Trong thời gian vừa qua, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, mới đây nhất là Vĩnh Phúc, khiến nhiều người phải nhập viện. Để giải quyết triệt để tận gốc vấn đề an toàn thực phẩm này, không thể chỉ có 3 cơ quan quản lý Nhà nước, mà của tất cả chúng ta.
Ngộc độc thực phẩm xảy ra liên tục trong tháng an toàn thực phẩm
Mới đây nhất tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc sau bữa ăn trưa ngày 14/5, hàng trăm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Shinwon Ebenezer Việt Nam, có biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, phải nhập viện cấp cứu.
Hơn 300 công nhân ở Vĩnh Phúc nghi bị ngộ độc sau bữa ăn trưa (Ảnh: báo Vĩnh Phúc)
Theo báo cáo từ các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc, Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tổ chức cho hơn 3.200 công nhân ăn trưa thành 2 ca. Suất ăn do Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam tự nấu gồm có: gà xào, súp lơ xanh, canh đỗ xanh, dưa muối.
Trước đó vào tối ngày 12/5 tại nhà hàng Hồng Vinh, Công ty Du lịch Viettravel tổ chức ăn cho đoàn khách 750 người, trong đó có 51 khách du lịch bị ngộ độc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, theo yêu cầu của Công ty Du lịch Viettravel, nhà hàng Hồng Vinh đã chủ động gửi mẫu thực phẩm đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bình Thuận đề nghị thẩm định, làm rõ nguyên nhân.
Ngày 1/5 đã có 568 người bị ngộ độc khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì Cô Băng (đường Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, TP. Long Khánh). Theo điều tra của các cơ quan chức năng, tiệm bánh mì Cô Băng bán bánh mì thịt, gồm bánh mì, pa-tê tự làm từ gan heo và thịt mỡ, chả lụa, thịt nguội; thịt heo, dưa muối chua tự làm (cà rốt, củ cải trắng), nước sốt tự làm (gồm nước hầm thịt heo, hạt nêm, bột ngọt, nước tương). Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà. Tiệm bán từ 6 - 9 giờ và 15 - 19 giờ, mỗi ngày bán từ 500 - 1.000 ổ bánh mì.
Qua kiểm tra, tiệm bánh mì này không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Hay vào sáng ngày 2/5, có 15 học sinh từ 7 đến 11 tuổi đang học tại 4 trường tiểu học ở TP. Thủ Đức nhập viện với biểu hiện bị ngộ độc. Các trường có trẻ nhập viện gồm: Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi (8 trẻ), Trường Tiểu học Bình Trưng Đông (5 trẻ), Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (1 trẻ) và Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (1 trẻ).
Theo đó nhóm 15 trẻ nêu trên đã được phụ huynh cho ăn sáng với món cơm cuộn bán trước cổng trường. Sau khi ăn khoảng 2 đến 3 giờ, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn ói, đau bụng, chóng mặt, mệt mỏi, một số bé bị tiêu chảy.
Ngày 8/5, Bệnh viện Đa khoa Khu vực Thủ Đức tiếp nhận 19 sinh viên ở tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Trước khi phải nhập viện, các sinh viên ăn cơm tại căng tin ký túc xá Đại học Quốc gia TPHCM.
Có lẽ chưa năm nào mà trong tháng an toàn thực phẩm lại xảy ra ngộc độc thực phẩm tập thể, nhiều và liên tiếp như năm nay. Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm đã được các cơ quan chuyên môn chỉ ra, do nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo, do trong quá trình chế biến không bảo đảm đúng nguyên tắc, do thời tiết làm cho vi khuẩn có điều kiện phát triển…Nhưng có lẽ còn một nguyên nhân rất quan trọng nữa là sự phối kết hợp của các ngành còn thiếu chặt chẽ, ý thức của người dân chưa cao.
Phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành
Trả lời báo chí ngày 15/5 về vấn đề an toàn thực phẩm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tỏ ra quan ngại trước nhiều vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp xảy ra thời gian qua, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể và cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên
Theo ông, hiện nay, theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15 của Chính phủ, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và Bộ Y tế, ngoài ra còn là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Nhưng từ vụ việc hơn 300 người ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm Băng (đường Trần Quang Diệu, phường Xuân Bình, tỉnh Đồng Nai). Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Đồng Nai) đánh giá pháp lý, tại thời điểm kiểm tra, tiệm bánh mì không có giấy phép kinh doanh tại địa chỉ khu phố 2, phường Xuân Bình, TP Long Khánh, thì thấy rằng sự phối hợp các ngành còn thiếu chặt chẽ.
Theo Thứ trưởng Bộ Y Tế Đỗ Xuân Tuyên, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cấp các ngành, vì liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm không chỉ của riêng ngành Y tế, mà các cấp các ngành cần phải vào cuộc. "Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Bộ Y tế, các bộ ngành đã có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn. Các địa phương cần vào cuộc kiểm tra, giám sát để các cơ sở thực hiện cho tốt"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Bên cạnh xử lý kịp thời mỗi vụ việc, các cơ quan chức năng phải có những giải pháp tổng thể nhằm phòng ngừa, hạn chế ngộ độc thực phẩm. Chính quyền từng địa phương cần có kế hoạch và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình địa bàn; đặc biệt tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ở đó người đứng đầu các cấp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm...
Cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, để làm tốt công tác an toàn thực phẩm, thứ nhất, ngoài việc tổ chức triển khai tốt luật An toàn thực phẩm, nghị định 15, các văn bản hướng dẫn, chúng ta phải làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức.
Xử lý nghiêm những quán ăn đường phố không đảm bảo ATVSTP
Trong đó, trước hết là nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo. Bên cạnh đó, không kém phần quan trọng là nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe cho mình, cho cộng đồng.
Cơ bản nhất là truyền thông làm sao nâng cao ý thức của người dân, ăn chín uống sôi hạn chế tối đa mua các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không sử dụng thức ăn đường phố chưa đảm bảo vệ sinh. Vấn đề ý thức rất quan trọng. Nếu chúng ta triển khai đồng bộ 3 giải pháp thì vấn đề an toàn thực phẩm từng bước được cải thiện", Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Giáo dục để nâng cao ý thức cho người dân không mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không mua và sử dụng thức ăn đường phố không được che đậy, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là đối với cha mẹ đang có con trong độ tuổi cắp sách đến trường, tuyệt đối không cho tiền, mua đồ thức ăn được bày bán công khai tại cồng trường mà không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với đó, các cấp các ngành cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là đối với bếp ăn tập thể, cơ sở thức ăn đường phố. Đồng thời cũng cần phải có những biện pháp và chế tài mạnh để xử lý các cơ sở kinh doanh, các đơn vị cung cấp thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy chúng ta mới có thể ngăn chặn và sẽ không có nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra nhiều như trong thời gian vừa qua.
Theo TC Gia đình; Tuổi trẻ Online; Lao động điện tử