hát, nơi đầu nguồn của sông Đáy, chảy qua địa bàn 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng của Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Người dân tại đây phản ánh không khí ở khu vực này thường xuyên bốc mùi hôi thối, đặc biệt những ngày nắng nóng. Chính quyền địa phương xác nhận có tới hơn 200 hộ dân sống dọc ven sông phải chịu ảnh hưởng suốt chục năm qua.

Tại khu vực đầu nguồn sông Đáy nơi giáp ranh giữa 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng của Hà Nội, mặt nước nổi váng dày, sủi bọt và vô cùng hôi thối. Người dân cho biết nguyên nhân xảy ra tình trạng ô nhiễm là do hoạt động sản xuất chăn nuôi của hàng chục trang trại thường xuyên xả thải ra khu vực này cả ngày, lẫn đêm. Đoạn sông ô nhiễm nằm giữa địa bàn 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng, ước khoảng hơn 1 km.

Hàng loạt trang trại xả thải bức tử dòng sông Hát. Ảnh VTV

"Chủ yếu là dân xã Trung Châu, Đan Phượng họ nuôi lợn, cứ khoảng 7h tối họ xả, rất hôi. Tôi ở trong nhà cách, sông này khoảng 150 m, tôi phải đóng cửa hết, không dám ra sân", ông Phạm Đình Ngọ, tThôn 7, xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, chia sẻ.

"Theo chúng tôi, khoảng 20 - 30 trang trại đang xả thải trực tiếp ra đây, ảnh hưởng đến dòng sông Đáy. Có thể thấy lượng xả thải tương đối lớn", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bí thư Chi bộ thôn 7, xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, cho biết.

Đi sâu vào khu vực dân cư chăn nuôi tại địa bàn xã Trung Châu, không khó để bắt gặp những kênh mương đen sì, đặc quánh chất thải chăn nuôi. Tất cả cuối cùng đều đổ về sông Hát, đầu nguồn sông Đáy, từ đó dòng nước ô nhiễm tiếp tục chảy về hạ lưu. Theo người dân, tình trạng xả thải ra đây đã diễn ra hàng chục năm trời.

"Phế thải chăn nuôi xả thải ra gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 200 hộ gia đình thôn 7, thôn 8, xã Hát Môn. Do nguồn nước ô nhiễm, chúng tôi không có nước để phục vụ sản xuất đối với 53 ha khu vực vùng bãi", ông Đặng Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Hát Môn, Phúc Thọ, Hà Nội, cho hay.

Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, mới đây nhất, hồi đầu năm nay, UBND huyện Đan Phượng đã thành lập đoàn kiểm tra hoạt động chăn nuôi, xả thải trên địa bàn xã Trung Châu. Kết quả, có 2 trang trại đã bị thanh lý hợp đồng và tổ chức cưỡng chế giải tỏa.

Huyện cũng tiến hành kiểm điểm trách nhiệm với chủ tịch UBND xã Trung Châu giai đoạn 2013 - 2023 do cho thuê đất không đúng thẩm quyền. Điều đáng nói, huyện còn phát hiện thêm nguồn xả thải trong quá trình kiểm tra.

"Qua rà soát, có 12 trang trại phải cấp phép và còn 485 hộ ở trong có nước thải sinh hoạt ra thì cũng phải rà soát và vận động tuyên truyền. Trong thời gian tới chúng tôi tiếp tục phối hợp với xã để làm sao có biện pháp, cái nào phải cấp phép môi trường và kiểm soát môi trường tốt hơn", ông Nguyễn Quý Mạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, Hà Nội, thông tin.

Phòng Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ đề xuất lãnh đạo huyện tiếp tục tái kiểm tra với các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã Trung Châu ngay trong quý III hoặc muộn nhất là quý IV năm nay, để rà soát và đưa ra hướng xử lý triệt để.

Hà Nội còn 450 hộ chăn nuôi trong khu vực nội thành

Trên thực tế, qua nhiều năm nỗ lực, Hà Nội đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm thiểu số lượng hộ chăn nuôi trong các khu vực nội thành. Từ con số gần 2.600 hộ chăn nuôi trong khu vực nội thành vào năm 2020, hiện tại toàn Thành phố chỉ còn lại 450 hộ. Dù vậy, vẫn còn nhiều vấn đề cần được giải quyết triệt để.

