Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 2023 | 20:14

Ban hành quy định chặn thu hoạch sầu riêng non

Thu hoạch non, quả chưa đủ độ chín sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín sầu riêng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Tình trạng cắt non sầu riêng đem bán không phải mới xảy ra gần đây mà đã được báo chí phản ánh từ lâu. Đến năm 2022, khi sầu riêng Việt Nam (VN) được Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch, nhu cầu và giá cả cao hơn nên tình trạng này lại tái diễn, gây nhức nhối. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT vừa ban hành quy trình kỹ thuật về việc cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng.

Sầu riêng hiện là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng rau quả, vì vậy cần có các giải pháp để bảo vệ ngành hàng này phát triển bền vững. Ảnh: THU HÀ

Tạo uy tín, nâng tầm vị thế của sầu riêng VN

Thời gian vừa qua, một số công ty xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, Nhật Bản phản ánh về việc họ mua các lô hàng sầu riêng tươi nhập khẩu từ VN để đưa vào bán tại các cửa hàng bán lẻ. Nhưng khi mở bán cho khách hàng thì phát hiện chất lượng sầu riêng không đảm bảo, có trái thì thối hỏng, trái thì múi bị sống sượng vì bị cắt non, không thể chín.

Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, cho biết cơ quan này vừa ký ban hành quy trình tạm thời về kỹ thuật cắt tỉa hoa, quả và thu hoạch sầu riêng. Quy trình này trước tiên áp dụng cho hai giống sầu riêng chủ lực, phổ biến ở nước ta là Ri6 và Dona tại các tỉnh, TP phía Nam và nơi khác có điều kiện tương tự.

Cục trưởng Cục Trồng trọt nhấn mạnh sầu riêng đã và đang là sản phẩm hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao nhất trong ngành hàng rau quả, hiện đạt trên 1,5 tỉ USD chỉ tính từ đầu năm đến nay. Diện tích sầu riêng nước ta gần đây tăng trưởng nhanh, đạt trên 120.000 ha, trải rộng khắp các tỉnh ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ.

“Để phát triển sầu riêng hiệu quả, bền vững cần quan tâm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường xuất khẩu, tạo sức cạnh tranh về thị phần. Cùng với năng suất thì chất lượng quả có vai trò quan trọng, trong đó hiện tượng thu hoạch non, quả chưa đủ độ chín sẽ gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín của sầu riêng VN. Đó chính là lý do Cục Trồng trọt ban hành quy trình này” - ông Cường nhấn mạnh.

Theo đó, trong quy trình kỹ thuật này đưa ra các hướng dẫn cụ thể về quá trình sản xuất sầu riêng sao cho đảm bảo chất lượng cao nhất. Trong đó bao gồm từ khâu thụ phấn bổ sung, tỉa hoa, tỉa quả, cách khắc phục hiện tượng sượng cơm, cháy múi cho đến khi thu hoạch, phân loại, bảo quản.

Đơn cử như ở khâu thu hoạch, quy trình hướng dẫn cách thu hoạch sầu riêng đúng thời điểm, không thu non hoặc để quá muộn bị rụng, ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả khi xuất bán. Chẳng hạn, với sầu riêng Ri6 thì thu hoạch 85-100 ngày sau khi nở hoa; sầu riêng Dona thu hoạch 110-130 ngày sau khi nở hoa. Ngoài ra, có thể dựa vào các thông tin khác như khi đầu gai của quả có khoảng 3 mm chuyển sang màu vàng nâu, quan sát tầng rời trên cuống phát triển rõ ràng, phình ra rõ hơn; cuống quả ít cứng hơn, dẻo hơn; khi gõ vào quả phát ra tiếng kêu vang rỗng…

“Với quy trình được ban hành, sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương, nhà vườn và DN sẽ góp phần nâng cao chất lượng quả sầu riêng và đưa sầu riêng VN đảm bảo chất lượng, góp phần tạo uy tín, nâng tầm vị thế của sầu riêng VN” - Cục trưởng Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.

Quy trình là cần nhưng chưa đủ

Việc ban hành quy trình kỹ thuật về thu hoạch sầu riêng được Bộ NN&PTNT kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng cắt non sầu riêng đem bán, ảnh hưởng đến thương hiệu sầu riêng VN. Thế nhưng, lãnh đạo Cục Trồng trọt chia sẻ rằng sau khi ban hành, quy trình này chỉ mang tính chất khuyến cáo, hướng dẫn, không có chế tài và không có tính bắt buộc thực hiện.

