Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ tư, ngày 11 tháng 9 năm 2024 | 21:3

Lạng Sơn: Đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão

Tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai nhiều biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường sau bão số 3.

Vệ sinh môi trường sau lũ là cấp bách

Sau đợt mưa, bão lớn xảy ra ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, gây lũ lụt trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Những vùng bị ngập lụt, môi trường bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân. Nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do phân, rác, nước thải, bãi thu gom, tập kết xử lý chất thải rắn, kho chứa hóa chất, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật... bị cuốn chung vào nguồn nước.

Các công trình xử lý nước thải, hệ thống thoát nước thải bị phá hủy làm cho phân, rác, nước thải tồn đọng từ các nhà vệ sinh, hệ thống cống rãnh, chuồng trại chăn nuôi tràn trực tiếp ra môi trường. Cây cối, hoa màu bị chết vì bị ngâm trong nước lâu ngày; xác chết của một số loài động vật, gia súc, gia cầm làm phát sinh dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.

Cơn bão số 3 đi qua đã để lại nhiều rác thải, bùn đất và khiến môi trường một số khu vực trở nên ô nhiễm cục bộ (ảnh TTTĐ).

Việt Nam là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng lớn nhất bởi biến đổi khí hậu, giao động thời tiết, thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Biến đổi khí hậu dự báo sẽ tiếp tục làm gia tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của thiên tai thảm họa và các hiện tượng thời tiết cực đoan tại Việt Nam, đặc biệt là bão, lũ, lụt.

Thiên tai không những gây ra những tổn thất về tài sản, tính mạng, sức khỏe cho những vùng trực tiếp chịu tác động mà còn gây ra nhiều thiệt hại cho môi trường tự nhiên, môi trường sống của người dân và môi trường sản xuất. Thiên tai thảm họa gây ra nhiều tác động khác nhau lên các dịch vụ sức khỏe môi trường như cấp nước, thu gom xử lý rác thải, sản xuất chế biến thực phẩm, kiểm soát véctơ truyền bệnh và vệ sinh hộ gia đình đe dọa sức khỏe của hàng trăm triệu người trên thế giới mỗi năm.

Bão, lũ lụt có tác động lớn đến dịch vụ cấp nước ăn uống cho người dân như làm hư hại nhà máy, các công trình cấp nước, làm vỡ đường ống nước, làm ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt và làm gián đoạn dịch vụ cấp nước do mất điện. Do đó, người dân không tiếp cận được với nước sạch để phục vụ cho việc ăn uống và sinh hoạt.

Nguy cơ dịch bệnh sau bão, lũ

Tại những vùng bị thiên tai, lũ lụt, sau khi nước lũ rút. Đây cũng chính là thời điểm người dân phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do các loại rác thải, xác súc vật phân hủy, nguồn nước bị ô nhiễm tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), bão lũ thường đi kèm với thiên tai, dịch bệnh. “Môi trường bị ô nhiễm vì xác súc vật chết, cũng như các loại chất thải được cuốn theo dòng nước lũ. Nguồn nước, nguồn thực phẩm tại các khu vực bị lũ lụt cô lập cũng khó đảm bảo an toàn, cộng thêm điều kiện cung cấp nước uống gặp khó khăn, cây cối, các điều kiện vệ sinh môi trường sẽ không đảm bảo, người dân sẽ phải đối mặt với nguy cơ về dinh dưỡng và dịch bệnh gây bệnh”.

Để đảm bảo có đủ nước sạch cho mục đích ăn uống và sinh hoạt của người dân, hỗ trợ công tác cứu hộ và giúp vực lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ vừa bị làm gián đoạn trong và sau bão là một nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng đầy thách thức. Thiếu nước sạch và các công trình vệ sinh có thể ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tới tính mạng của người dân. Những hư hỏng trong hệ thống thu gom xử lý nước thải và rác thải có thể làm ô nhiễm các nguồn nước, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho virus gây bệnh có thể phát triển, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tình trạng này còn trở nên trầm trọng hơn tại các nơi sơ tán, nơi thường tập trung đông người, thiếu nước sạch cũng như các công trình vệ sinh. Trong bão lụt, khi các dịch vụ cấp nước và vệ sinh bị gián đoạn, người dân thường phải tự tìm đến các nguồn nước khác thường là không đảm bảo vệ sinh. Các nhà máy nước, hệ thống thu gom và xử lý rác thải có thể gặp khó khăn trong mưa bão do cơ sở hạ tầng bị phá hỏng. Cùng lúc các nhà máy phải đáp ứng nhu cầu nước sạch và vệ sinh của người dân trong tình huống khẩn cấp, khôi phục lại các hoạt động, chuẩn bị để ứng phó với các thảm họa trong tương lai sẽ là những thách thức mà ngành cấp nước và vệ sinh phải đối mặt.

