Thời gian qua, có nhiều tổ chức cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học... Điều đáng nói là những sản phẩm này đều không đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng rất cao.
Nhiều sữa bột không đảm bảo chất lượng
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) đã chủ động xác lập nhiều chuyên án đấu tranh. Mới đây, cơ quan này đã khởi tố 2 vụ án hình sự để điều tra làm rõ hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là thực phẩm đối với 2 doanh nghiệp sản xuất sữa bột, có trụ sở tại huyện Quốc Oai, Hà Nội. Bước đầu cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn sản xuất sữa giả của những người liên quan.
Một xưởng sản xuất sữa giả tại Bình Dương (Ảnh: C.A.).
Hai doanh nghiệp này tự công bố sản phẩm để sản xuất các loại sữa, nhưng 2 công ty không thực hiện đúng các quy trình sản xuất, nên chất lượng sản phẩm đạt dưới 70% so với công bố.
Theo quy định, với kết quả kiểm nghiệm không đạt 70% chất lượng như đã công bố, nghĩa là doanh nghiệp đã sản xuất sữa giả về chất lượng.
Theo lãnh đạo C05 - Bộ Công an cho biết, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã lợi dụng những đổi mới trên để hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật về ATTP, đáng chú ý là vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột như: Sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng y học...
"Các hành vi vi phạm chủ yếu là sản xuất hàng giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, giả về chất lượng, công dụng, giá trị sử dụng của sản phẩm; hàng hóa không có các chỉ tiêu chất lượng, định lượng chất chính, công dụng của hàng hóa hoặc chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký...", Phó cục trưởng C05 nói.
Đáng chú ý, một số sản phẩm sữa bột tự công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, cơ xương khớp, tăng cường sinh lý cho nam giới nhưng qua đấu tranh phát hiện các đối tượng tự ý thay thế bằng các nguyên liệu giá rẻ, có tác dụng "ngược", hoặc kiểm nghiệm không phát hiện các thành phần như hồ sơ đăng ký công bố/tự công bố
Hoặc sai lệch về sữa công thức, trong đó "thường có các tuyên bố không có cơ sở khoa học như sữa công thức có thể giúp trẻ phát triển chiều cao, cân nặng hoặc trí não" làm ảnh hưởng đến thái độ của bà mẹ, người tiếp xúc.
Từ tháng 1/2023 đến nay, công an các địa phương đã đấu tranh, khám phá, xử lý 86 vụ vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bột, khởi tố 5 vụ, 11 bị can, xử lý hành chính 81 vụ với 88 tổ chức và cá nhân vi phạm.
Theo lãnh đạo C05, mô hình quản lý nhà nước về ATTP hiện nay dù đã thu gọn giao cho 3 Bộ quản lý nhưng thực tế lại giao cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau thực hiện. Tại địa phương, mô hình quản lý ATTP không giống nhau, làm công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến cơ sở không được thống nhất, còn phân tán, không được liên thông.
Sự nguy hại của sữa bột kém chất lượng đối với sức khỏe
Sữa bột là loại mặt hàng thiết yếu đối với đông đảo người tiêu dùng. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng sữa bột giả, kém chất lượng đang trở lên nhức nhối, với việc mua phải các loại sữa bột kém chất lượng này, quyền lợi của người tiêu dùng đã bị xâm phạm nghiêm trọng.
Theo thống kê, trên thị trường sữa ở Việt Nam hiện đang có khoảng 500 loại sữa với nhiều thương hiệu, chủng loại. Sữa bột được sử dụng cho nhiều nhóm đối tượng từ người lớn tuổi, phụ nữ có thai, người bệnh hay các em nhỏ ở các độ tuổi khác nhau. Vì vậy, thông tin về các cơ sở sản xuất sữa bột kém chất lượng luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng là điều dễ hiểu.
