Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 28 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 30 tháng 6 năm 2023 | 15:19

Báo chí tham gia phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật

Nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã vẫn luôn gia tăng hàng ngày, hàng giờ tại Việt Nam bởi "rủi ro thấp, lợi nhuận cao", bởi lợi nhuận mang lại từ hành vi trái pháp luật này là vô cùng lớn… vai trò của báo chí trong việc phòng, chống buôn bán động vật hoang dã.

Tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp

Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu sự đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Hơn 50.000 loài đã được xác định trong đó có 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 10.500 động vật trên cạn, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, cùng hơn 11.000 loài sinh vật biển. Đặc biệt tại môi trường rừng Việt Nam ghi nhận có hơn 11.400 loài thực vật bậc cao, 322 loài thú, 397 loài bò sát, 181 lưỡng cư, trên 900 loài chim, 120.000 loài côn trùng.

Nói về hiện trạng buôn bán động vật trái phép tại Việt Nam từ năm 2018 đến nay, TS. Vương Tiến Mạnh - Phó giám đốc CITES Việt Nam cho biết, đã xảy ra 50 vụ buôn vảy tê tê bị điều tra, xét xử, tịch thu 40 nghìn kg; 20 tấn ngà voi bị tịch thu. 53 đối tượng đã bị truy tố, xét xử liên quan đến tàng trữ, buôn bán, vận chuyển ngà voi với mức phạt trung bình 5,3 năm tù; tịch thu trên 500kg sừng tê giác, trong đó, đã xử phạt tù 26 đối tượng với mức tù trung bình 6,6 năm tù; mèo lớn châu Á với các vụ điển hình như: Bắt giữ 17 cá thể hổ nuôi nhốt trái phép ở Nghệ An tháng 2/2022, bắt giữ 3 đối tượng vận chuyển 01 cá thể hổ nặng 200kg ở Lai Châu tháng 3/2022, bắt 3 đối tượng vận chuyển 7 cá thể hổ con tại Hà Tĩnh tháng 8/2021. Tất cả các đối tượng vi phạm đều bị khởi tố hình sự.

"Rủi ro thấp, lợi nhuận cao" làm gia tăng việc buôn bán động vật hoang dã

Mặc dù, Việt Nam đã có hệ thống chính sách, văn bản quản lý động vật hoang dã, tuy nhiên, công tác bảo vệ và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã vẫn rất khó khăn. Theo TS. Vương Tiến Mạnh, năm 2020, Trung Quốc quyết định đóng cửa thị trường ngà voi nội địa, nhiều ngà voi được tuần vào nội địa Việt Nam để chế tác, bán cho khách du lịch quốc tế hoặc trong nước. Lợi nhuận trong buôn bán động vật khoang dã quá cao, trong khi cách tiếp cận vấn đề khác nhau giữa các cơ quan quản lý, thực thi, các tổ chức, thể chế không toàn diện.

Việt Nam nằm trong tuyến đường vận chuyển, trung chuyển động, thực vật hoang dã; biên giới mở, hội nhập; quy luật cung – cầu; ràng buộc bới các hiệp định song phương, đa phương; thách thức từ hoạt động của các tổ chức tội phạm liên biên giới; thách thức từ phương thức buôn bán trái phép động vật hoang dã nơi mạng xã hội; vấn đề truy xuất hàng hóa;…

Nói kỹ hơn về con số, ông Bùi Đông Phong - người có 17 năm 8 tháng làm tại Vườn Quốc gia Cúc Phương thông tin, buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật ước tính trị giá khoảng 20 tỷ USD mỗi năm, xếp thứ 4 sau buôn bán ma tuý, vũ khí và buôn người.

Tội phạm buôn bán động vật hoang dã là chủ thể khai thác toàn bộ chuỗi cung ứng, từ săn trộm và vận chuyển tới vận chuyển và buôn bán. Không dừng lại trong phạm vi việc buôn bán động vật hoang dã, những đối tượng này còn liên quan đến một loạt các hoạt động trái pháp luật khác như rửa tiền, tham nhũng và giả mạo giấy tờ.

Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã.

Nạn buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã như làm thực phẩm, ngâm rượu, thuốc đông y, thú cảnh, trang trí và làm món ăn đặc sản,… thể hiện đẳng cấp nào đó của một số người đã thúc đẩy hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã.

