Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ ba, ngày 20 tháng 8 năm 2024 | 16:25

Hà Nội: Đề nghị người dân tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Trong đó cần "Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm

Theo Thành ủy Hà Nội, hiện nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm tại thủ đô vẫn chưa đầy đủ. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra là biện pháp hạn chế thực phẩm không an toàn trên thị trường

Đặc biệt, thực phẩm nhập lậu, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm bị ô nhiễm vẫn còn phổ biến. Ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua đường thực phẩm diễn biến phức tạp.

Hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Trước thực tế trên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền... tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 17 năm 2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản chỉ đạo của Thành ủy trong vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của chính quyền các cấp.

Xác định công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò tham mưu của các cơ quan chức năng hết sức quan trọng.

"Chỉ đạo đưa các tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm vào chương trình hoạt động, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, từng giai đoạn của địa phương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm theo nhiệm vụ được giao trên địa bàn quản lý, theo lĩnh vực phụ trách" - chỉ thị nêu.

Khen thưởng và bảo vệ người tố giác

Ngoài ra, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, cần phải chủ động phòng chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm.

"Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Có chính sách thỏa đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân" - Thành ủy Hà Nội chỉ đạo.

Để đạt được những mục tiêu trên, Thành ủy Hà Nội cho rằng cần kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh...

Đẩy mạnh xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Chú trọng giám sát diễn biến, tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, việc kinh doanh, sử dụng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.

Vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm chưa đầy đủ; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến quyền lợi của người tiêu dùng. Lỗi vi phạm của các cơ sở chủ yếu về điều kiện vệ sinh, không tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm, không xuất trình được nguồn gốc thực phẩm, không phân khu riêng biệt thực phẩm sống và chín, điều này rất dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Tình hình vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm còn diễn biến phức tạp. Các đối tượng kinh doanh vận chuyển gia cầm hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý vi phạm.

Người dân có quyền được sử dụng thực phẩm an toàn và có nghĩa vụ bảo đảm an toàn thực phẩm. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn phải có trách nhiệm và uy tín bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ đời sống của nhân dân. Chỉ thị này của Thành ủy Hà Nội cho thấy sự quyết tâm của thành phố trong việc kiên quyết xử lý vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm cho người dân trong tình hình mới là rất quan trọng và cần thiết.

Một khi chính quyền đã quyết liệt vào cuộc, người dân mạnh dạn phát hiện, tố cáo những hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến bị xử lý nghiêm khắc sẽ mang lại an toàn cho sức khỏe của người dân Thủ đô chúng ta.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top