Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2024  
Thứ hai, ngày 9 tháng 9 năm 2024 | 20:33

Không để thiếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm sau bão

Các địa phương tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Aeon Mall Lê Chân (Hải Phòng).

Đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng

Trước tình hình cơn bão số 3 (Bão Yagi) gây nhiều thiệt hại và có thể gây ảnh hưởng đến tình hình thị trường trong nước, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương và của UBND các tỉnh, thành phố về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường bám sát diễn biến của thị trường, kịp thời tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương về tình hình biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng bị ảnh hưởng trực tiếp do Bão Yagi gây ra, nhằm tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trong thời gian sau bão.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do ảnh hưởng của bão Yagi hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Lãnh đạo Bộ Công thương cũng yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về nguyên nhân, hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước được yêu cầu bám sát diễn biến của thị trường trong nước, tình hình cung cầu hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, đặc biệt là những mặt hàng vật tư phục vụ nhu cầu sửa chữa, phục hồi sau bão Yagi; phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý thị trường để đảm bảo ổn định thị trường và cung cầu hàng hóa.

Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tập trung, quyết liệt chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu và các mặt hàng phục vụ sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy móc, thiết bị và đồ gia dụng; báo cáo ngay với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cũng như UBND tỉnh, thành phố tình trạng, nguyên nhân và đề xuất hướng xử lý đối với biến động bất thường về giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn được giao quản lý.

Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phân công lãnh đạo, công chức trực 24/24 giờ để chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng khác để kịp thời phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do Bão Yagi gây ra để thu lời bất chính.

Đồng thời triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bản tỉnh, thành phố.

Bên cạnh đó, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới; đảm bảo an toàn trong trường hợp phải tập trung chỉ đạo hoặc đi kiểm tra hiện trường và các lực lượng được huy động tham gia công tác ứng phó, khắc phục hậu quả của Bão Yagi.

Cùng đó, Thủ trưởng Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố duy trì chế độ trực, thông tin báo cáo theo quy định về tình hình thị trường, kịp thời nhận diện hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật thương mại mới có thể phát sinh trong điều kiện thời tiết mưa bão, lũ lụt; triển khai kiểm tra, xử lý đối với tất cả các hành vi vi phạm theo thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng, thương nhân kinh doanh hợp pháp.

Bộ Công thương đề nghị UBND các tình, thành phố chỉ đạo Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung triển khai công tác quản lý, giám sát thị trường ở từng địa phương; phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá lưu thông trên thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, đảm bảo không để xảy ra các vi phạm liên quan đến găm hàng, nâng giá bất hợp pháp; bám sát diễn biến thị trường, giá cả, cung cầu của những mặt hàng thiết yếu trên địa bàn.

Hải Phòng từng bước khôi phục thị trường bán lẻ

Báo cáo nhanh của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương về tình hình thị trường hàng hóa sau bão số 3 năm 2024 (báo cáo nhanh đến 9h sáng ngày 09/9/2024) như sau:

Tại Hải Phòng – một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ bão số 3, qua nắm bắt thông tin và báo cáo từ các hệ thống phân phối bán lẻ trên địa bàn thành phố, sáng ngày 08/9/2024, cơ bản các điểm bán đã mở cửa hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.

Sáng ngày 9/9/2024, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân.

Cụ thể, tại các thống chợ, do hệ thống các chợ trên địa bàn xây dựng từ lâu, nhiều chợ xuống cấp, qua báo cáo nhanh của các đơn vị, trên 90% các chợ (trên tổng số 156 chợ) bị ảnh hưởng, các chợ bị ảnh hưởng nặng chủ yếu là các công trình chợ bị xuống cấp như chợ Con, chợ Đôn, chợ An Dương hoặc các chợ xây dựng tạm, bán kiên cố, có cốt nền thấp tại các khu vực huyện ngoại thành.

Đến 9h sáng 9/9, hệ thống phân phối bán lẻ nhiều địa phương bị ảnh hưởng, nhiều nơi bị cô lập. Mục tiêu lớn nhất là không để thiếu hàng hoá thiết yếu sau bão.

Cụ thể, tại các thống chợ, do hệ thống các chợ trên địa bàn xây dựng từ lâu, nhiều chợ xuống cấp, qua báo cáo nhanh của các đơn vị, trên 90% các chợ (trên tổng số 156 chợ) bị ảnh hưởng, các chợ bị ảnh hưởng nặng chủ yếu là các công trình chợ bị xuống cấp như chợ Con, chợ Đôn, chợ An Dương hoặc các chợ xây dựng tạm, bán kiên cố, có cốt nền thấp tại các khu vực huyện ngoại thành.