Ngoài ra, việc chuyên chở hàng triệu lít nước và thiết bị xử lý nước tới các khu vực bị tác động bởi bão lũ thường cũng rất tốn kém, đây cũng chỉ là các giải pháp mang tính chất tạm thời. Tại Việt Nam, thông thường cách tiếp cận là huy động tối đa nguồn lực tại chỗ. Cán bộ y tế thường hướng dẫn người dân dùng ngay nguồn nước có sẵn tại địa phương, áp dụng một số biện pháp xử lý nước thông thường để người dân có thể sử dụng. Sau bão lụt hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh nhà cửa, vệ sinh môi trường tại vùng bị ngập lụt.

Khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả ô nhiễm 

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, cơn bão số 3 đi qua đã để lại nhiều rác thải, bùn đất và khiến môi trường một số khu vực trở nên ô nhiễm cục bộ. Để làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường và khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra, Sở TN&MT đã có văn bản số 2446/STNMT-MT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện Công văn số 2167/STNMT-MT ngày 13/8/2024 của Sở TN&MT về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực TN&MT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền nhân dân dọn dẹp rác thải, vệ sinh môi trường xung quanh nhà cửa. Thu gom rác thải sinh hoạt, cành cây gãy, ngói vỡ,...và xử lý đúng quy định. Vệ sinh cống rãnh, khơi thông hệ thống thoát nước để tránh ngập úng. Rửa sạch bùn đất bám trên nền nhà, sân vườn và đồ đạc trong nhà, khử trùng nhà cửa bằng dung dịch khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh;

Tham gia cùng với các hộ dân khác trong khu phố, xóm làng để dọn dẹp vệ sinh chung; Nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi; Vệ sinh các tuyến đường, ngõ hẻm, kênh rạch, trong đó lưu ý sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động khi tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường như: găng tay, khẩu trang, ủng,...; cẩn thận khi di chuyển trong khu vực có nguy cơ sạt lở đất, ngập nước; tuân thủ theo hướng dẫn của chính quyền địa phương trong quá trình vệ sinh môi trường.

Theo Sở TN&MT Lạng Sơn, môi trường sống bị ô nhiễm sau bão là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển. Do đó khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch; sử dụng khẩu trang khi đi ra ngoài; ăn uống hợp vệ sinh;…

Cùng với việc đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp ở Lạng Sơn đang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra; Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, các vùng bị ảnh hưởng do bão... Đồng thời tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp phòng, tránh các hiện tượng nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất... kịp thời, hiệu quả.

Tính đến 17 giờ ngày 10/9, mưa bão trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã làm 3 người chết, 10 người bị thương; hơn 9.600 hộ gia đình bị thiệt hại về nhà ở; 33 công trình công sở, công trình công cộng bị thiệt hại; trên 7.454 ha đất nông nghiệp, 4.548 ha đất lâm nghiệp bị ảnh hưởng; 43 vị trí tại các tuyến quốc lộ, 75 vị trí tại các tuyến đường tỉnh, 193 vị trí ở các tuyến đường huyện bị ngập úng, sạt lở đất, cây đổ ra đường; 45 cột điện cao thế và hạ thế bị gãy đổ... Ước tính sơ bộ tổng thiệt hại hơn 560 tỷ đồng.

 

Thanh Xuân (Tổng hợp từ Baotainguyenmoitruong, tuoitrethudo, dangcongsan...)
Ý kiến bạn đọc
Top