Với đa số nông dân chân chính, đây sẽ là một tài liệu rất bổ ích và cần thiết trong quá trình sản xuất, xuất khẩu sầu riêng. Nhưng với những người cố tình cắt non sầu riêng nhằm hưởng lợi giá cao trước mắt thì gần như không có nhiều tác dụng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả VN, bày tỏ nếu chỉ có quy trình kỹ thuật mang tính hướng dẫn, khuyến cáo mà không có chế tài thực hiện thì không có nhiều tác dụng. Thái Lan đã xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia cho sầu riêng. Cùng với tiêu chuẩn, họ có các biện pháp chế tài, xử phạt nếu cố tình cắt non sầu riêng hoặc thu hoạch sầu riêng đem bán khi chưa đạt chất lượng như quy định.

Nghĩa là Thái Lan vừa ban hành quy trình vừa ban hành luôn các biện pháp chế tài. Thậm chí nếu cố tình cắt non, người dân có thể bị truy tố hình sự. Còn ở VN, với quy trình như thế thì việc thực hiện sẽ còn “tùy hứng”.

Từ câu chuyện trên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN nhấn mạnh: “VN cần học kinh nghiệm của Thái Lan, tức cần phải xây dựng được một tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về trái sầu riêng. Dựa trên tiêu chuẩn, quy chuẩn đó đưa ra các chế tài, xử phạt thì mới ngăn chặn được tình trạng cắt non sầu riêng, vi phạm mã số vùng trồng, vi phạm mã số cơ sở đóng gói…”.

Ông Phạm Quốc Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch tỉnh Đắk Lắk, cũng cho rằng trước mắt cơ quan nhà nước cần phải tổng kết, đánh giá toàn diện những vấn đề phát sinh trong vụ sầu riêng vừa qua để đưa ra giải pháp căn cơ, với biện pháp đủ mạnh để nghiêm trị những việc làm sai trái như hái sầu riêng non. Đồng thời cần minh bạch thông tin thị trường, thông tin những doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hành vi gian dối, sai phạm.

“Tình trạng mua bán mã số vùng trồng là có nhưng thử hỏi cơ quan chức năng đã xử lý được tổ chức, cá nhân nào hay chưa?” - ông Dũng đặt câu hỏi.

Đã có tiêu chuẩn nhưng…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, VN đã có bộ tiêu chuẩn quốc gia về sầu riêng quả tươi là TCVN 10739:2015. Ví dụ về chất lượng trái sầu riêng, tiêu chuẩn này đưa ra yêu cầu tối thiểu: Sầu riêng quả tươi phải nguyên vẹn, không bị thối hỏng hoặc dập nát đến mức không phù hợp để sử dụng; khi chín không cho phép những bất thường của thịt quả như thịt quả bị sượng, bị nám, ruột quả chảy nước. Nếu có một hay nhiều hư hỏng thỉ tổng hư hỏng không quá 5% tỉ lệ ăn được của quả…

Tuy nhiên, hiện người dân rất khó tiếp cận được với các bản tiêu chuẩn này vì chỉ tìm thấy trên một số trang web có thu phí. Như vậy có thể thấy mặc dù tiêu chuẩn quốc gia về sầu riêng đã có nhưng thực tế triển khai và quá trình xử phạt các trường hợp vi phạm vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến những hệ lụy như đã phản ánh vừa qua.

 

https://plo.vn/ban-hanh-quy-dinh-chan-thu-hoach-sau-rieng-non-post759111.html

 

Theo plo.vn
Ý kiến bạn đọc
  • Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Bài 2: Sẽ cưỡng chế phần công trình vi phạm tại Sông Ba Farmstay

    Liên quan đến những vi phạm của Công ty CP truyền thông và du lịch Phú Yên tại khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm, mà Kinh tế nông thôn có bài phản ánh, ông Nguyễn Công Thành, Phó Chủ tịch UBND TP. Tuy Hoà (Phú Yên), khẳng định, sẽ cưỡng chế nếu khu du lịch nông nghiệp Sông Ba Farm không thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm theo quy định trong quý IV/2024.

  • Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chấn chỉnh việc nạo vét lòng hồ Khe Trầu

    Ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký văn bản chấn chỉnh thực hiện dự án nạo vét lòng hồ Khe Trầu (phường Trúc Lâm, TX Nghi Sơn), sau phản ánh của Tạp chí Kinh tế nông thôn.

  • Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Huyện Nông Cống yêu cầu dừng nuôi lợn tại trang trại tổng hợp ở xã Thăng Bình

    Liên quan đến trang trại tổng hợp gây ô nhiễm môi trường ở xã Thăng Bình, UBND huyện Nông Cống (Thanh Hoá) yêu cầu chủ trang trại dừng nuôi lợn, hoàn thiện hồ sơ cấp phép môi trường và hoàn thiện các hạng mục, công trình xây dựng phục vụ hoạt động sản xuất theo đúng quy định.

Top