Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 31 tháng 5 năm 2024 | 18:50

Để an toàn thực phẩm không còn là vấn đề “nóng”

Mặc dù, tháng an toàn về thực phẩm đã kết thúc, tuy nhiên, những vụ việc mất an toàn về thực phẩm xảy ra và những vụ vi phạm về an toàn thực phẩm bị các cơ quan chức năng xử lý, vẫn là những vấn đề “nóng” cho cả xã hội. Vì thế, để ATTP không còn là vấn đề "nóng" phải quản lý từ gốc.

Phát hiện xử lý nhiều vụ vi phạm trong “Tháng an toàn thực phẩm”

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4 – 15/5), lực lượng chức năng đã thanh, kiểm tra gần 10.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm tại Thủ đô, phát hiện 1.533 cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, xử phạt gần 4,5 tỷ đồng.

Kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại Hà Nội của các lực lượng chức năng

Các vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội chủ yếu là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; không xuất trình được Giấy phép kinh doanh; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; quá trình chế biến không tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm;

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với ngành Công Thương, Nông nghiệp giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định.

Một trong những khó khăn trong công tác quản lý về ATTP, đó là số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tương đối lớn nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm ở tuyến phường đều kiêm nhiệm (lĩnh vực công thương, nông nghiệp), thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên hạn chế trong hoạt động kiểm tra, giám sát.

Bên cạnh đó các đối tượng kinh doanh vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lại  hoạt động chủ yếu vào ban đêm và rạng sáng, thường xuyên thay đổi tuyến đường, thời gian, địa điểm tập kết hàng, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đa số quy mô nhỏ lẻ, mang tính chất hộ gia đình, phân bố rải rác trong các khu dân cư và trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong khi đó, nhận thức của người trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh còn hạn chế đã gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Số người bị ngộ độc thực phẩm vẫn tăng

Theo Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), tiến sĩ Nguyễn Hùng Long cho biết, 5 tháng đầu năm nay, cả nước ghi nhận 36 vụ NĐTP với hơn 2,1 ngàn người mắc, giảm 4 vụ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại tăng hơn 1 ngàn người mắc. Vụ ngộ độc khiến nhiều người mắc nhất xảy ra tại thành phố Long Khánh với 547 người.

Nguyên nhân gây ra các vụ NĐTP liên quan đến vi sinh vật, hóa chất, do độc tố tự nhiên hoặc không xác định được nguyên nhân. Vụ ngộ độc ở thành phố Long Khánh là do vi sinh vật Salmonella có trong thịt heo đã qua chế biến, chả lụa.

Lãnh đạo Cục ATTP cho rằng, NĐTP là sự cố khó tránh khỏi. Tuy nhiên, ngoài nguyên nhân khách quan như thời tiết nóng ẩm phù hợp cho vi sinh vật phát triển, nhất là trong các sản phẩm có nguồn gốc động vật, có cả nguyên nhân chủ quan. Đó là sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các cấp, nhất là tuyến cơ sở chưa tốt. Quy định của pháp luật đã nêu rõ các cơ sở kinh doanh thực phẩm phải lưu mẫu thực phẩm và kiểm định nhưng nhiều cơ sở không thực hiện. Có quy định phải kiểm soát thực phẩm đầu vào nhưng nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, không đảm bảo điều kiện ATTP nhưng vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thậm chí, có những cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP về kinh doanh các sản phẩm nông sản nhưng lại thu gom nguyên liệu trôi nổi ngoài thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm soát ATTP. Hoặc có những cơ sở kinh doanh thịt gia súc, gia cầm ký hợp đồng giết mổ với lò mổ có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y nhưng thực tế không thực hiện hoặc chỉ thực hiện giết mổ một phần nhỏ trong tổng số lượng cung cấp cho các bếp ăn tập thể.

Cần có biện pháp quản lý “chặt từ gốc”

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc kiểm soát ATTP là mối quan tâm của toàn xã hội. Tuy vậy, để thực phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo an toàn cần có sự chung tay của nhiều bên, trong đó quan trọng nhất là phải quản chặt từ gốc.

Phải quản lý chặt từ gốc các nguồn thực phẩm cung cấp cho thị trường

Liên quan đến vấn đề này, nhiều địa phương lớn, nhất là TPHCM đã và đang rốt ráo thực hiện kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa. Đồng thời, phối hợp kiểm soát chất lượng hàng hóa với các hệ thống phân phối lớn nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, giúp bảo vệ sức khỏe và lợi ích người tiêu dùng. “Giải pháp chính của chương trình là gia tăng hiệu lực chế tài đối với sản phẩm không đạt chất lượng thông qua việc cùng chia sẻ thông tin, hành động, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) Bùi Công Thản, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về yêu cầu sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; đề nghị các sở, ngành thành phố tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho lãnh đạo, cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm và chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc cả 3 lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, công thương. Ngoài ra, thành phố hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị, dụng cụ xét nghiệm nhanh đánh giá chất lượng thực phẩm để phục vụ công tác thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm.

Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, ngành Y tế tiếp tục phối hợp với ngành Công Thương, Nông nghiệp giám sát, phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn; cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định. Trong quá trình kiểm tra, các địa phương cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại labo để đánh giá chất lượng thực phẩm, từ đó sớm đưa ra cảnh báo đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các địa phương tiếp tục kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra định kỳ và đột xuất, đặc biệt đẩy mạnh quản lý, kiểm tra an toàn thực phẩm thức ăn đường phố, các hộ kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, bếp ăn trường học, bếp ăn khu công nghiệp… để ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Muốn không còn xảy ra những vụ ngộc độc trong thời gian vừa qua, chúng ta cần phải quản lý thật chặt chẽ từ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, nơi sản xuất, hệ thống phân phối…để khi có sự việc xảy ra, chúng ta có thể kiểm tra và xử lý đúng các khâu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm trước khi tiêu thụ

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top