"Sự tham gia ngày càng nhiều của các mạng lưới có tổ chức xuyên quốc gia vào tội phạm môi trường có nghĩa là tội phạm có thể điều phối, trốn tránh và chuyển trọng tâm của chúng từ các hoạt động rủi ro cao như ma túy và buôn người sang động vật hoang dã, được coi là tội phạm có lợi nhuận cao, rủi ro thấp", vị chuyên gia chia sẻ.

Bất chấp những nỗ lực phối hợp nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã trong hai thập kỷ qua, Việt Nam vẫn là một trung tâm toàn cầu của nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã và vừa là một quốc gia cung và cầu chính.

Khi Việt Nam đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, nạn buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã có giá trị cao đã gia tăng. Không chỉ khai thác trong nước, buôn bán nội địa; động vật hoang dã còn bị buôn bán xuyên quốc gia từ quốc gia xuất xứ, trung chuyển và tiêu thụ cuối cùng.

Khẳng định vai trò của báo chí

Trong bài thuyết trình tại hội thảo do Vụ Báo chí, Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) tổ chức, bà Hoàng Bích Thủy, Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) đã nêu bật tính nghiêm trọng của tội phạm về động vật hoang dã (tàn phá cân bằng sinh thái, gây nạn tuyệt chủng trên toàn cầu; là tác nhân lây truyền bệnh dịch đe dọa sức khỏe con người; nguồn gốc dẫn tới nhiều loại tội phạm khác…).

Ở góc độ báo chí, các ý kiến thừa nhận cần sự chung tay hỗ trợ từ các cơ quan thông tấn báo chí trong việc nỗ lực giảm cầu dựa vào việc phổ biến các thông tin và bằng chứng khoa học về sự thật cái gọi là công dụng của động vật hoang dã (như việc mài sừng tê thực chất không giúp đàn ông tăng cường “sức mạnh” như đồn thổi).

Báo chí hỗ trợ Chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật trong việc nâng cao nhận thức về tính nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã, nhấn mạnh về hậu quả nghiêm trọng của tội phạm động vật hoang dã ảnh hưởng tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Khuyến khích các thành tựu và nỗ lực của Chính phủ, các cơ quan thực thi pháp luật trong phòng chống loại tội phạm này, phân tích vai trò của BLHS sửa đổi với các chế tài nghiêm khắc…

Bà Nguyễn Thuý Quỳnh - Giám đốc Truyền thông và Vận động Chính sách của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) chia sẻ, tổ chức đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc giám sát và thúc đẩy sự chuyển đổi của xã hội về nhận thức, hành vi, khung pháp luật,… về việc săn bắn, buôn bán trái phép động vật hoang dã trong suốt thời gian vừa qua.

Đại diện WWF đánh giá cao nỗ lực và những đóng góp của báo chí trong việc thay đổi nhận thức của người dân về săn bắt, nuôi nhốt và buôn bán động vật hoang dã.

Bà Quỳnh cho rằng, báo chí giúp người dân cải thiện hiểu biết về pháp luật, các cơ quan chức năng thực thi pháp luật được tốt hơn.

Đặc biệt, báo chí đã góp phần phản ánh thực trạng, giúp cơ quan chức năng có cơ sở để vào cuộc xử lý các vấn đề bất cập. Ngay sau những bài viết phản ánh các vấn đề nổi cộm, giúp Chính phủ tiếp cận với thông tin để đưa ra các Chỉ thị kịp thời, vận động chính sách.

Thể hiện vai trò của mình, báo chí đã nỗ lực thực hiện chuyền tải những chính sách, thông điệp tốt đẹp để đóng góp vào công tác bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của đất nước trong những năm qua.

Nhấn mạnh thêm, đại diện của WWF cho rằng để bảo vệ động vật hoang dã, ngoài những yêu cầu về mặt pháp lý thì công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng bậc nhất.

Theo đó, bà Quỳnh cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyên giáo; phát huy tốt vai trò, quyền hạn điều tra, tố cáo những việc làm trái pháp luật.

Hải quan Hải Phòng bắt giữ khoảng 7 tấn ngà voi nhập lậu

Qua đó, không chỉ giúp phản ánh các vấn đề về bảo vệ thiên nhiên mà thông qua tiếng nói của báo chí để định hướng, làm thay đổi nhận thức của xã hội, đồng thời tác động đến các cơ quan chức năng để có giải pháp, chế tài xử phạt triệt để đối với các đối tượng buôn bán động vật hoang dã.