Một số chợ bị bung, lật một số mái tôn gây dột cục bộ, vỡ kính thủy lực, cây đổ cản trở lối vào các chợ, tại một số chợ bà con tiểu thương dọn hàng ra bán như chợ Con, chợ Cột Đèn, tuy nhiên sức mua kém, giá cả hàng hóa như mỳ tôm, bánh mỳ, các loại rau tại chợ tăng 15-20% so với ngày thường...

Hầu hết tại các chợ, Ban Quản lý chợ cùng bà con tiểu thương đang tích cực khắc phục ảnh hưởng do bão và thực hiện vệ sinh môi trường xung quanh chợ. Đối với chợ đầu mối rau quả của Công ty TNHH Phương Nghĩa, chủ yếu hoạt động vào đêm và sáng sớm, ngày 08/9/2024 -09/9/2024, nhiều hộ tiểu thương kinh doanh các mặt hàng rau củ quả đã nghỉ kinh doanh để đảm bảo an toàn.

Tại hệ thống siêu thị, bước đầu có ảnh hưởng thiệt hại của cơn bão số 3 như: bay mái tôn, bật vách, rơi biển hiệu, vỡ cửa kính, hỏng cửa cuốn, cây xanh đỗ gần khu vực cửa hàng và hiện các đơn vị đang tích cực dọn dẹp, khắc phục. Việc vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán bị chậm do cây đổ, tình hình giao thông gặp khó khăn, một số tuyến đường bị ngập.

Sáng ngày 9/9/2024, cơ bản các điểm bán đã mở cửa bán hàng bình thường, đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân. Tuy nhiên, một số các điểm bán hàng bị mất điện (không có máy phát), vẫn mở cửa bán hàng đồng thời tiếp tục khắc phục sự cố do mưa bão gây ra.

Đến sáng ngày 09/9/2024, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã có điện, nước và mạng di động, hoạt động kinh doanh buôn bán của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và cửa hàng đã bắt đầu trở lại.

Trước khi bão đổ bộ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khẳng định không có vấn đề về cung ứng hàng hóa, họ đã cam kết cung ứng đủ 7 nhóm hàng hóa phục vụ phòng chống bão lụt. Các mặt hàng dự trữ bao gồm gạo, bánh đa ăn liền, đường trắng, sữa tươi, nước đóng chai, lương khô,... đều đảm bảo. Sở Công Thương đã kiểm tra thực tế các kho hàng và xác nhận hàng hóa ổn định, có thể ứng phó với tình huống thành phố bị chia cắt do bão.

Cụ thể về việc tích trữ, gạo tẻ là 267 tấn, mì ăn liền và bánh đa ăn liền là 70.630 thùng, đường trắng là 24,4 tấn, sữa tươi loại 180ml là 35,360 thùng, sữa đặc các loại là 2.720 thùng, lương khô khoảng 1.450 thùng,… Tổng số tiền Hải Phòng dùng để mua lương thực, thực phẩm dự trữ hơn 29 tỷ đồng.

“Đây chỉ là dự trữ để phục vụ nhu cầu khi bị chia cắt cho thiên tai, lũ lụt, còn tại các địa phương cũng có dự trữ riêng. Nói chung về nguồn cung rất dồi dào, không thiếu, người dân không cần lo lắng. Hệ thống bán buôn, bán lẻ ở Hai Phòng như: Mega market, Co.opmart, Công ty Đồng Lợi, Công ty Minh Khai, hệ thống siêu thị Vinmart,  siêu thị Aeon Mall,… đảm bảo cung ứng được số lượng hàng hóa theo yêu cầu. Thành phố có nhu cầu đến đâu là sẽ cung ứng đến đấy”, lãnh đạo phòng Quản lý Thương mại - Sở Công thương khẳng định.

Theo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản Hải Phòng (Sở NN-PTNT), lượng hàng nông sản lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn thành phố, ngoài nguồn cung tại chỗ từ các huyện thì lượng hàng nông sản về các chợ đầu mối trung bình khoảng 100-120 tấn/ngày, chủ yếu từ Hải Dương, Lào Cai (Sapa), Lạng Sơn, Sơn La, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Lâm Đồng, Đà Lạt, các tỉnh miền Nam.

Quảng Ninh: Hàng hóa đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân

Tại Quảng Ninh, do mưa trên địa bàn tỉnh đã ngớt, chỉ mưa nhỏ một vài khu vực, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh đã diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá; các cửa hàng xăng dầu vẫn cung cấp hàng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân. Một số siêu thị, chợ bị tốc mái đang trong thời gian vừa mở cửa bán hàng và khắc phục sau bão.

Đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, làm việc với Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh về công tác khắc phục sự cố nước sạch sau bão số 3.

