Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 23 tháng 10 năm 2024 | 9:59

Hà Nội đẩy mạnh truyền thông an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe của người tiêu dùng, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về cao điểm truyền thông về an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2024 - 2025. Trong đó, tuyên truyền để nâng cao nhận thức người tiêu dùng không mua thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng

Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025 được ban hành nhằm tạo chuyển biến thực chất trong nhận thức và hành động của các chủ thể bao gồm: người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Đoàn liên ngành kiểm tra ATTP tại Hà Nội.

Trong đó tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không mua thực phẩm không bảo đảm chất lượng, ATTP được bày bán tại lòng đường, vỉa hè; tạo thói quen quét mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; tuyên truyền đề cao yếu tố đạo đức của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Truyền thông về ATTP phải thường xuyên, kiên trì tuyên truyền khẳng định và làm nổi bật quan điểm của Đảng ta rất quan tâm đến công tác ATTP.

Nội dung tuyên truyền gắn ATTP với vấn đề an ninh theo tinh thần Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương; Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, coi “An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ Nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc”.

Các đơn vị, địa phương phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP; phổ biến kiến thức, kỹ năng thực hành đúng về ATTP cho người tiêu dùng, người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhằm hạn chế các vụ ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.

Ngoài việc tôn vinh các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm làm tốt công tác ATTP, biểu dương kịp thời các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; lan tỏa rộng rãi các địa chỉ cung ứng thực phẩm an toàn để người dân, người tiêu dùng thực phẩm ủng hộ, lựa chọn.

Bên cạnh đó các đơn vị, địa phương công khai thông tin các doanh nghiệp, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm mất an toàn, đã bị các cơ quan chức năng xử phạt, nhắc nhở; tiếp tục công khai thông tin nhắc nhở đến khi các đơn vị sau khi đã khắc phục, sửa đổi, bảo đảm ATTP.

UBND TP yêu cầu đẩy mạnh các tuyến tin, bài, sản phẩm truyền thông có nội dung phê phán, đấu tranh với các đối tượng, hành vi vi phạm ATTP, hằng ngày, hằng tuần và trong các dịp cao điểm về ATTP như: Tháng hành động về ATTP, Tết Trung thu, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán,...

Về hình thức tuyên truyền, UBND TP yêu cầu tuyên truyền trên báo chí; trên trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; qua tập huấn kiến thức cho các chủ thể; trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội, Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã; trên hệ thống thông tin cơ sở và tuyên truyền cổ động trực quan.

Cần kiểm soát an toàn thực phẩm trường học

Trên thực tế, hiện nay xung quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội, rất nhiều hàng quán ăn vặt, sạp hàng lưu động “bủa vây trước cổng trường” với nhiều loại thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc.

Đặc điểm chung của những mặt hàng thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường, khói bụi mất vệ sinh. Thế nhưng, những món ăn này vẫn hấp dẫn học sinh, trở thành mối nguy hại cho sức khỏe các em. Đã có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra đối với các em học sinh, khi mua những đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra.

Kiểm tra bếp ăn tập thể của học sinh trên địa bàn quận Long Biên

Không chỉ có những quán ăn vặt, sạp hàng lưu động là nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc cho học sinh, ngay cả những bếp ăn tập thể trong các nhà trường để phục vụ ăn bán trú cho học sinh cũng đều có nguy cơ xảy ra ngộ độc thức phẩm rất rất cao, nếu như không có những biện pháp kiểm tra, giám sát của chính quyền và các cơ quan chức năng.

Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm quận Long Biên đã tiến hành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm bếp ăn bán trú của 3 trường học trên địa bàn, gồm: Trường Tiểu học Thanh Am; Tiểu học Đức Giang và Mầm non Ánh Sao.

Tại thời điểm kiểm tra, các trường đã lựa chọn được đơn vị cung cấp thực phẩm có đủ điều kiện, năng lực, đáp ứng các tiêu chí về bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định. Cùng với đó, các trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc tổ chức bữa ăn bán trú; đồng thời tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ và nhân viên tham gia vào việc tổ chức bữa ăn bán trú.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra đánh giá cao việc các trường đã công khai mã QR của từng loại sản phẩm để thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, công tác tự kiểm tra, giám sát điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm được các trường duy trì hằng ngày. Nhờ đó, có trường khi phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn đã kiên quyết loại bỏ và lập biên bản.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra đã tiến hành xét nghiệm nhanh một số thực phẩm như: Giò, chả, bánh phở... và các dụng cụ như: Khay ăn, thìa, bát... Kết quả, các mẫu thực phẩm và dụng cụ tại 3 trường đều đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn kiểm tra cũng phát hiện một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tại Trường Tiểu học Đức Giang, khu rửa tay của học sinh khu vực phòng ăn tập trung đã bị hỏng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích. Còn với Trường Tiểu học Thanh Am, đoàn kiểm tra lưu ý nhà trường cần bổ sung quy trình xử lý dầu, mỡ sau chế biến và bố trí khu vực có biển nhận diện để tránh tái sử dụng…

Chi cục trưởng Chi cục an toàn thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được tăng cường, trong đó, Thành phố tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.

Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hoá có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.

Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.

Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài việc tuyên truyền cần tăng cường kiểm tra đột xuất

Hiện, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 4.000 bếp ăn tập thể trường học. Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ tháng 8-2024 đến hết tháng 8-2025, toàn thành phố tập trung cao điểm cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong và ngoài trường học. Theo đó, bếp ăn tại các nhà trường đều được kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, chế biến thực phẩm bảo đảm an toàn, phòng, chống ngộ độc đối với học sinh và giáo viên. Cùng với đó, các dịch vụ ăn uống xung quanh trường học cũng cần được các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát.

“Thành phố đặc biệt chú ý tới các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Bởi vì thực phẩm bày bán tại các quán hàng này đều không rõ nguồn gốc, sẽ kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh... Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và quanh cổng trường sẽ được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định”, ông Đặng Thanh Phong khẳng định.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị, đoàn kiểm tra của các quận, huyện, thị xã tập trung kiểm tra đột xuất và hậu kiểm để xem cơ sở khắc phục sai phạm, tồn tại đến đâu. Từ đó, kịp thời phát hiện thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở tồn tại vi phạm, chưa tuân thủ đầy đủ quy trình chế biến… Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các trường học, nhắc nhở học sinh không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc do người lạ cung cấp.

Nếu thành phố Hà Nội kết hợp được công tác tuyên truyền và nghiêm túc xử các đơn vị sản xuất cung cấp thực phẩm ra ngoài thị trường, các cửa hàng ăn uống, các bếp ăn tập thể…thì Kế hoạch cao điểm truyền thông về ATTP Hà Nội giai đoạn 2024 – 2025 sẽ gặp hái được nhiều thành công hơn, sức khỏe của người dân Thủ đô và đặc biệt là sự an toàn sức khỏe đối với học sinh được bảo đảm tuyệt đối.

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top