Công thức sản xuất sữa bột giả gồm đường lạt, đường ngọt, bột sữa, chất tạo béo và thêm chút hương liệu, tất cả đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau khi cho máy trộn đều, các nhân công đóng vào lon, dán nhãn hiệu do chủ đặt in. Tất cả các loại sữa bột dành cho mọi đối tượng từ trẻ em, bà bầu đến người già đều chỉ áp dụng một công thức, thành phần chất bổ ghi trên nhãn đều được sao chép từ các hộp sữa ngoại.
Không chỉ thiệt hại về quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng cũng bị đe dọa nếu sử dụng các sản phẩm sữa bột kém chất lượng. Bởi theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, với đặc điểm của một loại thực phẩm đặc biệt, việc sử dụng các loại sữa bột kém chất lượng sẽ gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là trẻ em và người lớn tuổi, người có bệnh nền, những người có sức đề kháng thấp. Trước hết, với nguyên liệu và quy trình sản xuất không đảm bảo, các sản phẩm sữa bột kém chất lượng sẽ có nguy cơ cao bị vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập; trực tiếp đe dọa sức khỏe của người dùng. Việc sử dụng sữa bột kém chất lượng, tùy vào trường hợp cụ thể có thể khiến người uống nhẹ thì đau bụng, buồn nôn, nặng hơn là tiêu chảy, ngộ độc, thậm chí gây liệt cơ, ảnh hưởng hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho tính mạng, nhất là các em nhỏ cơ thể còn non yếu và sức để kháng kém. Với trẻ sơ sinh, việc sử dụng sữa bột kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch; lâu dài còn dẫn đến suy gan, suy thận, suy hô hấp...
Cần chế tài mạnh để xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh sữa bột giả
Lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường nhận định, để ngăn chặn sữa "giả", ngoài công tác điều tra, xử lý hình sự của cơ quan công an, cần thêm ý thức chấp hành pháp luật và lương tâm của chính các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất đồ ăn thức uống, nếu họ chỉ coi "khách hàng là thượng đế" thì chưa đủ, mà phải coi khách hàng như những người thân yêu trong gia đình.
Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ chế quản lý nhà nước về ATTP từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" có nhiều bất cập. Việc "hậu kiểm" của cơ quan chức năng hiện còn rất hạn chế, không có hiệu quả, không quy định tần suất, hình thức, nội dung hậu kiểm, do đó cần đổi mới công tác “hậu kiểm” sao cho phù hợp để nâng cao chất lượng và hiệu quả cao.
Hàng năm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm có tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa bột thông báo trước nên cũng chỉ phát hiện các vi phạm hành chính về điều kiện đảm bảo an toàn với mức xử phạt rất thấp; việc lấy mẫu kiểm soát chất lượng còn hạn chế, không kiểm nghiệm hết các chỉ tiêu công bố nên không xử lý về hành vi sản xuất hàng giả.
Bên cạnh đó lãnh đạo một số đơn vị, địa phương thuộc các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng còn tâm lý e ngại khi tiếp nhận, xử lý các vụ việc có dấu hiệu không đảm bảo ATTP, sản xuất, buôn bán hàng giả trong sản xuất, kinh doanh sữa dạng bột.
Buông tiền kiểm, lỏng hậu kiểm, nên nếu cơ quan điều tra không phát hiện, hàng nghìn hộp sữa kém chất lượng từ các dây chuyền này vẫn ung dung bán ra thị trường. Để tiêu thụ được nhiều sữa kém chất lượng, các đối tượng đã dùng nhiều chiêu trò quảng cáo sản phẩm như thuê người nổi tiếng, tổ chức tour du lịch 0 đồng lừa người tham gia mua sữa…
"Chúng tôi đã kêu gọi các hội viên động viên nhau tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời phát hiện những sản phẩm, doanh nghiệp có sản phẩm nghi ngờ vi phạm phản ánh đến hiệp hội. Hiệp hội sẽ là cầu nối phản ánh tới các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường", bà Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho hay.
Để ngăn chặn sữa "giả", ngoài công tác điều tra, xử lý hình sự của cơ quan công an, cần thêm ý thức chấp hành pháp luật và lương tâm của chính các doanh nghiệp.