Theo thông tin nhanh của Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, đến thời điểm 20 giờ ngày 8/9, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh đã nỗ lực khắc phục đưa nước sạch đến tất cả bệnh viện, trung tâm y tế các địa phương trên địa bàn tỉnh. Do tuyến điện 35kV cấp điện vào Nhà máy nước Diễn Vọng bị đứt nhiều đoạn, Công ty đã huy động nhân lực, máy móc xuyên đêm khắc phục sự cố tuyến điện này. Dự kiến chiều tối 9/9, khoảng 80% hộ dân thành phố Hạ Long và Cẩm Phả sẽ được cấp nước sạch trở lại. Riêng địa bàn TX Đông Triều và TP Uông Bí đến nay đã cấp nước được khoảng 80% hộ dân. Đối với địa bàn TX Quảng Yên, Công ty đang điều động máy phát điện để vận hành cấp nước trở lại dự kiến chiều tối 9/9.

Kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục sự cố cấp nước sạch do ảnh hưởng của bão số 3 tại Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, chia sẻ, đánh giá cao những nỗ lực của đơn vị kịp thời khắc phục dần các sự cố để cấp nước sạch thiết yếu cho người dân, bệnh viện và các đơn vị khác... Đồng chí đề nghị thời gian tới, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh tiếp tục rà soát, nhanh chóng huy động nhân lực, thiết bị khôi phục hệ thống nước sạch các khu vực còn lại trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu đảm bảo cuộc sống cho các hộ dân, doanh nghiệp... Đặc biệt quá trình khắc phục sự cố, Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cần lưu ý đến công tác đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo tiến độ từng khu vực, vị trí.

Hà Nội: Không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến

Trao đổi với báo chí về tình hình ứng phó với bão Yagi (cơn bão số 3), Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo 30 bí thư quận, huyện tập trung, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, bằng mọi biện pháp phải theo sát tình hình để bảo đảm an toàn cho dân.

Bí thư Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài yêu cầu khắc phục hậu quả mưa bão, duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, bão có thể suy yếu nhưng tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão trong những ngày tới vẫn rất đáng lo ngại. Do vậy, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là phải bảo đảm an toàn sức khỏe tính mạng của Nhân dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân và nhà nước.

"Hơn lúc nào hết, đây là lúc người dân cần sự hỗ trợ, các lực lượng chức năng phải làm hết lòng, hết sức với trách nhiệm cao nhất vì nhân dân", bà Hoài động viên.

Hàng rau tại chợ Văn Chương mở bán từ sáng sớm, giá không tăng nhiều so với ngày thường. 

Do đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan kịp thời hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, hộ nghèo, gia đình chính sách; kịp thời cung cấp lương thực, thực phẩm và những vật dụng thiết yếu khác khi cần thiết; quyết tâm không để người dân nào bị đói, bị rét, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Giao Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành duy trì nguồn cung hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng hoặc tăng giá đột biến, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, thuốc men, vật tư y tế phục vụ cấp cứu, chữa bệnh; chủ động triển khai lực lượng và phương án phòng, chống mưa, lũ; bảo vệ an toàn vững chắc các tuyến đê, các hồ, đập trên địa bàn...

Bắc Giang: Sẽ không xảy ra thiếu lương thực, hàng hoá, kể cả ở khu vực bị cô lập

Tại Bắc Giang, do ảnh hưởng của bão số 3, đến 13 giờ ngày 8/9/2024, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Động bị chia cắt do nước lũ dâng cao.

Lãnh đạo tỉnh và đại diện các sở, ngành đã đi kiểm tra thực tế và có các chỉ đạo. Theo đó, vướng mắc hiện nay chủ yếu là ngập một số tuyến đường giao thông, mất điện. Do là huyện miền núi, làm nông lâm nghiệp nên lương thực, thực phẩm người dẫn cũng có sự chủ động dự trữ; trong một vài ngày.

Sáng 9.9, nhiều đường chính ở huyện Lục Nam, Bắc Giang bị ngập sâu, người dân vẫn chưa thể ra khỏi nhà, công tác hỗ trợ sau bão số 3 gặp nhiều khó khăn. 

Hoạt động cung ứng hàng hóa được đảm bảo, diễn ra bình thường, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá; các cửa hàng xăng dầu vẫn cung cấp hàng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp và công tác khắc phục sau bão số 3.

Chính quyền cấp xã thường xuyên nắm bắt tình hình, sẽ có sự hỗ trợ lương thực thực phẩm của người dân trong bản, làng và chính quyền cơ sở (nếu cần); người dân trong khu vực bị cô lập sẽ không xảy ra thiếu hàng hóa, lương thực, thực phẩm./.

 

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top