Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 9 năm 2023 | 15:3

“An toàn thực phẩm vì sự phát triển” cần cả xã hội vào cuộc

Hiện nay, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội và Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”. Nhưng, để thành công phải cần ý thức về an toàn thực phẩm từ những cơ sở, trang trại trồng rau và của toàn xã hội.

“An toàn thực phẩm” niềm mong mỏi của người tiêu dùng

Hiện nay nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch đối với người dân là rất lớn, hầu hết các gia đình khi đi chợ để mua thực phẩm dùng cho nhu cầu bữa ăn hàng ngày, đều mong muốn được mua thực phẩm sạch, từ mớ rau, con cá, thịt động vật. Nhưng chỉ nghe người bán hàng nói cũng chưa thực sự làm người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng. Vì thế người tiêu dùng chỉ biết mua chứ không dám khẳng định thực phẩm đó có đúng “sạch” như người bán nói hay không? thậm chí đến ngay cả vào siêu thị cũng còn phát hiện thực phẩm không có nguồn gốc rõ ràng. Bởi các vụ việc kiểm tra về an toàn thực phẩm của các cơ quan chức năng được báo chí đăng tải nhiều không thể nói hết.

Được dùng các loại thực phẩm sạch là mong muốn của người tiêu dùng.

Theo kết quả điều tra về xu hướng tiêu dùng năm 2023, thị trường hàng tiêu dùng nước ta đang dần phát triển về chiều sâu, khách hàng đang yêu cầu ngày càng cao về trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc minh bạch thông tin, chất lượng sản phẩm được công bố đầy đủ trên sản phẩm.

Đa số khách hàng ưu tiên lựa chọn sản phẩm minh bạch thông tin, truy xuất được nguồn gốc, thành phần, hàm lượng dưỡng chất phải được công bố đầy đủ và in rõ ràng trên bao bì. Chia sẻ của một số người tiêu dùng tại Hà Nội:

"Thực phẩm ở trong siêu thị được dán nhãn mác rõ nguồn gốc xuất xứ thì yên tâm hơn. Cả gia đình ai cũng quan tâm đến nơi sản xuất. Đối với những nhà sản xuất thì gia đình thấy nơi người ta cung cấp có uy tín là lúc nào mình cũng chọn người ta đầu tiên".

"Tôi cũng như bao người dân khác, muốn rằng mình được tiêu dùng sản phẩm sạch sẽ. Mong muốn rằng những người cung cấp cho mình những sản phẩm tiêu dùng đảm bảo sức khỏe của mình và gia đình nhà mình."

Bà Trần Thị Dung - Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Người tiêu dùng có quyền đòi hỏi sự minh bạch của các nhà sản xuất thực phẩm và tôi nghĩ là quyền chính đáng của người tiêu dùng. Hiện nay Nhà nước đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng thì chuyện mà yêu cầu minh bạch các thông tin từ sử dụng nguồn nguyên liệu gì, ở đâu, như thế nào và quá trình sản xuất, chế biến làm sao thì tôi nghĩ là phải công bằng."

Từ những nhu cầu mong muốn của người tiêu dùng, được sử dụng thực phẩm sạch trong thời gian qua. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội và Dự án “An toàn thực phẩm  vì sự phát triển (Dự án), hiện nay  đang tích cực triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh áp dụng các tiêu chuẩn, tiêu chí của Dự án.

Nhưng muốn Dự án này thành công, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho biết: “Để Dự án thành công, chúng ta không chỉ nói mà phải bắt tay vào làm ngay, bắt đầu từ cơ sở, từ ý thức trách nhiệm của từng tác nhân”.

Nỗ lực, ý thức của các tác nhân   

Dự án đã lựa chọn các tác nhân gồm: Hợp tác xã (HTX) sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm); chuỗi sản xuất và tiêu thụ thực phẩm A - Z của HTX Hoàng Long (huyện Thanh Oai); chợ Văn Đức (huyện Gia Lâm); chợ Kim Quan, chợ Thượng Thanh (quận Long Biên). Ngoài hỗ trợ một số trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm soát và cải thiện an toàn thực phẩm, các HTX điều hành sản xuất được hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng bộ quy chế và thành lập nhóm giám sát cộng đồng với thành phần là các nông dân giỏi nhằm giám sát, quản lý, hướng dẫn các hộ nông dân sản xuất, sơ chế an toàn, đúng với các quy định của hệ thống quản lý chất lượng theo chuẩn quốc tế.