PGS. TS Đinh Thị Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí khẳng định: “Thời gian qua, vị trí, vai trò của báo chí tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước. Trong đó có việc bảo tồn thiên nhiên, môi trường bằng các tuyến bài điều tra phanh phui những góc khuất về bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, động vật hoang dã…Tôi tin tưởng rằng, khóa đào tạo nghiệp vụ “Báo chí điều tra về tội phạm động vật hoang dã” do Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế tại Việt Nam sẽ cung cấp thêm những kỹ năng, kiến thức đặc trưng về đề tài này”.

Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Quản lý Chương trình Chống buôn bán các Loài hoang dã của WWF-Việt Nam chia sẻ: “Trong thời gian vừa qua, có rất nhiều loạt bài điều tra về tội phạm động vật hoang dã, đặc biệt của các nhà báo bảo tồn thiên nhiên, đã thu hút được sự quan tâm lớn của công chúng. Các bài báo này đã giúp các cơ quan chức năng có nhiều thông tin hiện trường đáng tin cậy để kịp thời vào cuộc xử lý hiệu quả các vi phạm theo quy định của pháp luật. Những nỗ lực không ngừng nghỉ và dấn thân của các nhóm phóng viên không chỉ tạo nên những tác động xã hội kể trên mà còn khởi tạo niềm tin cho công chúng về vai trò của chính họ, và là động lực cho những tổ chức bảo tồn chúng tôi”.

Mở rộng mạng lưới truyền thông

Mạng lưới phóng viên, nhà báo điều tra về phòng, chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật là một nhóm sinh hoạt chuyên môn tự nguyện, phi chính trị, phi lợi nhuận, tuân thủ các quy định về thành lập hội, nhóm của pháp luật Việt Nam.

Thành viên của mạng lưới bao gồm các nhà báo, phóng viên độc lập, có chuyên môn hoặc quan tâm về hoạt động điều tra, viết bài về nội dung chống buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Thông qua sự hỗ trợ về kỹ thuật từ “Dự án Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp” do USAID tài trợ, Mạng lưới sẽ là không gian, cầu nối để các nhà báo, phóng viên cùng chia sẻ thông tin, tăng cường năng lực, hỗ trợ và phối hợp thực hiện các hoạt động báo chí, truyền thông, góp phần ngăn chặn nạn buôn bán, tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật tại Việt Nam.

Mục đích của mạng lưới nhằm góp phần tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo tồn ĐVHD, lên án các hành vi trái pháp luật trong săn bắn, vận chuyển, buôn bán và sử dụng các phẩm ĐVHD.

Mục đích của Mạng lưới nhằm góp phần tăng cường vai trò của báo chí trong truyền thông nâng cao nhận thức toàn xã hội về bảo tồn ĐVHD.

Chia sẻ thông tin, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về khung pháp lý, chính sách về bảo tồn ĐVHD, cũng như kỹ năng điều tra, viết tin bài, tham gia phát hiện và theo sát việc xử lý các vụ vi phạm về ĐVHD của cơ quan chức năng. Qua đó, vận động sự ủng hộ, cam kết của lãnh đạo các cấp, các ban ngành trung ương và địa phương, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ ĐVHD trái pháp luật.

Đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực về báo chí, truyền thông nhằm tăng cường khai thác và đưa tin về nội dung buôn bán ĐVHD trái pháp luật.

Tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thu hút sự quan tâm của công chúng đối với các vụ án liên quan đến tội phạm ĐVHD thông qua hoạt động trao giải báo chí hàng năm.

Mạng lưới sẽ xây dựng một tài khoản trên Google drive để lưu trữ và chia sẻ các thông tin liên quan, các thành viên có thể truy cập và sử dụng.

Nhằm giúp Việt Nam nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã đang ngày càng nghiêm trọng hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và USAID Hoa Kỳ đã ký kết Dự án “Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp”. Dự án sẽ hỗ trợ cam kết của các nhà lãnh đạo trong Chính phủ, huy động sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và giảm nhu cầu và việc tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

Không có cầu sẽ không có cung, do dó, công tác tuyên truyền, truyền thông để người dân không sử dụng động vật hoang dã là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật. Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới nhà báo quan tâm và có kỹ năng điều tra về chủ đề buôn bán động vật hoang dã cũng sẽ là giải pháp.

 

Hữu Thắng - Tổng hợp
Ý kiến bạn đọc
Top