Trước năm 2020, chăn nuôi nhỏ lẻ là một vấn đề nghiêm trọng tại Hà Nội. Các hộ chăn nuôi thường tận dụng các khoảng trống trong khu dân cư để nuôi gia súc, gia cầm. Theo thống kê, toàn Thành phố có gần 2.600 hộ chăn nuôi, với tổng số hơn 204.000 con gia súc, gia cầm tại các quận nội thành, 4 phường thuộc thị xã Sơn Tây và 6 thị trấn thuộc 5 huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì.

Mô hình chăn nuôi này không chỉ gây ô nhiễm môi trường do chất thải không được xử lý đúng cách, mà còn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Trước tình trạng này, năm 2020, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02, quy định các khu vực không được phép chăn nuôi. Đồng thời, thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực đô thị nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân. Đây được coi là một bước đi chiến lược của Hà Nội trong việc hướng đến một thành phố văn minh, hiện đại và sạch đẹp.

Nhờ vào việc thực hiện Nghị quyết 02, số lượng hộ chăn nuôi trong nội thành đã giảm đáng kể. Tính đến nay, Hà Nội chỉ còn 450 hộ chăn nuôi, một con số đáng khích lệ nếu so với con số 2.600 hộ trước năm 2020. 

Tuy nhiên, con số 450 hộ còn lại vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Những hộ này vẫn tiếp tục chăn nuôi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khó khăn trong việc bố trí quỹ đất và các thủ tục liên quan đến chính sách di dời là một trong những trở ngại lớn. 

Bên cạnh đó, một số chính quyền cơ sở chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ để chấm dứt hoạt động chăn nuôi ở những khu vực cấm. Đối với nhiều hộ gia đình, chăn nuôi không chỉ là một thói quen tận dụng thức ăn thừa, mà còn là nguồn thu nhập chính, khiến họ khó từ bỏ.

Một trong những khó khăn lớn nhất mà Hà Nội đang phải đối mặt là việc tìm kiếm quỹ đất để di dời các hộ chăn nuôi ra khỏi khu vực đô thị. Di dời không chỉ đơn thuần là chuyển địa điểm, mà còn cần đảm bảo các yếu tố về an toàn, vệ sinh, và điều kiện sống cho gia súc, gia cầm. 

Ngoài ra, việc chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ chăn nuôi cũng là một bài toán khó. Nhiều hộ dân không có kỹ năng nghề khác ngoài chăn nuôi, và việc đào tạo, hỗ trợ họ chuyển đổi nghề cần có sự đầu tư lớn về thời gian và nguồn lực.

Việc thiếu các chính sách hỗ trợ hiệu quả trong đào tạo nghề và chuyển đổi nghề nghiệp đã khiến nhiều hộ chăn nuôi tiếp tục bám trụ với công việc truyền thống. Đối với họ, chăn nuôi không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là một phần của lối sống và văn hóa địa phương, điều này càng làm cho việc chuyển đổi nghề trở nên khó khăn hơn.

Để giải quyết triệt để tình trạng chăn nuôi trong khu vực đô thị, Hà Nội cần có những biện pháp mạnh mẽ và toàn diện hơn. Trước hết, việc tăng cường kiểm tra, giám sát từ các cơ quan chức năng là cần thiết để đảm bảo thực thi nghiêm túc các quy định về khu vực không được phép chăn nuôi.

Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực hơn để giúp các hộ chăn nuôi chuyển đổi nghề nghiệp. Việc này có thể bao gồm các khóa đào tạo nghề mới, hỗ trợ vốn vay để khởi nghiệp, và tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với các ngành nghề khác.

Song, việc quy hoạch lại các vùng chăn nuôi tập trung ở ngoại thành cần được triển khai nhanh chóng. Các khu vực này cần được đầu tư hạ tầng đồng bộ, đảm bảo các điều kiện về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, và điều kiện sống tốt cho gia súc, gia cầm. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn nâng cao năng suất và chất lượng chăn nuôi, từ đó tăng thu nhập cho các hộ dân.