Các cơ sở sản xuất rau phải nỗ lực để cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch

Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức Nguyễn Văn Minh cho biết, hiện nay, HTX đã bắt tay vào thực hiện các tiêu chí sản xuất theo yêu cầu của Dự án và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các thành viên HTX; ông Minh đánh giá, đây là dự án mang lại tính cộng đồng cao, góp phần thay đổi nhận thức của người sản xuất, cải thiện môi trường, giảm tác tại do ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, dự án cũng được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng sức cạnh canh trên thị trường, từ đó đem lại nguồn thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Điểm khác biệt trong hoạt động triển khai của Dự án đó là có sự tham gia của toàn bộ hệ sinh thái cộng đồng bao gồm các trường mầm non, Tiểu học, THCS; Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Tổ dân phố, Ban quản lý chợ… nơi dự án được triển khai. Các nội dung hỗ trợ được triển khai qua 3 giai đoạn: giai đoạn 1, hỗ trợ nâng cấp chuỗi giá trị; giai đoạn 2, hỗ trợ và kiểm chứng mô hình; giai đoạn 3, tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình. Thời gian hỗ trợ của dự án dự kiến kéo dài đến năm 2025.

Cả xã hội phải vào cuộc

Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển” được Chính phủ Canada tài trợ, trong đó Hà Nội là 1 trong 2 thành phố được thực hiện. Hiện nay, toàn thành phố vẫn còn 7.000ha chưa được chứng nhận đủ điều kiện an toàn, với khoảng 120.000 hộ sản xuất rau. Việc liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, nông dân còn thiếu chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa các bên khiến hợp đồng tiêu thụ nông sản thường bị phá vỡ. Đặc biệt, các vùng rau an toàn Hà Nội đang gặp những hạn chế nhất định như: tỷ lệ tiêu thụ thông qua hợp đồng với HTX, doanh nghiệp còn rất ít, chủ yếu là qua kênh bán buôn tại các chợ đầu mối; việc đầu tư cơ sở hạ tầng của các tác nhân trực tiếp tham gia liên kết chưa được quan tâm đúng mức; nhiều vùng chưa có khu chế biến rau an toàn riêng, chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc. Việc tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp.

HTX Sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức đang triển khai Dự án An toàn thực phẩm vì sự phát triển

Mặc dù quyết tâm cao, vào cuộc nhanh chóng nhưng các tác nhân chuỗi rau, thịt vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi, nếu sản xuất bảo đảm theo các tiêu chí của Dự án thì giá thành phải cao hơn, khó cạnh tranh đối với các thị trường “truyền thống”. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghệ thông tin ở các HTX còn hạn chế, thiết bị sơ chế, chế biến chưa đầy đủ và còn nhiều mặt yếu kém. Một số tác nhân cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ cho hợp tác xã về xây dựng hệ thống số hóa quản lý kế hoạch sản xuất, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cùng với đồng bộ hóa trang thiết bị để bảo đảm ATTP.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào thực hiện nhiệm vụ ATTP là rất cần thiết, tránh được hiện tượng trên “nóng”, dưới không “nóng”. Việc bảo đảm ATTP là hướng tới thực hiện mục tiêu kép, đó là bảo đảm sức khỏe người dân và phát triển bền vững.

Nhu cầu được sử dụng thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ của người tiêu dùng, luôn luôn là một trong những đòi hỏi tất yếu. Vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của từng thanh viên trogn gia đình cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên nếu nhu cầu thật sự đó không được các cơ sở sản xuất rau, các cơ sở chăn nuôi, các cơ sở giết mổ có ý thức và trách nhiệm. Các cơ quan chức năng không kiểm tra xử lý thường xuyên, thì niềm mong mỏi đó khó thành hiện thực. Dù có nhiều dự án, nhiều chính phủ tài trợ thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm, sức khỏe của người dân luôn bị đe dọa là điều khó tránh khỏi.

 

Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top