Mặt khác, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư cũng là một yếu tố quan trọng. Cần có các chương trình tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu rõ hơn về các rủi ro liên quan đến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh, từ đó thúc đẩy sự tự nguyện chuyển đổi nghề nghiệp.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp toàn diện hơn để giải quyết triệt để tình trạng chăn nuôi trong khu dân cư, đồng thời hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi nghề nghiệp một cách bền vững. 

Xử lý chất thải chăn nuôi cần sự chung tay của toàn xã hội

Chăn nuôi là một ngành kinh tế rất quan trọng, đang phát triển với tốc độ tương đối cao và ổn định, đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của xã hội. Việc quản lý, bảo vệ tốt môi trường và xử lý chất thải chăn nuôi không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, mà còn ảnh hưởng lớn tới an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ cộng đồng.

Để đưa chăn nuôi trở thành một ngành chính cần có nhiều giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi, giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi nước ta đang có những dịch chuyển nhanh chóng từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại, công nghiệp; từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên chăn nuôi quy mô lớn. “Có 3 thử thách lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam trong đó kiểm soát môi trường đang và vấn đề không chỉ có ngành nông nghiệp quan tâm mà các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc.

Mặc dù đã có nhiều thành tựu trong hoạt động xử lý chất thải chăn nuôi, tuy nhiên nguy cơ về ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi đã tồn tại từ rất lâu, xử lý chất thải chăn nuôi hiện nay là vấn đề của toàn xã hội, “chúng ta không còn đơn độc nữa”, ông Dương khẳng định.

“Chăn nuôi vẫn là sinh kế quan trọng của nhiều triệu nông dân, cung cấp thực phẩm cho con người, tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho hầu hết người lao động. Đầu tư cho chăn nuôi để đảm bảo sản xuất và hạ giá thành mà vẫn có lãi đã là khó khăn trong nhiều năm qua. Việc đầu tư thêm kinh phí cho nguyên vật liệu xử lý chất thải khiến gánh nặng kinh tế đối với người chăn nuôi ngày càng lớn. Việc xử lý chất thải trong chăn nuôi là vấn đề không của riêng ai và cần sự quan tâm, chia sẻ của toàn xã hội”, ông Dương cho biết thêm.

Có thể nói rằng, các chính sách và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi đã và đang được áp dụng, tuy nhiên, những giải pháp này chưa thực sự xuất phát từ thực tế sản xuất và nhu cầu của người dân. Điều này đòi hỏi phải có hướng đi đúng đắn và giải pháp đồng bộ trong xử lý chất thải chăn nuôi nhằm giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất.

Để xử lý giuets điểm tình trạng trên các chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng các văn bản hướng thi hành Luật bảo vệ môi trường năm 2020 với nội dung quy định về hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ chất thải chăn nuôi nhằm từng bước giảm lượng phân hóa học sử dụng; từng bước hình thành chiến lược quản lý chất thải vật nuôi toàn quốc theo hướng coi chất thải chăn nuôi là tài nguyên, là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất khác để tạo lập thị trường trao đổi, chế biến, lưu thông và sử dụng hàng hóa; xây dựng cơ chế hỗ trợ ưu đãi đặc biệt đối với các doanh nghiệp thu gom và xử lý chất thải chăn nuôi thành phân bón hoặc cho các mục đích sử dụng khác.

Cùng với đó,  Quản lý chặt chẽ quy hoạch vùng chăn nuôi, gắn quy hoạch chăn nuôi với quy hoạch bảo vệ môi trường. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của người chăn nuôi, cộng đồng và doanh nghiệp trong thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nghiên cứu các mô hình xử lý hiệu quả chất thải chăn nuôi…

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi phù hợp với quy mô, tính chất của từng loại hình chăn nuôi; khuyến khích phát triển các công nghệ tái sử dụng, tái chế chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi. Nghiên cứu, phát triển các mô hình chăn nuôi – trồng trọt – nuôi trồng thủy sản không phát thải theo hướng quay vòng, tận thu và tái sử dụng toàn bộ chất thải.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ VTV, Baodautu, nongnghiep,...)
Ý kiến bạn đọc
Top